(Đoàn Nhã-Văn)
Xuyên suốt thế giới âm nhạc của Trầm Tử Thiêng, không chỉ điệu nhạc và tấm lòng, mà ca từ trong rất nhiều ca khúc của ông đã đến và ở lại trong trái tim của nghe khắp năm châu. Đó là những hình ảnh đẹp, nghe xong khó thể nào quên, dù đó là tình ca hay những nhạc phẩm viết về thân phận, về quê hương đất nước.
Ở tình ca, ông viết:
Trong xót xa mắt nào đã khóc
Trong thiết tha môi nào đã hôn
…
Đêm hắt hiu nhớ vòng tay góa
Em vẫn đi theo đời cuốn xô
(Một thời để nhớ)
Hoặc:
Bảy ngàn đêm giấc ngủ chưa tròn
Giấc ngủ hao mòn
cơn mơ thành bại
mắt còn đỏ hoe.
(7000 đêm góp lại)
Đẹp không? Đẹp chứ!
“Cám ơn cha đã cho con hạt bụi,
vo tròn trong bụng mẹ cút côi”
(Cám ơn anh)
Hạt bụi vo tròn trong bụng mẹ cút côi không chỉ là hình ảnh quá đẹp, mà còn gói trọn một tình yêu, khởi đầu một sự sống mới, như hạt mầm nguyên sơ một ngày nọ xôn xao lòng đất, lớn dậy, trưởng thành. Đó cũng là vòng quay của đời sống, với tấm lòng tha thiết, tạ ơn đấng sinh thành.
Năm 1968, khi chiến tranh đã bắt đầu dâng lên cao độ, ông đã sáng tác nhạc phẩm “Đưa em vào hạ”, với phần lớn ca từ rất đơn giản, dễ hiểu. Tuy vậy, đoạn trích sau đây chứa đựng một vài hình ảnh rất khác.
Tiếng nỉ tiếng non khi chiến trường nằm im thở khói
Đứa bé nhìn cha đang chờ giặc dưới giao thông hào
(Đưa em vào hạ)
Chiến trường có thể lắng đọng vì hai bên chiến tuyến có thể đang tìm cách hạ gục đối phương. Nhưng “chiến trường nằm im thở khói” là một hình ảnh hiếm thấy trong âm nhạc.
Còn “tiếng nỉ tiếng non” là tiếng gì, từ đâu tới? Ở góc cạnh của mỗi người nghe, chẳng hạn người lính chiến hay người dân thị thành, có thể có câu trả lời khác nhau. Trên chiến trường mạng người như rơm rạ thì có phải đây là tiếng rên rỉ của oan hồn từ những người đã ngã?
Câu kế tiếp “Đứa bé nhìn cha đang chờ giặc dưới giao thông hào”, có phải những người lính đem vợ con theo ở trong các tiền đồn? Không dẫn giải, ông đã đưa hình ảnh của một cuộc chiến đặc thù vào âm nhạc, mà hình như không có hình ảnh này trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào khác. Có thể nói, trong hàng trăm những nhạc phẩm viết về thời chiến của nhiều nhạc sĩ khác nhau, khó tìm ra một bài thứ hai với hình ảnh mà ông chọn lựa.
Ca từ của những bài hát về chiến tranh thường có tính cách dẫn giải. Riêng ông, ông thu gọn chiến tranh bằng cách nhìn của riêng mình. Lạ lẫm và độc đáo.
Năm 1972, ông cho chào đời nhạc phẩm “Tưởng Niệm”, có đoạn.
Bàn tay làm sao níu một đời vừa đi qua
Bàn tay làm sao giữ một thời yêu thiết tha
…
Mang ơn trên cho cuộc đời ta
Vài vạnngày gió cuồng mưa lũ
Trăm cơn đau một vừng nhang khói
Kéo ta về, về cõi hư vô
(Tưởng niệm)
Bạn có để ý cách dùng chữ của ông không? “Níu một đời”, “giữ một thời”. Rồi tiếp theo, vài vạn ngày; trăm cơn đau, mộtvừng nhang khói, cuối cùng là cõi hư vô. Cuộc đời như một chiếc xe từ đỉnh trời, không phanh lao xuống dốc đời. Thời gian cứ trôi đi, đời người cứ ngắn dần, con số cứ nhỏ lại, để rồi một ngày nào đó ai cũng phải trở về với cát bụi, với hư không. Từ vạn xuống trăm, từ trăm xuống một, từ một về zero (hư vô). Đó là một cách dàn trải theo toán học, từ cực đại trở về cực tiểu. Đem cách nhìn ấy vào góc độ thi ca, ông đặt cái hữu hạn xác thân nằm trong cái vô hạn của đất trời. Chất triết lý gói tròn trong hình ảnh toán học, được dàn trải một cách đầy thi vị. Sắp xếp được những con chữ ôm trọn một cuộc nhân sinh, để đưa được vào những nốt nhạc như thế không hề là một sự may mắn, mà là một tài năng âm nhạc. Với tôi, đây là một trong những nhạc phẩm “để đời” của ông.
