- Tác giả,Stephen McDonell
- Vai trò,Phóng viên về Trung Quốc
Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, đã có những lo ngại về tiềm năng tăng trưởng của nước này, ít nhất là trong thời gian trước mắt.
Tuy nhiên, có một ngoại lệ đang trỗi dậy, đó là ngành du lịch nội địa.
Theo số liệu của Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, đã có 295 triệu lượt khách du lịch nội địa trong kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao động kéo dài 5 ngày vào tuần trước. Con số này cao hơn 28% so với số liệu được ghi nhận vào năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.
Số liệu của Bộ Giao thông Vận tải nước này cũng gây sửng sốt: có 92 triệu lượt đi bằng đường sắt; gần 10 triệu lượt bay hàng không và 1,25 tỷ lượt khách đường bộ.
Ngược lại, lượng khách quốc tế tiếp tục tụt dốc, với số người nước ngoài vào Trung Quốc hiện chỉ bằng 30% so với mức của năm 2019.
Tại sao lại có sự chênh lệch này?
Thị trấn ven sông thơ mộng cổ xưa Ô Trấn, cách thành phố Thượng Hải một quãng lái xe ngắn, được coi là một trong những địa điểm du lịch hàng đầu của Trung Quốc với cả du khách quốc tế lấn nội địa. Khi chúng tôi đến đây, những con đường nhỏ và những cây cầu cũ bắc qua hệ thống kênh rạch nhỏ chật kín du khách.
Một điều phổ biến khi đến Ô Trấn là tạo dáng chụp ảnh trong bộ đồ Hán phục (hanfu) truyền thống – như thể bạn thực sự đã được “xuyên không” quay trở lại hàng trăm năm trước.
Hai cô gái ở độ tuổi 20, là bạn bè từ thời trung học, đến từ tỉnh Cát Lâm ở miền đông bắc đang ghé thăm thị trấn này. Khi đến nơi, họ dành một giờ để làm tóc theo phong cách cổ trang cầu kỳ – và hết lời khen ngợi vẻ đẹp cổ điển của Ô Trấn.
Chúng tôi hỏi họ sau thời kỳ mở cửa hậu Covid, người thân và bạn bè của họ có đi du lịch nhiều không? “Tất nhiên, sau đại dịch, tất cả chúng tôi đều sẽ đi du lịch những nơi khác nhau.”
Gần đó, một người bán kem địa phương cũng cho biết lượng khách du lịch gần đây “không tệ lắm”.
Có tốt như hồi trước Covid không? “Gần giống nhau,” anh này trả lời.
Vương Dĩnh, một chủ tiệm bán đồ ăn nhẹ truyền thống, lặp lại so sánh này với nụ cười rạng rỡ. “Việc kinh doanh đang diễn ra tốt đẹp và sẽ còn tốt hơn nữa.”
Tất cả dấu hiệu trên sẽ được coi là tin tốt cho chính phủ Trung Quốc. Việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa được cho là có thể cứu vãn những lĩnh vực đang suy thoái đáng kể của nền kinh tế.
Những công ty lớn trong lĩnh vực bất động sản hùng mạnh một thời đang phải vật lộn để duy trì hoạt động, nợ chính quyền địa phương tiếp tục tăng và tình trạng thất nghiệp dai dẳng trong giới trẻ khiến những sinh viên tốt nghiệp đại học có trình độ cao không chắc chắn về tương lai của họ.
Giữa tất cả những thách thức này, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP “khoảng 5%” trong năm nay. Ngoài thực tế là các nhà phân tích từ lâu đã đặt câu hỏi về tính xác thực của các số liệu tăng trưởng chính thức của đất nước, các nhà kinh tế cũng đang đặt câu hỏi làm thế nào chính quyền Tập Cận Bình có thể đạt được mục tiêu đó trong năm 2024, theo bất kỳ ý nghĩa thực tế nào, mà không cần thêm biện pháp kích cầu đáng kể.
