Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ hiện đang lo ngại hàng Trung Quốc lại tràn ngập thị trường thế giới. Nhưng nay thách thức ở cấp độ cao hơn, vì Bắc Kinh đã thay đổi chiến lược, tập trung vào các sản phẩm cao cấp để củng cố ngành công nghiệp quốc gia.
Đăng ngày: 08/05/2024
Tại Paris ngày 06/05/2024, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu lưu ý với chủ tịch Tập Cận Bình rằng Liên Âu « không chấp nhận » tình trạng « thương mại không lành mạnh ». Mỹ cũng cân nhắc tăng thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng Trung Quốc.
Rút bài học cách đây khoảng 10 năm khi nhôm và thép Trung Quốc giá rẻ tràn ngập thị trường châu Âu, Bruxelles không muốn lịch sử lặp lại, bởi vì hệ quả lần này sẽ lớn hơn rất nhiều. Sau nhiều năm kích thích tiêu dùng nội địa, Trung Quốc hiện đổi chiến lược, trở lại làm « công xưởng của thế giới », nhưng tập trung vào các lĩnh vực công nghệ tiên tiến để trở thành một cường quốc xuất khẩu công nghiệp.
Gia tăng sản xuất để bảo đảm việc làm cho người lao động
Tình trạng sản xuất dư thừa so với khả năng tiêu thụ trong nước buộc Bắc Kinh đi tìm những đầu ra mới, bất chấp thua lỗ. Thực vậy, sức mua tại Trung Quốc không còn như trước, tiêu dùng nội địa rất thấp, không trỗi dậy như kỳ vọng của chính phủ sau thời gian bị hạn chế vì đại dịch Covid-19. Chính phủ không có bất kỳ kế hoạch kích cầu nào, thêm vào đó là khủng hoảng địa ốc khiến các hộ gia đình phải « thắt lưng buộc bụng ».
Các kinh tế gia của Rhodium Group, được nhật báo kinh tế Pháp Les Echos trích dẫn ngày 08/05, nhận định « xu hướng hỗ trợ triệt để các nhà sản xuất hơn là người tiêu dùng giúp các doanh nghiệp Trung Quốc tăng khả năng sản xuất dù lợi nhuận thấp mà không sợ bị phá sản như lo ngại của các doanh nghiệp theo nền kinh tế thị trường ». Các nhà máy được vận hành liên tục nhằm tạo công ăn việc làm cho lực lượng nhân công giá rẻ đến từ các vùng nông thôn, miền núi với hy vọng có mức sống cao hơn, theo giải thích của báo mạng Atlantico ngày 08/05.
Nguồn lực này, cùng với nguồn linh kiện dồi dào, hoàn toàn đáp ứng được chiến lược sản xuất ồ ạt để cung ứng cho nhu cầu ở châu Âu cũng như cả thế giới về ô tô điện, pin mặt trời, tua bin điện gió… Kinh tế gia Anthony Morlet-Lavidalie thuộc văn phòng Rexecode lưu ý «Trung Quốc đã trở thành nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới » và « ngày càng mạnh trong nhiều lĩnh vực công nghiệp khác có giá trị thặng dư cao mà trước đây châu Âu luôn vượt trội ».
Tìm thị trường mới để tuồn hàng thừa
Đối với truyền thông nhà nước Trung Quốc, các mặt hàng được xuất khẩu chỉ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, ví dụ giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng và hỗ trợ khách mua ô tô ở châu Âu. Những cơ quan này bao biện rằng những mặt hàng được bán với giá thấp không phải do hỗ trợ của nhà nước, mà là do các doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh.
Nhờ chiến lược này, Trung Quốc đã tự chủ và giảm nhập khẩu hàng hóa từ phương Tây. Nhà nghiên cứu Marc Julienne, giám đốc Trung tâm châu Á, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, nhắc lại « Trung Quốc mở cửa một số lĩnh vực cho các nước phương Tây khi họ muốn được chuyển giao công nghệ. Nhưng một khi đã tiếp nhận được, họ đóng cửa thị trường ».
Bị động vì chiến lược phản công của Trung Quốc, nhưng Liên Hiệp Châu Âu vẫn thiếu đồng thuận về sách lược đối phó. Tuy nhiên, Bruxelles đã tỏ dấu hiệu cứng rắn hơn khi mở điều tra về một số mặt hàng Trung Quốc bị cáo buộc được trợ giá, như sản phẩm y tế, ô tô điện. Theo báo Les Echos, những diễn biến mới này sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa các bên, thậm chí dẫn đến xung đột thương mại với Trung Quốc.
Thêm vào đó, ngoài Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu, nhiều quốc gia khác, như Brazil, Ấn Độ, Nam Phi, Mêhicô, cũng bắt đầu bất bình vì hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường, cản trở ngành công nghiệp nội địa phát triển. Các chuyên gia kinh tế của Rhodium Group cho rằng, nếu cán cân thương mại tiếp tục mất cân bằng, sự bất bình của các thị trường mới nổi có thể sẽ gia tăng và đó sẽ là một thách thức lớn cho « công xưởng thế giới » Trung Quốc.