6 tháng 5 2024
Philippines và Việt Nam nên củng cố hợp tác nhằm bảo vệ lợi ích chung trước những “hoạt động cưỡng ép” của Trung Quốc ở Biển Đông, tờ Inquirer của Philippines tường thuật lại nhận định của các học giả tại một viện nghiên cứu thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ.
Cả Philippines và Việt Nam đều có tranh chấp gay gắt với Bắc Kinh liên quan đến yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.
Vào tháng 1/2024, trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên trong năm, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã đến Việt Nam và ký kết một thỏa thuận hợp tác an ninh hàng hải.
Tiến sĩ Lori Forman từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á – Thái Bình Dương Daniel K. Inouye (DKI APCSS, Mỹ) nói rằng sự hợp tác giữa Philippines và Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa.
“Cho dù tồn tại những khác biệt về ngôn ngữ và hệ thống chính trị, hai quốc gia có chung những lợi ích cốt lõi, tạo nền tảng vững chắc cho sự hợp tác,” Inquirer trích lời bà Forman.
Giáo sư Alexander L Vuving từ DKI APCSS nhận xét Việt Nam và Philippines là hai quốc gia dễ bị tổn thương bởi chính sách “chia để trị” của Trung Quốc.
“Là những quốc gia nhỏ hơn, Philippines và Việt Nam nên hợp tác để giảm bớt sự chênh lệch quyền lực với Trung Quốc. Hai nước có thể chia sẻ kinh nghiệm và các cách thức hiệu quả nhất để chống lại hành động cưỡng ép,” ông Vuving nói.
Vào tháng 1/2024, Giáo sư Vuving từng chia sẻ với BBC News Tiếng Việt:
“Theo tôi nhận định thì cho đến nay, lợi ích của Trung Quốc là không có chiến tranh ở Biển Đông. Vì 40% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Trung Quốc đi qua con đường hàng hải trên Biển Đông. Hậu quả cuộc chiến tranh trên Biển Đông là khôn lường, không đơn thuần là xung đột Việt Nam với Trung Quốc hay Philippines với Trung Quốc. Đám lửa có thể bùng lên tới mức không ai kiểm soát được.”
“Do đó, chiến lược tốt nhất của Trung Quốc là ‘tằm ăn dâu’, tức là dần dần đẩy đuổi Việt Nam và Philippines… rồi biến thành điều gọi là ‘bình thường mới’, và dần dần ép các nước chấp nhận thực tế mới của Trung Quốc. Đây là chiến lược tương đối hữu hiệu của Trung Quốc.”
“Và trong chiến lược này, Trung Quốc đã sử dụng mọi lực lượng. Đi trên tuyến đầu là hải cảnh (cảnh sát biển), rồi dân quân biển, các loại tàu chấp pháp khác. Hải quân thì ở xa hơn, nằm ở các căn cứ.”
‘Mưu đồ chia rẽ’ từ Trung Quốc
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro và Cố vấn An ninh Quốc gia Eduardo Ano vào hôm 5/5 đã lên tiếng bác bỏ tuyên bố từ Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila về “mô hình mới” nhằm quản lý tình hình Bãi Cỏ Mây (Second Thomas).
Cả hai khẳng định đây là “mưu đồ chia rẽ Philippines” và để lôi kéo sự quan tâm của công chúng khỏi hành động khiêu khích mới nhất mà Bắc Kinh nhằm vào các tàu Philippines.
Trước đó, vào ngày 18/4, một người phát ngôn tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila cho biết hai bên đã thống nhất về một “mô hình mới” để quản lý căng thẳng tại Bãi Cỏ Mây vào đầu năm 2024, nhưng không cung cấp thêm chi tiết.
Phía Philippines vào cuối tháng 4/2024 đã bác bỏ tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc, theo Reuters.
