Thiếu nữ Iran bị an ninh sàm sỡ rồi giết như thế nào?

Thiếu niên Iran 16 tuổi bị xâm hại và giết chết
Chụp lại hình ảnh,Nika chỉ mới 16 tuổi khi cô mất tích trong cuộc biểu tình phản đối quy định ăn mặc nghiêm ngặt của Iran đối với phụ nữ

  • Tác giả,Bertram Hill, Aida Miller và Michael Simkin
  • Vai trò,BBC Eye Investigations
  • 2 tháng 5 2024

Một thiếu niên Iran đã bị xâm hại tình dục rồi bị giết bởi ba người đàn ông làm việc cho các lực lượng an ninh Iran, theo một tài liệu bị rò rỉ được cho là do các lực lượng đó viết ra.

Nhóm phóng viên điều tra của BBC Eye đã dựa trên tài liệu đó để liên kết lại những gì đã xảy ra với Nika Shakarami, 16 tuổi, người đã biến mất khỏi một cuộc biểu tình chống chế độ vào năm 2022.

Thi thể của cô được tìm thấy chín ngày sau đó. Chính phủ Iran thông báo cô đã tự sát.

BBC Eye đã gửi các cáo buộc có trong tài liệu đến chính phủ Iran và Vệ binh Cách mạng nước này, nhưng họ không phản hồi.

Tài liệu được đánh dấu “tuyệt mật”, tiết lộ tóm tắt phiên điều trần về vụ án của Nika do Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) tổ chức. IRGC là lực lượng bảo vệ chế độ Hồi giáo của Iran. Tài liệu này còn nêu tên của những kẻ giết cô và các chỉ huy cấp cao đã cố gắng che giấu sự thật.

Tài liệu cho thấy những chi tiết ghê rợn đã diễn ra ở thùng sau một chiếc xe tải bí mật, khi lực lượng an ninh khống chế Nika, bao gồm:

  • Một trong những người đàn ông đã sàm sỡ khi đang ngồi trên người cô
  • Dù bị còng tay và khống chế nhưng cô vẫn chống trả và chửi lại
  • Một sự thừa nhận rằng hành vi đáp trả của Nika đã kích động những người đàn ông này đánh cô bằng dùi cui

Có rất nhiều tài liệu giả mạo các văn bản chính thức của Iran đang được lưu hành, vì vậy BBC Eye đã dành nhiều tháng để kiểm tra từng chi tiết từ nhiều nguồn.

Các cuộc điều tra sâu rộng của BBC Eye cho thấy giấy tờ mà BBC Eye có được đã ghi lại những khoảnh khắc cuối đời của Nika.

Tin tức về sự biến mất và cái chết của Nika Shakarami đã lan truyền rộng rãi. Hình ảnh của cô đã trở thành biểu tượng cho cuộc đấu tranh của phụ nữ Iran để giành quyền tự do lớn hơn.

Khi các cuộc biểu tình trên đường phố lan rộng khắp Iran vào mùa thu năm 2022, tên của cô đã được đám đông hô vang giận dữ trước các quy định nghiêm ngặt của đất nước về việc bắt buộc đeo khăn che mặt (hijab).

Phong trào “Phụ nữ, Sự sống, Tự do” nổ ra chỉ vài ngày trước đó bởi cái chết của Mahsa Amini, một phụ nữ 22 tuổi. Theo phái đoàn điều tra của Liên Hợp Quốc, cô này đã tử vong do các chấn thương trong thời gian bị cảnh sát giam giữ với cáo buộc không mang hijab đúng cách.

Trong vụ án của Nika, gia đình phát hiện thi thể cô tại một nhà xác sau khoảng một tuần cô mất tích trong cuộc biểu tình. Chính quyền Iran phủ nhận cái chết của Nika có liên quan đến biểu tình và, sau khi tự điều tra, họ kết luận cô đã tự sát.

Ngay trước khi biến mất, hình ảnh Nika được quay lại vào ngày 20/9/2022 ở gần công viên Laleh tại trung tâm thủ đô Tehran (Iran). Khi ấy, cô đang đứng trên một thùng rác và đốt hijab.

Những người khác xung quanh cô hô vang “Đồ độc tài, chết đi!” – ám chỉ Lãnh tụ Tối cao Ayatollah Ali Khamenei của Iran.

Điều mà Nika không hề biết là cô đang bị theo dõi vào thời điểm đó, tài liệu mật ghi rõ.