Thêm nữa, hiếm có nhạc sĩ nào viết “một vừng nhang khói”. Ngay cả trong văn chương, người ta thường viết “một vùng” chứ không phải “một vừng”. Chữ “vừng nhang khói” của ông thật đắt. Đó là lối dụng chữ của một tấm lòng nặng nợ với âm nhạc và thi ca. Tuy vậy, có nhiều ca sĩ đã hát sai lời thành “một vùng hương khói”. Tiếc!
Thử nhìn thêm một nhạc phẩm khác, “Đêm nhớ về Sài Gòn”, viết sau khi định cư tại Mỹ.
Đêm nhớ về Sài Gòn
Thấy phố phường buồn xưa chưa nguôi
Những con đường thèm đôi chân vui, đã bao lâu chờ đợi
Đường im nghe quá khứ trong sâu
Đường chia ly vẫn ngóng tin nhau
Tình lẻ loi canh thâu
Đêm nhớ về Ѕài Gòn
Tiếng nhạc vàng gọi từng âm xưa
Ánh đèn vàng nhạt nhòa đêm mưa
Ai sầu trong quán úa
Ɓóng mẹ hiền mờ mờ bên song
Mắt người tình một trời mênh mông.
Gợi bao nhiêu cho cùng …
(Đêm nhớ về Sài Gòn)
Nếu có ai đó chưa từng nghe bài này (qua tiếng hát, ví dụ, của Vũ Khanh, Tuấn Ngọc, Lệ Thu, Nguyên Khang, v.v.), không sao. Cứ đọc trích đoạn ca từ như một phần của một bài thơ xuôi. Và đây là bài thơ xuôi nổi trội, so với hàng ngàn hàng vạn bài thơ xuôi mà chúng ta thấy nhan nhản suốt hơn nửa thế kỷ qua. Không chỉ nổi trội, mà còn là một bài thơ hay.
Ở nhạc sĩ khác, người ta sẽ nhớ góc phố này với tiếng cười nói rộn ràng, nhớ con đường nọ có lá me bay, nhớ trưa xa lộ, nhớ chiều Hàng Xanh, v.v. Nhưng ông thì khác. Cứ nhìn hình ảnh “Những con đường thèm đôi chân vui” mà ông đã dàn trải. Trầm Tử Thiêng đã nhân cách hóa con đường như một con người biết nhớ, biết thương, biết đói khát, biết thèm thuồng, biết lo lắng. Như rừng già nhớ thú hoang, như sông sâu nhớ trăm suối cạn, như bầu trời nhớ những đám mây bay… Với tôi, con đường ấy cũng chính là những nhịp đập của một trái tim lớn, trái tim của một người Việt Nam chân chính mang tên Trầm Tử Thiêng. Một trái tim hít thở với cội nguồn, để nghiêng tai nghe con đường nỉ non chia sẻ, để “hiểu” sự thèm thuồng, háo hức, chờ đợi … những bước chân vui. Đó cũng là cái nhớ quay quắt của một người từ xa, nhìn về cố quận, để bật ra những ca từ không thể hay hơn. Ngay cả trong văn chương, không có nhiều tác giả chọn được và giữ lại hình ảnh “thèm”. Trong thi ca, “thèm” càng hiếm hoi. Xác xuất gần như là zero phần trăm chữ “thèm” xuất hiện trong những nhạc phẩm. Vậy mà Trầm Tử Thiêng làm được. “Những con đường thèm đôi chân vui” là một hình ảnh lạ và đẹp trong âm nhạc. Không chỉ làm được, mà còn hay. Không chỉ hay, mà còn độc đáo. Không chỉ độc đáo, mà còn cho thấy một bản lãnh. Tuyệt!
