Bình luận của blogger Nguyễn Nhơn
2024.05.13
Người bán báo đọc báo đợi khách hàng ở sạp báo bên đường tại Hà Nội hôm 26/9/2015 (minh họa)
Hôm cuối tháng 4 vừa qua, tờ báo của Hội Nông dân Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên. Lễ lạt kiểu này thì đơn vị cơ quan nào cũng có, nhưng điểm độc đáo của báo Nông Thôn Ngày Nay lại ở thời điểm trước khi lễ kỷ niệm diễn ra cơ.
À mà không, (nói chung thì) hầu như cơ quan đơn vị nào cũng thế. Nó đã thành đặc trưng của một nền báo chí Việt Nam thời kỳ … công cụ hóa.
Chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập, báo Nông Thôn Ngày Nay lên kế hoạch vận động các doanh nghiệp tài trợ tổng cộng 9,5 tỷ đồng. 43 tập đoàn lớn của cả nước được ghi tên rõ ràng trong danh sách vận động, chỉ tiêu vận động được thấp nhất là 50 triệu đồng, cao nhất là 700 triệu đồng.
Thực ra “vận động” là nói giảm, nói tránh. Dùng từ chính xác thì nó là “bóp cổ” doanh nghiệp. Dám từ chối không?
Mối quan hệ cộng sinh phức tạp
Mối quan hệ giữa các doanh nghiệp với hầu hết các tờ báo ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt với các tờ báo có chủ quản và trụ sở phía Bắc thì luôn là mối quan hệ cộng sinh mập mờ giữa (luôn luôn) cần nhau, đồng thời không bỏ qua cơ hội nào làm thịt nhau. Trong đó, doanh nghiệp là cây ATM của báo chí, còn báo chí lúc là người bảo vệ, lúc là chó canh cửa, lúc lại đi cắn người khác để bảo vệ chủ-cũng chính là nguồn thức ăn. Nhưng dù ở vai trò nào chăng nữa thì mục đích thường xuyên và liên tục của những tờ báo kiểu này cũng chỉ là kiếm tiền trong cái túi của doanh nghiệp. Kiếm tiền dần dần chuyển hóa thành vòi tiền, đòi tiền, làm tiền và cuối cùng, ở cảnh giới cao nhất là kết bè làm ăn.
Còn doanh nghiệp lúc thì nhờ báo chí che chắn trước các thông tin bất lợi, lúc xua báo chí chiến đấu với các đối thủ, lúc sử dụng báo chí loan tin và viết bài quảng cáo có lợi cho việc kinh doanh của mình.
Cho nên tài trợ tiền cho báo chí thực hiện kế hoạch gì đó là việc “bình thường” của doanh nghiệp. “Bình thường”, vì thậm chí cả khi tờ báo và doanh nghiệp chưa thiết lập mối quan hệ cộng sinh thì doanh nghiệp vẫn không nên từ chối. Nếu không, khả năng cao sẽ bị các anh em ghi thù, thu thập tài liệu bất lợi của doanh nghiệp rồi hôm nào “đánh cho nó một bài”.
Là vì thứ hai: người trực tiếp đi “vận động” tài trợ sẽ nhận hoa hồng 15%-30%, cá biệt có đến 35%-40% tổng số tiền tài trợ. Đó là một khoản thu nhập khá lớn, thậm chí là thu nhập chính của không ít “nhà báo”. Lợi ích thúc đẩy người này trở thành đối tác truyền thông, tay trong hoặc tay chân của doanh nghiệp trong tờ báo đó và giới báo chí nói chung, tùy vào phẩm cách và hệ giá trị của họ. Trong đại đa số trường hợp thì sẽ thành tay trong hoặc tay chân, vì có mấy ai đứng vững được trước đồng tiền đâu cơ chứ!
Thứ hai, số tiền đó đem về tờ báo sẽ được chi vào các khoản khác nhau, trong đó không thể thiếu “tiền trách nhiệm” cho ban biên tập của tờ báo, gồm tổng biên tập, các phó tổng biên tập và Tổng thư ký tòa soạn, những vị trí chủ chốt nhất điều hành và phát triển tờ báo. Đây chính là hệ thống chống lưng đằng sau cho doanh nghiệp khi cần tiếng nói của truyền thông. Tiền bơm vào càng nhiều, bộ sậu lãnh đạo tờ báo càng bỏ túi nhiều thì hệ thống càng mạnh mẽ, tất nhiên.
