Là vụ án kinh tế lớn nhất lịch sử Việt Nam, vụ Vạn Thịnh Phát và bản án tử hình đối với bà Trương Mỹ Lan được báo chí quốc tế đặc biệt quan tâm.
Kết thúc phiên tòa sơ thẩm, bà Trương Mỹ Lan bị tuyên án tử hình về tội tham ô tài sản, 20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, 20 năm tù về tội đưa hối lộ. Tổng hợp hình phạt là tử hình.
Bà Lan là một trong số ít nữ doanh nhân bị tuyên mức án tử hình về tội kinh tế trong lịch sử tố tụng Việt Nam.
Hiện tại, gia đình và luật sư của bà Lan cho biết với Reuters là sẽ kháng cáo. Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất, chưa có đơn kháng cáo gửi tới tòa.
Bên cạnh những ý kiến cho rằng vụ xét xử thể hiện quy mô rộng lớn và sự hiệu quả của chiến dịch “đốt lò”, cũng có những đánh giá khác.
Có sự bảo kê chính trị?
Reuters đánh giá rằng vụ xét xử bà Trương Mỹ Lan là một kết quả đáng kể của chiến dịch chống tham nhũng, hay còn gọi là “đốt lò”, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tính tới nay, chiến dịch “đốt lò” đã khiến hàng loạt quan chức cấp cao nhà nước và nhiều giám đốc điều hành, chủ doanh nghiệp lớn bị truy tố hoặc buộc phải từ chức.
Tuy nhiên, thực tế này chưa hẳn là bằng chứng cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng hiệu quả.
Theo Báo cáo Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2023 (PAPI 2023) của Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), thủ đô Hà Nội và trung tâm tài chính TP Hồ Chí Minh đều có mức kiểm soát tham nhũng trong khu vực công là “trung bình thấp”.
Trả lời tạp chí Time, tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên khách mời thuộc Viện ISEAS, đánh giá rằng phiên tòa của bà Lan là một ví dụ điển hình của chiến dịch chống tham nhũng, ngay cả trong khu vực tư nhân.
Tuy nhiên, Giáo sư Alexander Vuving từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á – Thái Bình Dương, lại cho rằng:
“Tôi không nghĩ điều này sẽ gia tăng lòng tin vào bộ máy [của Việt Nam]. Đối với các doanh nghiệp, đây lại là một ví dụ nữa về việc quan chức đấu đá, về tham nhũng và về sự bất ổn của môi trường [Việt Nam].”
Theo Time, bà Lan ắt phải có móc nối hoặc nhận sự bảo trợ từ những nhân vật có quyền lực để có thể xây dựng một đế chế bất động sản ở Việt Nam, nơi mà đất đai đều thuộc quyền sở hữu của nhà nước.
Quan sát vụ việc lần này, Time nhắc lại một sự từ năm 2020 – vụ kỷ luật hai ông Lê Thanh Hải, cựu Bí thư Thành ủy TP HCM, và ông Lê Hoàng Quân, cựu Chủ tịch UBND TP HCM, về những cáo buộc vi phạm nghiêm trọng liên quan đến dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Bài viết cho rằng sự việc này là một phần của chiến dịch thanh trừng nội bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam, một động thái âm thầm, kín đáo và không lọt vào tầm mắt của công chúng.
Time đánh giá rằng ông Hải và ông Quân rất có thể chính là những người đã hậu thuẫn cho sự thăng tiến của bà Lan và cũng là lý do tại sao bà Lan bị hạ bệ.
Trả lời BBC News Tiếng Việt, ông Carl Thayer, giáo sư danh dự về chính trị tại Đại học New South Wales (Úc), có ý kiến tương đồng:
“Lê Thanh Hải và mạng lưới của ông ta rất có thể đã tạo điều kiện cho bà Lan thăng tiến. Tại sao ông Hải và đồng phạm không bị kỷ luật thêm vì tham gia vào các hoạt động gian lận và tham ô của Lan vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Có lẽ đó là trường hợp ‘im lặng là vàng’.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hiện đang tập trung vào các mạng lưới khu vực tư nhân của bà Lan để xóa bỏ những ảnh hưởng tàn dư của ông Lê Thành Hải và mạng lưới của ông ta, sức ảnh hưởng được cho là có khả năng chi phối tại thành phố lớn nhất Việt Nam [TP HCM].”