Hoặc:
Con đã thấy mùa xuân trong lòng mẹ
Mẹ đã tìm mùa xuân trong mắt cha
Mẹ rưng rưng ôm xuân nồng hội ngộ
Cha mừng xuân trong sắc áo sương pha
(Ta đã gặp mùa xuân)
Đây không còn là một đoạn của một ca khúc, mà đích thị là một đoạn thơ. Hình ảnh gần gũi và lay động của đứa con thấy phơi phới, hân hoan như mùa xuân về trong lòng mẹ, như sắc xuân về trong ánh mắt Cha. Và đặc biệt là âm điệu. Cái nhẹ nhàng, trong vắt của mùa xuân, cái rưng rưng của hội ngộ, cái lâng lâng không chỉ của thời tiết, đất trời, mà của xuân lòng phơi phới. Mùa xuân khởi đi từ tận đáy lòng. Một trích đoạn ngắn thôi, nhưng bộc hết nỗi niềm của ba nhân vật. Ca từ này không “thơ” hay sao?
Rồi:
Mười năm yêu em ta thấm đời mộng mi
Mười năm yêu em ta thấu tình cuồng si
Mười năm yêu em ta hóa thành chiếc lá
Trôi theo từng cơn lũ của kiếp sống
Tình chưa yên vui bên sóng đời cuồng nộ
Chợt đêm chia phôi ngăn cách một đại dương
Từng đêm gian nan ta ngỡ mình sắp đuối
Nhưng em tình vẫn hát từ bến trời
(Mười năm yêu em)
Hãy nhìn hình ảnh cuộc đời như chiếc lá bồng bềnh trên dòng lũ nhân sinh để hiểu rằng: đó không chỉ là lời nhạc. Đó là … thơ. Đó còn là sự chắt lọc của một trái tim bao lần tưởng như ngưng đập, của từng đêm gian nan, “ngỡ mình sắp đuối”.
Và đây nữa:
Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng
Lời cầu kinh vừa có người nghe
Trái tim ơi, đất trời lồng lộng
Chờ đêm đêm biển hát tình ca
Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng
Bao sinh linh nhận phép giải oan
Xiết tay nhau cúi đầu gạt lệ
Tạ ơn Trên, người vẫn thương người
(Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng)
Lời nhạc thật hay. “Thơ” không? “Thơ” quá đi chứ! Thơ bảy chữ đưa vào nhạc chở được cái hiển lộng của tình người không phải ai cũng làm được.
“Lời cầu kinh vừa có người nghe” và “Bao sinh linh nhận phép giải oan” là chứng nghiệm của niềm tin vào những điều tốt đẹp. Đó cũng là điều ông gởi gắm: chúng ta có thể mất tất cả, nhưng đừng bao giờ để mất niềm tin, ngay cả trong lúc tuyệt vọng nhất. Không đập những nhịp đập lạc quan, không bao giờ có những ca từ hay như thế. Chất thơ như rắc mật ngọt trong từng câu chữ, có thể mở được những cánh cửa khó tánh nhất từ người thưởng ngoạn. Nhạc của ông, thơ của ông đã gieo rắt niềm tin vào cuộc đời này.
Cũng xin nói thêm một bài nữa, đó là bài hát mà tôi đã nghe, đã rớt nước mắt. Tôi khóc cho tâm trạng của một thuyền nhân. Và cũng khóc cho hàng trăm ngàn thuyền nhân khác không bao giờ tới được bến bờ tự do.
Dứt bão bắt đầu nước mắt
Chia ly bằng những âm thầm
Chiếc bóng nhân tình ngơ ngác
Như lần từ biệt trăm năm
Dứt bão bắt đầu nước mắt
Ta không chờ mãi bình minh
Chết giữa cánh đồng héo hắt
Mặt trời đến lúc vô tình
(Dứt bão bắt đầu nước mắt)
Đây không còn là một trích đoạn của một nhạc phẩm, mà đích thị là thơ. Không chỉ là thơ, đây là một phần của một bài thơ “đẹp”. Đẹp ở hình ảnh, đẹp ở âm điệu.
