Đăng ngày: 18/04/2024
Những ngày đầu tháng 2/2024, nhiều con tim hướng về Senegal, đất nước châu Phi nhỏ bé 18 triệu dân, từng được coi là ‘‘ốc đảo dân chủ’’ của vùng Tây Phi, nơi đang bị quân thánh chiến Hồi Giáo đe dọa, đảo chính quân sự diễn ra tại nhiều nước, ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc gia tăng. Bầu cử Senegal bị hoãn trong lúc đảng đối lập chính bị giải tán, các thủ lĩnh bị bắt giam. Dân chúng phẫn nộ.
Ngày 03/02, ngay sau khi tổng thống Marky Sall, cầm quyền từ năm 2012, bất ngờ tuyên bố hoãn cuộc bầu cử dự kiến (ít giờ trước khi cuộc tranh cử ba tuần lễ), dân chúng ngay lập tức xuống đường chống lại hành động bám víu quyền lực của tổng thống mãn nhiệm, điều được coi là chưa từng có kể từ khi Senegal độc lập, một cuộc ‘‘đảo chính’’ chống lại Hiến pháp.
Tính chất dễ tổn thương của một nền dân chủ
Senegal là một trong các quốc gia dân chủ hàng đầu tại châu Phi. Trước cuộc bầu cử 2019, Senegal vốn được xếp vào nhóm ‘‘các nền dân chủ còn khiếm khuyết’’ (Flawed democracies), ngang với các quốc gia như Ba Lan, theo xếp hạng của Economist Group. Khủng hoảng tại Senegal một lần nữa khiến nhiều người đặt câu hỏi về khả năng chống chọi với khủng hoảng của một chế độ dân chủ đa đảng. Trong những điều kiện nào một chế độ dân chủ đa đảng, vận hành theo nguyên tắc nhà nước pháp quyền, có thể vượt qua được khủng hoảng lớn, đặc biệt trong giai đoạn chuyển tiếp quyền lực?
Khủng hoảng tưởng như không có lối ra. Tính từ năm 2021, tức sau khi khủng hoảng bùng lên với việc Ousmane Sonko, lãnh đạo đảng đối lập chính Pastef bị bắt, đã có hàng chục người chết trong các vụ đụng độ với cảnh sát. Tuy nhiên, chỉ ít tuần sau quyết định hoãn bầu cử của tổng thống, thay đổi ngoạn mục diễn ra. Các lãnh đạo đối lập được thả, bầu cử được tổ chức với sự giám sát quốc tế. Chính trị gia Bassirou Diomaye Faye, 44 tuổi, một cựu nhân viên ngành thuế, được trả tự do ngày 14/04, đúng vào lúc cuộc tranh cử tổng thống bắt đầu. Ngày 24/04, ông Bassirou Diomaye Faye nhận được hơn 54% phiếu bầu của cử tri, đắc cử ngay vòng một. Tổng thống mãn nhiệm, Marky Sall, cầm quyền từ năm 2012, chủ trương ủng hộ thủ tướng mãn nhiệm, đã nhanh chóng thừa nhận chiến thắng của đối thủ. Phép lạ nào đã dẫn đến tình thế đảo ngược ngoạn mục như vậy?
Tòa án Hiến pháp độc lập
Có thể thấy độc lập tư pháp là tác nhân trực tiếp tạo điều kiện cho thắng lợi của ứng cử viên đối lập. Ngày 15/02, Tòa Bảo Hiến Senegal ra phán quyết hủy bỏ luật Quốc Hội (bị các dân biểu đối lập tẩy chay) và sắc lệnh của tổng thống yêu cầu hoãn kỳ bầu cử đến cuối năm. Tòa Bảo Hiến Senegal yêu cầu chính quyền tổ chức bầu cử trước khi nhiệm kỳ của tổng thống Macky Sall kết thúc ngày 02/04.
Trên đài RFI, nhà chính trị học Gilles Yabi, người sáng lập WATHI, nhóm tư vấn chuyên về chính trị Tây Phi, trong bài ‘‘Tòa Bảo Hiến đã cứu vãn các định chế chính trị Senegal’’, nhấn mạnh đến tính chuyên nghiệp của các thẩm phán, thực hiện đúng nghĩa vụ giám sát việc tuân thủ Hiến pháp, và quyết định đưa ra nằm đúng trong quyền hạn của định chế tư pháp tối cao này. Theo nhà chính trị học Gilles Yabi, so sánh với tình hình tại ‘‘nhiều quốc gia châu Phi nói tiếng Pháp, nơi tất cả các định chế nhà nước bị quyền lực áp đảo của tổng thống chi phối’’, phán quyết vừa qua của Tòa Bảo Hiến Senegal rõ ràng là ‘‘dũng cảm và đáng được ca ngợi’’.
