Trong khi chủ tịch Trung Quốc có mặt tại Pháp ngày 06 và 07/05/2024 để thảo luận cụ thể về các vấn đề chiến lược và kinh tế, nhiều dân biểu và hiệp hội đã lên án những hành động đàn áp của Bắc Kinh, đặc biệt nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng.
Đăng ngày: 06/05/2024
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Pháp của Tập Cận Bình rất được giới quan sát chú ý. Lần đầu tiên kể từ năm 2019, chủ tịch Trung Quốc công du châu Âu, sau thời gian nước ông bị phong tỏa do đại dịch Covid-19. Nhưng vài ngày trước khi nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Pháp, tổng thống Emmanuel Macron, ngày 30/04, đã gặp lãnh đạo chính quyền Tây Tạng lưu vong Penpa Tsering tại điện Elysée.
Về phần mình, trước đó vài giờ, thượng nghị sĩ Olivier Cadic tuyên bố trong một phiên chất vấn tại Thượng Viện rằng ông là nạn nhân của một vụ tấn công do tin tặc Trung Quốc thực hiện : “Đây rõ ràng là một hành động chiến tranh mạng, được thực hiện bởi một chế độ độc tài 2.0.” Ngày 02/05, tạp chí Challenges và chương trình “Envoyé Spécial” trên kênh France 2 đã công bố một phóng sự điều tra về nỗ lực của chính quyền Bắc Kinh ép một thanh niên Trung Quốc chỉ trích chế độ sinh sống tại Pháp phải hồi hương. Vụ việc có dính líu đến các nhân viên đại sứ quán Trung Quốc ở Paris.
Trong một mối quan hệ ngày càng bất cân xứng mà Bắc Kinh có phần lấn lướt, đề cập đến vấn đề nhân quyền không phải là điều đơn giản đối với tổng thống Pháp, vốn không muốn làm mất lòng đồng nhiệm Trung Quốc. Về phần mình, chính quyền Bắc Kinh vẫn bác bỏ những lời chỉ trích dù nhỏ nhất về những gì họ coi là vấn đề nội bộ của họ. Trong bối cảnh đó, xã hội dân sự Pháp đang đấu tranh để đề cập đến vấn đề nhân quyền bên lề chuyến thăm chính thức của Tập Cận Bình, khi các chủ đề chiến lược ưu tiên như cuộc chiến Ukraina đang là mối bận tâm hàng đầu, cùng với các vấn đề như sức mạnh kinh tế của Trung Quốc hay các biện pháp phòng thủ mà Liên Hiệp Châu Âu (EU) dự kiến thực hiện. Đã có hai cuộc biểu tình diễn ra ngày 05/05 để lên án Trung Quốc đàn áp người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Trong một thông cáo báo chí công bố ngày 02/05, tổ chức Ân xá Quốc tế nhắc lại Pháp đã nhiều lần nhấn mạnh mong muốn duy trì “đối thoại gắt gao và có hệ thống với Trung Quốc về các vấn đề nhân quyền”. Tổ chức này kêu gọi Emmanuel Macron đừng quên cam kết này trong các cuộc gặp với Tập Cận Bình : “Tổng thống Pháp phải yêu cầu Trung Quốc trả tự do cho nhà trí thức Duy Ngô Nhĩ Ilham Tohti và các tù nhân lương tâm khác, yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt các hành động đàn áp nhắm vào hàng trăm nghìn người Duy Ngô Nhĩ cũng như những người Kazakhstan bị giam giữ tùy tiện trong các trại, và bãi bỏ luật an ninh quốc gia nhằm mục đích bịt miệng bất kỳ tiếng nói bất đồng chính kiến nào ở Hồng Kông.”
“Lãnh tụ tối cao sắp sang Pháp”
Nhưng Bắc Kinh, vốn rất coi trọng vẻ bề ngoài, sẵn sàng làm bất cứ việc gì để bịt miệng những người chỉ trích, kể cả đe dọa gia đình ở trong nước của những công dân Trung Quốc sống tại Pháp có thể tham gia biểu tình : “Lãnh tụ tối cao sắp sang Pháp, vì vậy hãy nhắc nhở con trai mọi người không làm bất cứ điều gì khiến chúng tôi xấu hổ.” Laura Harth, giám đốc chiến dịch của tổ chức Safeguard Defenders, chuyên nghiên cứu về các hành vi vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc, cho biết : “Một nhà hoạt động nhân quyền ở Pháp nói gia đình anh ở miền bắc Trung Quốc đã bị chính quyền hành hung trong tuần này.” Theo bà Harth, gia đình của một số người khác tham gia các cuộc biểu tình chống đảng Cộng Sản Trung Quốc ở Pháp cũng đã báo cáo về những trường hợp tương tự.
