Một chuyên gia về Trung Quốc cho biết, ông Tập tái hiện một chiến dịch khét tiếng thời Mao Trạch Đông nhằm gây chia rẽ giới tinh hoa ĐCSTQ để dễ dàng thanh trừng những người thuộc hàng ngũ này.
Các đại biểu quân sự đến dự kỳ họp thứ ba của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 10/03/2018. Lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đang tăng cường kiểm soát giới lãnh đạo đảng cũng như quân đội Trung Quốc. (Ảnh: Fred Dufour/AFP qua Getty Images)
Venus Upadhayaya
Thứ bảy, 11/5/2024
Hai bài viết hồi tháng Tư của Bộ trưởng An ninh Quốc gia Trung Quốc (MSS) đã làm cho người ta gợi nhớ về một thời kỳ hết sức đen tối trong lịch sử Trung Quốc, từ đó dẫn đến những lời xì xào bàn tán về một “Chiến dịch Ngũ phản” mới được đề ra.
Hôm 15/04, trên Tạp chí Cầu Thị (Qiushi), tạp chí lý luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Bộ trưởng An ninh Quốc gia Trung Quốc Trần Nhất Tân đã vạch ra chiến lược “ngũ phản” chống lại các thế lực được xem là mối đe dọa của nền an ninh quốc gia Trung Quốc. Sau bài viết này, một bài viết hôm 29/04 trên tạp chí Học tập Thời báo (Study Times) của nhà nước cũng nêu bật chiến dịch này.
Một chuyên gia về Trung Quốc nói với The Epoch Times rằng chiến dịch này hướng đến việc củng cố quyền lực lãnh đạo ĐCSTQ của ông Tập Cận Bình và thanh trừng tất cả những ai còn chống đối ông và các chính sách của ông.
“Chiến dịch Ngũ phản” ban đầu được tuyên truyền là chiến dịch chống tham nhũng, là một phần quan trọng trong nỗ lực của ĐCSTQ nhằm loại bỏ tận gốc chủ nghĩa tư bản và [giai cấp] tư sản. Cuộc thanh trừng được phát động vào năm 1952, cuối cùng đã gài bẫy hàng trăm ngàn doanh nghiệp và khiến nhiều người thiệt mạng.
Theo ông Frank Lehberger, một nhà phân tích Trung Quốc cư trú tại châu Âu, chiến dịch mới với năm chủ trương chính bên cạnh những mục tiêu khác nhắm vào những người mà ông Tập xác định là “gián điệp, kẻ phản bội, hoặc những cá nhân bất trung khác” trong hàng ngũ của ĐCSTQ và quân đội Trung Quốc.
Ông Lehberger là nhà phân tích và tư vấn chính trị với 30 năm kinh nghiệm tại châu Á, trong đó có Tây Tạng. Ông là một thành viên cấp cao của Tổ chức tư vấn chính sách công tập trung vào địa chính trị và an ninh Unsanas Foundation.
“Để ngăn chặn bất cứ phản đối và chướng ngại nào đối với các kế hoạch trong tương lai của mình, hiện ông Tập đã khởi động một chiến dịch chính trị nhằm loại bỏ các thế lực ngoan cố thuộc hàng ngũ cấp cao của ĐCSTQ mà vẫn tìm cách phản đối hoặc né tránh ông ta,” ông Lehberger nói với The Epoch Times trong một bức thư điện tử.
“Đây là lý do chính giải thích vì sao Bộ trưởng An ninh Quốc gia Trung Quốc Trần Nhất Tâm vừa công bố “Chiến dịch Ngũ phản mới.”
Chiến dịch Ngũ phản trước kia vốn được phát động nhằm đáp ứng lời kêu gọi của Chủ tịch ĐCSTQ Mao Trạch Đông trong một bài diễn văn khai mạc kỳ họp thứ ba của Ủy ban toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc vào tháng 10/1951.
Chiến dịch trấn áp thẳng tay chủ nghĩa tư bản và giai cấp tư sản đó đã diễn ra cùng lúc với Chiến tranh Triều Tiên. Ông Mao nói trong một bài diễn văn trước Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc: “Chúng ta phải tiếp tục tăng cường công tác chống Mỹ và viện trợ Triều Tiên. Chúng ta phải tăng cường sản xuất và nỗ lực tiết kiệm để ủng hộ Quân Chí nguyện nhân dân Trung Quốc tại Triều Tiên.”
Cuối cùng cuộc thanh trừng đã gài bẫy hàng trăm ngàn doanh nghiệp và khiến nhiều người thiệt mạng.
