Đăng ngày: 30/04/2024
Một loạt các sự cố gần đây trên các chuyến bay làm hoen ố hình ảnh của tập đoàn Mỹ Boeing và làm dấy lên nghi vấn về mức độ an toàn cho hành khách. Nhiều hãng hàng không dân sự phải cắt giảm các chuyến bay, bị mất khách. Boeing đang cần huy động thêm 10 tỷ đô la trước viễn cảnh sắp phải thanh toán 12 tỷ nợ đáo hạn.
Hôm 26/04/2024, chuyến bay của hãng hàng không Mỹ Delta Airlines nối New York và Los Angeles đã phải quay lại điểm khởi hành, khi phát hiện máy bay mất cầu trượt thoát hiểm. Chiếc Boeing 767 với 176 hành khách và phi hành đoàn đã hạ cánh an toàn. Đó chỉ là sự cố gần đây nhất trong một loạt cố khác trong tháng 3/2024 : khi thì do hỏng kim đồng hồ đo sức gió, lúc thì do hỏng cánh quạt, hay do một mẩu cách bị rơi… Tệ hơn nữa là vụ 5 hành khách bị thương trong một chuyến bay từ Sydney đến Auckland do máy bay mất độ cao. Nhưng hình ảnh khủng khiếp nhất là vụ văng cánh cửa máy bay trên chiếc Boeing 737Max9 của hãng hàng không Alaska Airlines chở theo 171 hành khách từ Portland (bang Oregon) đến Ontario (bang California) hôm 05/01/2024.
Xa hơn nữa, hãng Boeing đã chịu nhiều tai tiếng sau hai tai nạn hàng không năm 2018 và 2019 của hãng Lion Air và Ethiopian Air, làm gần 350 người thiệt mạng. Cả hai cùng sử dụng máy bay dòng 737Max của Boeing.
Khi nhà sản xuất máy bay trao quyền cho giới tài chính
Có nhiều tiếng nói cho rằng hai vụ rớt máy bay nói trên là « điểm khởi đầu » đẩy Boeing vào một cuộc khủng hoảng vô tiền khoáng hậu. Riêng Bruno Trévidic, phụ trách các trang về công nghiệp hàng không của báo Les Echos, cho rằng khủng hoảng này có nguồn gốc sâu xa hơn :
« Theo nhiều nhà quan sát tại Mỹ, khủng hoảng của Boeing khởi đầu từ khoảng năm 1997 khi Boeing mua lại tập đoàn sản xuất máy bay McDonnel Douglas. Đó cũng là thời điểm mà tương quan lực lượng trong buồng lái điều hành tập đoàn Boeing nghiêng hẳn về phía giới tài chính. Họ chiếm đa số trong hội đồng quản trị và từng bước thu hẹp tiếng nói của giới kỹ sư. Đa số cho rằng khủng hoảng của tập đoàn sản xuất máy bay Mỹ Boeing đã kéo dài từ lâu ».
Là đối thủ của Boeing, năm 1997, McDonnel Douglas (chuyên sản xuất từ tên lửa đến máy bay thương mại, quân sự … và hiện diện luôn cả trong ngành hàng không không gian), đã bị mua lại và « cặp đôi » này trở thành « tập đoàn sản xuất máy bay lớn nhất thế giới ». Chưa đầy một chục năm sau, Harry Stonecipher chủ tịch tổng giám đốc Boeing và McDonnel Douglas đã rất tự hào là tập đoàn do ông điều hành được « quản lý như bất kỳ một doanh nghiệp nào khác, chứ không phải là một hãng chỉ biết thực hiện các dự án công nghiệp ».
Làm sao nên nỗi ?
Harry Stonecipher có thể là đã quên mất rằng ngành hàng không và chế tạo máy bay là một ngoại lệ. Thí dụ như để sản xuất được một chiếc Boeing 737 Max, cần có tới « gần một nửa triệu phụ tùng, do 600 nhà cung cấp khác nhau bán cho Boeing. Bản thân mỗi đối tác trong số đó đều có cả một mạng lưới gia công ở phía sau ». Không dễ mà kiểm soát từng khâu một về chất lượng với nhiều đối tác như vậy.
Nét đặc thù của các tập đoàn công nghiệp chế tạo máy bay là « chất lượng và các chuẩn mực an toàn phải là ưu tiên tuyệt đối ». Bruno Trévidic, báo Les Echos, giải thích cụ thể hơn :
« Ở đây có hai vấn đề. Một là trong những năm gần đây, Boeing đã trao lại cho các tập đoàn gia công một phần lớn các công đoạn sản xuất, nghĩa là trao hẳn cho những công ty khác những gì từng làm nên tên tuổi, uy tín của mình. Điều này từng xảy ra và đã bị chỉ trích khi dòng máy bay 787 gặp một số vấn đề. Khi đó người ta biết rằng 70 % các công đoạn sản xuất Boeing 787 đã được giao cho hãng Spirit Aerosystems.
Sau đó, các cuộc điều tra cho thấy là hãng này đã có nhiều thiếu sót và cuối cùng, Boeing đã quyết định mua lại Spirit Aerosystems, để dễ quản lý hãng gia công cho mình. Trên thực tế, Boeing giao lại cho các hãng gia công một số công đoạn sản xuất cũng chỉ vì muốn giảm thiểu các chi phí trong cuộc chạy đua đi tìm lợi nhuận.