Quân đội: Đặt chế độ Cộng hòa lên trên đảng phái
Ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu, ngày 22/03, đài Pháp TV5 Monde có bài ‘‘Senegal có thực sự là một mô hình của dân chủ ?’’, cung cấp thêm nhiều góc nhìn khác giúp làm rõ phép lạ nào đã dẫn đến tình thế đảo ngược kỳ lại nói trên. Trong số các nguyên nhân được nêu ra, có vai trò đặc biệt quan trọng của quân đội, là lực lượng bảo vệ chính thể Cộng hòa. Theo ghi nhận của nhà chính trị học Babacar Ndiaye, ‘‘Senegal là quốc gia duy nhất trong khu vực không bị đảo chính quân sự kể từ khi độc lập’’.
Khâu đào tạo các chỉ huy quân đội đóng vai lớn. Theo nhà chính trị học Mahamadou Seck, ‘‘Các thành viên trong quân đội Senegal cũng trải qua các đào tạo gần giống với bên dân sự. Họ được học tập tại các trường đại học và tiếp xúc với thực tế. Một chỉ huy cao cấp trong quân đội Senegal có thể trao đổi thoải mái và có chiều sâu về các vấn đề lớn của thế giới. Điều đó có nghĩa là họ không thuộc giới võ biền. Tư duy của họ dựa trên các khái niệm, các mối quan tâm gắn bó mật thiết với lý tưởng của một nền Cộng hòa’’.
Phẩm chất nói trên của quân đội Senegal là một điều kiện quan trọng đối với những giai đoạn chuyển đổi quyền lực. Giá trị này càng nổi rõ trong bối cảnh đảo chính diễn ra tại hàng loạt quốc gia láng giềng như Mali, Burlkina Faso, Tchad, Niger, hay Guinea…
Đảng đối lập kiên định và linh hoạt
Cùng với vai trò của Tòa Bảo Hiến độc lập, một nhân tố khác trực tiếp quyết định thắng lợi, đó là đảng đối lập chính và các lãnh đạo đối lập chủ chốt đã không từ bỏ mục tiêu, bất chấp việc đảng bị giải tán, nhiều lãnh đạo bị bắt giam.
Đảng Pastef (tên đầy đủ là đảng Những người Phi châu yêu nước ở Senegal tranh đấu vì Lao động, Công bằng và Bác ái), thành lập năm 2014, bị giải thể năm 2023. Tuy nhiên, các nhà tranh đấu của đảng này đã sẵn sàng nhiều phương án nhân sự, nhằm duy trì cuộc tranh đấu trong khuôn khổ luật pháp, không bị bỏ lỡ cơ hội tranh cử tổng thống, theo thời hạn được quy định.
Cặp bài trùng Sonko và Faye một mặt tranh đấu để lãnh đạo đảng Sonko, ứng cử viên tổng thống năm 2019, vốn là người rất có uy tín trong xã hội, có thể được phép tranh cử, mặt khác họ sẵn sàng cho phương án B, tức phương án để Faye, nhà lãnh đạo thứ hai, ra thay thế, nhưng chủ trương của đảng là gắn chặt hình ảnh của hai nhà lãnh đạo. Lý do là ông Faye cho dù bị bắt giam nhưng chưa bị kết án, nên không mất quyền ứng cử. Trong suốt những tháng trước bầu cử, khi họ còn ở trong tù, hay trong thời gian một tuần tranh cử, khẩu hiệu ‘‘Sonko mooy Diomaye, Diomaye mooy Sonko’’ (tức ‘‘Sonko là Diomaye, Diomaye là Sonko’’) có mặt trên khắp mọi miền đất nước.