Trầm Tử Thiêng có phổ thơ không? Có. Tôi đọc và tìm thấy một số, mà tôi biết chắc, đó là lời của những bài thơ hay. Chẳng hạn, Ông có phổ thơ của Nhã ca, với bài “Bài Nhã Ca thứ nhất”; thơ của Hoàng Trúc Ly với bài “Cõi nghìn trùng”; thơ của Định Nguyên với bài “Thầm Thì”; hoặc thơ của Thâm Tâm, với bài “Tống Biệt Hành”, v.v. Tiếc là những nhạc phẩm phổ thơ, người ta đăng lại nhưng thường không ghi tên những thi sĩ mà ông phổ nhạc. Đó là lỗi của những người yêu mến nhạc của ông.
Vậy ca từ của nhạc phẩm “Dứt bão bắt đầu nước mắt” ông phổ từ thơ của ai hay của chính ông? Tôi không tìm thấy tài liệu gốc của nhạc phẩm này. Tuy nhiên, hình ảnh và ý tưởng lấp lánh một tấm lòng, một trái tim trong dòng nhạc dành cho những người tị nạn, cho những thuyền nhân của thế kỷ hai mươi. Do đó, tôi vẫn nghĩ, đây là chữ nghĩa của ông. Và trong ý nghĩ đó, tôi tin rằng ông đã viết lời thơ trước khi đưa vào nhạc. Phải từng trải qua cuộc nhân sinh chia ly, thất tán; phải đớn đau giữa hội ngộ trùng phùng và từ biệt miên viễn, phải lội ngược đêm đen để ước vọng bình minh, phải thấy những cánh đồng mạ non đang chết khát để hân hoan chào đón nước về, v.v., mới viết được những vần thơ như thế. Có những bài thơ “đẹp” không hẳn đã hay. Khi một bài thơ lôi cuốn lòng người, chữ nghĩa không thể thay thế, không thể thêm vào một chữ hoặc lấy bớt đi một chữ, đó đích thực là một bài thơ vượt lên cái tầm thường. “Dứt bão bắt đầu nước mắt” là một bài thơ không chỉ đẹp, mà còn hay. Không chỉ hay, mà còn cho thấy sự tài tình của ông khi giữ nguyên bài thơ trên những khung nhạc như thế.
Tôi chỉ lướt qua những nhạc phẩm mà tôi thường nghe. Vì thế, chắc chắn trong gia tài âm nhạc của Trầm Tử Thiêng còn nhiều, rất nhiều những hình ảnh đẹp, những ca từ đầy chất thơ đi vào lòng người. Từ góc độ nhìn riêng của mỗi người, tôi tin rằng, những người thưởng ngoạn nhạc sẽ phát hiện ra nhiều điều thú vị khác về ca từ, trong gia tài lớn ấy của ông.
Nhà văn, nhà báo Giao Chỉ cho rằng Trầm Tử Thiêng đã “để lại cho chúng ta một tình yêu mênh mông giữa con người và đất nước. Giữa con người với con người. Ông đã viết nên những lời não nùng nhất của nhân loại”. (1)
Nhà văn Huy Phương cho rằng “Trầm Tử Thiêng là người chép sử lưu vong bằng âm nhạc”. (2)
Cả hai đều khẳng định ông là một nhạc sĩ tài năng. Đúng, nhưng theo tôi, chưa đủ.
Trầm Tử Thiêng là một nhạc sĩ tài hoa đã để lại một gia tài lớn cho người yêu âm nhạc, Hơn thế, ông còn mang trong mình một tâm hồn thi sĩ, đã rút ruột mình gởi cho đời những vần thơ hay, đầy tình người giữa những đổ nát ở cõi nhân sinh. Và hơn thế nữa, trong gia tài ấy, dù khó tính tới đâu, không ai có thể phủ nhận một điều: ông là một-người-Việt-Nam-chân-chính, với những nhạc phẩm viết cho đồng bào, cho Mẹ Việt Nam, trong giai đoạn nổi trôi của vận nước, không thể hay hơn, như thế.
7/2020
(Tạp chí Ngôn Ngữ số 9, 9/2020)
Đoàn Nhã-Văn
(1) Giao Chỉ: Trầm Tử Thiêng – người viết Kinh Khổ: http://phiendasau-vongngayxanh.blogspot.com/p/tram-tu-thieng-nguoi-viet-kinh-kho.html
(2) Huy Phương: Trầm Tử Thiêng – người chép sử lưu vong bằng âm nhạc. http://thoibao.com/tram-tu-thieng-nguoii-chep-su-luu-vong-bang-am-nhac/