Đồ họa vụ xâm hại và giết thiếu nữ Iran

Tài liệu mật được gửi tới tư lệnh của IRGC cho biết nội dung trong đó dựa trên các cuộc trao đổi sâu rộng với các đội đã tham gia kiểm soát cuộc biểu tình.

Theo tài liệu, cuộc biểu tình được nhiều đơn vị an ninh chìm giám sát.

Tài liệu cho biết một trong số các đơn vị này – Đội 12 – nghi ngờ thiếu nữ này “là lãnh đạo” vì hành vi khác thường và liên tục gọi điện thoại di động.

Đội này đã cử một đặc vụ trà trộn vào đám đông, đóng giả người biểu tình, để xác định Nika thực sự là một trong những người lãnh đạo cuộc biểu tình. Sau đó, theo tường thuật, anh ta đã gọi đội của mình đến bắt cô. Nhưng Nika đã bỏ trốn.

Dì của Nika trước đó nói với BBC Tiếng Ba Tư rằng Nika đã gọi cho một người bạn vào đêm hôm ấy để nói rằng cô đang bị lực lượng an ninh truy đuổi.

Tài liệu mật cho biết gần một giờ sau, cô được phát hiện lần nữa, lúc này cô bị nhốt trong xe của đội – một chiếc xe tải đông lạnh không biển hiệu.

Đồ họa vụ xâm hại và giết thiếu nữ Iran

Nika ở khoang sau cùng với ba thành viên Đội 12 – Arash Kalhor, Sadegh Monjazy và Behrooz Sadeghy.

Chỉ huy của nhóm, Morteza Jalil, ngồi ở buồng lái với tài xế.

Nhóm người sau đó đã cố gắng tìm một nơi nào đó để đưa Nika đi, tài liệu cho biết.

Họ đã thử đưa cô đến một trại tạm giam gần đó của cảnh sát nhưng bị từ chối do quá đông.

Họ tiếp tục di chuyển đến một trại giam khác cách đó 35 phút lái xe, chỉ huy trại giam này ban đầu đồng ý nhận Nika. Nhưng sau đó, ông ta lại đổi ý.

“Bị can (Nika) liên tục chửi thề và hô khẩu hiệu,” ông ta nói với các điều tra viên trong tài liệu.

“Lúc đó, trại giam có 14 nữ tù nhân và tôi lo cô ta có thể kích động những người khác. Tôi sợ cô ta sẽ gây ra bạo loạn,” người này tiếp tục.

Morteza Jalil sau đó một lần nữa liên lạc với trụ sở IRGC để xin ý kiến và được yêu cầu đến nhà tù Evin khét tiếng của Tehran, theo tài liệu mật nói trên.

Morteza Jalil kể rằng trên đường đi, ông ta bắt đầu nghe thấy những tiếng va chạm phát ra từ khoang sau tối đen như mực của chiếc xe tải.

BBC Eye biết được Morteza Jalil đã nghe thấy gì nhờ lời khai từ những người đàn ông canh giữ Nika ở phía sau xe được ghi trong tài liệu.

Tài liệu mật Iran
Chụp lại hình ảnh,Bản sao chép của tài liệu gốc về vụ bắt giữ và giết chết thiếu nữ Iran 16 tuổi

Một trong số họ, Behrooz Sadeghy, cho biết ngay khi bị đưa trở lại xe sau khi bị trại tạm giam từ chối, Nika đã bắt đầu chửi thề và la hét.

“Arash Kalhor bịt miệng cô ta bằng tất của anh ta nhưng cô ấy bắt đầu vùng vẫy. Sau đó, Sadegh Monjazy đặt cô ta lên tủ đông và ngồi lên người cô ta. Tình hình liền dịu đi,” Behrooz Sadeghy nói với các điều tra viên.

“Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra, nhưng sau vài phút, cô ta bắt đầu chửi thề. Tôi không thể nhìn được gì, chỉ có thể nghe thấy tiếng đánh đấm và va chạm,” Behrooz Sadeghy nói tiếp.

Tuy nhiên, Arash Kalhor đã cung cấp những chi tiết còn rùng rợn hơn.

Arash Kalhor nói rằng mình đã nhanh chóng bật đèn pin điện thoại và thấy Sadegh Monjazy “cho tay vào trong quần Nika”.

Arash Kalhor nói rằng sau đó họ đã mất kiểm soát.

Theo tài liệu, Arash Kalhor đã nghe thấy tiếng dùi cui đánh vào Nika.

“Tôi bắt đầu đấm đá nhưng không chắc mình đánh trúng người phe mình hay nghi can,” tài liệu ghi lại lời Arash Kalhor.

