2024.04.25
Các container tại cảng Tân Vũ ở Hải Phòng hôm 29/8/2023 (minh hoạ)
Hàng xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của 242 vụ điều tra liên quan đến phòng vệ thương mại tại các nước bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Indonesia, Australia… tính đến hết tháng 12 năm 2023. Báo Nhà nước dẫn báo cáo thường niên Phòng vệ thương mại năm 2023 của Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết như vậy.
Theo báo cáo, chỉ riêng trong năm 2023, Việt Nam đã phải đối mặt với 15 vụ điều tra mới như vậy.
Hoa Kỳ là quốc gia khới xướng nhiều vụ điều tra nhất với hàng hoá của Việt Nam trong năm 2023, theo báo cáo, với bảy vụ việc. Cụ thể, Mỹ điều tra bốn vụ chống bán phá giá (CBPG), một vụ việc điều tra chống trợ cấp (CTC) và hai vụ việc điều tra phạm vi sản phẩm/chống lẩn tránh thuế PVTM (CLT).
Các mặt hàng bị điều tra đa dạng gồm các sản phẩm như nhôm đùn, dây cáp nhôm, giá để đồ bằng thép, bánh xe kéo bằng thép, máy xịt rửa áp lực cao, túi giấy, tôm…
Ngoài ra, Mỹ cũng tiến hành rà soát một số biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) đã áp dụng trước đó, như rà soát hành chính thuế CTC với lốp xe, rà soát hành chính thuế CBPG với mật ong nhập khẩu từ Việt Nam.
Đến hết tháng 12/2023, Mỹ đã điều tra 59 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, chiếm khoảng gần 25% tổng số vụ việc nước ngoài điều tra với hàng Việt.
Theo báo cáo mới, Ấn Độ hiện cũng đang tiến hành 31 vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hoá Việt Nam.
Tính đến tháng 6/2023, Canada đang tiến hành điều tra 18 vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hoá Việt Nam, nhưng không điều tra vụ mới trong năm 2023.
Australia đã điều tra 18 vụ phòng vệ thương mại đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.
Tại ASEAN, bốn nước đang áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với Việt Nam là Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan.
Hiện Việt Nam đang đề nghị Hoa Kỳ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trong các vụ điều tra chống bán phá giá.
Theo Bộ Công thương, khi xác định giá trị thông thường để tính biên độ phá giá, Hoa Kỳ sẽ sử dụng giá trị của một nước thứ ba được coi là có nền kinh tế thị trường (nước thay thế) để tính toán chi phí sản xuất của các doanh nghiệp tại Việt Nam thay vì sử dụng dữ liệu do các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp. Điều này khiến biên độ phá giá bị đẩy lên rất cao và không phản ánh thực trạng sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, việc coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường cho phép Hoa Kỳ áp dụng thuế suất toàn quốc – là mức thuế dành cho các doanh nghiệp không hợp tác hoặc không chứng minh được họ không chịu sự kiểm soát của Chính phủ. Thuế suất toàn quốc thường được Hoa Kỳ tính toán dựa trên dữ liệu sẵn có nên thường bị đẩy lên rất cao và được duy trì trong tất cả các đợt rà soát, gây cản trở cho việc xem xét dỡ bỏ lệnh áp thuế.