Một sinh lộ có thể là ngành du lịch nước này sôi động hơn, từ đó mang lại nhiều cơ hội kinh doanh và tạo nhiều việc làm trong ngành dịch vụ hơn.
“Chúng tôi nhận thấy nhu cầu du lịch nội địa rất mạnh mẽ với lượng tìm kiếm khách sạn tăng 67% so với năm ngoái và số lượt khách hàng không tăng 80%,” Lâu Hiểu Ba, giám đốc điều hành của công ty du lịch Trip.com, nói với BBC:
Nhà tư vấn du lịch Bành Hàn từ Travel Daily đang quan sát việc đầu tư để xem cộng đồng các doanh nghiệp thực sự nhìn nhận các khả năng trong ngành này như thế nào.
“Với các thương hiệu khách sạn quốc tế nổi tiếng – như InterContinental, Marriott và Hilton – bạn chỉ cần nhìn vào sự phát triển của họ ở Trung Quốc vào năm 2023,” ông nói. “Rồi hãy kiểm tra mục tiêu kinh doanh của các tập đoàn khách sạn lớn này vào năm 2024, vốn cũng đã được đặt ra tương đối cao. Điều này cho thấy họ rất lạc quan về tiềm năng tăng trưởng của thị trường Trung Quốc.”
Tuy nhiên, trong khi lượng khách du lịch địa phương có thể tăng lên, ông Bành chỉ ra mức chi tiêu bình quân đầu người vẫn thấp.
Chuyên gia này cho rằng sự bất ổn chung của nền kinh tế Trung Quốc đang khiến mọi người chú ý vào việc tiết kiệm, nên họ đang tìm kiếm những lựa chọn có giá trị. Họ đang đi du lịch và chi trả mọi thứ nhưng theo cách tiết kiệm hơn rất nhiều.
Đây chính là lúc sự gia tăng số lượng khách nước ngoài chi tiêu lớn có thể hữu ích. Nhưng đơn giản là khách quốc tế không đến nước này nhiều như trước nữa.
Năm 2019, có gần 98 triệu lượt khách quốc tế đến Trung Quốc. Năm 2023, chỉ có 35 triệu lượt – bao gồm cả đi công tác, du học sinh và những loại hình tương tự. Ông Lâu Hiểu Ba nhận định thị trường du khách nội địa và quốc tế ở Trung Quốc “không đồng đều”.
Đối với nhiều người chuyên phục vụ du khách nước ngoài ở Trung Quốc, “không đồng đều” còn là nói nhẹ. Ba năm áp dụng các biện pháp phòng chống Covid khắc nghiệt đã làm giảm lượng khách đến từ các quốc gia khác, nhưng chỉ riêng việc đó không thể giải thích được tình hình hiện tại.
Hoàng Tùng Sơn, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Du lịch tại Trường Kinh doanh và Luật thuộc Đại học Edith Cowan của Úc, cho rằng một nguyên nhân là do “bối cảnh địa chính trị đang thay đổi trên toàn cầu”.
Trên tạp chí Diễn đàn Đông Á, ông Hoàng chỉ ra một cuộc khảo sát năm 2023 do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện và viết rằng: “Hầu hết các cá nhân ở các quốc gia phương Tây đều có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc. Việc chính phủ Trung Quốc thắt chặt các quy định xã hội có thể khiến du khách nước ngoài đến đây cảm thấy khó chịu.”
Những khuyến cáo du lịch chính thức từ chính phủ một số nước phản ánh quan điểm này, đôi khi khá gay gắt.
Mỹ cảnh báo những công dân có ý định du lịch “xem xét lại việc đến Trung Quốc đại lục do việc thực thi luật pháp địa phương một cách tùy tiện, bao gồm cả các lệnh cấm xuất cảnh và nguy cơ bị giam giữ trái pháp luật”.
