Lần đầu tiên kể từ năm 2003, một trận bão mặt trời với cường độ hiếm có đã ập xuống Trái Đất hôm thứ Sáu, 10/05/2024, làm phát sinh các hiện tượng cực quang ấn tượng, nhưng đồng thời gây nhiễu các mạng lưới điện và truyền thông.
Đăng ngày: 11/05/2024
Theo giải thích từ Cơ quan Quan sát Đại dương và Khí quyển Hoa Kỳ (NOAA), cơn bão này xuất hiện do sự phun trào nhật hoa, sau loạt nổ các hạt năng lượng và từ trường từ Mặt trời. Bắt đầu từ hôm thứ Tư 08/05, các chất plasma tích điện, sau 3 ngày di chuyển, vượt qua 150 triệu km, hôm qua đã bắt đầu đến Trái Đất.
Những đợt phóng vành nhật hoa này – trong đó có ít nhất 7 vụ phun trào hướng về Trái Đất – đến từ một vết đen Mặt Trời có đường kính xấp xỉ 17 lần đường kính Trái Đất, di chuyển với tốc độ nhiều trăm km/một giây.
Giới chuyên gia Mỹ cho rằng cơn bão này sẽ kéo dài suốt cuối tuần. « Các hệ thống định vị GPS mạng lưới điện, tầu vũ trụ, định vị vệ tinh và nhiều công nghệ khác có thể bị ảnh hưởng », theo như cảnh báo từ NOAA.
Theo đánh giá, đây là cơn bão địa từ cấp 5 trên thang 5, cơn bão « cực mạnh » đầu tiên quan sát được từ Trái Đất kể từ tháng 10/2003, thời điểm được đặt biệt danh là « Cơn bão Halloween » . Vào thời điểm đó, tại Thụy Điển đã xảy ra tình trạng mất điện và các trạm biến áp ở Nam Phi đã bị hư hỏng.
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) nhắc lại cơn bão mặt trời lớn nhất từng được ghi nhận là vào năm 1859, còn có tên gọi là Carrington, đã gây rối loạn hệ thống liên lạc bằng điện báo. Trong lịch sử, người ta đặc biệt còn nhớ đến sự kiện năm 1989 : Một phần lớn vùng Quebec bị mất điện trong vòng 9 giờ. Theo giai thoại, tỷ lệ sinh đã tăng lên 9 tháng sau đó.
Bên cạnh những hệ quả cho các hoạt động con người, hiện tượng cực quang được cung cấp năng lượng từ gió và mặt trời, trong trường hợp có bão từ, có thể được thấy xa hơn từ phía nam. Sáng hôm nay 11/05, trên các mạng xã hội, nhiều tấm ảnh nghiệp dư và chuyên nghiệp được chụp từ nhiều nơi ở châu Âu như Luân Đôn, Paris đã được đăng tải.