Đăng ngày: 04/05/2024
Đưa tin về chiến sự ở Gaza và nguy cơ đối mặt với tử thần của các nhà báo ; Ireland thực hiện chiến dịch « dọn dẹp di dân », trong bối cảnh Anh Quốc trục xuất người xin tị nạn sang Rwanda ; Phong trào sinh viên biểu tình phản đối chiến tranh Gaza từ Mỹ lan sang các trường đại học ở Pháp ; Đợt nắng nóng kỷ lục ở Đông Nam Á và châu Á. Đó là những chủ đề chính trong mục tạp chí thế giới đó đây tuần này.
Về thời sự Trung Đông, Israel và Hamas vẫn chưa đạt được thỏa thuận đình chiến. Thứ Sáu, Ủy ban điều phối hoạt động nhân đạo của Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Y tế Thế Giới đã lên tiếng cảnh báo về cuộc tấn công của quân đội Israel vào Rafah, miền nam dải Gaza, cho rằng cuộc tấn công trên bộ của Israel có thể biến thành vụ « thảm sát thường dân », cho dù nhà nước Do Thái đã hứa thực hiện kế hoạch sơ tán. Sau hơn 6 tháng chiến tranh, tại Gaza, gần 2 triệu người Palestine bị mắc kẹt, đối mặt với nạn đói, nhiều người bị mất nhà mất cửa vì các cuộc tấn công của Israel. Nhiều thành phố chỉ còn là đống đổ nát.
Chiến tranh ở Gaza cũng là cuộc chiến « đẫm máu » đối với các nhà báo. Theo nghiệp đoàn báo chí Palestine, hơn 130 nhà báo và nhân viên của các hãng truyền thông đã bỏ mạng tải dải đất này. Một số thiệt mạng khi đang tác nghiệp, một số khác thì bỏ mạng ngay tại nhà, trong các trận oanh kích của Israel. Hôm 03/05, nhân ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới, thông tín viên RFI Sami Boukhelifa ở Jerusalem đã phỏng vấn hai nhà báo đang tác nghiệp tại Gaza :
« Ngay từ ban đầu, nhà báo Shorouq Ayla giải thích : « Xin lỗi vì những tiếng vù vù của các drone. Các drone bay rất thấp vào hôm nay, và có thể sẽ rất khó nghe điện thoại ». Ayla đưa tin từ Rafah, miền nam dải Gaza. Cô đã mất chồng, cũng là một nhà báo,vào năm ngoái trong một vụ tấn công của Israel. Cô giải thích : « Tại sao tôi tiếp tục làm việc này ư ? Đối với tôi đó là một nghĩa vụ.
Đúng là có nhiều nhà báo đã bỏ mạng tại Gaza, tôi nhận thức được rủi ro đó. Nhưng tôi quyết định không đưa tin cấp thời, tức là không đưa tin ngay khi có chuyện. Bởi vì điều này có thể khiến tôi gặp nguy hiểm. Tôi không lo sợ cho mạng sống của tôi, mà tôi lo cho con gái tôi, đã mất cha, nếu mất cả mẹ thì sao.
Nhưng khi là nhà báo, chúng tôi sống với một bia nhắm bắn đeo trên lưng. Có nhiều người thậm chí còn từ chối nói chuyện, bởi vì chúng tôi mang theo máy ghi âm và máy ghi hình và điều này có thể khiến họ gặp nguy hiểm.
Để tránh điều này, tôi chọn làm phim tài liệu. Tôi không đưa tin về các vụ đánh bom, mà về những câu chuyện sau các vụ đánh bom đó ».
Tại miền bắc dải Gaza, Said Kilani vốn là phóng viên hình ảnh, nhưng nay không còn làm việc này nữa. Anh nói : « Dẫu sao thì tôi vẫn là một nhà báo. Tôi đã bị bắt và sau đó được quân đội Israel thả ra, họ đã phá hủy các thiết bị của tôi. Con trai tôi cũng đã bỏ mạng trong cuộc chiến này, nhà tôi thì đã bị san bằng. Tôi là một người tỵ nạn, sống ở những trung tâm tiếp đón tỵ nạn khác nhau. »
Phần lớn các đồng nghiệp của Said hiện đang ở miền bắc Gaza cũng đã từ bỏ việc đưa tin về cuộc chiến. Thay vào đó, họ muốn kể những câu chuyện thường nhật của những người dân bị mắc kẹt tại đây, thiếu nước uống, thực phẩm.
