Liệu Hoa Kỳ có thể phá vỡ sự thống trị về sản xuất kim loại đất hiếm của Trung Quốc mà nước này đã trao cho Trung Quốc vào những năm 1990?
Một máy xúc vận chuyển đất có chứa khoáng chất đất hiếm tại cảng ở Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, để xuất cảng sang Nhật Bản, ngày 05/09/2010. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)
James Gorrie
Thứ bảy, 04/5/2024
Khi chính phủ Tổng thống Biden cam kết chuyển đổi Hoa Kỳ từ sử dụng xe chạy bằng xăng sang xe điện (EV), Hoa Kỳ cần lượng kim loại đất hiếm gấp 10 lần lượng kim loại đất hiếm mà quốc gia này hiện có hoặc có thể sản xuất để đáp ứng cam kết đó — và đó mới chỉ là cho xe điện.
Khi nhu cầu bổ sung về kim loại đất hiếm là cần thiết để sản xuất các tài sản quân sự, thông tin liên lạc, và dẫn đường chiến lược, thì sự thiếu hụt nguồn cung kim loại đất hiếm quốc gia là không thể chấp nhận được.
Trung Quốc thống lĩnh thị trường kim loại đất hiếm
Ngày nay, Trung Quốc vẫn gần như độc quyền về cung cấp và chế biến kim loại đất hiếm trên toàn thế giới. Hoa Kỳ hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc — tức phụ thuộc vào Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) — về kim loại đất hiếm cần thiết để duy trì và chế tạo vũ khí chiến lược nhằm bảo vệ chính mình và các đồng minh trước các lực lượng đối địch. Không có gì ngạc nhiên khi Ngũ Giác Đài cho rằng tình trạng thiếu kim loại đất hiếm ở Hoa Kỳ là một vấn đề an ninh quốc gia.
Vấn đề an ninh quốc gia này cũng không phải là mới hay đột ngột. Điều đó đã được biết đến trong nhiều năm. Trên thực tế, cựu Tổng thống Donald Trump đã ban hành một sắc lệnh vào tháng 10/2020, chỉ thị nội các của ông tìm cách loại bỏ sự phụ thuộc vào đất hiếm Trung Quốc.
Làm thế nào mà sự phụ thuộc vô lý vào Trung Quốc về kim loại đất hiếm chiến lược lại có thể xảy ra?
Gần như quá xấu hổ để thảo luận việc này, nhưng sự thật là như vậy.
Hoa Kỳ nhường vị thế độc quyền cho Trung Quốc
Nhưng không phải lúc nào tình hình cũng là như vậy. Năm 1980, Hoa Kỳ đã sản xuất gần như toàn bộ kim loại đất hiếm trên thế giới. Theo một số báo cáo, thậm chí cho đến những năm 1990, Hoa Kỳ vẫn độc quyền toàn cầu về khai thác và chế biến kim loại đất hiếm, tất cả đều thông qua hoạt động khai thác ở Mountain Pass thuộc sa mạc Mohave của California. Đất hiếm chỉ đơn giản là sản phẩm phụ tự nhiên của các hoạt động khai thác khác đối với các chất như titan, phosphat, và zircon. Trên thực tế, chỉ riêng khu mỏ đó đã là nhà cung cấp chính về kim loại đất hiếm trên thế giới rồi.
Hoa Kỳ sau đó đã trao vị thế này cho Trung Quốc. Điều này đã được thực hiện thông qua một vài sự kiện quan trọng. Ví dụ, Molycorp, công ty khai thác và chế biến đất hiếm lớn nhất Hoa Kỳ, đã dần dần chuyển giao công nghệ công nghiệp và tài sản của mình sang Trung Quốc, vì có một CEO có lợi ích kinh doanh ở Trung Quốc. Khi Molycorp tuyên bố phá sản, công ty Neo Materials có liên quan đến Trung Quốc đã mua lại công ty này sau vụ phá sản.
Một yếu tố khác là các luật mới hướng tới môi trường có sự liên quan không cần thiết tới ngành công nghiệp nhiên liệu hạt nhân, khiến các hoạt động khai thác mỏ phải ngừng lại. Điều này đã thúc đẩy Hoa Kỳ giao việc khai thác và chế biến cho Trung Quốc, quốc gia không có những hạn chế về môi trường như vậy.
Kết quả là Hoa Kỳ đã chuyển giao công nghệ khai thác, tài sản trí tuệ, và chuyên môn sản xuất các kim loại có giá trị chiến lược cho Trung Quốc. Nói cách khác, Hoa Kỳ đã tự nguyện nhượng lại quyền độc quyền toàn cầu về sản xuất đất hiếm cho một quốc gia ngoại quốc vốn là đối thủ về ý thức hệ của mình, và còn giúp cho đối thủ này trở thành một đối thủ chiến lược. Hậu quả của việc để mất vị thế độc quyền này là vượt xa các lĩnh vực xe điện và vũ khí quân sự, để trải dài sang các ngành y tế, công nghệ mới nổi, và tất nhiên là cả việc làm và các lỗ hổng quan trọng trong chuỗi cung ứng.