Ông Lehberger cho biết Mao đã sử dụng cuộc thanh trừng để “gieo rắc nỗi sợ hãi và sự khủng bố trong cả các cán bộ nòng cốt có đặc quyền của ĐCSTQ cũng như thường dân, chia rẽ họ bằng cách trợ giúp cuộc tàn sát đẫm máu do các nhà hoạt động cơ sở cuồng tín chỉ trung thành với một mình Mao (chứ không phải ĐCSTQ) khởi xướng.”
Lấy ý tưởng từ Chiến dịch Ngũ phản đẫm máu đầu tiên, một chiến dịch nhằm củng cố sự kiểm soát của Chủ nghĩa Mao đối với xã hội Trung Quốc, chủ trương của chiến dịch mới là Phản đảo chính, Phản bá quyền, Phản chủ nghĩa ly khai, Phản khủng bố, và Phản gián điệp.
Ông Lehberger lưu ý rằng [những chiến dịch kiểu này] diễn ra khi các cuộc thanh trừng lớn đang lan rộng khắp ĐCSTQ, trong đó có cuộc thanh trừng 200 sỹ quan cấp cao của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) bắt đầu từ mùa hè năm ngoái (2023).
“Ông Tập đau đớn nhận ra rằng ngay cả những người trong số những tùy tùng mà ông đã lựa chọn cẩn thận vào tháng 10/2022 cũng vẫn có thể trở thành những kẻ phản bội. Những người này có ý định bí mật sử dụng mối quan hệ với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc hay công an để hoặc là lật đổ ông, hoặc là hủy hoại các kế hoạch tấn công chớp nhoáng vào Đài Loan và kế hoạch kiểm soát Trung Quốc hoàn toàn chuyên quyền của ông Tập,” ông Lehberger viết.
Điều này đã dẫn đến việc sa thải Bộ trưởng Tư pháp Trung Quốc Phó Chính Hoa vào tháng 09/2022 và Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Tôn Lực Quân vào tháng 09/2021. Gần đây nhất là vụ sa thải Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng. Hai vị này đã mất tích mà không có bất cứ lời giải thích nào hay có sẵn phương án thay thế từ trước hay theo quy trình thông thường.
Hội nghị lần thứ ba bị trì hoãn
Cuộc trấn áp xảy ra trước thềm hội nghị lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 20. Đây là một cuộc họp quan trọng của ĐCSTQ dự kiến diễn ra vào nửa cuối năm 2023, nhưng [cuối cùng] lại bị trì hoãn. Kỳ họp thứ ba xác định các nghị trình cải cách quốc gia và toàn đảng mới.
Ông Lehberger cho rằng sự trì hoãn lần đầu tiên diễn ra kể từ những năm 1980, sự trì hoãn bất thường và kéo dài hàng tháng này là do những cuộc thanh trừng cấp cao.
“Đây có thể được xem là một dấu hiệu của những bất đồng nghiêm trọng dai dẳng của giới tinh hoa ĐCSTQ trong các vấn đề lớn về chính sách, và cũng là một dấu hiệu cho thấy những bất đồng chính trị nghiêm trọng đối với ông Tập, cũng như những vấn đề nghiêm trọng về lòng trung thành chính trị đối với ông Tập tại các cấp cao nhất của ĐCSTQ và Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc,” ông cho biết. Phải cho tới tận cuối tháng trước, tin đồn về việc cuộc họp kín này sẽ diễn ra vào tháng Bảy cuối cùng mới bắt đầu lan truyền, ông nói thêm.
Theo Tân Hoa Xã, hội nghị lần thứ ba của đảng hiện đã được xác thực là sẽ diễn ra vào tháng Bảy. Ông Lehberger nói rằng điều này cho thấy cuối cùng tại các cấp cao nhất của ĐCSTQ cũng đạt được đồng thuận.
“Do vậy có lẽ vào tháng Bảy, ông Tập sẽ chính thức chấm dứt chính sách cải cách và mở cửa của Đặng [Tiểu Bình] và quay trở lại nhiều hơn với chủ nghĩa Mao, với [một] sự sùng bái cá nhân chuyên quyền và nền kinh tế kế hoạch hóa xã hội chủ nghĩa,” ông dự đoán.
Theo Tân Hoa Xã, quyết định tổ chức hội nghị lần thứ ba vào tháng Bảy tới được đưa ra tại một cuộc họp của Ban Chấp hành Trung ương Bộ Chính trị ĐCSTQ do ông Tập chủ trì hôm 30/04.
Cũng trong tuần đó, ông Trần đã đăng bài viết vạch ra “Chiến dịch Ngũ phản” trên Học Tập Thời báo (Study Times).
Theo một bản tin của Tân Hoa Xã đăng trên website của Quốc Vụ viện Trung Quốc, cuộc họp hôm 30/04 đã kết luận rằng “Cải cách và mở cửa là một công cụ hữu hiệu để ĐCSTQ và người dân có thể tạo ra những bước tiến lớn theo kịp thời đại.”
