Tổng thống Joe Biden lần đầu tiên công khai cảnh báo rằng Mỹ sẽ ngừng cung cấp vũ khí cho Israel nếu nước này tấn công vào thành phố Rafah ở miền nam Gaza. Bất chấp những tuyên bố như một « tối hậu thư » của đồng minh lịch sử, chính quyền của thủ tướng Benyamin Netanyahu vẫn dứt khoát không từ bỏ ý đồ tấn công vào nơi mà họ gọi là thành trì cuối cùng của Hamas.
Đăng ngày: 10/05/2024
Mặc dù hiểu rõ cuộc chiến với Hamas tại Gaza phụ thuộc không ít vào tình đoàn kết và hậu thuẫn của đồng minh Hoa Kỳ, chính quyền Tel Aviv vẫn chọn lập trường « thách thức » Washington. Một ngày sau khi tổng thống Mỹ dọa ngừng cung cấp một số vũ khí nếu quân đội Israel tiến vào thành phố ở miền nam dải Gaza, thủ tướng Netanyahu đã trả lời bằng một thông cáo báo chí rằng nếu phải “đứng một mình” thì Israel sẽ chiến đấu “một mình“. Nhiều quan chức chính quyền Israel cũng phụ họa. Bộ trưởng Tài Chính Bezalel Smotrich, nhân vật cực hữu, tuyên bố chiến dịch quân sự sẽ phải « tiếp tục cho đến chiến thắng, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế ». Còn phát ngôn viên quân đội Israel Daniel Hagari thì tuyên bố một cách tự tin rằng, quân đội Israel « có đủ vũ khí để hoàn thành sứ mệnh tại Rafah ».
Trước đó, hôm 02/05, trong lúc cộng đồng quốc tế ngày càng chỉ trích mạnh mẽ cuộc tấn công của Israel vào dải Gaza, ông Netanyahu đã khẳng khái tuyên bố người Do Thái phải có khả năng tự vệ, vì sẽ « không có ai bảo vệ » họ.
Từ nhiều tháng qua, chính quyền của thủ tướng Netanyahu nhiều lần nhấn mạnh quyết tâm tiến hành cuộc tấn công trên bộ vào Rafah, thành phố có 1,4 triệu người Palestine đang sống trong đổ nát, đa số là người lánh nạn, từ khi israel mở cuộc chiến trả đũa cuộc tấn công của lực lượng Hamas vào Israel, đến nay đã hơn 7 tháng.
Cuộc chiến ngày càng trở nên khốc liệt, gây ra những thảm cảnh nhân đạo cho người Palestine ở dải Gaza. Washington đã nhiều lần can ngăn, cố gắng đưa ra những giới hạn cho chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza, nhưng dường như chưa bao giờ có kết quả.
Nhà Trắng phải chịu sức ép
Đây không phải lần đầu tiên Nhà trắng cảnh cáo Tel Aviv. Theo Reuters, sau vụ quân đội Israel tập kích làm thiệt mạng các nhân viên của tổ chức phi chính phủ World Central Kitchen đang làm nhiệm vụ nhân đạo tại dải Gaza, tổng thống Joe Biden đã điện đàm với thủ tướng Benyamin Netanyahu hôm 04/04, đặt điều kiện Israel phải bảo vệ thường dân và nhân viên hoạt động nhân đạo trong vùng lãnh thổ của người Palestine, nếu không Washington sẽ phải thay đổi chính sách với Israel.
Trước những thiệt hại nặng nề về nhân mạng trong cuộc tấn công của Israel vào dải Gaza, bản thân tổng thống Mỹ cũng đang phải chịu nhiều sức ép ngày càng lớn, bên ngoài là từ các nước đồng minh, bên trong là từ các nghị sĩ Quốc Hội, trong bối cảnh bầu cử tổng thống đang tới gần.
Cho tới giờ, thực sự là Nhà Trắng chưa hề đe dọa giới hạn viện trợ bảo đảm an ninh cho Israel, mặc dù các cuộc nói chuyện giữa lãnh đạo hai nước ngày càng căng thẳng và gần như không ai nghe ai.
Tối hôm 08/05 vừa qua, khi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Mỹ CNN, ông Joe Biden cho rằng «những thường dân bị giết ở Gaza vì những quả bom đó và các phương tiện khác sử dụng đánh vào các khu dân cư » là điều không thể chấp nhận được nữa, và cảnh báo sẽ ngừng cung cấp vũ khí cho Israel. Những tuyên bố của tổng thống Mỹ vẫn chỉ là điều kiện đặt ra cho chính quyền Netanyahu, tuy nhiên giới quan sát nhận thấy đó là một bước ngoặt trong quan hệ đồng minh sâu đậm Israel-Hoa Kỳ. Washington là nguồn cũng cấp vũ khí chủ yếu cho Nhà nước Do Thái và là người luôn bảo vệ quốc gia này tại Liên Hiệp Quốc. Từ sau vụ tấn công của Hamas hôm 07/10 năm ngoái, Hoa Kỳ đã chi nhiều tỷ đô la viện trợ quân sự cho Israel.
Chính quyền Biden đã nhiều lần do dự trước quyết định ngừng chuyển giao vũ khí cho Israel khi hai nước có những bất đồng về chính sách, bởi những hợp đồng như vậy thường được thực hiện trong nhiều năm, và việc Mỹ ngừng viện trợ nhiều khả năng không ảnh hưởng đến các quyết sách của Israel trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, nhiều quan chức Mỹ cũng lo ngại rằng việc trì hoãn giao các lô vũ khí có thể gây rủi ro cho an ninh của Israel – vốn là một ưu tiên chiến lược của Mỹ. Đó cũng là lý do để thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu khẳng định chiến dịch tấn công trên bộ vào Rafah là không thể tránh khỏi và cần thiết để loại bỏ Hamas, bảo đảm an ninh lâu dài của Israel.