Lần thứ hai trong vòng chưa đầy một năm, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken công du Trung Quốc. Ông đến Thượng Hải ngày 24/04/2024, sau đó sẽ có các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Trung Quốc ở Bắc Kinh ngày 26/04 để gây sức ép về nhiều hồ sơ nhưng vẫn tìm kiếm sự ổn định lớn hơn giữa hai nước. Chuyến công du được cho sẽ gặp nhiều khó khăn vì Trung Quốc không có chung quan điểm về mọi chủ đề.
Đăng ngày: 24/04/2024
Theo AFP, ngoại trưởng Mỹ bắt đầu chuyến công du với các cuộc gặp gỡ sinh viên và giới chủ doanh nghiệp tại Thượng Hải ngày 24/04. Ông chọn Thượng Hải là chặng dừng đầu tiên nhằm thể hiện mối quan hệ nồng ấm giữa Mỹ và Trung Quốc vì Thượng Hải từng đón một ngoại trưởng Mỹ đầu tiên vào năm 2010, lúc đó là bà Hillary Clinton.
Đến ngày 26/04, ông Antony Blinken làm việc với các nhà lãnh đạo Trung Quốc tại Bắc Kinh để đề nghị Trung Quốc « kiềm chế » trong bối cảnh tổng thống tân cử Đài Loan chuẩn bị nhậm chức và đề cập đến nhiều chủ đề bất đồng khác. Trước khi lên đường đến Trung Quốc, ngoại trưởng Mỹ nhắc lại cáo buộc Bắc Kinh tiến hành « diệt chủng » đối với tộc người thiểu số theo Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc không có ý định để Mỹ đe dọa, theo ghi nhận của thông tín viên RFI Florence de Changy tại Hồng Kông :
Trong bài xã luận được Tân Hoa Xã đăng sáng nay (24/04), chỉ ít giờ trước khi ông Antony Blinken tới, giọng điệu rất nghiêm khắc. Cơ quan thông tấn Nhà nước Trung Quốc cho rằng dù gần đây, mối quan hệ song phương được bình ổn, kể từ sau cuộc họp thượng đỉnh tại San Francisco giữa hai nguyên thủ và quân đội hai nước đã nối lại đối thoại, thì « vẫn còn có sự thù nghịch lớn », chủ yếu là do Hoa Kỳ coi Trung Quốc là một mối đe dọa và đây là nhận thức sai lệch sâu sắc.
Ba chủ đề bất đồng được đề cập. Trước tiên, về khúc mắc liên quan đến xuất khẩu của Trung Quốc, Tân Hoa Xã cho rằng lo sợ của Washisngton là phi lý và lên án những luận điệu ngày càng đối địch của Mỹ. Trung Quốc mong muốn có sự cạnh tranh lành mạnh tạo thuận lợi cho cải thiện song phương, chứ không phải là cạnh tranh nhằm triệt hạ nhau. Tân Hoa Xã cảnh báo rằng đơn phương « lên lớp » hoặc lợi dụng thế mạnh để thao túng sẽ không dẫn đến đối thoại mang tính xây dựng với Trung Quốc.
Chủ đề gây đồng thứ hai là Đài Loan và Biển Đông. Bài xã luận nhắc lại nguyên tắc một nước Trung Hoa, được coi là nền tảng của quan hệ Mỹ-Trung, đồng thời lên án Hoa Kỳ can thiệp vào Biển Đông, « gây bất hòa giữa Trung Quốc và các nước láng giềng ». Các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Philippines bị coi là « phô trương sức mạnh quân sự khiêu khích một cách vô ích và chỉ làm gia tăng căng thẳng trong vùng ».
Cuối cùng về vấn đề Ukraina, Hoa Kỳ muốn Trung Quốc đóng vai trò rõ ràng hơn đối với tổng thống Nga và không nuôi dưỡng nỗ lực chiến tranh của ông Putin. Ngược lại, bài xã luận của Tân Hoa Xã lại kêu gọi Washington thừa nhận vai trò của Mỹ trong việc làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng và ngừng liên tục đổ lỗi cho Trung Quốc ».
Chỉ chừng đó đã cho thấy hai nước không có chung quan điểm về bất kề chủ đề gì.
Đài Loan cảm ơn chương trình hỗ trợ quân sự của Mỹ
Cùng ngày với chuyến công du Trung Quốc của ngoại trưởng Antony Blinken, tổng thống Mỹ ký ban hành các chương trình viện trợ của Mỹ trị giá 95 tỉ đô la, trong đó có 8,12 tỉ đô la dành cho Đài Loan. Tổng thống Thái Anh Văn (Tsai Ing Wen) bày tỏ vui mừng, trong khi Văn phòng Sự vụ Đài Loan ở Bắc Kinh « tức giận ». Trả lời báo giới ngày 24/04, người phát ngôn Chu Phượng Liên (Zhu Feng Lian) nhấn mạnh chương trình hỗ trợ đó « gửi một tín hiệu xấu, khuyến khích xu hướng đòi độc lập của Đài Loan ». Theo Reuters, Trung Quốc coi Đài Loan là vấn đề nội bộ và là vấn đề nhạy cảm trong quan hệ Mỹ-Trung.