Từ ngày 19/04/2024, gần 970 triệu cử tri Ấn Độ được mời gọi tham gia tổng tuyển cử bầu chọn các nghị sĩ. Cuộc bỏ phiếu này gồm bảy giai đoạn, kéo dài trong vòng sáu tuần. Thủ tướng Narendra Modi, mang tư tưởng chủ nghĩa dân tộc, theo Ấn giáo cùng đảng Bharatiya Janata (BJP) được dự báo sẽ thắng lớn, cầm quyền thêm nhiệm kỳ thứ ba.
Đăng ngày: 22/04/2024
Theo giới phân tích, đó còn vì tầm nhìn của BJP về tương lai của Ấn Độ phù hợp với mong muốn đa số người dân : Một Ấn Độ hùng cường về quân sự và kinh tế.
Truyền thông phương Tây những ngày gần đây khi đưa tin về bầu cử Ấn Độ, phần lớn đều tập trung bày tỏ lo lắng về tình trạng suy yếu nền dân chủ Ấn Độ. Thế nhưng, theo The Diplomat, các thăm dò gần đây cho thấy 75% số người dân Ấn Độ được hỏi đánh giá cao thành tích lãnh đạo của thủ tướng Modi.
Các cuộc đột kích thường xuyên nhằm vào một nhà báo hay một tòa soạn là một mối quan tâm rất hạn hẹp của giới tinh hoa và một bộ phận lớn tầng lớp bình dân, vốn dĩ chỉ quan tâm đến hiệu quả hoạt động tổng thể, khả năng mang lại sự thịnh vượng và tầm nhìn của đảng cho tương lai đất nước. Do vậy, đối với họ, đảng BJP và đặc biệt là ông Narendra Modi, là sự lựa chọn tốt nhất để lãnh đạo đất nước.
Nhà phân tích về quan hệ quốc tế Akhilesh Pillalamarri, trên trang The Diplomat đưa ra ba lý do chính để giải thích.
Thứ nhất, dưới thời thủ tướng Modi, cơ sở hạ tầng đã được cải thiện đáng kể. Hơn một nửa dân số đã được kết nối với Internet, hệ thống đường cao tốc đã tăng gấp đôi, và một mạng lưới đường sắt bán cao tốc được xây dựng.
Quan trọng nhất là nhiều chính sách của đảng BJP và thủ tướng Modi còn cải thiện khả năng tiếp cận hạ tầng thiết yếu cho người dân như nhà vệ sinh và nước máy. Đây chính là điểm mà đảng đối lập Quốc Đại đã thất bại trong việc mang lại những lợi ích cốt lõi cho tầng lớp trung bình của Ấn Độ.
Nếu như tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao (gần 45%), nhưng việc đi tiên phong chuyển tiền mặt trực tiếp qua hệ thống tiền mặt kỹ thuật số cho những người được hưởng phúc lợi, giúp loại bỏ khâu trung gian và nạn tham nhũng, đồng thời tạo điều kiện cho đảng cầm quyền tiếp xúc với người dân nhiều hơn bao giờ hết.
Thứ hai, an ninh nội địa đã được tăng cường. Khi đề cao tinh thần Ấn giáo, xem đấy như là một nguyên tắc cốt lõi, BJP đã thành công trong việc gắn kết Ấn Độ thành một quốc gia – dân tộc. Chính sách này đã giúp tăng cường hội nhập quốc gia, làm suy giảm tình trạng bạo lực của phe nổi dậy theo chủ nghĩa Mao ở miền trung Ấn Độ hay chủ nghĩa ly khai ở đông bắc đất nước nhờ vào việc kết hợp trị an với cải thiện kinh tế.
Đặc biệt, quyết định bãi bỏ quyền tự trị của bang Jammu và Kashmir khi cho thu hồi điều luật 370 của Hiến Pháp, nếu như bị phe đối lập và phương Tây chỉ trích mạnh mẽ, thì đa số người dân Ấn Độ lại tán thành, được cho là đã mang lại một cảm giác bình thường cho Kashmir sau nhiều năm bất ổn và trì trệ kinh tế.
Cuối cùng là tầm nhìn về đất nước. Trên bình diện ý thức hệ, trái với lập trường của đảng Quốc Đại khi cho rằng Ấn Độ chỉ là một liên minh đa quốc gia, chưa bao giờ thực sự tồn tại như một quốc gia cho đến khi có Hiến Pháp 1950, thủ tướng Modi và đảng BJP của ông luôn khẳng định Ấn Độ như là một thực thể văn minh có từ hàng nghìn năm qua. Một quan điểm đã được 96% người dân tán đồng khi cho biết họ tự hào là người Ấn Độ, và có đến 72% tin rằng văn hóa Ấn Độ vượt trội các nền văn hóa khác.
Trong đối nội, nếu như đảng Quốc Đại chủ trương tái phân phối của cải – một mô hình bị cho là giống như Venezuela có nguy cơ gây ra tình trạng nghèo đói và lạm phát tăng vọt, chảy máu dòng vốn và làm mất ảnh hưởng trên thế giới, thì BJP lại hình dung ra một quốc gia giống một trong những « con hổ » Đông Á, đặt trọng tâm vào sản xuất, phát triển cơ sở hạ tầng và chủ nghĩa dân tộc.
Tóm lại, theo nhà nghiên cứu Akhilesh Pillalamarri, nền chính trị tại Ấn Độ không đơn giản chỉ là cuộc đấu tranh giữa độc tài và dân chủ, mà đúng hơn, cử tri có mục tiêu và quyền tự quyết. BJP được ưa chuộng là vì ông Modi là hiện thân trung thành cho hy vọng và ước mơ cử tri bình dân Ấn Độ hơn là phe đối lập.