Ukraina thở phào khi Quốc Hội Mỹ thông qua khoản viện trợ 61 tỉ đô la. Tuy nhiên, theo giới quan sát, dù được coi là « chiếc phao cứu sinh » nhưng khoản hỗ trợ đó không phải là « cây đũa thần » để Kiev giải quyết được mọi khó khăn trên chiến trường và sớm tiến hành chiến dịch phản công.
Đăng ngày: 26/04/2024
Bất đồng kéo dài tại Hạ Viện Hoa Kỳ đã khiến Ukraina phải trả giá đắt. Sáu tháng chờ đợi là khoảng thời gian Ukraina bị mất đất, mất quân trên chiến trường. Binh lính Ukraina phải « dè xẻn » từng viên đạn, chống chọi các đợt tấn công của Nga. Trong khi đó, Nga không ngừng oanh kích cơ sở hạ tầng năng lượng ở Ukraina, đặc biệt là ở thành phố Kharkiv sát biên giới và chiếm ưu thế tại một số địa phương ở miền đông. Ukraina phải lùi về thế thủ, xây dựng nhiều lớp hào để ngăn đà tiến.
Ukraina bị trả giá vì 6 tháng chờ đợi Quốc Hội Mỹ
Chính cố vấn an ninh Nhà Trắng Jake Sullivan thừa nhận rằng dù có « khoản hỗ trợ lớn », Ukraina « cần thời gian để thoát khỏi hố sâu vì 6 tháng chờ đợi » và « có thể Nga tiến thêm trong những tuần tới ». Chiến sự được cho là khắc nghiệt cho quân Ukraina từ nay đến giữa tháng 5 vào lúc Nga dường như đang chuẩn bị một cuộc tấn công mới, trên quy mô lớn.
Dù tổng thống Joe Biden khẳng định lấy vũ khí trong kho giao ngay cho Kiev, nhưng cần phải có thời gian để đưa được vũ khí ra chiến trường. Thậm chí, trước khi Quốc Hội thông qua gọi viện trợ, chính phủ Mỹ đã bí mật giao cho Ukraina tên lửa ATACMS, có tầm bắn tới 300 km, giúp Ukraina tấn công nhiều công trình của Nga trên bán đảo Crimée bị Matxcơva sáp nhập năm 2014. Một trong những điều kiện của Washington là Kiev không được dùng tên lửa ATACMS tấn công lãnh thổ Nga.
Theo nhà nghiên cứu Garret Martin tại Đại học Washington, được AFP trích dẫn, gói viện trợ của Mỹ có thể khích lệ phần nào tinh thần của những người lính Ukraina trên mặt trận nhưng « cái giá chờ đợi là quá đắt ». Viện nghiên cứu Đức Kiel Institute cũng có chung đánh giá khi cho rằng « khoản viện trợ rất lớn », gồm 27 tỉ đô la mua vũ khí, 10 tỉ viện trợ phi quân sự và 23 tỉ đô la còn lại để dành bổ sung số vũ khí được Mỹ trích trực tiếp từ kho. Tuy nhiên, số tiền này « không làm thay đổi sâu sắc cục diện chiến trường » bởi vì từ 6 tháng qua, Ukraina chỉ biết cầm cự.
Có viện trợ nhưng Ukraina thiếu lính
Thêm vào đó, « có một điều mà khoản viện trợ này không thể làm được đó là tình trạng thiếu binh sĩ », theo nhận định của ông Garret Martin. Hai năm chiến tranh đã khiến ít nhất vài chục nghìn người thiệt mạng, dù Ukraina không công bố số liệu chính xác. Tổng thống Zelensky đã phải sử dụng đến biện pháp ít được lòng dân là hạ tuổi làm nghĩa vụ quân sự, gần như ép buộc thanh niên Ukraina sống ở nước ngoài về nước chiến đấu và ngừng cấp hộ chiếu cho nam giới trong độ tuổi từ 18 đến 60.
Cố vấn an ninh Nhà Trắng Jake Sullivan tỏ ra tin tưởng rằng « Ukraina có thể và sẽ giành chiến thắng » dù « con đường trước mặt không dễ dàng gì ». Thực vậy, từ giờ đến cuối năm 2024, những khoản viện trợ quân sự cho Ukraina mới chỉ đưa trở lại mức tương đương nửa đầu năm 2023, theo thẩm định được Viện Kiel công bố ngày 25/04. Liên Hiệp Châu Âu hứa hỗ trợ cho Kiev 50 tỉ euro nhưng trải dài thành nhiều giai đoạn trong vòng 4 năm.
Christoph Trebesh, điều hành nhóm nghiên cứu của Viện Kiel theo dõi hỗ trợ cho Kiev, cho rằng nếu Mỹ không thông qua những kế hoạch hỗ trợ mới vào cuối năm 2024 hoặc năm 2025, Ukraina có thể lại phải đối mặt với tình trạng thiếu hỗ trợ vào năm 2025, đặc biệt trong viễn cảnh ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng nếu thắng cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.