Thế nhưng đằng sau mối quan hệ cộng sinh này lại thường là những cú nghiến răng của doanh nghiệp. Đó là vì những tờ báo có tiếng trong làng đi xin tài trợ lại thường chẳng có miếng nào trong làng báo chí Việt Nam-xét về mặt chuyên môn. Đại đa số họ là những tờ báo kém cỏi, nội dung tẻ nhạt, đơn điệu, không thu hút người đọc. Chính vì không thể kiếm tiền chính đáng bằng nghề nghiệp nên họ mới dày mặt đi xin tài trợ.
Doanh nghiệp hoạt động trong làn nước đục của hệ thống quản lý và luật pháp Việt Nam hầu như ai chẳng có vài điểm yếu, cho nên như đã nói, tốt nhất là xì tiền mua sự yên ổn.
Đổi lại, doanh nghiệp được hứa trả tài trợ bằng một hoặc vài bài báo ca ngợi thành tích kinh doanh hoặc ca ngợi đích thân lãnh đạo, dưới nhiều hình thức như phỏng vấn, phóng sự… Người trả tiền nhiều nhất sẽ được bài viết dài nhất, ca ngợi khéo léo nhất, đăng ở ngay trang đầu tiên, còn hình ảnh người đứng đầu sẽ được lên bìa tạp chí. Nữ thì mặc áo dài hay áo đầm, áo vest, phong cách tổng tài hoặc dịu dàng quyến rũ thêm phần trí tuệ, kẹp thêm cuốn Năng đoạn kim cương chẳng hạn. Nam thì khoanh tay trước ngực đầy ngạo nghễ.
Cũng thỏa mãn lòng hư vinh lắm chứ!
Cảm ơn Ủy viên Bộ Chính trị
Trở lại sự kiện báo Nông thôn ngày nay. Có người hỏi kỷ niệm 40 năm thành lập thì cần số tiền to như thế làm gì?
Như đã nói ở trên, họ tổ chức chuỗi sự kiện kỷ niệm. Thế nhưng mục đích chính không phải tri ân đội ngũ những người làm báo và độc giả đã cùng nhau xây dựng tờ báo suốt 40 năm, mà để khẳng định vai trò tờ báo trong con mắt những người lãnh đạo, thăm dò khả năng trụ chức, thăng chức và xin được ngân sách nhiều hơn. Điều này chủ yếu diễn ra ở các tờ báo phía Bắc, nơi tờ báo chủ yếu sống nhờ ngân sách nhà nước xin được qua sự hài lòng của sếp chủ quản, cũng như nguồn đăng quảng cáo, tài trợ của các doanh nghiệp.
Chuỗi sự kiện kỷ niệm của một tờ báo quốc doanh phía Bắc sẽ kết thúc bằng một đêm vinh danh, thường được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đó là địa điểm hoành tráng nhất mang tính truyền thống, rất được ưa dùng để tổ chức các sự kiện đậm màu quốc doanh. Tờ báo sẽ mời bằng được một số quan chức cao cấp nhất của Đảng và Chính phủ đến dự, ngồi ghế đầu, phát biểu chúc mừng. Tốt nhất là có mặt một hoặc một số Ủy viên Bộ Chính trị. Điều này quan trọng khủng khiếp vì thể hiện tầm quan hệ của tờ báo, cũng ngầm thể hiện người chống lưng, chiếc ô của tổng biên tập. Có mối quan hệ với các cốp to nhất thì các thế lực đang gấm ghé chiếc ghế tổng biên tập sẽ phải chùn tay, còn các doanh nghiệp vốn mắt tinh hơn mắt đại bàng có thể nhìn ngay ra chiếc cầu nối đến những bến bờ vui, những sợi dây quan hệ mà bất kỳ người kinh doanh dày dạn kinh nghiệm nào ở Việt Nam cũng mơ ước sắm được vài chiếc giắt thắt lưng. Danh và lợi cho cả các bên đều từ những điểm tưởng như rất không liên quan gì như thế mà ra cả.
