Địa chấn chính trị Việt Nam: Dồn dập đến bao giờ?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chiến dịch "đốt lò"
Chụp lại hình ảnh,Chiến dịch “đốt lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khiến hàng loạt quan chức cấp cao bị mất chức

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng rời ghế. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp bước. Ủy viên Bộ Chính trị Trần Anh Tuấn mất chức. Hàng loạt quan chức cấp tỉnh, bộ ngành vướng vòng lao lý. Những tháng đầu năm 2024, chính trường Việt Nam đang rung lắc dữ dội.

Công cuộc “đốt lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã càn quét sâu rộng từ trung ương xuống địa phương và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Trong những ngày qua, trước các thay đổi về nhân sự được coi là chưa có tiền lệ, nhiều nhà quan sát mà BBC phỏng vấn đã chỉ ra những hạn chế trong công cuộc chống tham nhũng của ông Trọng, rằng nó “không hiệu quả”, thậm chí “thất bại” khi chỉ giải quyết phần ngọn trong khi cội rễ của tham nhũng nằm ngay chính trong nội tại ĐCSVN.

Bất chấp những nhận định về sự yếu kém trong khâu tổ chức cán bộ hay mối lo “ném chuột vỡ bình”, “chiếc lò” của ông Trọng được dự đoán sẽ tiếp tục “cháy” mạnh ít nhất từ nay cho tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14 vào năm 2026.

Cuộc ‘đốt lò’ ở thượng tầng

Tính tới nay, đã có năm ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 gồm Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng, Trần Tuấn Anh, Nguyễn Xuân Phúc và Phạm Bình Minh bị miễn nhiệm theo Quy định 41. Trong số này, có đến ba người bị buộc phải rời Bộ Chính trị trong năm 2024.

Cụ thể, ông Vương Đình Huệ đã chính thức bị miễn nhiệm chức chủ tịch Quốc hội hôm 2/5, không lâu sau khi ông Võ Văn Thưởng chính thức mất chức Chủ tịch nước hôm 21/3.

Điều này khiến “Tứ Trụ” hiện chỉ còn hai “trụ” và Bộ Chính trị khóa 13 giảm xuống còn 13 ủy viên, so với con số 18 người vào đầu khóa hồi năm 2021. Sự hao hụt nhân sự ở nhóm quyền lực nhất đất nước được coi là chưa có tiền lệ.

Hiện hai ghế chủ tịch Quốc hội và chủ tịch nước đều đang bỏ trống.

Ông Huệ mất chức do phải chịu trách nhiệm người đứng đầu, có lẽ liên quan đến thuộc cấp của ông là Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Ông Hà, cũng là trợ lý của ông Vương Đình Huệ, đã bị khởi tố, tạm giam ngày 21/4 với cáo buộc liên quan đến vụ án Tập đoàn Thuận An.

Một ủy viên Bộ Chính trị khác là ông Trần Tuấn Anh, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương, cũng đã bị cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa 15 hôm 5/2/2024. Trước đó, về mặt đảng, ông đã được “cho thôi các chức vụ” Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương vào ngày 31/1/2024 “theo nguyện vọng cá nhân”.

Ông Nguyễn Xuân Phúc, người tiền nhiệm của ông Võ Văn Thưởng, trong tháng 1/2023 cũng đã phải “chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có hai đồng chí phó thủ tướng, ba bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng; hai phó thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, hai bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự”, theo Tạp chí Xây dựng Đảng.

Hai phó thủ tướng nói trên là ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam. Hai ông bị miễn nhiệm trong tháng 1/2023.

Hai bộ trưởng bị xử lý hình sự là ông Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế và ông Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Cả hai ông đều bị xử lý liên quan đến vụ Việt Á.

Vào tháng 1/2024, ông Nguyễn Thanh Long đã bị Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên phạt 18 năm tù về tội “Nhận hối lộ”. Ông Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng Bộ KH-CN, lãnh án 3 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Cuộc ‘oanh tạc’ cán bộ cấp tỉnh

Chụp lại video,BÀ TRƯƠNG THỊ MAI THAY ÔNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ?

Lửa từ chiếc lò chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng không ngừng lan rộng tới các tỉnh thành. Hàng loạt lãnh đạo cấp tỉnh, trong đó có nhiều người thuộc diện “Trung ương quản lý”, đã bị xử lý theo nhiều mức độ khác nhau, nhẹ thì có kỷ luật về mặt đảng, nặng thì khởi tố hình sự.

Mới đây nhất, tại kỳ họp bất thường hôm 2/5, Quốc hội Việt Nam đã bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khóa 15 đối với ông Dương Văn Thái, thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang và là Bí thư Tỉnh ủy của tỉnh này.

Trước đó, hôm 26/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1046/NQ-UBTVQH15 đồng ý đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái; đồng thời tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với ông này kể từ ngày có quyết định khởi tố bị can.

Ông Dương Văn Thái bị đề nghị khởi tố liên quan đến vụ án tại Tập đoàn Thuận An.

Liên quan tới tập đoàn Thuận An, nhiều người khác đã “vào lò”.

Chủ tịch Tập đoàn Thuận An, ông Nguyễn Duy Hưng, đã bị bắt và khởi tố hôm 15/4 kéo theo hàng loạt dự án của tập đoàn này bị rà soát. Một số quan chức tỉnh Bắc Giang cũng vướng vòng lao lý với cáo buộc liên quan đến Thuận An.

