Mỹ không chấp nhận Palestine là thành viên Liên Hiệp Quốc

Hôm qua, 18/04/2024, các thành viên Hội Đồng Bảo An đã bỏ phiếu về việc Palestine chuyển từ quy chế quan sát viên thường trực sang là thành viên chính thức của Liên Hiệp Quốc. Dự thảo nghị quyết đã bị bác bỏ vì Mỹ, một trong năm thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An, đã phủ quyết cho dù có 12 phiếu thuận và 2 phiếu trắng (gồm Vương quốc Anh và Thuỵ Sĩ).

Đăng ngày: 19/04/2024

Members of Security Council attend a meeting on the situation in the Middle East at U.N. headquarters in New York City, New York, U.S., April 14, 2024.
Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, họp bàn về tình hình Trung Đông, tại trụ sở ở New York, Hoa Kỳ, ngày 14/04/2024. REUTERS – Eduardo Munoz

Minh Phương

Chính quyền Palestine đã ngay lập tức lên án quyết định này của Hoa Kỳ, gọi đó là một “sự tấn công trắng trợn luật pháp quốc tế” và khuyến khích “cuộc diệt chủng nhắm vào người dân Palestine”, đẩy tình hình khu vực đến bờ vực thẳm.

Từ New York, thông tín viên RFI Carie Nooten cho biết thêm thông tin :  

Hoa Kỳ không làm cho mọi người hồi hộp. Họ vẫn giữ nguyên lập trường như vậy. Trước đó vào năm 2011 khi Palestine xin gia nhập Liên Hiệp Quốc, Barack Obama đã khẳng định: Washington muốn việc Israel công nhận Nhà nước Palestine không phải do bị ép buộc bởi yêu cầu xin gia nhập Liên Hiệp Quốc cho phép hợp thức hóa hơn một chút tư cách của Palestine. Việc công nhận này phải là kết quả của một sự thỏa thuận thương lượng giữa hai bên. 

13 năm sau, chính quyền Biden vẫn theo quan điểm đó và họ còn mập mờ, nước đôi, khi tuyên bố tin tưởng rằng giải pháp hai Nhà nước sẽ giúp giải quyết xung đột Israel-Palestine.

Thế nhưng, lần này có sự khác biệt là việc 12 nước thành viên Hội Đồng Bảo An đã ủng hộ yêu cầu xin gia nhập của Palestine cho thấy có sự thay đổi sâu sắc trong quan điểm của cộng đồng quốc tế và đa số các nước tin tưởng rằng việc thành lập một Nhà nước Palestine độc ​​lập sẽ giúp ổn định tình hình Trung Đông. Sự chậm trễ kéo dài trong việc thành lập Nhà nước Palestine độc ​​lập chính là nguyên nhân sâu xa gây ra các cuộc xung đột. 

Pháp đã bỏ phiếu thuận, và đó là một tín hiệu mới. Điều này củng cố thêm lập trường của tổng thống Emmanuel Macron rằng chủ đề này giờ không còn là điều cấm kỵ đối với Paris.”

Bài Liên Quan

Leave a Comment