Ireland « dọn dẹp » di dân
Về thời sự châu Âu, trước nguy cơ bị trục xuất khỏi Anh sang châu Phi sau khi Luân Đôn ban hành luật Rwanda, nhiều người không giấy tờ đã tìm cách rời khỏi Anh, chạy sang Ireland, nước láng giềng gần nhất. Trong tuần vừa qua, hôm 01/05, Ireland đã di dời 200 người xin tị nạn dựng lều ở trung tâm thủ đô Dublin từ nhiều tháng qua.
Từ Dublin, thông tín viên RFI cho biết thêm thông tin :
“Các rào chắn và cảnh sát chặn con đường trước Cơ quan bảo hộ quốc tế. Tại đây, Pirsami, một người từ Thổ Nhĩ Kỳ, sống dưới căn lều được dựng lên trên vỉa hè từ gần một năm qua. Ông cho biết : “Không có nơi nào mà chúng tôi cảm thấy an toàn, không có nơi nào để chúng tôi có thể bắt đầu cuộc sống. Luật Rwanda một luật mang tính phân biệt chủng tộc, gửi chúng tôi đến một lục địa khác mà không hỏi ý kiến của tôi, buộc tôi phải đi. Xin tị nạn không phải là một tội. Tôi sợ chính phủ, những gì đang xảy ra ở đây chính là do quyết định của chính phủ.
Theo chính quyền Ireland, 90 % những người đến nước này trong thời gian gần đây không có giấy tờ hợp lệ, qua biên giới giữa Bắc Ireland và Anh.
Gary Daly là luật sư và ủng hộ việc tiếp nhận người nhập cư. Anh cho biết : “Chúng tôi dự trù sẽ có nhiều hơn những người đang ở Anh nhưng phải rời đi vì sợ bị đưa đến Rwanda. Gần đây một phán quyết của Tòa Án Công Lý Tối cao ở Ireland coi Anh Quốc là một ‘quốc gia nguy hiểm’ để gửi trả lại người xin tị nạn do luật Rwanda. Điều này sẽ khiến chính phủ Ireland rơi vào thế khó xử.
Thủ tướng Ireland Simon Harris muốn thông qua khẩn cấp một luật để gửi trả lại di dân cho Anh Quốc.”
Biểu tình, văn hóa của Pháp?
Về thời sự nước Pháp, trong tuần vừa qua, các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Gaza tại một số trường đại học ở Pháp, với những cuộc đụng độ bạo lực, vẫn tiếp diễn từ hơn một tuần qua. Hôm 03/05, ban lãnh đạo trường Sciences Po Paris đã quyết định đóng cửa nhiều cơ sở của trường, vì các sinh viên tiếp tục chiếm đóng trường. Một số sinh viên đã quyết định bắt đầu tuyệt thực để ủng hộ các nạn nhân người Palestine ở Gaza, do các cuộc tấn công từ Israel. Lực lượng cảnh sát đã được huy động trong cùng ngày để giải tán những sinh viên này.
Không chỉ riêng trường Sciences Po ở Paris mà cuộc biểu tình phản đối chiến tranh cũng lan rộng sang các chi nhánh của trường khoa học chính trị ở Lille, Strasbourg, và Lyon. Hay tại trường đại học Sorbonne ở Paris, chiều thứ Năm, khoảng 300 sinh viên đã tập trung, dựng khoảng 20 lều trong khuôn viên của trường. Tuy nhiên, họ cũng đã bị lực lượng an ninh buộc phải di dời.
Bà Anne Muxel, giám đốc nghiên cứu về xã hội học và khoa học chính trị tại Trung tâm nghiên cứu chính trị của Sciences Po, trả lời RFI Pháp ngữ cho rằng những năm vừa qua có rất nhiều phong trào biểu tình nổ ra tại Pháp, bởi vì “biểu tình là một văn hóa phản kháng chính trị, khá là rõ rệt ở Pháp, và đã giành được tính chính danh trong công luận. Đối với những người trẻ, những sinh viên, về mặt truyền thống, họ thường có xu hướng biểu tình trên đường phố, hay chiếm đóng một số địa điểm. Hình thức biểu tình bằng việc chiếm đóng, tức là trụ lại ở một nơi nào đấy cho đến khi nào đạt được mục đích, đạt được thỏa thuận. Hình thức này không mới mà đã có từ nhiều năm qua, ở châu Âu, ví dụ như phong trào Indignados ở Tây Ban Nha, hay phong trào Nuit debout ở Paris cách nay vài năm”.