Ông Teodoro khẳng định Bộ Quốc phòng Philippines “không biết và cũng không tham gia vào bất kỳ thỏa thuận nội bộ nào với Trung Quốc” đồng thời nhấn mạnh quan chức bộ này không trao đổi với bất kỳ quan chức Trung Quốc nào kể từ năm 2023.
“Bất kỳ sự ám chỉ nào cho rằng Bộ Quốc phòng Philippines tham gia vào ‘mô hình mới’ là một mưu đồ quỷ quyệt của Trung Quốc thông qua đại sứ quán của họ tại Manila,” Inquirer dẫn tuyên bố của vị bộ trưởng quốc phòng.
Ông Eduardo Ano khẳng định ông “chưa nói chuyện trực tiếp hay gián tiếp với bất kỳ quan chức nào của Đại sứ quán Trung Quốc về bất kỳ vấn đề nào” ngoài việc thảo luận về các hoạt động tiếp tế hợp pháp của Philippines ở Bãi Cỏ Mây.
Bộ Ngoại giao Philippines đã lên án việc Trung Quốc lan truyền “thông tin sai lệch và những lời bóng gió” nhằm vào các quan chức Philippines, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh ngừng hành động này và quay trở lại đối thoại về Biển Đông.
Bộ Ngoại giao Philippines cho biết những hành động của Trung Quốc “tạo ra sự hoang mang trong công chúng Philippines và đánh lạc hướng sự chú ý khỏi các vấn đề thực sự do các tuyên bố vô căn cứ cũng như các hành động bất hợp pháp và hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Philippines.”
“Đây là một hành động thao túng tinh vi,” Inquire dẫn lời Ngoại trưởng Enrique Manalo.
Động thái gần đây của Trung Quốc
Hôm 30/4, phóng viên BBC đã có mặt trên con tàu BRP Bagacay của Tuần duyên Philippines khi tàu này bị các tàu của Trung Quốc áp sát.
Trong lúc tàu BRP Bagacay đang tiến về bãi cạn Scarborough, một đảo san hô nhỏ cách bờ biển Philippines 220 km về phía tây mà Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền, thì bị đội tàu cảnh sát biển Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công.
Một con tàu khác trong đoàn tàu chở hàng tiếp tế cho ngư dân Philippines cũng bị hư hỏng nặng sau khi hứng chịu 10 trận phun nước trực tiếp từ vòi rồng.
Những cuộc chạm trán này đã trở nên thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn kể từ khi Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. ủy quyền cho lực lượng tuần duyên thách thức sự hiện diện của Trung Quốc tại các khu vực tranh chấp một cách mạnh mẽ hơn nhiều so với trước đây.
Ngày 7/4, Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam bộ của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã tổ chức một cuộc tuần tra trên biển và trên không tại Biển Đông, cùng ngày mà Mỹ, Philippines, Nhật Bản và Úc diễn tập “hoạt động phối hợp trên biển” cũng tại khu vực này.
Trước đó không lâu, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn tại tỉnh Quảng Tây vào hôm 4/4.
Tại đây, ông Vương Nghị đã kêu gọi phía Việt Nam quản lý đúng đắn những khác biệt, thúc đẩy hợp tác hàng hải và tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông để giải quyết xung đột.
Đồng thời ngoại trưởng Trung Quốc cảnh báo người đồng cấp rằng Việt Nam phải cảnh giác để không tham gia vào các “bè phái” nhằm phá hoại hòa bình và ổn định trong khu vực.
Lời ông Vương Nghị được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam và Philippines vừa có thỏa thuận hợp tác giữa lực lượng cảnh sát biển hai nước, cũng như có “giao thiệp” và hợp tác với các cường quốc khác về các vấn đề liên quan đến Biển Đông.
Trong những năm qua, Bắc Kinh đã triển khai hàng trăm tàu cảnh sát biển trên khắp Biển Đông để tuần tra những nơi họ tuyên bố chủ quyền, bất chấp Tòa án Trọng tài Thường trực năm 2016đã khẳng định rõ ràng rằng yêu sách của Trung Quốc không có cơ sở theo luật pháp quốc tế.