Liên Âu cấm sản phẩm từ lao động cưỡng bức, Trung Quốc trong tầm ngắm

Ngày 23/04/2024, với đa số phiếu áp đảo, Nghị Viện Châu Âu đã thông qua văn bản cấm các sản phẩm có nguồn gốc từ lao động cưỡng bức. Một văn bản khác, liên quan đến « bổn phận cảnh giác » của các doanh nghiệp nhằm bảo vệ môi trường và nhân quyền trong chuỗi sản xuất, được đưa ra bỏ phiếu ngày 24/04. Dù tách biệt, nhưng hai văn bản này liên kết chặt chẽ với nhau.

Đăng ngày: 24/04/2024

Ảnh minh họa: Nghi Viện Châu Âu trong một cuộc bỏ phiếu, Strasbourg, ngày 23/04/2024.
Ảnh minh họa: Nghi Viện Châu Âu trong một cuộc bỏ phiếu, Strasbourg, ngày 23/04/2024. AP – Jean-Francois Badias

Thu Hằng

Theo AFP, đầu tháng 03/2024, Nghị Viện Châu Âu và các nhà đàm phán của các nước thành viên đã nhất trí về một đạo luật cấm kinh doanh trong Liên Hiệp Châu Âu các sản phẩm có nguồn gốc từ lao động cưỡng bức. Văn bản này có thể liên quan đến đến hàng hóa từ vùng Tân Cương, Trung Quốc. Nhiều nước phương Tây đã lên án tình trạng cưỡng bức lao động trên diện rộng do chính phủ Trung Quốc áp đặt đối với người thiểu số theo Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ. Bắc Kinh luôn bác bỏ cáo buộc này.

Đối với một số mặt hàng có nguy cơ (bị nghi ngờ là sản phẩm của lao động cưỡng bức), các nhà nhập khẩu sẽ phải cung cấp thông tin chi tiết về nhà sản xuất. Bruxelles muốn lập một cơ sở dữ liệu được cập nhật và danh sách các lĩnh vực bị tác động vì tình trạng lao động cưỡng bức do chính quyền nước xuất xứ triển khai tại một số vùng cụ thể. Đây là tiêu chí quan trọng để Ủy Ban Châu Âu mở điều tra trong trường hợp nghi ngờ chuỗi cung ứng ở các nước thứ ba. Trong trường hợp vi phạm, hàng hóa sẽ bị tịch thu ở biên giới và sẽ bị rút khỏi thị trường châu Âu cũng như trên các nền tảng bán hàng trực tuyến.

Ngày 24/04, các nghị sĩ châu Âu bỏ phiếu về một văn bản khác, buộc các doanh nghiệp phải « cảnh giác ». Các doanh nghiệp liên quan sẽ phải dự báo, xác định và sửa chữa những vi phạm về nhân quyền, xã hội (sử dụng trẻ em, lao động cưỡng bức, an toàn lao động…) và tác động đến môi trường (phá rừng, gây ô nhiễm…) trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO), khoảng 27,6 triệu người bị cưỡng bức lao động trên thế giới trong năm 2021, trong đó có khoảng 3,3 triệu trẻ em.

Bài Liên Quan

Leave a Comment