Theo bản tin: “Cải cách sâu rộng là điều thiết yếu để giữ gìn và cải thiện hệ thống xã hội chủ nghĩa với nét đặc trưng của Trung Quốc cũng như hiện đại hóa hệ thống và năng lực quản trị của Trung Quốc,” cuộc họp cho biết.
Ông Lehberger cho biết “cải cách” là từ mã hóa cho “chủ nghĩa xét lại của Mao.” Từ này được sử dụng để lừa dối những người đứng ngoài quan sát, những nhà đầu tư ngoại quốc và những thường dân Trung Quốc, ông cho biết.
Ông Lehberger cho biết, thông báo về chiến dịch mới và hội nghị lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 20 đi kèm với những gợi ý về “phong trào đấu tố.”
Phong trào đấu tố ban đầu được khởi động vào năm 1951 là nhằm mục đích loại bỏ tầm ảnh hưởng của Công Giáo Trung Quốc.
Ông Lehberger cho biết, cùng với việc này, năm ngoái (2023) ĐCSTQ đã kêu gọi khôi phục “Chiến dịch Phong Kiều,” vốn là một kim chỉ nam dành cho tất cả các hành động đẫm máu thái quá của cuộc Cách mạng Văn hóa.
Năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 60 năm ngày Mao Trạch Đông quảng bá Chiến dịch Phong Kiều, nhằm huy động người dân chống lại cái gọi là “kẻ thù giai cấp.”
Trong một bài viết trên trang China Heritage với tiêu đề: “Quan điểm về Chiến dịch Phong Kiều — À, Nhân tính!” (The View from Maple Bridge—Ah, Humanity!), ông Geremie R. Barmé mô tả sự kiện này là sự định hình lại “các chính sách của nhà nước độc đảng Trung Quốc về việc kiểm soát, giám sát và áp bức xã hội.”
Bài viết này nằm trong loạt bài có nhan đề “Đế chế Tẻ nhạt của Tập Cận Bình” (Xi Jinping’s Empire of Tedium), trong đó nhấn mạnh rằng ông Tập đã thể hiện nhiệt huyết đối với Chiến dịch Phong Kiều trong nhiều thập niên, không kém gì nhiệt huyết trong mối gắn bó của ông đối với ông Tiêu Dụ Lộc (Jiao Yulu). Ông Tiêu Dụ Lộc được phong làm “liệt sỹ cách mạng” sau khi qua đời vào năm 1942 do ung thư gan ở tuổi 42. Ông ta trở thành biểu tượng của một cán bộ nòng cốt trung thực của đảng, cống hiến hết mình cho nhà nước cộng sản, và thường xuyên được ông Tập nhắc đến.
Ông Lehberger cho biết tất cả những diễn tiến này dự đoán một tương lai đáng lo ngại ở Trung Quốc và sẽ đem lại những hậu quả địa chính trị to lớn hơn.
“Chiến dịch Ngũ phản nhắm vào giới tinh hoa, và phong trào đấu tố giữa những người dân Trung Quốc cùng kiệt (phong trào này lấy ý tưởng từ việc khôi phục Chiến dịch Phong Kiều 1963) được xem là nền móng cho kế hoạch của ông Tập nhằm đưa Trung Quốc về thời kỳ “phản địa đàng” đầy sát khí trong lúc Trung Quốc đang trở nên nghèo đói,” ông nói.
Đối với các quốc gia láng giềng của Trung Quốc thì điều này báo hiệu tình trạng bất an, ông cho biết khi đề cập đến sự kiện “nhà độc tài này có thể dễ dàng ra lệnh cho những binh lính Trung Quốc bị tẩy não tràn vào Arunachal Pradesh xâm lược Ấn Độ ngay tức thì vào năm 1962.”
Nhận thức về Chiến dịch Ngũ phản mới
Năm chủ trương của Chiến dịch Ngũ phản mới là Phản đảo chính, Phản bá quyền, Phản chủ nghĩa ly khai, Phản khủng bố, và Phản gián điệp. Ông Lehberger cho rằng ý nghĩa của những thuật ngữ này là để che đậy mục tiêu sách lược của họ.
“Giải nghĩa chính thức dành cho năm chủ trương này không phải lúc nào cũng tương đồng với ý định thực tế vì ĐCSTQ có các mục tiêu ngầm mà họ cố gắng che giấu khỏi dư luận,” ông nói.
Theo nhà Hán học, trong số năm chủ trương này, “Phản đảo chính” thực sự có nghĩa là chống lật đổ, và chủ chương này là để nhắm vào tất cả các thành viên phản nghịch thuộc phe cánh của giới tinh hoa ĐCSTQ.
