Vòng kim cô ‘tôn chỉ, mục đích’ siết chặt trên đầu báo chí Việt Nam

Trang báo Việt Nam
Chụp lại hình ảnh,Báo chí Việt Nam đang chịu sự quản lý nghiêm ngặt từ nhà nước khiến không gian hoạt động bị bó hẹp

Các nhà báo và tòa soạn báo ở Việt Nam đối mặt với một không gian hoạt động ngày càng chật hẹp hơn, khi mà các biện pháp quản lý ngày càng được siết chặt.

Hồi đầu tháng 4, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường đã ký quyết định ban hành quy chế tổ chức họp báo định kỳ và đột xuất, chuyên đề của UBND thành phố này.

Theo đó, cơ quan, văn phòng đại diện báo chí, phóng viên thường trú khi tham dự họp báo phải đúng thành phần được mời; có trang phục, tác phong lịch sự; phải gởi câu hỏi về Sở Thông tin và Truyền thông trước thời gian diễn ra họp báo ít nhất ba ngày.

Cũng theo quy chế này, phóng viên khi đặt câu hỏi bổ sung phải ngắn gọn, dễ hiểu, đúng trọng tâm và phù hợp với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí đang công tác.

Đây chỉ là một trong các biểu hiện hiện của việc siết chặt không gian tác nghiệp của nhà báo và các tòa soạn báo.

‘Yêu cầu kỳ lạ’

Nhà báo Cù Mai Công, nguyên thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, một cây bút viết sách về Sài Gòn xưa, đánh giá với BBC News Tiếng Việt: “Tôi từng làm báo chính thức liên tục 38 năm, dự vài trăm cuộc họp báo, chưa một lần gặp yêu cầu có thể nói là kỳ lạ này.”

“Họp báo trước hết là thông tin chủ động của một đơn vị đến với báo chí. Sau đó, các phóng viên, nhà báo sẽ trao đổi, đặt câu hỏi cho những thắc mắc, chưa rõ trong thông tin; cần thiết thì phản biện lại thông tin đó. Đối thoại và bản lĩnh đối thoại, đó mới là sự hấp dẫn, thu hút của một cuộc họp báo.”

“Anh chưa thông tin, báo chí chưa rõ thông tin của anh mà yêu cầu người ta hỏi thì với tôi đó là yêu cầu ngược, làm khó cho báo chí. Đó là chưa nói câu hỏi phải gởi trước ba ngày. Nếu vậy thì cần gì họp báo. Các báo cứ gởi câu hỏi, đơn vị chức năng cứ việc gởi văn bản trả lời,” nhà báo Cù Mai Công nêu ý kiến.

Ngày 9/4, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ giải thích rằng việc phóng viên đặt câu hỏi phải “phù hợp với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí đang công tác” thì đã có quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông, báo VietNamNet thông tin.

Nhà báo Cù Mai Công chia sẻ: “Chuyện đúng tôn chỉ, mục đích của tờ báo thì ai cũng đã nghe nhiều lần, không chỉ ở Cần Thơ. Thoạt nghe có vẻ hợp lý nhưng thực tế khi cần, nó trở thành sự ràng buộc phạm vi thông tin của nhiều tờ báo.”

Thực ra, quyết định của chính quyền TP Cần Thơ chỉ là sự cụ thể hóa của một thực tế lâu nay: nhà báo phải tác nghiệp đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan mình đang công tác; báo chí phải hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích theo quy định, vốn đã được nêu rõ trong giấy phép hoạt động mà Bộ Thông tin và Truyền thông cấp cho mỗi cơ quan báo chí.

Trong các cuộc họp giao ban báo chí hằng tuần của Bộ Thông tin và Truyền thông với lãnh đạo các tòa soạn, “sai tôn chỉ, mục đích” cũng thường được nêu ra để phê bình.

Thực trạng này phản ánh chân thực tư duy quản lý mà một lãnh đạo trung ương đã đưa ra nhiều năm về trước: Vì sao báo tiếp thị mà đi viết chuyện chính trị!

Chính sách nhất quán

Một người đàn ông đọc báo
Chụp lại hình ảnh,Một người đọc báo tại TP HCM vào tháng 4/2020

Điểm C, khoản 2, Điều 25 trong Luật Báo chí quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà báo: “Được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật.”

Trên thực tế, khi các nhà báo mang giấy giới thiệu tới các cơ quan công quyền để làm việc, họ thường bị chất vấn về “tôn chỉ, mục đích”.

BBC News Tiếng Việt đã nói chuyện với một số nhà báo đang làm việc trong các cơ quan báo chí Việt Nam, nhiều người thừa nhận rằng họ từng bị từ chối phỏng vấn vì “không đúng tôn chỉ, mục đích”.

Nhiều người được thực hiện phỏng vấn, nhưng chỉ sau khi tranh luận và thuyết phục cơ quan chính quyền rằng mình “đang làm đúng tôn chỉ, mục đích”.

