Nga bị cáo buộc thực hiện các hoạt động ngày càng gia tăng nhằm gây nhiễu tín hiệu vệ tinh định vị toàn cầu – GPS ở Bắc Âu, đủ để đặt các hãng hàng không trong tình trạng báo động, do những chuyến bay có thể bị rối loạn do kiểu tấn công này. Đã có nhiều sự cố đáng quan tâm về khả năng thiệt hại do nhiễu tín hiệu GPS.
Đăng ngày: 01/05/2024
Trong vòng một tháng sẽ không có phi cơ nào của Finnair hạ cánh xuống sân bay Tartu, phi trường lớn thứ 2 của Estonia, hôm 29/04 vừa qua, theo thông báo của hãng bay Phần Lan. Lý do : các sự cố tín hiệu GPS liên tiếp xảy ra những tháng qua trong vùng biển Baltic.
Tartu là một trong số ít sân bay ở khu vực này không có hệ thống thay thế GPS để giúp máy bay cất, hạ cánh. Nếu mất tín hiệu thì phi cơ không thể hạ cánh an toàn trên đường băng. Tuần trước, hai chuyến bay của Finnair, đến gần Tartu, đã phải quay đầu vào phút cuối trở lại Helsinki vì họ không dám tin chắc vào hệ thống định vị GPS của mình.
Estonia ngay lập tức cáo buộc Nga. Margus Tsahkna, bộ trưởng Ngoại Giao Estonia hôm thứ Hai cho biết, Matxcơva “biết rất rõ việc can thiệp vào tín hiệu GPS có thể gây nguy hiểm cho giao thông hàng không”.
Trên thực tế, trong những ngày gần đây, Nga đã bị cáo buộc đứng đằng sau các sự cố nhiễu tín hiệu GPS, tăng đột biến chỉ trong vòng chưa đầy một năm. Thụy Điển thậm chí còn yêu cầu NATO phản ứng. Nhật báo The Guardian của Anh dựa trên các phân tích của trang GPSJAM.org giải thích: “Khoảng 46.000 chuyến bay từ Vương quốc Anh đã ghi nhận sự cố với GPS của họ trên biển Baltic kể từ tháng 8 năm ngoái”.
Kỹ thuật cũ xưa
Hồi tháng Ba năm nay, máy bay chở bộ trưởng Quốc Phòng Anh Grant Schapps đã gặp trục trặc hệ thống GPS khi đang bay trên bầu trời Kalilingrad, một vùng lãnh thổ của Nga nằm lọt giữa Ba Lan và Litva.
Cơ quan An toàn Hàng không Châu Âu thậm chí còn tổ chức một hội nghị cấp cao vào tháng 1 năm 2024 để thảo luận về sự gia tăng các sự cố liên quan đến GPS. Vấn đề được kết luận : những kỹ thuật không có gì mới. Nga bị nghi ngờ tham gia gây nhiễu GPS và “ tạo tín hiệu giả ” trên quy mô lớn ở Biển Baltic và xung quanh vịnh Đan Mạch.
Alexandre Vautravers, chuyên gia về các vấn đề vũ khí và tổng biên tập của Tạp chí quân sự Thụy Sĩ, nhấn mạnh: “ Người ta đã có thể gây nhiễu tín hiệu GPS từ đầu những năm 1990”. Alexandre Vautravers giải thích, hình thức gây dạng nhiễu sơ đẳng nhất là “ phát tín hiệu cùng tần số với tín hiệu GPS, nhưng với cường độ mạnh hơn, để ngăn các thiết bị thu thông tin được truyền từ vệ tinh GPS để tính toán vị trí ”. Đó là bài đầu tiên về gây nhiễu hệ thống định vị.
Cách làm cao hơn – còn được gọi là “giả mạo” – nhằm mục đích “điều khiển tín hiệu vô tuyến để đánh lừa người dùng về vị trí hoặc thời gian của họ được truyền qua vệ tinh,” Tegg Westbrook, nhà nghiên cứu tại Đại học Stavanger, người đã nghiên cứu về kỹ thuật gây nhiễu GPS giải thích.
Nga đã bị cáo buộc thực hiện cả hai kiểu tấn công như trên trong vùng biển Baltic. Đây không phải là lần đầu tiên khu vực này của châu Âu xảy ra đụng độ theo kiểu chèn sóng. Alexandre Vautravers giải thích: « Kể từ những năm 1970, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, chiến tranh điện tử thực sự đã xảy ra ở đó. Lối qua vịnh Phần Lan (từ Saint-Petersburg đến Biển Baltic) đã trở thành ngã tư có lợi ích địa chiến lược rất quan trọng ». Đó là khu vực diễn ra thường xuyên các cuộc tập trận của quân đội Nga cũng như NATO.
