Trong vụ tấn công Israel cuối tuần trước, Iran có đã sử dụng vũ khí chế tạo nhờ công nghệ Bắc Triều Tiên và từ sự hợp tác quân sự với chế độ Bình Nhưỡng hay không ?
Đăng ngày: 18/04/2024
Tại Seoul hôm 17/04/2024, cơ quan tình báo Hàn Quốc cho biết đang tìm hiểu xem Iran có đã sử dụng công nghệ của Bắc Triều Tiên để chế tạo tên lửa đạn đạo hay không. Cùng ngày, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Matthew Miller tuyên bố Washington « hết sức lo ngại » trước những tin đồn về quan hệ hợp tác quân sự lâu năm giữa Bình Nhưỡng và Teheran.
Trong cuộc họp báo hôm qua, khi được hỏi về hợp tác giữa Bắc Triều Tiên và Iran trong các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ đã trả lời một cách chung chung « đương nhiên chúng tôi rất quan ngại » về hợp tác quân sự giữa Bình Nhưỡng với Teheran.
Cơ Quan Tình Báo Quốc Gia NIS Hàn Quốc trích lời nhiều chuyên gia « nêu lên khả năng là phụ tùng hay công nghệ quân sự của Bắc Triều Tiên đã được Iran sử dụng » để chế tạo tên lửa và những loại vũ khí này đã được dùng để tấn công Israel trong đêm 13/04/2024. Đầu năm nay, NIS khẳng định lực lượng Hồi Giáo Palestine Hamas đã sử dụng vũ khí của Bắc Triều Tiên trong đợt tấn công Israel hồi tháng 10/2023, điều mà Bình Nhưỡng đã mạnh mẽ bác bỏ.
Bình Nhưỡng chia sẻ với Teheran tên lửa Liên Xô Scud
Thực ra hợp tác quân sự giữa hai quốc gia cùng bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách « trục tội ác » không phải là điều mới mẻ : Bình Nhưỡng và Teheran đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ hơn 50 năm nay. Từ thập niên 1980, hai nước đã bị nghi ngờ « trao đổi thiết bị và công nghệ chế tạo tên lửa », đặc biệt giúp Iran trong cuộc chiến tranh 8 năm với láng giềng Irak. Năm 2006, tư lệnh Lực Lượng Vệ Bình Cách Mạng Hồi Giáo Iran công khai nhìn nhận là trong chiến tranh với Irak, Bình Nhưỡng đã chia sẻ với Teheran kho tên lửa Scud do Liên Xô chế tạo.
Mối bang giao càng trở nên khăng khít hơn nữa từ khi hai quốc gia này cùng bị cộng đồng quốc tế trừng phạt vì các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.
Một báo cáo của bộ Quốc Phòng Mỹ hồi 2019 ghi nhận « Iran đã chế tạo tên lửa đạn đạo Shahab-3 từ những nền tảng kỹ thuật và công nghệ mà Bắc Triều Tiên sử dụng để chế tạo tên lửa Rodong tầm trung ». Còn loại tên lửa Khorramshahr với tầm bắn từ 2 đến 3 ngàn km của Iran là « anh em sinh đôi » của tên lửa Musudan mà Bình Nhưỡng phát triển từ những năm 2000.
Trang mạng của Hoa Kỳ chuyên theo dõi tình hình Bắc Triều Tiên 38 North (tháng 11/2023) đã nói đến « một sự hợp tác trong bóng tối » giữa Bắc Triều Tiên với Iran đã được « nâng lên một tầm cao mới » từ 2018 khi Hoa Kỳ dưới chính quyền Donald Trump « xé bỏ » JCPOA, hiệp ước hạt nhân mà 5 thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và Đức đã ký kết với Iran.
Iran cảnh báo Bắc Triều Tiên : Mỹ « xảo quyệt »
Vài tháng trước khi Hoa Kỳ chính thức rút khỏi hiệp ước JCPOA, chủ tịch Quốc Hội Bắc Triều Tiên công du Teheran và tuyên bố Iran, Bắc Triều Tiên « có chung một kẻ thù ». Trước thượng đỉnh lịch sử Kim Jong Un – Donald Trump tháng 06/2018, Teheran cảnh báo Bình Nhưỡng phải luôn thận trọng, bởi Trump là người có những quyết định khó lường và Mỹ là một quốc gia « xảo quyệt ».
Sau khi Washington đưa Teheran trở vào danh sách đen, ngoại trưởng Iran và Bắc Triều Tiên đã gặp nhau để bàn cách đối phó với các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Vẫn theo trang mạng 38 North, hợp tác quân sự Bắc Triều Tiên – Iran trong các chương trình phát triển tên lửa đạn đạo chưa bao giờ thuyên giảm, ngay cả trong thời gian mà Teheran đàm phán với quốc tế về thỏa thuận hạt nhân JCPOA và đã được « thúc đẩy mạnh hơn nữa » khi Hoa Kỳ « trở mặt ».
Tình báo Mỹ biết một cách chính xác những quan chức cao cấp nào của Iran đã công tác tại Bình Nhưỡng và nhiều đợt chuyên gia Bắc Triều Tiên đã được mời sang Iran. Đôi bên cũng đã « nhiều lần chuyển giao thiết bị tên lửa » cho đến tận tháng 12/2020, như các báo cáo viên của Liên Hiệp Quốc đã ghi nhận trong một tài liệu được công bố vào tháng 02/2021. Đương nhiên cả Teheran lẫn Bình Nhưỡng cùng lên án các thanh tra viên Liên Hiệp Quốc đã « không trung thực » và đã dựa trên những « thông tin sai lệch, những dữ liệu hoàn toàn bịa đặt » vì mục tiêu chính trị.
38 North ghi nhận: Những tiến bộ gần đây của cả Bắc Triều Tiên lẫn Iran trong lĩnh vực công nghệ tên lửa, cũng như việc từ tháng 10/2023 lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc nhắm vào các chương trình chế tạo tên lửa của Iran không còn hiệu lực, đã « tạo cơ sở cho một mối hợp tác quân sự chặt chẽ hơn nữa » giữa chế độ Kim Jong Un với chính quyền Teheran.
Song tạp chí Forbes của Mỹ tháng 02/2024 ghi nhận « Nga gần đây bắt đầu sử dụng tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên trên chiến trường Ukraina » và Washington (John Kirby ngày 04/01/2024) tin rằng Nga cũng đã sẵn sàng để huy động luôn cả tên lửa của Iran trên mặt trận này, và đây sẽ là « bệ phóng ngoài mong đợi » cho công nghiệp phát triển tên lửa của cả hai quốc gia liên quan.
Nếu quả thực Ukraina là bãi thử nghiệm cho tên lửa Bắc Triều Tiên và Iran thì hợp tác giữa Bình Nhưỡng với Teheran trong lĩnh vực quốc phòng có thể « sẽ còn tiến nhanh và tiến mạnh hơn nữa ».