Xã hội dân sự: Thiết tha với dân chủ và khao khát ‘‘sang trang’’
Việc một người mới ra tù 10 ngày có thể đắc cử tổng thống có thể là một điều kỳ lạ với rất nhiều người ngoài cuộc, nhưng có lẽ không hẳn là kỳ lạ đối với nhiều người dân Senegal, những người tham gia làm nên chính ‘‘phép lạ’’ ấy. Nhà phân tích chính trị Aliou Ndiaye tin tưởng là ‘‘lựa chọn chế độ dân chủ, sống trong một chế độ mà chủ quyền tối thượng xét đến cùng là thuộc về người dân… đã là sự lựa chọn không thể đảo ngược đối với từ 99 đến 100% dân Senegal’’. Chuyên gia về bầu cử Mamadou Seck có phần tỏ ra dè dặt hơn khi ghi nhận, ‘‘tình trạng nghèo khó’’, không độc lập về kinh tế, có thể khiến cử tri ‘‘không hoàn toàn được tự do trong lựa chọn’’, lá phiếu có thể bị mua chuộc bằng tiền. Cuộc bỏ phiếu ngày 24/03 rút cuộc đã được hơn 60% cử tri tham gia, ít hơn so với cuộc bầu cử năm 2019, nhưng nhiều hơn cuộc bỏ phiếu 2012.
Đứng ở tuyến đầu của cuộc phản kháng chống tổng thống Macky Sall là các nghệ sĩ nhạc rap. Đối với giới hip hop ở Dakar, các ca khúc, các buổi biểu diễn chuyển tải tinh thần chính trị và hành động công dân đã trở thành một truyền thống. Đúng vào giữa Cúp bóng đá châu Phi (Coupe d’Afrique des Nations) đầu tháng 2 vừa qua, sau khi tổng thống ra sắc lệnh hoãn bầu cử, ban nhạc nổi tiếng Positive Black Soul trở lại với ca khúc Finale (Trận chung kết).
Nghệ sĩ rap dấn thân, đứng về phía nhân dân
Theo đài Radio France, sau hơn 20 năm sự nghiệp, Positive Black Soul vẫn ‘‘duy trì phong độ’’. Bài hát Trận chung kết mượn ngôn từ bóng đá để lên án quyết định hoãn bầu cử của tổng thống mãn nhiệm: ‘‘Không gì có thể thay đổi luật chơi ! Hai hiệp là hai hiệp !’’ (nul ne peut changer la règle, deux mi-temps, c’est deux mi-temps).
Nghệ sĩ Didier Awadi, thủ lĩnh của Positive Black Soul, ‘‘là người không bao giờ sợ hãi khi nói lên thật to, thật rõ những gì mà nhiều người Senegal chỉ dám nghĩ thầm’’. Những ca từ tranh đấu, với âm hưởng mãnh liệt của nghệ sĩ nhạc rap sinh năm 1969, đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử nhạc rap Senegal những năm 2000. Cách nay ba năm, ngay khi làn sóng phản kháng bùng lên chống lại việc bắt giữ lãnh đạo đối lập, ban nhạc Positive Black Soul đã ‘‘trực diện tấn công’’ tổng thống Macky Sall, với nhạc phẩm Bayil Mu Sedd bằng tiếng wolof (một trong sáu ngôn ngữ quốc gia của Senegal), kêu gọi bảo vệ nền dân chủ, chống độc tài.
Cả một thế hệ trẻ đã đứng dậy: ‘‘Một thế giới khác là có thể’’
Trả lời phỏng vấn RFI sau cuộc bầu cử, nghệ sĩ Didier Awadi ghi nhận: ‘‘Chỉ trong vòng hai ba năm, cả một thế hệ trẻ mới đã đứng lên. Họ hết sức quan tâm đến chính trị. Cả một khối quần chúng đông đảo quan tâm đến chính trị. Có cả các bạn thiếu niên rất trẻ. Còn chưa đến tuổi bầu cử, nhưng họ đã biết rất rõ về các ứng cử viên. Những tranh luận sôi nổi diễn ra trong nội bộ các gia đình, nhưng vấn đề quan trọng là tất cả đều quan tâm đến chính trị, và mọi người đã lựa chọn. Giờ đây chúng ta có một tổng thống trẻ tuổi, đại diện cho sức trẻ của xã hội Senegal.’’
