Từ ít ngày nay, căng thẳng ngoại giao giữa Philippines và Trung Quốc về Biển Đông gia tăng. Tình hình trở nên nóng hơn một nấc với việc đại sứ quán Trung Quốc công bố một đoạn ghi âm cuộc trao đổi giữa một nhà ngoại giao Trung Quốc với một chỉ huy quân đội Philippines, mà theo phía Trung Quốc, là nhằm thực thi chủ trương giảm căng thẳng, một thỏa thuận ‘‘bất thành văn’’ của lãnh đạo hai bên.
Đăng ngày: 09/05/2024
Hôm qua, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines ngay lập tức lên án Trung Quốc ‘‘vi phạm luật quốc tế’’, và đe dọa nhà ngoại giao Trung Quốc ‘‘có thể bị trục xuất’’. Đâu là nguồn cội của căng thẳng mới này ?
Đầu tuần này, đại sứ quán Trung Quốc đã cung cấp cho báo chí Philippines nội dung các trao đổi giữa tư lệnh lực lượng vũ trang miền Tây Philippines, đô đốc Alberto Carlos trong một cuộc điện đàm với một nhà ngoại giao Trung Quốc. Trong cuộc trao đổi này, chỉ huy Philippines đã đồng ý với Trung Quốc về một số điểm liên quan đến các hoạt động tiếp tế cho khu vực Bãi Cỏ Mây, quần đảo nơi có một đơn vị Philippines trú đóng, nhưng Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền. Cụ thể là phía Philippines đồng ý chỉ duy trì’’ một tàu quân sự và một tàu dân sự làm nhiệm vụ tiếp tế’’, và sẽ ‘‘thông báo trước cho Trung Quốc về hoạt động này hai ngày trước đó’’. Điều quan trọng là các biện pháp này, mà phía Trung Quốc gọi là thể theo ‘‘thỏa thuận mới’’, đã được bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Gilberto Teodoro và cố vấn an ninh quốc gia Eduardo Ano chấp thuận.
Theo báo Hồng Kông South China Morning Post, lãnh đạo bộ Quốc Phòng Philippines đã phẫn nộ, lên án Trung Quốc ‘‘vi phạm luật chống nghe lén’’ của Philippines, và yêu cầu điều tra. Ông Teodoro một lần nữa bác bỏ mọi ‘‘thỏa thuận ngầm’’ với Trung Quốc nhằm giảm nhẹ tranh chấp tại các vùng biển mà Manila khẳng định chủ quyền, đồng thời nhấn mạnh kẻ tung ra thông tin này phải đối mặt với ‘‘án tù lên tới 6 năm’’. Nếu điều này là đúng, như vậy là đương sự đã hành xử ‘‘ngược lại với các quy tắc trong quan hệ quốc tế, vi phạm luật khi không phối hợp với bộ Ngoại Giao Philippines’’.
Tình hình xung quanh Bãi Cỏ Mây căng thẳng hơn kể từ 18 tháng nay, nhưng đối đầu đã trở nên đặc biệt dữ dội từ ít tháng gần đây, với đỉnh điểm là vụ tàu Hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng làm bị thương nặng nhiều quân nhân Philippines làm nhiệm vụ bảo vệ tàu tiếp tế cho Bãi Cỏ Mây. Bắc Kinh cáo buộc Manila đã ‘‘bội ước’’, không thực thi thỏa thuận “bất thành văn” nhằm duy trì hòa bình tại các vùng biển tranh chấp. Hồi tuần trước, đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã công bố cam kết song phương gọi là ‘‘thỏa thuận đặc biệt tạm thời’’, mà hai bên đạt được trong thời gian tổng thống tiền nhiệm Philippines Rodrigo Duterte công du Bắc Kinh năm 2016.
Phía Philippines, từ bộ trưởng Quốc Phòng đến cố vấn an ninh quốc gia, đều cực lực phủ nhận ‘‘một thảo thuận ngầm’’ với Trung Quốc về giải quyết các tranh chấp và giảm nhẹ căng thẳng tại Bãi Cỏ Mây nói riêng, và về Biển Đông nói chung. Hôm Chủ nhật 05/05, hãng tin nhà nước Philippines, Philippines News Agency, dẫn lời bộ trưởng Quốc Phòng Teodoro khẳng định các tuyên bố của Bắc Kinh về một thỏa thuận ngầm như vậy chỉ nhằm ‘‘biện minh cho sự hiện diện bất hợp pháp’’ của Trung Quốc ở vùng Biển Tây Philippines ( Biển Đông), là một ‘‘trò chơi chữ’’, và nhằm mục đích chủ yếu là để chia rẽ người dân Philippines về vấn đề này.
Căng thẳng trên biển gia tăng giữa Philippines và Trung Quốc trong những tuần qua cũng cần được đặt trong bối cảnh hậu thuẫn gia tăng từ phía các đồng minh của Manila. Hoa Kỳ, quốc gia có Hiệp ước phòng thủ chung với Manila, khẳng định sẵn sàng bảo vệ Philippines, nếu nước này bị Trung Quốc tấn công. Đầu tháng qua, Mỹ, Nhật, Úc và Phillippines đã mở cuộc tập trận chung đầu tiên tại Biển Đông. Bộ trưởng Quốc Phòng 4 nước cũng đã lần đầu tiên họp tại Hawaii, nơi đặt trụ sở của Bộ Tư lệnh Hoa Kỳ vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương. Thái độ của lãnh đạo Philippines ngày càng trở nên dứt khoát với Trung Quốc. Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. nhiều lần khẳng định Manila sẽ không nhân nhượng một ly chủ quyền.
Có một ‘‘thỏa thuận ngầm’’ giữa chính quyền Philippines với Trung Quốc nhằm giảm nhẹ các căng thẳng ở Biển Đông hay không? Câu hỏi vẫn để ngỏ. Trong lúc chính quyền đương nhiệm bác bỏ hoàn toàn một thỏa thuận như vậy, thì nhiều nghi ngờ hướng về phía chính quyền tiền nhiệm của tổng thống Rodrigo Duterte. Giữa tháng 4/2024 vừa qua, trên báo chí trong nước (Inquirer), ông Marcos Jr. đã kêu gọi cựu tổng thống giải thích rõ vấn đề. Cũng vào thời điểm này, cựu tổng thống Duterte thừa nhận có cam kết bất thành văn với Trung Quốc về việc ‘‘duy trì nguyên trạng’’ ở Biển Đông tại các khu vực tranh chấp, nhằm tránh xung đột bùng phát thành chiến tranh với Trung Quốc. Theo cựu thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines, Antonio Carlos, một chuyên gia hàng đầu về Biên Đông, một thỏa thuận như vậy, nếu có, rõ ràng là vi phạm Hiến pháp Philippines.