Nhưng Sadegh Monjazy lại bác bỏ lời khai của Arash Kalhor, mà ông ta nói là do ghen tị nghề nghiệp. Sadegh Monjazy phủ nhận việc cho tay vào quần cô gái, nhưng nói rằng không thể phủ nhận việc mình đã bị “kích thích” khi ngồi lên người và chạm vào mông của Nika.

Sadegh Monjazy cho biết sự đụng chạm đó đã kích động Nika, khiến cô gái, dù đang bị trói tay ra sau lưng, đã cào cấu và đẩy Sadegh Monjazy ngã quỵ.

Tài liệu mật của Iran
Chụp lại hình ảnh,Bản sao chép của tài liệu gốc về vụ bắt giữ và giết chết thiếu nữ Iran 16 tuổi

“Cô ta đá vào mặt tôi nên tôi phải tự vệ,” Sadegh Monjazy nói.

Từ buồng lái, Morteza Jalil ra lệnh cho tài xế tấp vào lề.

Viên chỉ huy mở cửa sau và phát hiện thi thể bất động của Nika.

Ông ta nói rằng mình đã lau sạch máu trên mặt và đầu cô gái, những bộ phận “không còn trong tình trạng tốt.”

Điều này khớp với tình trạng mà mẹ của Nika mô tả khi bà tìm thấy con gái mình trong nhà xác. Giấy chứng tử của Nika mà BBC Tiếng Ba Tư thu được vào tháng 10/2022 ghi rõ thiếu nữ này đã thiệt mạng vì có “nhiều vết thương do bị đánh bằng vật cứng”.

Chỉ huy Morteza Jalil thừa nhận ông ta không cố gắng tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra.

“Tôi chỉ nghĩ về việc đưa cô ta đi và không hỏi bất kỳ ai bất kỳ câu hỏi nào. Tôi chỉ hỏi: ‘Cô ta còn thở không?’ Tôi nghĩ Behrooz Sadeghy là người trả lời rằng cô ta đã chết,” Morteza Jalil khai.

Đối mặt với một vụ giết người, Morteza Jalil đã gọi đến trụ sở chính của IRGC lần thứ ba.

BBC Eye đã điều tra một tài liệu gây sốc, do IRGC viết, cho thấy Nika Shakarami bị truy lùng, tấn công tình dục và đánh chết dã man.

Lần này, họ đã nói chuyện với một sĩ quan cấp cao hơn, có mật danh Naeem 16.

“Chúng tôi đã có người chết trong các đồn, và tôi không muốn con số tăng lên 20. Đưa cô ấy về căn cứ sẽ không giải quyết được vấn đề gì cả,” tài liệu ghi lại lời Naeem 16.

Naeem 16 ra lệnh cho Morteza Jalil “cứ việc ném cô ta ra đường”. Morteza Jalil nói rằng họ đã bỏ thi thể của Nika trên một con phố yên tĩnh dưới đường cao tốc Yadegar-e-Emam của Tehran.

Tài liệu kết luận rằng một vụ tấn công tình dục đã gây ra cuộc ẩu đả ở khoang sau của xe tải, và những đòn đánh của Đội 12 đã khiến Nika thiệt mạng.

“Ba dùi cui và ba súng điện đều được sử dụng. Chưa rõ đòn nào gây tử vong,” tài liệu cho hay.

Thông tin trong này hoàn toàn mâu thuẫn với thông báo của chính quyền về những gì đã xảy ra với Nika. Gần một tháng sau đám tang của cô, đài truyền hình nhà nước phát sóng kết quả điều tra chính thức, thông báo rằng Nika đã tự sát bằng việc nhảy lầu từ một tòa nhà.

Đài truyền hình nhà nước đã phát hình ảnh do camera an ninh quay cảnh một người mà chính quyền Iran nói là Nika đang bước vào một tòa chung cư. Tuy nhiên, mẹ của Nika khẳng định trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với BBC Tiếng Ba Tư rằng bà “hoàn toàn không thể xác nhận người đó là Nika”.

“Chúng tôi đều biết họ đang nói dối,” bà Nasrin Shakarami – mẹ của nạn nhân – nói với BBC khi đề cập đến các thông tin từ chính quyền về cái chết của những người biểu tình.

Cuộc điều tra của BBC Eye không chỉ tập trung vào nội dung của tài liệu mà còn cả việc liệu nó có đáng tin cậy như một bằng chứng thực tế hay không.

