Trong cuộc nói chuyện với giới trẻ châu Âu, mà nội dung được các nhật báo vùng thuộc nhóm EBRA (Est Bourgogne Rhône Alpes), đăng tải ngày 27/07/2024, tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố sẵn sàng mở tranh luận về một nền phòng thủ châu Âu bao gồm cả vũ khí hạt nhân của Pháp. Nhưng vũ khí hạt nhân về nguyên tắc không được phép chia sẻ. Nguyên thủ Pháp có hàm ý gì khi khơi lại cuộc tranh luận gai góc này ?
Đăng ngày: 29/04/2024
Dù phát biểu này của ông Macron được đưa ra trong mục tiêu đáp trả mối đe dọa từ Nga, các chính đảng đối lập tại Pháp đã có những phản ứng gay gắt. Họ cáo buộc nguyên thủ quốc gia Pháp làm « tổn hại đến tính chính đáng của thế răn đe hạt nhân Pháp » (đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất – LFI), rằng phát biểu này là « đặc biệt nghiêm trọng », một nguyên thủ Pháp « không nên có những tuyên bố như thế » (đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa – LR)…
Răn đe hạt nhân có được chia sẻ ?
Theo học thuyết răn đe hạt nhân của Pháp, do tướng Pierre Gallois xây dựng cách nay 60 năm, vũ khí hạt nhân – công cụ chiến lược tối thượng của quốc gia và nguyên thủ quốc gia là người duy nhất có thể sử dụng chúng – về mặt nguyên tắc là không được chia sẻ. Độ tin cậy của sự răn đe được dựa trên định đề : « Nếu quý vị tấn công chúng tôi, đòn trả đũa của chúng tôi, tức thì và khó có thể đáp trả, sẽ gây ra cho quý vị những thiệt hại to lớn hơn ».
Học thuyết này là « một trong số các nền tảng cơ bản của nền Đệ Ngũ Cộng Hòa và là tuyên bố vững chắc nhất cho quyền tự quyết của quốc gia Pháp », theo lưu ý của nhà nghiên cứu Bruno Tertrais, Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Pháp (FRS), được Libération trích dẫn. Hiện tại, trên thế giới chỉ có các nước Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Israel, Ấn Độ, Pakistan và Bắc Triều Tiên là được trang bị vũ khí có khả năng giáng những đòn thiệt hại « không thể chấp nhận ».
Vậy người ta nên hiểu phát biểu của tổng thống Pháp như thế nào ? Theo phân tích của tướng Jean-Marc Laurent, chuyên trách về Quốc Phòng và Không Gian, trường đại học Khoa học Chính trị Sciences Po Bordeaux, với trang mạng Sud Ouest, tổng thống Macron không phải là người đầu tiên đề cập đến vấn đề này, và cần phải đặt phát biểu của ông trong toàn cảnh châu Âu, mà trên hết là Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO.
Vận mệnh răn đe hạt nhân châu Âu : Hoa Kỳ làm chủ
Từ năm 1950, Hoa Kỳ đã cho thiết lập hệ thống phòng thủ hạt nhân tại châu Âu. Một phần trong số 1.600 đầu đạn hạt nhân và khoảng 100 quả bom hạt nhân của Mỹ đã được bố trí rải rác tại nhiều nước ở châu Âu như Bỉ, Hà Lan, Đức và Ý. Quan hệ đối tác này còn được siết chặt với việc bốn nước này mua oanh tạc cơ F-35 của Mỹ, có khả năng mang bom chiến thuật. Một điểm cần lưu ý là « không một nước nào khác ngoài Mỹ có thể chạm đến số vũ khí này ». Tương tự như vậy : Việc kiểm soát điều kiện tác chiến của số tên lửa trang bị cho tầu ngầm của hải quân Anh vẫn do Hoa Kỳ đảm nhiệm.
NATO trên thực tế có một năng lực nguyên tử. Điều này thể hiện rõ trong các cuộc tập trận răn đe hạt nhân hàng năm « Steadfast Noon » mà phiên bản mới nhất đã quy tụ13 nước tại miền nam châu Âu và nhiều oanh tạc cơ B-52 của Mỹ. Về điểm này, tướng Laurent nhấn mạnh: « Pháp chưa bao giờ tích hợp với hệ thống hạt nhân của NATO ».
Do vậy, nếu Pháp thực hiện một hình thức chia sẻ như thế, đây có thể là một sự đoạn tuyệt với học thuyết của mình. Dù vậy, nhiều chuyên gia Pháp cũng cẩn trọng cho rằng cần phải xem « loại vũ khí nào mà Pháp nói đến ». Từ năm 1964, răn đe hạt nhân của Pháp dựa trên hai trụ cột chính : Thứ nhất là thành tố không quân, dưới sự yểm trợ của chiến đấu cơ Rafale có trang bị loại tên lửa ASMP-A tầm trung. Thứ hai là lực lượng hải dương chiến lược, với những loại tên lửa liên lục địa M51, bắn đi từ tầu ngầm.
Sự đoạn tuyệt ?
Theo quan điểm của tướng Laurent, ít có khả năng Paris sẽ chia sẻ các loại tên lửa liên lục địa gắn đầu đạn hạt nhân, loại vũ khí đáng gờm nhất. Nhưng các loại tên lửa hạt nhân tầm trung, có lợi thế là dễ dàng điều chỉnh đầu đạn, có nhiều khả năng được nhắm đến. Pháp có thể dựa theo mô hình hợp tác giữa Mỹ và Anh theo kiểu một hệ thống khóa kép, nhưng điều này đòi hỏi phải có một thỏa thuận song phương.
Tóm lại, phát biểu này của tổng thống Macron có thể xem như là một thông điệp : Là quốc gia duy nhất trong Liên Hiệp Châu Âu làm chủ vũ khí hạt nhân (với khoảng 290 đầu đạn), Pháp có thể cung cấp một sự bảo vệ cho các đồng minh. Do vậy, không phải ngẫu nhiên mà Pháp muốn khẳng định vai trò đầu tàu cho nền quốc phòng châu Âu.
Tuyên bố này của ông Macron đưa ra vào thời điểm Đức đang nỗ lực thiết lập hệ thống lá chắn chống tên lửa tại châu Âu dựa trên các trang thiết bị quân sự Mỹ và Israel, mà Pháp không được mời tham dự. Tướng Laurent kết luận: Phát biểu của tổng thống Pháp có thể xem như là một đòn tấn công chiến thuật !