Úc cảnh báo “mức độ thận trọng cao” rằng “người Úc có thể có nguy cơ bị giam giữ tùy tiện hoặc đối mặt với nguy cơ thực thi khắc nghiệt từ luật pháp địa phương, bao gồm cả Luật An ninh Quốc gia được định nghĩa rộng rãi”.
Môi trường chính trị cũng ảnh hưởng đến số lượng và giá vé của các chuyến bay, đặc biệt với các chuyến đến và đi từ Bắc Mỹ. Tổng số 332 chuyến bay khứ hồi theo lịch trình giữa Trung Quốc và Mỹ vào tháng trước tương phản với con số 1.506 chuyến vào tháng 4/2019.
Do đó, việc mua vé trên các chuyến bay thẳng có thể cực kỳ khó khăn và giá vé thì rất đắt.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã có bài phát biểu trong bữa tối bên lề hội nghị Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương ở San Francisco vào tháng 11/2023 đề cập đến vấn đề này. “Hôm nay, Tổng thống Biden và tôi đã đạt được sự đồng thuận quan trọng,” ông nói trước đám đông.
“Hai nước sẽ triển khai nhiều biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và thúc đẩy trao đổi trong quần chúng nhân dân, bao gồm tăng cường các chuyến bay thẳng chở khách, tổ chức đối thoại cấp cao về du lịch và đơn giản hóa thủ tục xin thị thực. Chúng tôi hi vọng rằng người dân hai nước sẽ có nhiều chuyến thăm, liên lạc, giao lưu hơn nữa và viết nên những câu chuyện mới về tình hữu nghị trong thời đại mới.”
Kể từ đó, Mỹ đã tăng số lượng chuyến bay của các hãng hàng không Trung Quốc – nhưng chỉ là từ 35 chuyến mỗi tuần lên 50 chuyến. Con số này vẫn còn thấp so với 150 chuyến bay hằng tuần trước Covid.
Chính quyền Biden đang chịu áp lực từ các công đoàn và các hãng hàng không Mỹ để không tăng thêm nữa, vì họ cho rằng, các hãng hàng không Trung Quốc có lợi thế so với các hãng của Mỹ một cách không công bằng do họ có sự hỗ trợ từ nhà nước; không phải đối mặt với những quy định khắt khe của Trung Quốc; và quan trọng nhất là có thể bay qua không phận Nga, khiến các chuyến bay ngắn hơn và rẻ hơn.
Một lá thư gửi chính phủ Hoa Kỳ từ ông Mike Gallagher, Chủ tịch Ủy ban Hạ viện về Trung Quốc, và Raja Krishnamoorthi, đại diện Đảng Dân chủ của ủy ban, viết: “Nếu thị trường vận tải hành khách Mỹ-Trung mở rộng mà chính phủ Mỹ không giải quyết những vấn đề quan trọng này, những người làm việc trong ngành hàng không, khách du lịch và các hãng hàng không Mỹ sẽ phải trả một cái giá rất đắt.”
Giám đốc điều hành Trip.com, ông Lâu Hiểu Ba, cho biết tần suất chuyến bay quốc tế chắc chắn có tác động.
“Những gì chúng ta đang thấy hiện nay, dựa trên dữ liệu hàng không dân dụng, là công suất chuyến bay nội địa sẽ không trở lại mức 80% vào năm 2019 vào cuối năm 2024.”
Sau đó, có những trở ngại tiềm ẩn khác đối với những người đang cân nhắc việc đi du lịch ở Trung Quốc, chẳng hạn như hệ thống đặt chỗ và thanh toán qua ứng dụng điện thoại hiện đại của Bắc Kinh hoạt động rất trơn tru đối với công dân và những người sinh sống ở Trung Quốc, nhưng có thể khiến du khách đau đầu nếu họ vừa tới đây du lịch.