Bởi đôi khi những gì được cho là tài liệu chính thức của Iran và các tài liệu khác lưu hành trên internet lại bị phát hiện là giả mạo.

Tuy nhiên, hầu hết các tài liệu giả mạo này rất dễ bị phát hiện vì chúng khác biệt rõ ràng với định dạng chính thức, điển hình như hiển thị sai khoảng cách và tiêu đề hoặc có lỗi nghiêm trọng về ngữ pháp, chính tả.

Những tài liệu giả mạo còn chứa khẩu hiệu hoặc logo chính thức không chính xác hoặc dùng những tên gọi đã lỗi thời của các cơ quan chính phủ.

Một dấu hiệu khác là ngôn ngữ không phù hợp với phong cách cụ thể mà các cơ quan nhà nước của Iran thường sử dụng.

Tài liệu mà cuộc điều tra của BBC Eye tập trung vào có chứa một số điểm mâu thuẫn như vậy. Ví dụ, lực lượng cảnh sát “Naja” được trích dẫn trong tài liệu vào thời điểm đó có tên là “Faraja”.

Vì vậy, để kiểm tra thêm tính xác thực của tài liệu, BBC Eye đã đưa tài liệu cho một cựu sĩ quan tình báo Iran, người đã xem hàng trăm tài liệu hợp pháp.

Ông gọi đến kho lưu trữ của IRGC – sử dụng mã chính thức được cấp hằng ngày cho các sĩ quan tình báo cấp cao ở Iran – để kiểm tra xem hồ sơ vụ án có tồn tại không và nội dung của nó là gì.

Ông được xác nhận rằng hồ sơ có tồn tại và tài liệu mà BBC Eye điều tra là một phần của hồ sơ vụ án dài 322 trang về những người biểu tình chống chính phủ vào năm 2022.

Mặc dù chưa chắc chắn 100%, nhưng sự xác nhận trên giúp BBC Eye tin rằng tài liệu mà mình đang điều tra là hàng thật.

Khả năng tiếp cận IRGC độc đáo của cựu sĩ quan tình báo cũng giúp BBC Eye giải mã một bí ẩn khác – danh tính của Naeem 16 – người đã bảo Đội 12 vứt xác Nika.

Ông làm điều này bằng cách thực hiện một cuộc gọi khác – lần này là với một người bên trong bộ máy quân sự của Iran. Từ đó, ông biết được Naeem 16 là mật danh của Đại úy Mohammad Zamani, phục vụ trong IRGC.

Vị đại úy đó là một trong những người tham dự phiên điều trần kéo dài 5 giờ về cái chết của Nika mà tài liệu tóm tắt.

BBC Eye đã gửi cáo buộc lên IRGC và chính phủ Iran. Họ không trả lời.

Theo những gì BBC Eye biết, những người chịu trách nhiệm về cái chết của Nika đã không bị trừng phạt.

Nạn nhân Nika Shakarami và chị gái
Chụp lại hình ảnh,Nika cùng chị gái Aida (phải), người cũng đang bị bắt

Manh mối cho việc các hung thủ không bị trừng phạt có thể được tìm thấy trong chính tài liệu mật nói trên. Tất cả thành viên Đội 12 đều được liệt kê, và họ thuộc về một nhóm có tên “Hezbollah”.

Nhóm Hezbollah này không liên quan đến lực lượng vũ trang cùng tên ở Lebanon. Tài liệu cho biết thành viên nhóm này phục vụ cho IRGC nhưng đôi khi hoạt động ngoài quyền hạn IRGC.

“Vì những người này thuộc Hezbollah, nên không thể làm gì hơn ngoài việc bảo đảm các cam kết cần thiết và sự đảm bảo về an ninh,” tài liệu mật ghi rõ.

Tài liệu cho biết sĩ quan Naeem 16 đã bị khiển trách bằng văn bản.

Có tới 551 người biểu tình đã bị lực lượng an ninh giết chết trong phong trào “Phụ nữ, Sự sống, Tự do” của Iran, hầu hết do súng đạn, theo Ủy ban điều tra của Liên Hợp Quốc.

Các cuộc biểu tình lắng xuống sau vài tháng do lực lượng an ninh đàn áp đẫm máu. Hoạt động từ phía cảnh sát phụ trách đạo đức của Iran cũng tạm lắng, nhưng một cuộc đàn áp mới đối với những vi phạm quy định trang phục Hồi giáo đã bắt đầu vào đầu tháng 4/2024.

Trong số những người bị bắt có chị gái Aida của Nika.

Bài Liên Quan

Leave a Comment