Thủ tướng Đức Olaf Scholz công du Trung Quốc ba ngày, từ 13-16/04, với mục tiêu cải thiện quan hệ kinh tế song phương, đúng vào lúc Bắc Kinh đang ngày càng bị phương Tây chỉ trích về chính sách trợ giá hàng xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, và về việc gia tăng hỗ trợ Nga, quốc gia xâm lược Ukraina.
Đăng ngày: 13/04/2024
Thủ tướng Đức dẫn đầu một phái đoàn lớn, bao gồm ba bộ trưởng, Nông Nghiệp, Môi Trường và Giao Thông, cùng lãnh đạo của nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu nước Đức, như Siemens, Mercedes, Bayer, BMW… Phái đoàn Đức dự kiến đến ba thành phố Trùng Khánh, Thượng Hải và Bắc Kinh. Olaf Scholz sẽ hội kiến chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và thủ tướng Lý Cường vào ngày 16/04/2024.
Cải thiện quan hệ kinh tế song phương là trọng tâm chuyến công du của thủ tướng Đức. Theo Nis Grünberg, chuyên gia chính của Viện Mercator chuyên về Trung Quốc, quan hệ kinh tế Đức – Trung đang ngày càng bất lợi cho Berlin, với việc xuất khẩu Đức sang Trung Quốc sụt giảm mạnh, chỉ còn tương đương với mức xuất khẩu của năm 2014.
Theo một điều tra được công bố trước chuyến công du của thủ tướng Scholz, gần hai phần ba doanh nghiệp Đức hoạt động tại Trung Quốc cho biết bị phân biệt đối xử. Đối với ông Maximilian Butek, chủ tịch Phòng thương mại Đức ở miền đông Trung Quốc, việc mở cửa thị trường Trung Quốc là điều sống còn : Để mất thị trường này có thể còn gây thiệt hại hơn là các lợi ích thu được từ việc tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo Reuters, thủ tướng Đức cũng đại diện cho cả tiếng nói của Liên Hiệp Châu Âu trong chuyến công du Trung Quốc. Vấn đề Trung Quốc trợ giá cho hàng hóa xuất khẩu, khiến doanh nghiệp châu Âu điêu đứng, sẽ là một trọng tâm khác của chuyến công du.
Theo một nghiên cứu được công bố trong tuần của Viện Kiel, mức trợ giá của Nhà nước Trung Quốc cho các doanh nghiệp cao gấp từ 3 đến 9 lần so với các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế – OCDE, như Đức hay Mỹ. Hôm thứ Ba vừa qua, Bruxelles mở điều tra về cáo buộc Trung Quốc trợ giá cho các nhà sản xuất thiết bị điện gió, tiếp theo các điều tra về lĩnh vực xe hơi, đường sắt và điện mặt trời.
Phủ tổng thống Pháp hôm qua cho biết thủ tướng Đức và tổng thống Emmanuel Macron đã có buổi làm việc trực tuyến trước khi ông Scholz lên đường sang Bắc Kinh. Hai bên khẳng định ‘‘sẽ phối hợp đặc biệt trong việc bảo vệ chủ trương ‘‘tái cân bằng’’ quan hệ thương mại Liên Âu – Trung Quốc’’. Hai lãnh đạo Pháp Đức cũng khẳng định cần nhấn mạnh với phía Trung Quốc về ‘‘tác động của chiến tranh Ukraina đến an ninh của châu Âu’’. Trước chuyến công du Trung Quốc của ông Scholz, chính quyền Đức cho biết việc tổ chức chuyến đi này đã được phối hợp với Hoa Kỳ, Liên Âu và Pháp.