Nga hoạt động đặc biệt tích cực trong khu vực này vì “chính quyền Matxcơva vẫn coi các nước vùng Baltic là bộ phận cấu thành trong trường ảnh hưởng lịch sử của họ. Matxcơva cũng không thích thú gì với việc Estonia có chuyên môn cao về an ninh mạng và đã quyết định tăng cường các hoạt động trong khu vực, đặc biệt từ khi Phần Lan gia nhập NATO ”, David Stupples, chuyên gia về hệ thống định vị và tín hiệu vô tuyến, tại Đại học Luân Đôn nhận định.
Tegg Westbrook chỉ rõ: “Với cuộc chiến ở Ukraina, các hoạt động như gây nhiễu GPS, vốn đã diễn ra trước đây, ngày càng gia tăng”. Chuyên gia này cũng cho biết thêm, Liên Hiệp Châu Âu cũng đã áp dụng một cơ chế báo cáo các sự cố nhiễu điện tử, để « có thể truy cập công khai, do đó nâng cao nhận thức về quy mô thực sự của hiện tượng này trong khu vực”.
Những cáo buộc nhắm vào Nga còn xuất phát từ thực tế là một trong những sư đoàn tác chiến điện tử của họ ( Nga có gần 10 sư đoàn) – “có lẽ nằm ở Kaliningrad. Đơn vị này được trang bị nhiều thiết bị gây nhiễu tín hiệu,” David Stupples nhấn mạnh.
Hệ thống gây nhiễu Tobol
Đặc biệt, khu vực Kaliningrad được cho là nơi có một trong mười hệ thống gây nhiễu GPS quân sự “Tobol”. Alexandre Vautravers lưu ý thiết bị này, mà Washington Post gọi là “vũ khí bí mật của Matxcơva”, đã “được Nga sử dụng rất nhiều khi bắt đầu cuộc chiến xâm lược Ukraina”.
Ưu thế của nó là có chức năng đa dụng trong chiến tranh điện tử: “Tobol được cho là có thể được sử dụng để gây nhiễu sâu tín hiệu GPS và để can thiệp tinh vi hơn là làm giả tín hiệu thông minh», David Stupples lưu ý. Đây là cấp độ gây nhiễu tín hiệu GPS cao nhất. Với Tobol được đặt ở Kaliningrad, điều mà Nga chưa bao giờ chính thức công nhận, Matxcơva sẽ có thể tăng cường tác chiến điện tử trong khu vực.
Hậu quả hạn chế
Hiện tại, cho dù những cảnh báo đã gia tăng trong những tuần gần đây, nguy cơ vẫn ở mức độ hạn chế. Quả thực, theo Tegg Westbrook, việc gây nhiễu GPS, “sẽ không dẫn đến hậu quả tai họa trong hầu hết các trường hợp đối với giao thông hàng không”. David Stupples giải thích: “Phi công không chỉ dựa vào GPS mà họ còn có các công cụ khác để hỗ trợ điều hướng”.
Thực tế, “thực sự phải có những trường hợp rất đặc biệt, chẳng hạn như chuyến bay đêm, trong điều kiện thời tiết rất xấu và phi công rất mệt mỏi, thì những sự can thiệp này mới có thể dẫn đến sự cố nghiêm trọng,” Tegg Westbrook giải thích thêm.
Theo chuyên gia này, “đúng hơn đó là những yếu tố gây phiền toái và phô trương kỹ năng từ phía Nga”. David Stupples lưu ý: « Nên hiểu là có nhiều mức độ nhiễu tín hiệu GPS và liên lạc khác nhau. Gây nhiễu và giả mạo là những rối loạn ít nghiêm trọng nhất,”.
Nhưng Matxcơva có thể còn đi xa hơn thế. Chẳng hạn việc “giả mạo thông minh” sẽ không chỉ nhắm vào hệ thống định vị, mà còn cả việc truyền tín hiệu thời gian chính xác từ các vệ tinh GPS.
Hậu quả của sự rối loạn khi đó có thể nghiêm trọng hơn nhiều, vì các cơ sở hạ tầng quan trọng như mạng lưới phân phối năng lượng, thị trường tài chính, thậm chí một số dịch vụ truyền thông đều dựa vào các đồng hồ này trên vệ tinh GPS để đồng bộ hóa. David Stupples kết luận: “Do đó, việc tấn công hệ thống định vị có thể gây ra hỗn loạn kinh tế”.
Theo ý kiến của các chuyên gia, việc chuyển từ gây nhiễu GPS qua các can thiệp nghiêm trọng có thế sẽ gây leo thang căng thẳng giữa Nga và phương Tây.
(Theo france24.com)