Trong bài trả lời phỏng vấn được đăng tải hôm 22/04/2024, tổng thống Ba Lan tuyên bố Vacxava sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình nếu khối NATO, mà Ba Lan là một thành viên, quyết định tăng cường bảo vệ sườn phía đông trước việc Nga triển khai vũ khí mới ở Kaliningrad và Belarus.
Đăng ngày: 24/04/2024
Tại hội nghị thượng đỉnh Vilnius năm 2023, các đồng minh đã tái khẳng định NATO sẽ làm “bất cứ điều gì cần thiết để bảo đảm độ tin cậy, hiệu quả, an toàn và an ninh của sứ mệnh răn đe hạt nhân, bao gồm việc tiếp tục hiện đại hóa năng lực hạt nhân và cập nhật quy trình lập kế hoạch.”
Trả lời nhật báo Fakt khi đang viếng thăm Canada, tổng thống Andrzej Duda nói: “Nếu các đồng minh của chúng tôi quyết định triển khai vũ khí hạt nhân trong khuôn khổ chia sẻ hạt nhân trên lãnh thổ của chúng tôi nhằm tăng cường an ninh ở sườn phía đông của NATO, thì chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận”.
Tuy nhiên, tổng thống Duda nhấn mạnh hiện chưa có quyết định nào về vấn đề này, mà ông chỉ khẳng định chia sẻ hạt nhân “chắc chắn sẽ củng cố vị thế và an ninh” của Ba Lan. Nguyên thủ quốc gia Ba Lan nói thêm rằng khả năng triển khai vũ khí hạt nhân ở Ba Lan đã là chủ đề thảo luận giữa Ba Lan và Hoa Kỳ.
Theo ông, “Nga đang ngày càng quân sự hóa Kaliningrad (vùng lãnh thổ nằm giữa Ba lan và Litva) và đang chuyển các vũ khí hạt nhân sang Belarus“, cũng là quốc gia giáp biên giới Ba Lan. Chính tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 6/2023 tuyên bố đã chuyển giao những vũ khí hạt nhân đầu tiên cho Belarus.
Nguy cơ leo thang với Nga
Phía Nga dĩ nhiên là đã có phản ứng về tuyên bố của tổng thống Duda. Khi được hỏi về khả năng vũ khí hạt nhân được triển khai ở Ba Lan, hôm 22/04, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov tuyên bố Nga sẽ bảo đảm “an ninh” của mình nếu điều này xảy ra. Ông nói: “Quân đội tất nhiên sẽ phân tích tình hình và trong mọi trường hợp sẽ thực hiện mọi biện pháp trả đũa cần thiết để đảm bảo an ninh của nước Nga.”
Trả lời trang mạng “7 sur 7” của Bỉ ngày 23/04, một cựu đại tá quân đội Bỉ Roger Housen nhấn mạnh Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận cho triển khai vũ khí hạt nhân, kể cả vũ khí hạt nhân chiến thuật, ở Ba Lan, vì đây sẽ là một bước leo thang rất lớn dẫn đến xung đột giữa khối NATO và Nga. Hơn nữa, từ nhiều thập niên qua, Mỹ đã vẫn đặt rất nhiều vũ khí nguyên tử tại 5 nước châu Âu thành viên của NATO: Bỉ, Hà Lan, Ý, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ, chưa kể các vũ khí hạt nhân của Anh và Pháp.
Theo cựu đại tá Housen, tổng thống Duda dường như tin rằng Nga sẽ không dám tấn công Ba Lan nếu nước này có vũ khí hạt nhân. Nhưng lập luận đó là vô nghĩa: Cũng là một thành viên của NATO, Ba Lan đã nằm dưới sự bảo vệ của chiếc ô hạt nhân của khối này. Triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Ba Lan chỉ khiêu khích Nga và khiến cho an ninh của Ba Lan càng khó được bảo đảm.
Bất đồng nội bộ Ba Lan
Tuyên bố của ông Duda được đưa ra trong bối cảnh chính trường Ba Lan đang trải qua thời kỳ chung sống khó khăn giữa một tổng thống vốn là đồng minh thân cận của chính quyền cũ theo chủ nghĩa dân túy với thủ tướng Donald Tusk, một nhân vận thân Âu, sau khi liên minh của ông chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 10 năm 2023. Tổng thống Duda và thủ tướng Tusk thường xuyên đối chọi với nhau về chính sách đối nội, nhưng quan điểm của họ về việc hỗ trợ Ukraina và mối đe dọa từ Nga phần lớn vẫn giống nhau.
Tuy vậy, có vẻ như thủ tướng Donald Tusk không tán đồng phát biểu của tổng thống Duda về vũ khí hạt nhân. Trả lời báo chí hôm qua, thủ tướng Ba Lan nói ông muốn “biết tất cả các tình huống khiến tổng thống đưa ra tuyên bố này.” Ông Tusk khẳng định: “Tôi rất mong muốn Ba Lan được sống trong an ninh, được trang bị vũ khí tốt nhất có thể, nhưng tôi cũng muốn mọi sáng kiến trước hết phải được những người có trách nhiệm chuẩn bị thật kỹ càng”.
Vậy thì vì sao tổng thống Duda lại nói đến khả năng triển khai vũ khí nguyên tử ở Ba Lan? Theo suy đoán của cựu đại tá Housen, ông Duda là một nhân vật theo đường lối cứng rắn và những tuyên bố kiểu như vậy rất được những người ủng hộ ông tán thưởng. Trước đó vài ngày, tổng thống Ba Lan đã gặp cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tại New York. Cựu đại tá Housen nói ông sẽ không ngạc nhiên rằng chính ông Trump đã khuyến khích ông Duda đi theo hướng này để gây khó khăn cho chính quyền Joe Biden, vốn không muốn căng thẳng gia tăng với Nga.