Cụ thể người dân Senegal mong muốn và chờ đợi gì với lãnh đạo mới? Nghệ sĩ Didier Awadi tóm lược: ‘‘Mọi người, từ con cái của nông dân đến con cái của tổng thống, đều phải được hưởng các cơ hội như nhau. Trông đợi là rất lớn : Chính quyền mới phải đặt lợi ích quốc gia lên trên. Phải mở ra với thế giới, nhưng cần bảo vệ trước hết những người nông dân, ngư dân của chúng ta. Cần phải tiến hành việc chế biến các nguyên vật liệu ngay tại đất nước chúng ta. Cần phải sửa chữa nhiều sai lầm của chúng ta, tấn công vào nạn tham nhũng. Chính tệ nạn này đã làm cho chúng ta mất rất nhiều tiền của. Củng cố các định chế nhà nước để có thể chống lại bất cứ lãnh đạo có xu hướng độc tài nào.
Tân tổng thống có lợi thế là ông làm việc trong ngành thuế, nên ông hiểu nạn tham nhũng từ bên trong. Ông ấy biết phải thay đổi như thế nào từ bên trong. Một khi trên thượng đỉnh quyền lực, các vấn đề này được sửa chữa, tôi tin rằng xã hội bên dưới cũng thay đổi thái độ. Nếu như ta có kỷ luật, không tham nhũng, thì không gì ngăn cản Senegal nhanh chóng trở thành một đất nước mà chúng ta mơ ước. Chúng tôi tranh đấu cho một nền chính trị cánh tả, một cách điều hành đất nước kiểu khác, và chủ trương xây dựng một cộng đồng Liên Phi là điều xuyên suốt các hoạt động của chúng tôi. Một thế giới khác là có thể, một đất nước Senegal khác là có thể !’’.
‘‘Một thế giới khác là có thể’’ (Un autre monde est possible) cũng là tên một album của Didier Awadi ra đời cách nay gần hai mươi năm.
‘‘Phép lạ’’ dân chủ: Các cội rễ sâu xa và những thách thức thường trực
Một chế độ dân chủ chưa bảo đảm cho một quốc gia có được một sức mạnh kinh tế vượt trội, một uy lực chính trị lớn trên trường quốc tế. Nhưng một chế độ dân chủ rõ ràng có thể giúp cho một đất nước duy trì được hòa bình trong nội bộ, khi những tiếng nói khác biệt được tôn trọng, cho phép xã hội có nhiều khả năng điều chỉnh hướng đi, giảm bớt nguy cơ rơi vào hỗn loạn.
Với hơn nửa thế kỷ độc lập, gần nửa thế kỷ thực thi chế độ dân chủ đa đảng, xã hội Senegal dường như đã hiểu rõ bằng cách nào mà giai đoạn chuyển đổi quyền lực có thể diễn ra trong hòa bình với tổn thất tối thiểu. Câu chuyện về người ra tù 10 ngày đắc cử tổng thống Senegal cho thấy sự dẻo dai của nền dân chủ châu Phi này.
Kinh nghiệm trong cuộc bầu cử tổng thống của Senegal tháng 3/2024 một mặt thể hiện phần dễ tổn thương của một chế độ dân chủ, mặt khác cũng cho thấy sức mạnh kỳ diệu của chế độ dân chủ. Sau hơn nửa thế kỷ thực hành dân chủ, với cuộc bầu cử gay cấn vừa qua, xã hội Senegal một lần nữa đã vượt qua sóng gió. Đất nước Senegal một lần nữa siết chặt đoàn kết, để có thể dồn sức đương đầu với các thách thức mới.
Một trong những thách thức sống còn với nền dân chủ là duy trì đoàn kết xã hội. Để tiếp tục được phép lạ ‘‘dân chủ’’, theo nhiều nhà quan sát, Senegal không chỉ cần tiếp nối các điểm ưu việt của chế độ dân chủ hiện đại, hình thành từ nửa thế kỷ nay, với sự thúc đẩy của cố tổng thống người Công Giáo Léopold Senghor, tại một đất nước mà đa số dân theo đạo Hồi. Mô hình dân chủ đặc sắc của Senegal cũng bám rễ sâu trong các thể chế cộng đồng nhiều thế kỷ. Tân tổng thống Bassirou Diomaye Faye, trong chuyến công cán trong nước đầu tiên, đã chọn gặp đại diện một số cộng đồng Hồi Giáo truyền thống, được nhiều nhà quan sát nhìn nhận như lá chắn giúp đất nước chống lại Hồi Giáo cực đoan.