Trên một số trang web, việc lựa chọn phương thức vận chuyển và giá vé chỉ có thể được truy cập thông qua các ứng dụng nội địa, đôi khi chỉ hiển thị tiếng Trung.
Giáo sư Trần Dũng tại Trường Kinh doanh Khách sạn EHL của Thụy Sĩ là chuyên gia về kinh tế du lịch ở Trung Quốc. Ông nhận định những rào cản liên quan đến ứng dụng thanh toán và đặt chỗ thực sự có thể gây ra vấn đề.
“Các công nghệ như mạng xã hội, bản đồ trực tuyến, ứng dụng thanh toán, cùng nhiều thứ khác mà người nước ngoài đã quen sử dụng từ lâu, đều không có hoặc không thể truy cập được khi họ đến Trung Quốc,” ông cho hay.
“Mặt khác, có những lựa chọn thay thế của Trung Quốc cho những công nghệ này mà người nước ngoài vẫn không thể tiếp cận được do rào cản ngôn ngữ và sự khác biệt trong thói quen của người dùng. Chúng ta cần thu hẹp khoảng cách này vì nó ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch.”
Trở lại Ô Trấn, sự hiện diện của du khách quốc tế ít hơn nhiều so với những năm trước, nhưng vẫn có một vài gương mặt ngoại quốc trong đám đông.
Một cặp vợ chồng người Ý cho biết quá trình liên kết và sử dụng các ứng dụng thanh toán của Trung Quốc là một thách thức nhưng không phải là không thể làm được, mặc dù họ cười và nói thêm rằng nếu có một người bạn Trung Quốc giúp đỡ thì sẽ “dễ dàng hơn rất nhiều”.
Eliseo, du khách đến từ California, Mỹ, cho biết anh gặp vấn đề khi thanh toán cho những người bán hàng rong vì họ không chấp nhận thẻ tín dụng và thực sự không còn sử dụng tiền mặt. Một trở ngại khác đối với anh là ngân hàng tại Mỹ đã chặn một số khoản thanh toán, đánh dấu các giao dịch này là có khả năng lừa đảo đến từ Trung Quốc.
Các quan chức Trung Quốc thừa nhận lượng du khách nước ngoài đến nước này thấp nhưng hiện họ đang cố gắng xoay chuyển tình thế.
Một biện pháp mà họ đang sử dụng là tăng số các quốc gia không cần thị thực để nhập cảnh Trung Quốc. Trip.com cho biết điều này khiến lượng du khách đến từ Đông Nam Á gần như tăng ngay lập tức.
Tại 23 thành phố của Trung Quốc, du khách quá cảnh từ hơn 50 quốc gia cũng có thể ở lại miễn thị thực trong vài ngày nếu họ có vé đi đến điểm tiếp theo. Tại Thượng Hải, các khách sạn trên mức ba sao được thông báo rằng họ nên chuẩn bị sử dụng thẻ tín dụng quốc tế và đợt 50 chiếc taxi đầu tiên cũng đã bắt đầu chấp nhận các thẻ này.
Tuy nhiên, Giáo sư Trần cho rằng “sẽ quá lạc quan nếu vẽ ra viễn cảnh tăng trưởng lâu dài của ngành du lịch lữ hành Trung Quốc”.
“Điều quan trọng là thiết lập một văn hóa kinh doanh đặt các nhà cung cấp dịch vụ vào vị trí của khách du lịch nước ngoài. Họ nên tưởng tượng mình là một người nước ngoài không thể nói hoặc đọc tiếng Trung Quốc và không có số điện thoại di động hay các ứng dụng thanh toán… của Trung Quốc.”
Ông nói rằng văn hóa này không thể thay đổi chỉ trong một đêm.
Tuy nhiên, ở những nơi như Ô Trấn – nơi du khách địa phương đã quay trở lại – các công ty du lịch đang hy vọng rằng những danh lam thắng cảnh của họ cuối cùng sẽ khiến khách nước ngoài không thể cưỡng lại.