Sau Ukraina, phải chăng nay đến lượt Gruzia, cũng thuộc Liên Xô cũ, phải trả giá đắt cho ước mơ tiến về phía các nền dân chủ phương Tây, thoát khỏi ảnh hưởng của nước Nga ? Các đợt biểu tình kéo dài từ hơn 3 tuần nay đang đẩy một nước nhỏ bé trong vùng Kavkaz với chưa đầy 4 triệu dân vào một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng.
Đăng ngày: 02/05/2024
Hơn một chục năm trước đây, cuộc cách mạng Maidan ở Ukraina đã bùng lên vì tổng thống Ianoukovitch thân Nga khi đó chối bỏ nguyện vọng của người dân hội nhập Liên Âu. Đó là cái cớ để Matxcơva thôn tính bán đảo Crimée, tiếp sức cho các phong trào ly khai ở miền Đông Ukraina đòi « độc lập ».
Lần này làn sóng biểu tình đã bùng lên tại Tbilissi chống dự luật « được rập khuôn » từ luật chống « ảnh hưởng của nước ngoài » mà Nga đã áp dụng. Một khi được ban hành, đạo luật này bị coi là công cụ để chính quyền khóa miệng báo chí và mọi tiếng nói chống đối.
Mẫu số chung thứ nhì giữa Gruzia và Ukraina là cả hai đều có đường biên giới với Nga và đều đã bị quân đội của Vladimir Putin xâm chiếm. Năm 2014 Ukraina bị mất bán đảo Crimée, còn Gruzia thì sau cuộc xung đột quân sự 2008, quân đội Nga mặc nhiên hiện diện, chiếm đóng luôn nhiều tỉnh thành, « tương đương với 20 % lãnh thổ » Gruzia.
Thêm một điểm tương đồng khác giữa Gruzia hiện nay với Ukraina hơn một chục năm trước đó là Tbilissi ngày nay và Kiev hồi 2014 đều do một nhân vật thân Matxcơva lãnh đạo. Tháng 11/2023 Viktor Ianoukovitch, bội ước, từ chối phê chuẩn một hiệp định liên kết với Liên Âu và đó là điểm khởi đầu của phong trào Maidan.
Tại Gruzia giờ đây, ở trung tâm bàn cờ chính trị là cựu thủ tướng Bidzina Ivanichvili (2012-2023), sáng lập viên đảng cầm quyền Giấc Mơ Gruzia, người duy nhất trên thế giới nắm giữ một khối tài sản « tương đương với gần một nửa GDP của quốc gia » theo các nguồn tin báo chí. Tuy đã lui vào hậu trường, ông vẫn là người giật dây điều khiển tất cả.
Do cuộc chiến tại Ukraina và trước tham vọng của điện Kremlin khôi phục đế chế Nga, cuối năm 2023 Bruxelles đã công nhận quy chế « ứng viên » của Gruzia để gia nhập Liêu Âu. Chính quyền Tbilissi đã đưa trở lại dự luật « ảnh hưởng nước ngoài » ra thảo luận tại Quốc Hội, với mục tiêu thông qua vĩnh viễn văn bản này trước ngày 17/05/2024, năm tháng trước cuộc bầu cử tháng 10/2024.
Cũng chính quyền của thủ tướng Irakli Garibachvili đã khởi động thủ tục truất phế tổng thống Salomé Zourabichvili, một nhà ngoại giao gốc Pháp, có lập trường ủng hộ Liên Âu. Bà là người nỗ lực vận động để Gruzia, sinh quán của cố lãnh tụ Liên Xô Joseph Stalin, được kết nạp vào Liên Hiệp Châu Âu. Giờ đây sau khi Quốc Hội Gruzia đã hai lần xem xét và thông qua dự luật « chống ảnh hưởng của nước ngoài », tổng thống Salomé Zourabichvili, với quyền phủ quyết, gần như là lá chắn cuối cùng ngăn chận ảnh hưởng của Matxcơva.
Một nhà nghiên cứu về quan hệ quốc tế thuộc trung tâm Atlantic Council’s Digital Ferensic Research tại thủ đô Gruzia, được báo Le Monde (20/11/2023) trích dẫn, ghi nhận chính quyền Tbilissi « không một chút mặc cảm phô trương lập trường bài phương Tây với giọng điệu của điện Kremlin ».
Từ khi giành được độc lập năm 1991, Gruzia vẫn nhận viện trợ của Liên Âu và của Hoa Kỳ để giúp quốc gia này « dân chủ hóa đất nước » nhưng dù đã chính thức cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga từ 2008, Tblissi vẫn tránh lên án Matxcơva xâm chiếm Ukraina, tránh ngả theo phương Tây trừng phạt kinh tế Nga. Gruzia đã mở lại những chuyến bay trực tiếp đến Matxcơva và đã « cấm cửa » các nhà đối lập Nga.
Đối với tổng thống Putin, giữ được Gruzia là điều rất quan trọng. Chiến tranh Ukraina kéo dài, Nga lo ảnh hưởng của mình bị thu hẹp lại trong vùng Kavkaz, nên không thể để Tbilissi thoát khỏi ảnh hưởng của Matxcơva. Tổng thống Putin chơi đòn « mưa dầm thấm lâu »: Matxcơva ngấm ngầm mở rộng ảnh hưởng trong mọi lĩnh vực từ truyền thông đến đời sống chính trị, kinh tế của nước láng giềng này, để rồi Gruzia rơi trở lại vào vòng tay của nước Nga lúc nào không hay.
Diễn tiến tại Gruzia hôm nay làm mọi người liên tưởng đến trường họp của Ukraina cuối 2013 và trong nửa đầu 2014. Khi đó sức mạnh của người dân Ukraina đã lật đổ tổng thống Ianoukovitch thân Nga, trở ngại trên con đường đưa Ukraina đến với đại gia đình châu Âu, trở ngại đối với giấc mơ dân chủ. Nhưng rồi 40 triệu dân Ukraina đã phải trả giá đắt bằng một cuộc chiến kéo dài từ hơn 2 năm nay mà vẫn chưa thấy hồi kết. Liên Âu thì không có phép lạ để cứu Ukraina. Với Gruzia lần này, ngoài hứa hẹn đón nhận thêm thành viên mới, với rất nhiều điều kiện đi kèm, không chắc Bruxelles có nhiều phương tiện để giúp đỡ quốc gia vùng Kavkaz này.