CSVN từng hạ bệ Võ Nguyên Giáp thế nào?

May 7, 2024

Võ Nguyên Giáp

Đến năm 1991, người ta còn dựng lên vụ “Năm Châu, Sáu Sứ” để hạ bệ Tướng Giáp. Nếu ở thời điểm trước Đại hội VII, tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đưa báo cáo của Trung tướng Võ Viết Thanh ra Bộ Chính trị, các tướng sẽ không tha thứ cho Lê Đức Anh, lịch sử đổi mới đã có thể thuận lợi hơn và chính trị của Việt Nam cũng bớt được những khuyết tật khó mà khắc phục.

Người ta đã từng muốn có một chiến thắng tầm cỡ “lừng lẫy Điện Biên” mà không có Hồ Chí Minh, không có tướng Giáp.


Khi bắt đầu Chiến dịch Mậu Thân, nhiều chỉ huy tài năng của tướng Giáp bị bắt, kể cả đại tá Lê Trọng Nghĩa, Cục trưởng Cục Quân báo [trong Chiến dịch Điện Biên Phủ]. Tướng Giáp bị giữ ở Hungaria cho tới 29 Tết, với sự can thiệp của Hồ Chí Minh mới có thể về Hà Nội.


Hàng chục vạn con dân Việt Nam đã bỏ mình trong chiến dịch ít chuẩn bị và nhiều tham vọng này.


Theo tướng Giáp: “Lúc đầu mục tiêu đề ra là tổng công kích, tổng khởi nghĩa, giành trọn vẹn chính quyền về tay nhân dân. Giấy bạc đã được in và đã được chuyển vào Nam. Đồng phục cho công an vào tiếp quản thành phố cũng đã được chuẩn bị. Đồng chí Đàm Quang Trung ở Quân khu IV đã chuẩn bị một đoàn xe chở quân và quân trang vào tiếp quản thành phố. Sau này giải thích tổng công kích, tổng khởi nghĩa xảy ra là một quá trình là không đúng với thực tế”.


Sau 1975, thượng tướng Trần Văn Trà tuyên bố, “500 năm sau, khi nói tới thời đại ngày nay, người ta chỉ nhớ tới Hồ Chí Minh và tướng Giáp”. Lịch sử chắc sẽ không quá khắt khe như tướng Trà nhưng vào thời điểm đó, ta hiểu vì sao tướng Trà nói thế.


Các hoạt động kỷ niệm “30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ” không có tên tướng Giáp. Các bài viết đăng trên báo Nhân Dân từ tháng 3 đến tháng 5-1984, trong khi nói rất kỹ về Henri Navarre và Christian de Castries, đã không hề nhắc tên Võ Nguyên Giáp.

Hồi ký của đại tướng Hoàng Văn Thái đăng nhiều kỳ trên báo Quân đội Nhân dân thì tên của tướng Giáp cũng bị cắt đi dù Tướng Thái nổi giận đòi rút bài.


Năm 1994, khi phỏng vấn đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi đặt câu hỏi: “Thưa đại tướng, ở thời điểm Chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra, Đại tướng đang là bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh các Lực lượng Vũ trang, tại sao trong “Đại Thắng Mùa Xuân”[của Văn Tiến Dũng] vai trò của Đại tướng được nhắc rất ít?”


Tướng Giáp, mặt đanh lại, quay sang phía thiếu tướng Lê Phi Long, “Long, cậu biết, nhật ký tổng hành dinh ghi rõ, tôi lệnh gì, anh Ba lệnh gì. Các nhà báo và các nhà sử học nếu muốn biết sự thật lịch sử thì nên đọc nhật ký tổng hành dinh chứ không nên căn cứ vào tuyên bố của một ai đó.”


Đến năm 1991, người ta còn dựng lên vụ “Năm Châu, Sáu Sứ” để hạ bệ Tướng Giáp. Nếu ở thời điểm trước Đại hội VII, tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đưa báo cáo của Trung tướng Võ Viết Thanh ra Bộ Chính trị, các tướng sẽ không tha thứ cho Lê Đức Anh, lịch sử đổi mới đã có thể thuận lợi hơn và chính trị của Việt Nam cũng bớt được những khuyết tật khó mà khắc phục.


Cho dù tướng Giáp sống lâu hơn những người ganh ghét mình, “Trời” vẫn để cho Lê Đức Anh sống ở phía đối diện nhà 30 Hoàng Diệu và giữ ông ta minh mẫn cho đến khi tướng Giáp qua đời.


Không biết, khi “gặp lại Lê Duẩn, Lê Đức Thọ”, Lê Đức Anh có tường thuật tang lễ này và ba ông họ Lê sẽ nói gì về những “quốc tang” nhạt nhẽo của mình so với dòng dân chúng xếp hàng nhiều ngày trời để vào thắp hương cho Tướng Giáp.


Vị tướng nào lưu danh mà không để lại “vạn cốt khô”; nhưng không phải ai biến hàng vạn trai tráng thành cốt khô cũng có danh trong lịch sử.

Huy Đức

Bài Liên Quan

Leave a Comment