Nhà báo Cù Mai Công thắc mắc: “Lẽ nào những tờ báo của phụ nữ, thanh niên… chỉ được lấy thông tin về phụ nữ, thanh niên? Và họ không có quyền biết những thông tin khác mà họ quan tâm, từ tài chính-ngân hàng, bất động sản, quy hoạch, đến hạn hán, giá vàng?”

“Nếu như vậy thì họp báo lãnh vực, nội dung nào, anh chỉ cần mời những báo có tôn chỉ, mục đích có liên quan tới lãnh vực, nội dung đó thôi.”

“Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025” nhấn mạnh đến yếu tố tôn chỉ, mục đích như sau: “Nhà nước có cơ chế, chính sách tài chính, đào tạo, tạo điều kiện cần thiết cho báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền đồng thời khuyến khích các cơ quan báo chí tăng cường huy động nguồn lực phát triển nhưng phải bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích, không chạy theo lợi nhuận thuần túy, không để tư nhân sở hữu báo chí, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí.”

Trong giấy phép hoạt động báo chí được cấp cho các tòa soạn, mục “Tôn chỉ, mục đích” được nêu lên ở phần đầu (chỉ nằm sau các mục thông tin cơ bản về cơ quan chủ quản, tên cơ quan báo chí). Điều này cho thấy sự nhấn mạnh việc các cơ quan báo chí phải hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích.

Có thể hiểu đây là chính sách quản lý báo chí thống nhất từ trung ương, với hai cơ quan quan trọng nhất là Ban Tuyên giáo Trung ương (về mặt đảng) và Bộ Thông tin và Truyền thông (về mặt quản lý nhà nước).

Những quy định như của chính quyền TP Cần Thơ hoặc các địa phương khác, cũng như thực tiễn hoạt động báo chí bị cản trở bởi câu thần chú “tôn chỉ, mục đích”, chỉ là biểu hiện cụ thể của một chính sách, chủ trương chung mà thôi.

Công cụ xử phạt

Phụ nữ đọc báo
Chụp lại hình ảnh,Tính đến tháng 12/2023, Việt Nam có hơn 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí, 72 cơ quan Đài phát thanh, truyền hình, theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông

Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã tăng cường xử lý tình trạng mà bộ này gọi là “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hóa” mạng xã hội và “tư nhân hóa” báo chí.

“Không đúng tôn chỉ, mục đích trong giấy phép hoạt động” thường được cơ quan quản lý nhà nước nêu ra khi xử phạt các nhà báo và tòa soạn báo, nhẹ thì phê bình, cảnh cáo, nặng thì thu hồi thẻ nhà báo, treo bút, phạt vi phạm hành chính bằng tiền (đối với cá nhân) và phạt tiền, đình bản (đối với cơ quan báo chí).

Hồi tháng 7/2023, tạp chí Tri thức trực tuyến, thường được biết đến với tên gọi Zing hoặc Zing News, đã bị đình bản ba tháng, bị xử phạt hành chính với tổng số tiền 243,5 triệu đồng.

Trong quyết định ban hành ngày 14/7/2023, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông kết luận Zing News đã “thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí” gây ảnh hưởng nghiêm trọng; đã đăng tải các bài viết không đúng tôn chỉ, mục đích.

Một bài viết vào tháng 8/2023 trên Asia Sentinel có nhận định rằng vụ Zing News cho thấy những rủi ro khi một tờ báo “hơi xanh trong một môi trường truyền thông đỏ”.

Từ năm 2018 đến nay, Việt Nam đã đình bản nhiều tờ báo, tạp chí, trong đó có báo Tuổi Trẻ Online (2018), Pháp luật Việt Nam Online (2022) và Zing News (2023).

Trong năm 2023, đã có ít nhất 10 trường hợp bị phạt do vi phạm tôn chỉ, mục đích báo chí với số tiền hơn 434 triệu đồng.

Vào đầu tháng 2/2024, một phóng viên của tạp chí Công Nghiệp Môi Trường đã bị Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Tĩnh xử phạt 4 triệu đồng.

“Vi phạm” của người này được nêu trong quyết định xử phạt là “phóng viên hoạt động báo chí không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí của cơ quan báo chí đang công tác”.

Nguyên do là trước đó có vụ việc bà Nguyễn Thị Lệ Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh, sử dụng xe biển số xanh, lắp còi hụ, bật đèn ưu tiên chạy vào sảnh chờ sân bay Vinh để đón người nhà.

Việc sử dụng xe công vào việc riêng là hành vi bị cấm đối với công chức, cán bộ. Phóng viên nói trên đã cố gắng tìm hiểu vụ việc để phản ánh, nhưng anh ta đã bị xử phạt.

Vào tháng 12/2023, Tạp chí điện tử Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo bị xử phạt 50 triệu đồng vì “thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong Giấy phép hoạt động tạp chí điện tử”.

Đấy chỉ là vài vụ việc có quyết định xử phạt rõ ràng. Thực tế, “tôn chỉ, mục đích” được các cơ quan công quyền nêu ra để cản trở hoạt động báo chí thì rất nhiều.