Ông Nguyễn Văn Thạo – Giám đốc BQL dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp, tỉnh Bắc Giang; ông Đàm Văn Cường – Phó Giám đốc ban; và ông Hoàng Thế Du, Trưởng phòng ban đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, riêng ông Thạo bị điều tra thêm tội “Nhận hối lộ”.

Tại Vĩnh Phúc, bí thư Tỉnh ủy tỉnh này là bà Hoàng Thị Thúy Lan đã bị khởi tố, tạm giam hôm 20/3 về tội “Nhận hối lộ” liên quan đến vụ án tại Tập đoàn Phúc Sơn.

Bà Lan, là ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, cũng đã bị Trung ương Đảng kỷ luật bằng hình thức khai trừ đảng và Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu.

Ở Lâm Đồng, ngày 2/1, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) – Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh, để điều tra hành vi nhận hối lộ.

Mở rộng điều tra, C03 bắt giữ ông Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, để điều tra hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Trên đây chỉ là một số gương mặt nổi bật trong danh sách rất dài các cán bộ, lãnh đạo cấp cao bị xử lý kỷ luật và khởi tố hình sự cho tới nay. Và danh sách này hẳn sẽ còn dài hơn trong thời gian tới, khi mà công cuộc “đốt lò” vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

‘Lò’ cháy đến đâu và bao giờ?

Chụp lại video,ÔNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ MẤT CHỨC: CHIẾN DỊCH ‘ĐỐT LÒ’ CỦA ÔNG TRỌNG THẤT BẠI?

“Lò nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy,” Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh như vậy trong một cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng hồi năm 2017.

Tính từ sau Đại hội Đảng lần thứ 13 vào đầu năm 2021, con số cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương Đảng quản lý bị kỷ luật đã lên tới khoảng gần 100 người. Con số này được chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ hồi tháng 3/2024.

Khái niệm cán bộ “thuộc diện Trung ương quản lý” được dùng để chỉ những cán bộ do Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư quản lý. Danh sách này rất dài, cơ bản bao gồm cán bộ từ cấp chủ tịch UBND tỉnh, bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương, thủ trưởng cấp bộ hoặc tương đương, cho đến ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Bộ Chính trị, các thành viên “Tứ Trụ”.

Trong giai đoạn 2012-2022, đã có gần 200.000 cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, nhiều người bị xử lý hình sự, theo Tạp chí Tổ chức Nhà nước của Bộ Nội vụ. Con số này nếu tính tới thời điểm hiện nay (2024) chắc hẳn còn cao hơn nữa.

Hiệu ứng của chiến dịch này là khoảng 60.000 người từ chức chỉ trong khoảng thời gian 2021-2023, trong khi số cán bộ của khu vực công chỉ có khoảng 2,5 triệu.

Như vậy có nghĩa những người còn lại phải “trong sạch như tuyết”, “không chút tì vết”, theo GS Carl Thayer từ ĐH New South Wales, Úc.

Điều này liệu có khả thi?

Chưa nói tới việc họ có thực sự liêm chính, GS Carl Thayer chia sẻ với BBC nhận định của ông rằng các phe phái trong đảng sẽ luôn tìm ra “tì vết” của nhau, hoặc ít ra cũng tìm ra “tì vết” thuộc cấp của họ.

Nghĩa là sẽ không có ai có khả năng trở thành một tấm gương sáng mẫu mực trong hệ thống ĐCSVN.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Quang A, một nhà bất đồng chính kiến và người đã có hàng chục năm quan sát chính trị Việt Nam, nói với BBC rằng vấn đề là phải “bắt trúng bệnh gốc” chứ không phải “bắt hết ông nọ đến ông kia.”

“Đó không phải là cách làm bài bản, không đánh vào nguyên nhân cốt lõi. Cốt lõi là chính bản chất của hệ thống này,” TS Quang A nói.

Ông Quang A chỉ ra rằng Việt Nam cần phải trở thành một nhà nước pháp quyền, nơi điều tra, công tố và tòa án hoạt động động lập với nhau và theo luật, chứ không theo chỉ đạo của ĐCSVN.

Bên cạnh đó, cần các cơ quan giám sát độc lập các hoạt động của ĐCSVN và nhà nước. Việt Nam hiện hiện không có yếu tố nào trong số những yếu tố kể trên “thì làm sao chống được tham nhũng”, ông Nguyễn Quang A nói.

Không chỉ có vậy, công cuộc đốt lò của ông Trọng đã gây ra “một cuộc di cư hàng loạt của công chức” trong “nỗi lo sợ ngày càng tăng của những người còn lại về việc bị bắt”, “dẫn đến tình trạng miễn cưỡng thực hiện trách nhiệm của mình trên diện rộng,” theo ông Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên Chương trình Nghiên cứu Việt Nam của ISEAS – Viện Yusof Ishak (Singapore), trong một bài viết trên trang Fulcrum.

Hậu quả là “làm trầm trọng thêm những thách thức mà bộ máy quan liêu vốn đã quá tải phải đối mặt, biểu hiện ở tình trạng quá tải bệnh viện công, thiếu giáo viên và bác sĩ trầm trọng, chậm trễ phê duyệt dự án và xếp hàng dài để đăng ký phương tiện. Quan trọng nhất, nó đã làm giảm hiệu quả hoạt động của chính phủ vào thời điểm Việt Nam cần nhất”.

Bài Liên Quan

Leave a Comment