Trong bối cảnh này, thái độ của điện Elysée khiến giới quan sát băn khoăn : Văn phòng tổng thống có toan tính gì khi tổ chức hôm 30/04 cuộc hội đàm với một đại diện Tây Tạng bị Bắc Kinh ghét bỏ ? Tổng thống Macron đã nhận từ tay Penpa Tsering một bức ảnh chụp từ năm 2016, cho thấy ông, quàng trên cổ chiếc khăn màu trắng, nắm tay Đức Đạt Lai Lạt Ma. Mặc dù chủ nhân điện Elysée chưa từng gặp nhà lãnh đạo chính trị và tinh thần của Tây Tạng kể từ khi đắc cử tổng thống năm 2017, việc ông Macron nhận bức ảnh nói trên đủ để khiến Trung Quốc nổi giận, vì Bắc Kinh vẫn coi Đạt Lai Lạt Ma là kẻ khủng bố và chính phủ Tây Tạng lưu vong là một tổ chức ly khai. Cuộc gặp giữa Macron và Tsering diễn ra trong buổi trao Huân chương Bắc đẩu Bội tinh cho André Gattolin, thượng nghị sĩ vùng Hauts-de-Seine từ năm 2011 đến năm 2023 và là thành viên của Liên minh Nghị viện về Trung Quốc.
Khó có thể làm ngơ trước những cuộc tấn công nhắm vào các cá nhân khi chúng diễn ra trên lãnh thổ Pháp, với các hoạt động gián điệp mạng của Trung Quốc. Ngày 29/04, Olivier Cadic, thượng nghị sĩ cánh trung đại diện cho người Pháp sống ở nước ngoài, được FBI thông báo rằng ông là một trong 116 nghị sĩ – nạn nhân của một vụ tấn công tin học quy mô lớn do APT31, một thực thể có liên quan đến tình báo Trung Quốc, thực hiện vào năm 2021. Trong phiên chất vấn tại Thượng Viện ngày 30/04, phát ngôn viên chính phủ Prisca Thevenot đã trả lời ông Cadic : “Chúng tôi bày tỏ những lo ngại về các cuộc tấn công mạng nhắm vào lợi ích của chúng ta.” Đây là một phản ứng “nhu nhược”, theo ông Cadic. Vị thượng nghị sĩ này nhấn mạnh rằng cho đến nay, Pháp vẫn không cáo buộc Trung Quốc thực hiện những cuộc tấn công này. Ông Cadic nói : “Họ tấn công các nghị sĩ, một hành động rất nghiêm trọng, rất tai tiếng, nhưng điều đó không làm tôi ngạc nhiên. Điều này cho thấy bản chất của chế độ Trung Quốc, không có gì ngăn cản được họ.”
Một cuộc tấn công khác nhắm vào chủ quyền của Pháp là nỗ lực của Bắc Kinh ép một thanh niên Trung Quốc chỉ trích chế độ phải hồi hương. Vụ này đã được quay tại sân bay Paris-Charles-de-Gaulle vào cuối tháng 3 bởi các nhà báo của chương trình “Envoyé Spécial” và tạp chí Challenges. Cảnh quay ngoài sức tưởng tượng được phát sóng ngày 02/05 trên kênh France 2, cho thấy hai nhân viên của đại sứ quán Trung Quốc và một số thành viên của hiệp hội “Amours et cœurs unis” đi cùng Ling Huazhan ra sân bay, để buộc anh hồi hương về Trung Quốc, trước khi người này đổi ý vào phút chót.
Đây là một trường hợp điển hình về chính sách ép buộc hồi hương nhắm vào những người bị Bắc Kinh truy nã, một hoạt động được gọi là “săn cáo” hay “Skynet”. Dường như đã có đến 12.000 cuộc hồi hương như vậy kể từ năm 2014. Để đạt được mục tiêu đó, cảnh sát Trung Quốc thường gây áp lực với người thân ở Trung Quốc của những đối tượng bị truy nã, hay thường xuyên cử đặc vụ ra nước ngoài để “thuyết phục” các mục tiêu tự nguyện hồi hương. Trong những trường hợp khác, như trường hợp của Ling Huazhan, các hiệp hội bình phong có vai trò truyền tải thông điệp của Bắc Kinh.
Hiệp hội “Amours et cœurs unis”, được thành lập vào năm 2021, có trụ sở tại Aubervilliers, ở chính địa chỉ mà tổ chức phi chính phủ Safeguard Defenders đã phát hiện một đồn cảnh sát bí mật của Trung Quốc vào năm 2022. Trong một thông cáo báo chí, đại sứ quán Trung Quốc tại Paris tố cáo “một báo cáo hoàn toàn bịa đặt dựa trên những lời dối trá”.
Nguồn : Le Monde