Kênh truyền hình Mỹ CBS, ngày 31/03/2024, có bài về vụ tấn công « Hội chứng La Habana tại Việt Nam » nhân chuyến công du Hà Nội của phó tổng thống Mỹ Kamala Harris cuối tháng 08/2021. Theo nhà báo điều tra Christo Grozev của CBS, có những bằng chứng mới cho thấy có thể tình báo Nga đã tham gia vụ tấn công nhắm vào các nhân viên Mỹ. Truyền thông của nhiều nước phương Tây nói đến vai trò của đơn vị 29 155, thuộc cơ quan tình báo quân sự Nga (GRU).
Đăng ngày: 18/04/2024
Được hỏi về vấn đề này, chuyên gia Carl Thayer, giáo sư danh dự Đại học New South Wales, Canberra, Úc, cho rằng nếu thông tin trên là chính xác thì « Việt Nam phải hợp tác đầy đủ với Mỹ » trong quá trình điều tra, bởi vì Việt Nam phải chịu trách nhiệm về an ninh cho các khách mời, là các quan chức Mỹ trong phái đoàn phó tổng thống Kamala Harris, công du Việt Nam năm 2021.
Tuy nhiên, ông Thayer lưu ý, cần phải đặt bài điều tra của CBS trong bối cảnh Nhà Trắng, Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ FBI và Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia, ra thông cáo ngày 31/03, sau cuộc điều tra « Các sự cố bất thường về sức khỏe – Anomalous Health Incidents – AHI », còn được gọi các cuộc tấn công « hội chứng La Habana » trong giai đoạn 2016-2018 tại Cuba. Kết luận của thông cáo là « có rất ít khả năng một đối thủ nước ngoài là thủ phạm » các sự cố AHI.
Bài điều tra của CBS cho biết có hai sự cố AHI riêng rẽ xẩy ra trước chuyến công du Việt Nam của bà Harris : trường hợp thứ nhất liên quan đến một số quan chức đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam và trường hợp thứ hai bao gồm 9 người trong nhóm đi tiền trạm của bộ Quốc Phòng Mỹ.
Kênh truyền hình này nêu ra hai khả năng : hoặc là các nhân viên tình báo Nga bí mật hành động riêng lẻ hoặc là các nhân viên an ninh Việt Nam hợp tác với phía Nga làm việc này, bởi vì tổng thống Nga Vladimir Putin đã đồng ý cung cấp cho cơ quan an ninh Việt Nam vũ khí âm thanh LRAD (Long Range Acoustic Device) và các thiết bị dùng công nghệ sóng ngắn để giám sát, chụp toàn thân.
Tại Cuba, các nhân viên tình báo Nga đã gây sự cố AHI nhằm ngăn chặn Cuba và Mỹ xích lại gần nhau. Còn các sự cố tại Việt Nam, ông Gred Edgreen, trung tá quân đội Mỹ, đã về hưu, điều tra các vụ AHI cho bộ Quốc Phòng Mỹ, cho rằng tình báo Nga có mục đích tương tự : Gây rối, ngăn cản việc cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam.
Tuy nhiên, theo giáo sư Thayer, nếu như phía Việt Nam rất muốn nghe lén các quan chức Mỹ trước và trong chuyến thăm của bà Harris, thì họ lại chẳng có lợi lộc gì khi cố tình gây tổn hại đến sức khỏe của những người này.
Do vậy, có hai khả năng : Có thể tình báo Nga bí mật hành động để phá rối mọi cải thiện quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ hoặc an ninh Việt Nam hợp tác với các đồng nghiệp Nga để nghe lén các quan chức Mỹ nhưng lại không biết tác hại của việc nghe giám sát, nghe trộm bằng sóng ngắn đối với sức khỏe con người.
Giáo sư Thayer kết luận, có rất ít khả năng Việt Nam chấp nhận minh bạch, cởi mở trong vụ này và « không bao giờ Việt Nam thừa nhận những thiết sót hoặc sai lầm của mình và sẽ không lùi bước trước bất kỳ hành động nào có thể làm tổn hại đến quan hệ của họ với Liên bang Nga ».