Ngọn đuốc Olympic biểu trưng cho hòa bình, tình đoàn kết và tinh thần thể thao đã được thắp lên vào thứ Ba, 16/04/2024, tại sân vận động cổ đại ở Hy Lạp, và sẽ được mang tới Paris, thành phố đăng cai Thế Vận Hội 2024 qua nghi thức rước đuốc. Nghi thức thắp lửa, rước đuốc Olympic, được lấy cảm hứng từ những nghi lễ Hy Lạp cổ đại từ gần 3000 năm qua, trên thực tế, lại không cổ xưa đến vậy mà được thực hiện từ thời Đức Quốc Xã.
Đăng ngày: 17/04/2024
Truyền thống thắp lửa Olympic được lấy cảm hứng từ các nghi thức trong Thế Vận Hội Olympic cổ đại, từ thế kỷ thứ 8 trước Công Nguyên, đến thế kỷ thứ Tư sau Công Nguyên, theo báo Pháp Le Parisien. Biểu tượng ngọn lửa thiêng xuất phát từ thần thoại Hy Lạp, khi thần Prometheus đánh cắp lửa từ Olympus để trao cho con người, mà vị thần này vừa tạo ra, bất chấp lệnh cấm của thần Zeus. Để trừng phạt Prometheus, thần Zeus đã xích ông vào đỉnh núi Caucasus và để đại bàng ăn gan của ông hàng ngày, nhưng gan của ông lại phục hồi lại nguyên trạng sau khi trời tối.
Để tưởng nhớ sự hy sinh thần thoại này, người Hy Lạp cổ đại thực hiện nghi thức lễ đốt lửa trong nhiều nghi lễ tôn giáo và cả trong Thế Vận Hội cổ đại. Được coi là một yếu tố thần thánh, lửa được thắp lên để cầu khẩn các vị thần, sau đó được đặt tại thánh đường Olympia, ở đền Heraion, nơi thờ nữ thần Hera, và cháy liên tục trong suốt thời gian diễn ra sự kiện.
Thế Vận Hội cổ đại cũng không tổ chức lễ rước đuốc, nhưng nghi thức này được tổ chức trong các dịp lễ khác nhằm tôn vinh các vị thần. Ví dụ như cuộc chạy đua rước đuốc, tại lễ hội Panathenaia, nhằm tôn vinh nữ thần Athena, 40 vận động viên từ các đội khác nhau thi chạy đến đền Parthenon, người giành chiến thắng sẽ có được vinh dự thắp ngọn lửa thiêng ở đó.
Nghi thức rước đuốc, di sản từ thời Đức Quốc Xã
Thế Vận Hội thời hiện đại do nam tước người Pháp Pierre de Courbetin, khởi xướng vào năm 1896, lúc đó không có nghi thức thắp lửa và rước đuốc. Lễ thắp lửa Olympic xuất hiện 32 năm sau, ở Amsterdam Hà Lan vào năm 1928. Năm đó, ban tổ chức quyết định thắp lửa trong một chiếc vạc ở sân vận động Olympic. Nghi thức này cũng được ban tổ chức Thế Vận Hội ở Los Angeles duy trì 4 năm sau đó.
Mãi cho đến năm 1936, tại Thế Vận Hội ở Berlin, nghi lễ rước đuốc mới xuất hiện, với mong muốn quay lại nguồn cội cổ đại của ban tổ chức, qua ý tưởng của Carld Diem, tổng thư ký của ủy ban tổ chức sự kiện, thân cận với đảng cầm quyền Đức Quốc Xã. Ngọn lửa đã được thắp lên tại Olympia, nơi diễn ra Thế Vận Hội cổ đại, và sau đó được mang đến Berlin. Tại lễ khai mạc, vận động viên người Đức Siegfried Eifrig là người đầu tiên cầm chiếc đuốc được thắp lên từ vạc lửa ở sân vận động Olympic. Các lãnh đạo của Đức Quốc Xã cho rằng biểu tượng của ngọn lửa thiêng giao thoa với lý luận về chủng tộc thượng đẳng, có từ thời Hy Lạp Cổ Đại, vốn sùng bái cơ thể con người. Lễ rước đuốc vào năm 1936 cũng trở thành một trong những nội dung tuyên truyền của Đức Quốc Xã.
Cũng kể từ đó, nghi thức này được duy trì trong tất cả các kỳ Thế Vận Hội sau đó, và trở thành truyền thống của Thế Vận Hội hiện đại. Đến năm 1952, tại Thế Vận Hội ở Helsinki, việc thắp lửa ở Olympia được coi là một nghi lễ với những quy định cụ thể và được đưa vào hiến chương Olympic. Điều 13 của hiến chương quy định rằng “lửa Olympic là ngọn lửa được thắp lên ở Olympia dưới sự uỷ quyền của Ủy ban Olympic Quốc tế”. Ngọn lửa được thắp sáng xuyên suốt sự kiện để truyền đi “thông điệp hòa bình, hữu nghị”.