Chủ trương này nhắm vào “những thành viên nội bộ ĐCSTQ thuộc giới ‘quý tộc đỏ’ đang cố gắng lật đổ ông Tập,” ông nói thêm, “chứ không hoàn toàn là nhắm vào các cuộc nổi dậy hay âm mưu lật đổ của đông đảo người dân.”
Ông Lehberger cho biết, ông Trần đã nói rõ trong bài viết trên Học Tập Thời báo rằng chiến dịch sẽ nhắm vào bất cứ ai trong ĐCSTQ có thể đang âm mưu lật đổ ông Tập.
Mục tiêu của chiến dịch mới là “rút đinh [khỏi ván], trừ nội gián,” ông Trần viết.
Theo ông Lehberger, chủ trương thứ hai — Phản bá quyền — nhắm vào giới tinh hoa ĐCSTQ theo chủ nghĩa tự do thân Hoa Kỳ.
“Từ ‘bá quyền’ trong Hoa ngữ thực chất là một từ mã hóa của ĐCSTQ ám chỉ bất cứ điều gì liên quan đến chính phủ Hoa Kỳ. Đồng thời, đây cũng là tín hiệu cho thấy Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc nắm quyền kiểm soát các chính sách đối ngoại của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ và các đồng minh của Hoa Kỳ như Vương quốc Anh, Liên minh Âu Châu, Nhật Bản, Úc, Canada, v.v., nghĩa là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc sẽ phải chịu sự giám sát chặt chẽ hơn từ Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc,” ông cho biết.
Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc là một cơ quan tình báo quyền lực của Trung Quốc, là trụ sở của lực lượng tình báo, bảo an, và mật vụ.
Chính quyền Trung Quốc chưa đưa ra bất cứ lý do “logic và có thể xác minh” nào đằng sau việc sa thải hoặc những vụ mất tích của nhiều thành viên trong giới tinh hoa trong Lực lượng Hỏa tiễn Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc vào năm ngoái, gồm có các tướng lĩnh và dân quân thường trực phụ trách công nghệ trong khu liên hợp công nghệ quân sự, ông Lehberger cho biết.
“Tuy nhiên các lý do được cho là gồm có tội mưu phản, bán bí mật/làm gián điệp cho Hoa Kỳ hoặc Đài Loan, tham nhũng và các hình thức khác của hành vi bất trung chính trị trong đó có sự bất phục tùng rõ ràng,” ông cho biết.
Ông cho biết, “Phản chủ nghĩa ly khai” là chủ trương thứ ba của chiến dịch nhằm kiểm soát Đài Loan, ông nói. Mục tiêu là để xâm nhập sâu hơn vào xã hội và chính trị Đài Loan và để Trung Quốc sẵn sàng tiếp quản Đài Loan bằng biện pháp quân sự hoặc phi quân sự.
“Thêm nữa, thuật ngữ “Chủ nghĩa ly khai” là từ mã hóa thông dụng của ĐCSTQ dành cho tất cả mọi thứ liên quan đến quốc gia độc lập và dân chủ Đài Loan,” ông cho biết.
Chủ trương thứ tư là “Phản khủng bố,” hướng đến việc tạo ra bầu không khí ngờ vực và sợ hãi trong các cộng đồng dân tộc tại Tây Tạng và Tân Cương. Thường dân ở Tây Tạng sẽ buộc phải đấu tố lẫn nhau, cũng như người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Chủ trương thứ năm là “Phản gián điệp”, hy vọng sẽ lật tẩy được các quan chức hàng đầu, giới tinh hoa ĐCSTQ và các tướng lĩnh Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đang bán bí mật cho bất cứ ai ở ngoài Trung Quốc.
“Điều này cũng phù hợp với một chiến dịch chính trị giữa những người dân Trung Quốc kể từ năm ngoái, đó là điên cuồng săn lùng “gián điệp ngoại quốc” và rồi buộc họ phải đấu tố lẫn nhau,” ông Lehberger cho biết.
Ông cho rằng, mặc dù tham nhũng là căn bệnh phổ biến ở Trung Quốc, và luôn được lấy làm lý do cho những cuộc thanh trừng giới quan chức tinh hoa ĐCSTQ, nhưng đáng chú ý là, căn bệnh này không được nhắc đến rõ ràng trong năm chủ trương “Ngũ phản.”
Ông cho rằng chiến dịch này [được sử dụng] để gây chia rẽ nội bộ. Mục tiêu ban đầu không phải là để đe dọa các nhà đầu tư và và doanh nhân, mà là để chia rẽ giới tinh hoa ĐCSTQ và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc một cách hiệu quả hơn, “tạo thuận tiện cho ông Tập cùng bộ sậu của ông thanh trừng lượng lớn những người trong số họ.”
Những người này sẽ bị thay thế bởi “những kẻ trung thành với ông Tập một cách mù quáng và ngu ngốc.”
Tuệ Chân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times