40 năm thành lập sẽ bao gồm các bài diễn văn của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Hội chủ quản, một số tập đoàn, doanh nghiệp giàu có nhất, và có thể một số chủ tịch Hội nông dân được chọn lọc lên nói những lời biết ơn.
Để minh chứng việc độc giả và đội ngũ làm báo không hề là nhân vật linh hồn của lễ kỷ niệm ngày thành lập báo, xin mời quý vị đọc chính bản tin đăng trên báo Nông Thôn Ngày Nay và các báo khác cách đây 10 năm, tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập báo:
“Nhân dịp này, Báo Nông thôn ngày nay trân trọng cảm ơn đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Nước; đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã gửi lẵng hoa chúc mừng Báo.
Trân trọng cảm ơn đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã đến dự, động viên và trao Huân chương cao quý cho Báo.
Trân trọng cảm ơn đồng chí Nguyễn Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, tập thể Thường trực, các đồng chí lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam các thời kỳ; lãnh đạo các Ban, đơn vị Trung ương Hội, lãnh đạo các tỉnh, thành Hội; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố; các đơn vị, doanh nghiệp, đối tác; các cơ quan truyền thông; các chuyên gia, nhà khoa học, các bạn đọc, cộng tác viên…”
Khối độc giả chủ chốt của tờ báo được xướng tên lên sau cùng, hạng bét, trước dấu ba chấm.
Nhìn chung, các tờ báo phía Nam sạch sẽ hơn. Cũng ráo riết làm quảng cáo, xin tài trợ, nhưng họ hiểu sinh tồn của tờ báo nằm trong tay số đông người đọc chứ không phải trong tay cá nhân anh Ba chú Bảy nào đó. Do vậy, nguồn lực trọng yếu của tờ báo vẫn dồn vào để phát triển nội dung, cung cấp thông tin, phản ánh xã hội. Các lễ kỷ niệm ngày thành lập thường được gọi thân thương là sinh nhật báo. Sinh nhật báo là ngày vui trước tiên của những người đang làm việc trong tờ báo, là ngày hội gia đình, ngày họ được thưởng, được xả hơi, được gặp mặt chuyện trò với những đồng nghiệp ở xa mà cả năm họ không gặp được nhau và là dịp tri ân độc giả.
Ví dụ, trong dịp kỷ niệm 45 năm thành lập báo Tuổi Trẻ, họ đăng lên trang nhất lời cảm ơn và thông tin như sau: “Nhân dịp sinh nhật lần thứ 45 của báo Tuổi Trẻ, chúng tôi đã gặp gỡ những bạn đọc lâu năm, những chủ sạp báo gắn bó để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, hiến kế của độc giả với báo Tuổi Trẻ” (…).
Sự khác nhau giữa hai tờ báo này đồng thời cũng là sự khác nhau rõ rệt giữa báo chí hai miền Nam-Bắc. Nguyên nhân thuộc về lịch sử hình thành và phát triển báo chí của từng miền.
Một bên được tự do lập hội, lập báo, tự bỏ tiền kinh doanh, hưởng lãi, chịu lỗ và đối diện nguy cơ bị ra tòa, thậm chí đóng cửa nếu vi phạm Luật báo chí. Một bên, tất cả các tờ báo đều là cơ quan ngôn luận của một cơ quan, đơn vị, ngành nghề, hội đoàn quốc doanh, chịu sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự chỉ đạo sát sao của Ban tuyên giáo và cơ quan chủ quản. Một bên công nhận quyền tự do báo chí là quyền căn bản trong chế độ. Một bên mặc định báo chí là cánh tay phải của Đảng, là công cụ của Đảng và Nhà nước.
Dấu ấn tự do dân chủ của một thời báo chí miền Nam (tuy cũng có những giai đoạn bị chính quyền o ép nhưng sức phản kháng của báo giới và xã hội rất mạnh nên chính quyền phải thay đổi) di truyền đến tận các thế hệ làm báo hiện tại. Cho dù ngày càng bị lai tạp và ảnh hưởng xấu bởi hệ tư tưởng báo Bắc nhưng nói chung báo Nam vẫn chưa đến nỗi tự nô dịch hóa hoàn toàn cho đồng tiền hoặc cho thế lực nào đó.