Vấn đề thứ hai là Boeing vừa trải qua một thời gian dài bị tác động của khủng hoảng y tế Covid Trong suốt giai đoạn 2020-2022, dây chuyền sản xuất bị gián đoạn, ngành hàng không dân dụng bị khủng hoảng, Boeing phải cắt giảm nhân sự, tức là để thất thoát chất xám, để mất khá nhiều nhân viên có kinh nghiệm. Khi ngành du lịch và giao thông hàng không hồi phục, các hãng hàng không cần mua thêm máy bay để đáp ứng nhu cầu của thị trường, thì các hãng chế tạo máy bay sản xuất không kịp.
Boeing đã phải tuyển dụng trở lại nhân viên và đó là những người trẻ mới vào nghề. Số này chưa được đào tạo xong và cũng không ý thức được rằng những chuẩn mực an toàn, những chỉ số đo lường về chất lượng quan trọng đến mức độ nào. Họ cũng không được đào tạo để hiểu rằng, trong ngành công nghiệp chế tạo máy bay, công việc đòi hỏi phải thật hoàn hảo ».
Sau các sự cố từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của Boeing mất giá 25 % trong bốn tháng đầu năm. Tập đoàn này còn bị Cục Hàng Không Liên Bang Mỹ FAA và Ủy Ban An Toàn Giao Thông Quốc Gia Hoa Kỳ NTSB điều tra và cả hai đã đưa ra những kết luận không mấy thuận lợi cho nhà sản xuất máy bay của Mỹ này. Bruno Trévidic báo Les Echos cho biết :
« Điều tra về mặt kỹ thuật do cơ quan an toàn giao thông Hoa Kỳ NTSB tiến hành kết luận : đã có những sai sót trong khâu lắp ráp cửa máy bay và lỗi đó thuộc về trách nhiệm của Boeing. Sự cố đã xảy ra trong các nhà máy của Boeing ở Renton, nơi cho ra đời gam máy bay 737. Nói cách khác đây là lỗi của Boeing. Cục Hàng Không Liên Bang Mỹ, trong đợt thanh tra gần đây nhất đã tập trung kiểm tra chất lượng sản phẩm của tập đoàn Boeing. FAA chỉ ra rằng Boeing « có vấn đề » ở khâu này, tức là đã lơ là trong việc kiểm tra chất lượng. Boeing cũng thiếu sức thuyết phục trong việc đào tạo nhân sự ».
Ngành hàng không dân sự bị vạ lây
Trước những sự cố liên tiếp và với hệ quả ít nhiều nghiêm trọng nói trên, các hãng hàng không của Mỹ và châu Âu bắt đầu hết kiên nhẫn với Boeing. Hãng hàng không giá rẻ Ryanair dường như bị ảnh hưởng nhiều hơn cả, do hãng này chủ yếu sử dụng máy bay Boeing. Nhẽ ra tháng 3 vừa rồi Ryanair nhận được thêm 57 máy bay Boeing để chuẩn bị cho mùa hè sắp tới, nhưng rồi trong kịch bản tối ưu, tập đoàn Mỹ chỉ có thể giao 4 chiếc cho Ryanair. Hệ quả kèm theo là hãng hàng không giá rẻ của Ireland này phải « giảm số chuyến bay trên 10 lộ trình vào mùa cao điểm tháng 7-8 và 9 ».
Tập đoàn United Airlines của Mỹ thất thu khoảng 200 triệu đô la chỉ vì các máy bay dòng Boeing 737 Max 9 bị giữ lại trên mặt đất trong ba tuần. Delta Airlines cũng không hy vọng từ nay đến năm 2025 có thêm được 100 chiếc máy bay mới để phục vụ hành khách. Về phần mình, tập đoàn Southwest báo trước là « không tuyển dụng thêm phi công và tiếp viên hàng không » cũng vì Boeing.
Với người tiêu dùng, chắc chắn là trong những tháng hè sẽ khó tìm vé máy bay hơn một chút và hành khách phải mua vé đắt hơn.
Boeing vẫn là một ngọn hải đăng
Song còn quá sớm để cho rằng Boeing đang lao xuống vực thẳm. Hiện tập đoàn này có một đội ngũ hơn 60.000 nhân viên, với khoảng 10.000 « con chim sắt » tung bay khắp thế giới. Boeing đã có sẵn đơn đặt hàng với 5.700 máy bay để giao cho các hãng hàng không dân dụng. Trị giá chứng khoán của Boeing là 104 tỷ đô la, tương đương với GDP của Cam Bốt và Miến Điện cộng lại.
Hơn thế nữa, Boeing còn là một ông khổng lồ trong lĩnh vực hàng không quân sự và không gian, với chính phủ Mỹ là khách hàng quan trọng nhất. Hôm 26/04/2024, Boeing vừa mua lại cơ sở của GKN Aerospece tại Saint Louis, bang Missouri, để « tiếp tục cung cấp những phụ tùng thiết yếu và nhạy cảm cho chính phủ Mỹ và các đồng minh của Hoa Kỳ ». Đây là nơi cung cấp phụ tùng và bảo đảm một phần các chương trình chế tạo chiến đấu cơ F/A18 và F-15. Cũng Boeing hôm 29/04/2024 thông báo nhận thêm đơn đặt hàng của Bộ Quốc Phòng cung cấp thêm 7 chiếc trực thăng MH-139A cho Không Quân Hoa Kỳ. Trị giá hợp đồng là 178 triệu đô. MH-139A là loại trực thăng được quân đội sử dụng trong các công tác tuần tra, cứu hộ và tận tải. Chi nhánh Boeing Defence Space &Security là một tên tuổi lớn trong ngành với rất nhiều sản phẩm từ oanh tạc cơ, máy bay vận tải, máy bay tiếp liệu, tên lửa, vệ tinh… …