Đông Nam Á: Nắng nóng kỷ lục lộ rõ cách biệt giàu nghèo
Về thời tiết, trong tuần vừa qua, nhiều quốc gia khu vực Đông Á và Đông Nam Á đã phải hứng chịu đợt nắng nóng kỷ lục. Hôm 01/05, Cơ quan khí tượng của Hồng Kông cho biết tháng Tư vừa qua là tháng có nhiệt độ trung bình cao nhất được ghi nhận từ 140 năm qua tại đặc khu này.Tại các nước như Miến Điện, Bangladesh, Philippines, Ấn Độ hay Việt Nam, nhiệt độ nhiều nơi trên 40 độ C. Nhiều nước đã phải đóng cửa trường học. Nắng nóng khiến những người cao tuổi, những người dễ bị tổn thương bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Đợt nóng kỷ lục này cũng làm nổi bật những bất bình đẳng, cách biệt giàu nghèo, những người không có điều kiện để được ngồi mát trong phòng điều hòa, những lao động phải làm việc ngoài trời.
Từ thủ đô của Thái Lan, thông tín viên Carol Isoux ghi nhận qua phóng sự:
« Tại chợ Ánh trăng – « Lumière de la lune », gần sông Chap Praya ở Bangkok. Cô Nichapat có một sạp hàng rau. Từ nhiều ngày qua, thời tiết nóng bức, vốn quen thuộc vào mùa này, trở nên không thể chịu được, khiến công việc của cô khó khăn hơn, đe dọa đến thu nhập của cô và gia đình. Cô nói : « Trời nóng quá, chúng tôi chưa bao giờ thấy nóng như vậy. Nhiệt độ lên đến 42, 43, 44 độ C ở Bangkok và các tỉnh khác. Thật không thể tin được ! Rau mà tôi bán héo nhanh hơn, nên tôi cố tưới nước lên, nhưng chỉ làm hỏng rau, và thế là tôi mất tiền ».
Trời nóng ảnh hưởng đến tất cả mọi người, nhưng những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất là những người sức khỏe yếu, những người cao tuổi, những người mắc bệnh nan y và những người nghèo nhất, không có máy điều hòa làm mát và phải ở ngoài trời hàng giờ. Đó là những người bán hàng rong, tài xế xe máy. Tại các vùng nông thôn, trời nóng bức và khô hạn đe dọa đến vụ mùa và thu nhập của nông dân. Còn tại các thành phố, tiêu thụ điện tăng kỷ lục do dùng điều hòa không khí, tuy giúp những người thuộc tầng lớp trung lưu tiện nghi hơn, dễ thở hơn, nhưng lại khiến nhiệt độ bên ngoài tăng cao. »
Theo một báo cáo vào năm 2019 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (AIE), được AFP trích dẫn, chỉ 15 % các hộ gia đình ở Đông Nam Á có hệ thống điều hòa không khí. Tuy nhiên, khi nhiệt độ ngày càng tăng cao, và thu nhập của người dân cũng tăng, thì số lượng máy điều hòa cũng sẽ tăng lên, từ 40 triệu chiếc vào năm 2017, lên đến 300 triệu chiếc vào năm 2024.
Chưa kể đến việc tiêu thụ điện, theo AIE, điều hòa không khí còn là nguyên nhân thải ra khoảng một tỷ tấn CO2 mỗi năm, trong tổng số 37 tỷ trên toàn thế giới. Thế nhưng, sử dụng điều hòa làm mát lại là cách tốt nhất để bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương nhất khỏi nắng nóng.
Trước nhu cầu dùng điều hòa tăng vọt, hàng chục quốc gia đã ký một cam kết của Liên Hiệp Quốc về điều hòa không khí toàn cầu, cải thiện hiệu quả của máy điều hòa và giảm lượng khí thải. Một số nước như Nhật Bản đã khuyến khích nhân viên văn phòng cởi cà vạt và áo khoác, để nhiệt độ có thể duy trì ở mức 28 độ C.