Giáo sư Thayer cho rằng mới chỉ có những quan chức cấp thấp bị đưa ra xét xử.
Ông David Brown, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ có nhiều năm kinh nghiệm tại Việt Nam, trả lời BBC News rằng bà Lan có lẽ được những nhân vật quyền lực bảo trợ, những người chi phối kinh tế và chính trị ở TP HCM trong nhiều thập kỷ.
Ông nhìn nhận những gì đang xảy ra là một nỗ lực tái khẳng định quyền lực của Đảng Cộng sản đối với văn hóa kinh doanh tự do tại miền Nam.
“Điều mà ông Nguyễn Phú Trọng và các đồng minh trong đảng của ông ta đang cố gắng làm là giành lại quyền kiểm soát Sài Gòn, hoặc ít nhất là ngăn chặn nó tuột khỏi tầm tay.”
“Từ trước cho đến năm 2016, Đảng Cộng sản ở Hà Nội gần như đã để cho nhóm mafia gốc Hoa này tung hoành. Nhóm này dù tỏ ra bề ngoài tuân thủ chính quyền nhưng cùng lúc lại tìm cách bòn rút nguồn lực và của cải của thành phố để phục vụ lợi ích riêng.”
Còn những tác động nào nữa?
Theo AP News, quy mô của vụ án Vạn Thịnh Phát khiến giới phân tích đặt ra nhiều nghi vấn liệu các ngân hàng hoặc doanh nghiệp khác có sai phạm tương tự hay không.
Họ đánh giá rằng điều này có thể làm giảm triển vọng kinh tế của Việt Nam và làm cho các nhà đầu tư nước ngoài lo lắng.
Đặc biệt là khi Việt Nam đang cố gắng định vị mình là một điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp muốn dời chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.
Lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề: Ước tính có khoảng 1.300 công ty bất động sản rút khỏi thị trường vào năm 2023. Các nhà phát triển bất động sản đã thực hiện chính sách hạ giá và tặng quà khuyến mãi bằng vàng để thu hút người mua nhưng không thay đổi được tình hình. Tuy nhiên, các nỗ lực ấy không có nhiều tác dụng.
Mặc dù giá cho thuê mặt bằng cửa hiệu đã giảm một phần ba tại TP HCM, số mặt bằng cho thuê còn trống tại khu vực trung tâm thành phố vẫn còn rất nhiều, theo AP.
Vụ án Vạn Thịnh Phát kéo theo một chuỗi công ty lớn, trong và cả ngoài hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, bị ảnh hưởng. Do đó, tác động của nó đến nền kinh tế hẳn lớn hơn rất nhiều so với những con số được nêu trong hồ sơ vụ án.
Trước khi bà Lan bị tuyên án tử hình không lâu, Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng đã bị miễn nhiệm chức vụ. Đây cũng được nhiều chuyên gia đánh giá là một phần của chiến dịch “đốt lò”.
Vụ xét xử bà Lan, vụ phế truất ông Thưởng và các màn bắt giữ liên miên trong chiến dịch đốt lò, theo giới quan sát, có thể tạo nên một không khí lo sợ và đề phòng. Từ đó, giới quan chức của chính quyền có thể sẽ trở nên chần chừ hơn trong việc ra quyết sách, dẫn đến trễ nải trong khu vực công.
Hiện đã một số doanh nghiệp phàn nàn về những “bế tắc quan liêu” do các nhà chức trách hiện quá sợ hãi mà không dám thực hiện công việc của họ, theo Time.
Ngày 12/4, CNN dẫn lời giáo sư Zachary Abuza:
“Đảng Cộng sản Việt Nam muốn thể hiện rằng chiến dịch chống tham nhũng của họ đang hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, họ không thể che giấu sự thật rằng họ đã cố tình phớt lờ và cho phép việc hối lộ ồ ạt diễn ra.”