Lịch sử của những quyết định tồi tệ hoặc ‘những sai lầm chủ ý’
Những sai lầm khác — hoặc những mất mát — cũng đã xảy ra. Ví dụ, vào năm 1995, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua việc bán Magnequench, nhà sản xuất nam châm duy nhất có trụ sở tại Hoa Kỳ, rất quan trọng cho các hệ thống hỏa tiễn dẫn đường tân tiến nhất của quốc gia. GA Powders, một nhà sản xuất bột từ tính đất hiếm khác của Hoa Kỳ, cũng bị bán đi.
Không ai khác ngoài gia đình cố lãnh đạo ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình đã mua lại Magnequench. Bảy năm sau, cơ sở sản xuất có trụ sở tại Hoa Kỳ của công ty này đã bị đóng cửa và chuyển sang Trung Quốc. Điều đó khiến Hoa Kỳ hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc về các nam châm quan trọng cần thiết cho sự vận hành của hỏa tiễn và các loại vũ khí khác, cũng như tuabin gió và các công nghệ khác của Hoa Kỳ.
Sau đó, vào năm 1998, các quan chức quốc phòng quyết định rằng Hoa Kỳ không cần bất kỳ nguồn đất hiếm dự trữ chiến lược nào — bao gồm tất cả các loại đất hiếm do Bộ Năng lượng nắm giữ trước đây — và đã bán đi nguồn dự trữ này. Cùng năm đó, Rhodia Incorporated, nhà sản xuất kim loại và hợp kim đất hiếm cuối cùng của Hoa Kỳ, đã đóng cửa cơ sở chế biến đất hiếm ở Texas để có thể xây dựng một cơ sở mới ở Trung Quốc.
Mô hình liên quan đến kim loại đất hiếm không thể rõ ràng hơn. Các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ đã đưa ra những quyết định không những gây tổn hại đến tính sẵn sàng chiến lược, các tiến bộ công nghệ y tế, và chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ, mà còn công khai trợ giúp cho Trung Quốc.
Ngày nay, sự thống lĩnh của Trung Quốc trong lĩnh vực cung cấp kim loại đất hiếm toàn cầu bao gồm hơn 80% thị phần nguyên liệu thô. Trung Quốc cũng gần như chiếm độc quyền về các nhà máy chế biến các nguyên tố thô thành các hợp kim quan trọng cũng như nam châm, v.v.
Đúng như dự đoán, Trung Quốc đang tận dụng lợi thế của mình trước Hoa Kỳ. Họ đã giảm nguồn cung kim loại đất hiếm để chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước và ngừng mọi hoạt động xuất cảng. Giá một số loại đất hiếm này dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong vòng một vài năm. Điểm mấu chốt là những hạn chế mới của Bắc Kinh nhằm mục đích gây trở ngại cho hệ thống phòng thủ của Hoa Kỳ.
Tin tốt, tin xấu
Vậy Hoa Kỳ đang thực hiện những biện pháp nào để giải quyết khoảng cách kim loại đất hiếm mang tính chiến lược nhưng hoàn toàn có thể tránh được này?
Hoa Kỳ đang đi đúng hướng, ít nhất là trong một trường hợp. Năm 2022, Bộ Quốc phòng đã trao cho MP Materials một hợp đồng trị giá 35 triệu USD để xây dựng một nhà máy chế biến kim loại đất hiếm quy mô lớn để sử dụng trong nam châm hiệu suất cao ở cùng địa điểm Mountain Pass như trước đây. Hợp đồng này bổ sung thêm cho khoản đầu tư 700 triệu USD của MP Materials vào nhiều dự án liên quan khác ở California và Texas.
Về phương diện tiêu cực, chính phủ Tổng thống Biden đã từ chối dự án Ambler Access Road, vốn đã được chính phủ cựu Tổng thống Trump phê chuẩn, vì lý do môi trường. Nếu được tiến hành, con đường này sẽ giúp mở rộng hoạt động khai thác mỏ, mang lại cho Hoa Kỳ nguồn cung cấp đồng, kẽm, chì, vàng, bạc, và cobalt trong nước đáng tin cậy. Bộ trưởng Nội vụ Deb Haaland cho biết các nghiên cứu về môi trường thời cựu Tổng thống Trump là “không đạt tiêu chuẩn.”
Một lần nữa, chính sách kim loại đất hiếm của Hoa Kỳ lại đang gây thiệt hại cho Hoa Kỳ và trợ giúp cho Trung Quốc cộng sản.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times