Ngọn lửa vượt núi băng đại dương
Ngọn lửa được thắp lên một cách tự nhiên, qua những tia nắng mặt trời chiếu vào gương cầu lõm, được thực hiện bởi các nghệ sĩ mặc các trang phục tư tế, như dưới thời Cổ Đại. Sau đó, ngọn lửa sẽ được đặt vào một bình gốm và mang đến sân vận động Olympia, nơi diễn ra Thế Vận Hội thời cổ đại. Ngọn đuốc đầu tiên sẽ được thắp sáng từ đó, và được trao cho người rước đuốc đầu tiên, sau đó được chuyển đến thành phố đăng cai Thế Vận Hội. Tại nghi lễ thắp lửa năm nay, do không đủ ánh sáng tự nhiên hôm diễn ra nghi lễ chính thức, ban tổ chức đã dùng ngọn lửa được thắp lên một ngày trước đó trong buổi diễn tập.
Trước kia, những người rước đuốc đầu tiên thường đi bộ để di chuyển (như tại kỳ Thế Vận Hội năm 1936 hay ở Luân Đôn năm 1948). Tuy nhiên, hiện nay, ngọn lửa thường được chuyển qua các phương tiện giao thông khác nhau, bằng khinh khí cầu, thuyền buồm, hay thậm chí bằng lạc đà, để vượt qua hàng ngàn km. Tại Thế Vận Hội ở Helsinki năm 1952, lần đầu tiên lửa Olympic được vận chuyển bằng máy bay. Trong những năm qua, ngọn lửa đã du hành khắp thế giới, qua đỉnh Everest, hay băng qua sông Missisippi bằng tàu hơi nước, đi canô với thổ dân da đỏ, thậm chí là cả trên con tàu con thoi Olympia cùng các phi hành gia Nga. Ngọn lửa cũng đã được thử sức với đại dương khi được mang xuống nước dọc theo rạn san hô Great Barrier ở Thế Vận Hội tại Úc vào năm 2000.
Vào Thế Vận Hội Paris 2024, ngọn đuốc thiêng sẽ đi qua đền Acropole hay thánh đường Delphes, cũng như những ngọn núi hùng vĩ Meteora ở miền bắc Hy Lạp, ghé qua các đảo Santorin hay đảo Crete, và sau đó được trao cho nước Pháp tại sân vận động Panathenaic ở Athens, rồi lên chiếc tàu Belem vượt biển Địa Trung Hải để cập cảng ở Marseille, thành phố miền nam nước Pháp vào ngày 08/05. Ngọn đuốc sẽ được rước đi khắp nước Pháp trong vòng 80 ngày, đi qua những địa điểm lừng danh của Pháp, qua các bãi biển trong cuộc Đổ Bộ Normandie, qua lâu đài Mont-Saint-Michel hay đỉnh núi Alpes, đến những vùng hải ngoại của Pháp và điểm cuối cùng sẽ là thủ đô Paris, tại lễ khai mạc sự kiện ngày 26/07/2024.
Khoảng 11 000 người sẽ tham gia lễ rước đuốc, trong đó có những nhân vật nổi tiếng, vận động viên, nghệ sĩ và cả những người vô danh. Người truyền đuốc đầu tiên sẽ là vận động viên bơi lội Pháp Laure Manaudou.Cô sẽ nhận ngọn đuốc từ tay của vận động viên người Hy Lạp Stefanos Ntousk, người đầu tiên cầm ngọn đuốc được thắp lên ở Olympia.
Ngọn đuốc thường được làm bằng những vật liệu có thể chống chịu được các điều kiện khí hậu như mưa gió, tuyết hay nắng nóng. Để lửa không bị tắt, thông thường ban tổ chức sẽ để các hộp chứa ga nhỏ ở bên trong ngọn đuốc. Vào Thế Vận Hội năm nay, Paris cho biết ngọn đuốc bằng kim loại sẽ được thắp sáng liên tục trong vòng 8 phút bằng bình khí ga sinh học (Biopropane) 80 gam. Theo ước tính, hành trình rước lửa thiêng cần khoảng 2000 ngọn đuốc và 20 000 bình khí biopropane.
Lửa thiêng bị tắt
Hành trình rước đuốc qua hàng ngàn km cũng gặp không ít trở ngại. Nhiều lần ngọn lửa thiêng đã bị dập tắt dù là vô tình hay cố tình. Trong trường hợp này, phải sử dụng ngọn lửa dự phòng, cũng được lấy từ lửa Olympia và được bảo quản cẩn thận trong suốt hành trình này.
Vào năm 1976, một trận bão lớn đã dập tắt ngọn của Montréal, vài ngày sau khi lễ khai mạc diễn ra. Các sự cố tương tự cũng xảy ra vào năm 2004 và 2012. Vào năm 2008, ngọn lửa đã nhiều lần bị dập tắt trong hành trình truyền lửa xuyên quốc gia mà Trung Quốc tổ chức, do bị xáo động bởi các nhóm biểu tình phản đối chính sách của Bắc Kinh ở Tây Tạng.