Hoa Kỳ trở thành « kẻ gây bất ổn » cho Trung Quốc trong những ngày gần đây. Bắc Kinh cáo buộc Tokyo và Washington « bóp méo sự thật » để bôi nhọ Trung Quốc thành một nước « hung hăng ». Hàng loạt sự kiện thắt chặt quan hệ với các nước trong khu vực được Hoa Kỳ tổ chức bị Trung Quốc coi là « mối đe dọa cho hòa bình và ổn định ở trong vùng ».
Đăng ngày: 12/04/2024
Trong vòng chưa đầy một tuần, Hoa Kỳ trở thành trung tâm và trung gian kết nối, tăng cường hợp tác với các đồng minh trong vùng. Mỹ tham gia hai cuộc tập trận đa phương với Philippines, Nhật và Úc ở Biển Đông ngày 07/04, tiếp theo là cuộc tập trận với Hàn Quốc và Nhật Bản ở biển Hoa Đông từ ngày 10-12/04, tất cả đều nhằm mục đích tăng cường « khả năng tác chiến » đối phó với « mọi tình huống hàng hải ». Hải quân Mỹ, Anh, Úc khẳng định sẽ tiếp tục các chuyến tuần tra trong tương lai.
Nhật và Philippines tham gia sâu hơn vào mạng lưới của Mỹ
Washington cũng thuyết phục Tokyo tham gia hợp tác với liên minh ba bên AUKUS (Mỹ, Úc, Anh) trong « Trụ cột thứ 2 » liên quan đến công nghệ tối tân. Hơn 50.000 quân nhân Mỹ đóng ở Nhật Bản sẽ « tác chiến hiệu quả hơn », phản ứng nhanh hơn theo lệnh từ trung tâm chỉ huy song phương, thay vì phụ thuộc trực tiếp vào Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương ở Hawaii. Mỹ sẽ bảo vệ Philippines « bằng mọi cách » trong trường hợp đồng minh Đông Nam Á bị tấn công ở Biển Đông.
Bắc Kinh dường như ngồi trên lửa vì hàng loạt hoạt động dồn dập bủa vây, được trang La Croix ngày 11/04 cho là nhằm mục đích « chặn thói háu ăn của Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương ». Quốc gia đòi chủ quyền đến 80% diện tích Biển Đông, hăm dọa Philippines, tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản, đe dọa « thống nhất » với Đài Loan kể cả bằng vũ lực, tự nhận là « nạn nhân » của những cáo buộc « dối trá », những hành động thù nghịch của Mỹ và các đồng minh.
Việc Washington xích lại gần với các nước trong vùng, nâng cấp quan hệ quân sự với Tokyo, không được Bắc Kinh hoan nghênh, trong bối cảnh Trung Quốc và Nhật Bản mất lòng tin vào nhau dù duy trì mối quan hệ kinh tế chặt chẽ, theo nhận định với RFI của nhà nghiên cứu Emmanuel Véron, trường INALCO Paris. Một nước chủ hòa như Nhật Bản đang thay đổi lập trường, gia tăng hợp tác quân sự với Mỹ và các đồng minh không phải là tin tốt cho nước láng giềng Trung Quốc.
Mối liên hệ chặt chẽ hơn giữa Mỹ và các nước trong vùng cũng cản đường Trung Quốc trở thành một nhân tố thống trị ở Thái Bình Dương. Cho nên, chuyên gia quân sự Hal Brands, Đại học Johns-Hopkins, được La Croix trích dẫn, nhận định Bắc Kinh « tìm mọi cách phá vỡ những mối quan hệ đồng minh của Mỹ ở trong vùng ».
Dân mạng Trung Quốc hạ uy tín của Nhật và Philippines
Điều này có thể thấy qua việc Trung Quốc cáo buộc Philippines « lôi kéo các thế lực bên ngoài can thiệp vào khu vực », tuyên truyền rằng ASEAN không ủng hộ hành động đơn phương của Manila. Trang Global Times, ấn bản tiếng Anh của Hoàn Cầu Thời Báo, đăng loạt phóng sự phản ánh « những bất bình, phản đối » của người Philippines về sự hiện diện quân sự của Mỹ.
Trên phương diện ngoại giao, chính quyền Bắc Kinh sử dụng những ngôn từ mạnh mẽ nhất để bác những tuyên bố, quan ngại của Mỹ và các đồng minh về những « hành động gây bất ổn ở Biển Đông » và biển Hoa Đông, đồng thời khẳng định mọi hành động của họ đều « hợp pháp », dù phán quyết về Biển Đông của Tòa Trọng Tài La Haye vẫn bị Trung Quốc coi là tờ giấy lộn.
Một lực lượng « anh hùng bàn phím » hùng hậu được chính quyền ngầm khuyến khích bày tỏ phẫn nộ trên mạng xã hội với ngôn từ ít ngoại giao hơn, nếu không nói là « thóa mạ » : Các nhà lãnh đạo Nhật, Philippines, Mỹ bị coi là « ác quỷ », thủ tướng Kishida và tổng thống Marcos Jr. bị ví là « thú cưng của Biden ».
Giáo sư chính trị quốc tế Brad Glosserman, Đại học Tama ở Tokyo, kiêm cố vấn tại Diễn đàn Thái Bình Dương (Pacific Forum) cho rằng một nước Trung Hoa vẫn rao giảng về « một thế giới thịnh vượng, hài hòa và hòa bình » đang hành động ngược lại với « những hù dọa, quấy rối bằng vũ trang ngày càng gia tăng » ở trong vùng.