Giám đốc cơ quan tình báo Mỹ CIA, Bill Burns, cảnh báo về nguy cơ Ukraina ‘‘thua’’ Nga, nếu không được Mỹ hỗ trợ thêm về quân sự. Tuyên bố được đưa ra hôm qua, 18/04/2024, hai ngày trước cuộc bỏ phiếu tại Hạ Viện Mỹ, về khoản viện trợ quân sự hơn 60 tỉ đô la cho Ukraina, vốn bị trì hoãn từ cuối năm 2023.
Đăng ngày: 19/04/2024
Theo AFP, phát biểu tại George W. Bush Center, ở Texas, Hoa Kỳ, giám đốc CIA dự báo, nếu ‘‘không có thêm hỗ trợ bổ sung, nguy cơ rất lớn là Ukraina sẽ thất bại trên chiến trường từ nay đến cuối năm 2024, hoặc ít nhất (tổng thống Nga) Putin sẽ có cơ hội ở thế thượng phong để áp đặt một giải pháp chính trị’’. Lãnh đạo CIA không cho biết cụ thể đối với Ukraina, ‘‘thua’’ Nga có nghĩa cụ thể là thế nào.
Giám đốc cơ quan tình báo Mỹ CIA, Bill Burns, cũng nhấn mạnh, nếu được hỗ trợ bổ sung, người Ukraina sẽ đứng vững, ‘‘phá vỡ quan điểm kiêu ngạo của Putin là thời gian đang đứng về phía ông ta.’’
Phát biểu của lãnh đạo CIA được đưa ra vào lúc chủ tịch Hạ Viện đảng Cộng Hòa, ông Mike Johnson, đang chịu nhiều áp lực trong nội bộ, để không thông qua dự luật hỗ trợ Ukraina. Tối hôm qua, theo AP, Ủy ban Thẩm tra các Dự luật đã bỏ phiếu thông qua thủ tục đưa dự luật viện trợ quân sự cho Ukraina, cùng một số dự luật khác hỗ trợ Israel và Đài Loan, ra bỏ phiếu tại Hạ Viện. Ba dân biểu thuộc phái cánh cực hữu trong đảng Cộng Hòa đã bỏ phiếu chống.
Về phía Nga, khả năng kháng cự gia tăng của Ukraina có thể buộc Matxcơva phải tính đến việc ra lệnh động viên quân một lần nữa.
Từ Matxcơva, thông tín viên Anissa El Jabri cho biết cụ thể:
Từ mùa thu năm ngoái, điện Kremlin đã thể hiện thái độ tự tin, đắc thắng, và tỏ ra khinh thường mọi trợ giúp của phương Tây cho Ukraina, kể cả khoản viện trợ của Mỹ bị trì hoãn lâu nay, nhưng đang chuẩn bị được đưa ra bỏ phiếu. Trưa hôm qua, phát ngôn viên điện Kremlin phát biểu : ‘‘Vì các tranh chấp chính trị nội bộ, Washington đang tìm kiếm các ý tưởng mới để hỗ trợ Ukraina. Tuy nhiên, tất cả các chuyên gia hoặc những người gần như là chuyên gia giờ đây đều hiểu rõ thực trạng chiến trường, và họ thấy rõ là những việc này không hề có lợi gì cho Ukraina, sẽ không mang lại thay đổi gì.’’
Tuy nhiên, Điện Kremlin cũng theo dõi sát các tình hình quân sự, và rõ ràng là họ nỗ lực để tránh phải tiến hành một cuộc động viên mới lần thứ hai, bởi nhà cầm quyền hiểu rằng, nếu xảy ra, việc này sẽ rất gây mất lòng dân.
Hôm qua, tổng thư ký khối NATO Jens Stoltenberg khẳng định NATO đang chuẩn bị để chuyển thêm các hệ thống phòng không mới cho Ukraina. Thủ tướng Đức, Olaf Scholz, hy vọng là các quốc gia NATO có thể sẽ sớm viện trợ cho Ukraina 6 hệ thống phòng không Patriot.