Tạp chí điện tử Môi trường và Đô thị Việt Namvào tháng 12/2023 đã có bài viết phản kháng hiếm hoi với nhan đề, “Lấy danh nghĩa ‘tôn chỉ mục đích’ để ‘hành’ cơ quan báo chí?”.

Bài viết đã đưa ra phản biện liên quan đến 8 bài viết được đăng từ tháng 3/2023 về lĩnh vực môi trường và chất vấn Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa: Tạp chí về lĩnh vực môi trường viết về môi trường cũng trái “tôn chỉ mục đích?”.

Năm 2022, Tạp chí điện tử Giáo dục đăng tải một bài viết nói về thực trạng “tôn chỉ mục đích” của báo chí như sau:

“Trước hết, chúng ta cần xác định, tôn chỉ mục đích là chức năng định hướng của chính cơ quan chủ quản mà cơ quan báo chí đó trực thuộc. Và được xây dựng nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, phản biện dưới góc nhìn báo chí chính thống. Đó được coi là nhiệm vụ chính trị, xương sống của mỗi cơ quan báo chí.

Tuy nhiên, nhìn thẳng thực tế, nếu cơ quan báo chí chỉ thực hiện cứng nhắc về tôn chỉ mục đích, thì vai trò cung cấp thông tin, phản ánh hơi thở cuộc sống sẽ có những hạn chế.

Ví dụ như, tờ báo Tuổi trẻ không thể chỉ đưa bó hẹp thông tin về Đoàn thanh niên; Báo Gia đình Việt Nam không thể chỉ đưa vấn đề gia đình, món ăn trong các nhà hàng, siêu thị hay nội trợ; Tạp chí điện tử Giáo dục không thể hàng tháng định kỳ đưa thông tin nghiên cứu về giáo dục, kỳ thi tuyển, công tác đào tạo…”

Không gian nào cho báo chí điều tra?

Phụ nữ đọc báo ở Hà Nội
Chụp lại hình ảnh,Nền báo chí cách mạng Việt Nam xếp thứ 178 trên tổng số 180 nền báo chí trên thế giới, theo xếp hạng năm 2023 của tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF)

Tính đến tháng 12/2023, Việt Nam có hơn hơn 820 cơ quan báo chí, trong đó có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí, 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình; với tổng số nhân sự khoảng 41.000 người, theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tất cả các cơ quan truyền thông đều chịu sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua sự hướng dẫn, chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương và sự quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Các cơ quan báo chí còn có sự chỉ đạo trực tiếp của cơ quan chủ quản, chẳng hạn báo Tiền Phong chịu sự quản lý, định hướng của Trung ương Đoàn và Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn.

Mỗi một vấn đề, lĩnh vực, các cơ quan báo chí cũng chịu sự định hướng của các cơ quan cụ thể, ví dụ khi đưa tin về chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Úc thì báo chí nhận chỉ đạo của Bộ Ngoại giao.

Dưới tầng tầng lớp lớp quản lý ấy, không gian để tòa soạn và các nhà báo “quẫy đạp” trở nên chật chội.

Tại Hội báo toàn quốc năm 2024 diễn ra vào ngày 15 và 16/3 vừa qua ở TP HCM, các nhà báo đã thảo luận về nguyên nhân phóng sự điều tra đang ngày càng ít đi, ngày càng ít tác phẩm “gây mất ăn mất ngủ” cho người đọc.

Nhiều khó khăn trong báo chí điều tra đã được đề cập đến. Tuy nhiên, một trong những vấn đề cốt lõi dường như đã không được bàn thảo, đó là sự siết chặt quản lý, bằng quy định cũng như thực tiễn “bất thành văn”.https://flo.uri.sh/visualisation/13653288/embed?auto=1

“Tôn chỉ, mục đích” là một trong những công cụ quản lý được ví như chiếc vòng kim cô siết chặt trên đầu cơ quan báo chí, hạn chế vai trò phản biện xã hội, phòng chống tiêu cực của báo chí.

Những biện pháp siết chặt quản lý này được Đảng Cộng sản Việt Nam coi là hữu hiệu để đảm bảo “tính cách mạng” của báo chí. Trên thực tế, các biện pháp này cũng thường bị tùy nghi sử dụng, lợi dụng để bảo vệ quyền lực, thậm chí để phục vụ lợi ích nhóm.

Trong nhiều trường hợp, cán bộ nhà nước, cơ quan công quyền viện dẫn “tôn chỉ, mục đích” để từ chối quyền tiếp cận của báo chí, thực ra là để bưng bít thông tin tiêu cực. Ngày càng có nhiều trường hợp doanh nghiệp thông qua các cơ quan quản lý báo chí để tác động khiến báo chí không thể phản ánh tiêu cực của doanh nghiệp mình.

Với thực tiễn quản lý báo chí ngày càng siết chặt, nền báo chí cách mạng Việt Nam hiện xếp thứ 178 trên tổng số 180 nền báo chí trên thế giới, theo xếp hạng năm 2023 của tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) giảm bốn bậc so với một năm trước đó.

Việt Nam chỉ xếp cao hơn Trung Quốc và Bắc Hàn.

Bài Liên Quan

Leave a Comment