Hàng loạt công ty sân sau của các quan chức đang sụp đổ

  • Ý Nhi – 13 tháng 5, 2024

Saigon Nhỏ

Những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam nổi lên những doanh nghiệp lớn nhanh kiểu “Thánh Gióng.” Đa số trong đó là doanh nghiệp bất động sản và xây dựng. Rất ít doanh nghiệp trưởng thành từ sản xuất kinh doanh. Nếu có doanh nghiệp trưởng thành từ sản xuất, thì sau đó cũng nhảy sang bất động sản để làm giàu cho nhanh.

Làm giàu bằng kinh doanh bất động sản không có gì sai. Nhưng ở Việt Nam, với một nền kinh tế – chính trị biến tướng, bất động sản trở thành một lĩnh vực béo bở, mà ở đó, các đại gia tha hồ được hưởng chính sách ưu đãi, thông qua các khoản ăn chia và các mối quan hệ loằng quằng. Trong môi trường như vậy, thị trường bất động sản đã trở nên méo mó, lầy lội.

Tình trạng quan chức bảo kê cho doanh nghiệp cướp đất, đã gây nên cảnh dân oan khắp ba miền. Ước mơ an cư của người dân, càng ngày càng bị đẩy ra khỏi tầm với, bởi giá đất cứ liên tục bị thổi lên, từ năm này qua năm khác.

Giá đất cao đến nỗi, khi bất động sản đóng băng, giá nhà đất dù đã giảm, nhưng vẫn rất cao so với thu nhập và khả năng tài chính của người dân. Kết quả là, các dự án khu dân cư, khu đô thị của các doanh nghiệp bất động sản lớn nhỏ đã bị bỏ hoang, tạo ra các khu đô thị ma không người ở. Trong khi đó, người dân, từ trung lưu trở xuống, không có nhà để ở.

Sự phát triển của ngành bất động sản Việt Nam không tuân theo quy luật của cơ chế thị trường, có một phần nguyên nhân từ cách điều hành của nhà nước. Bởi mỗi lần có nguy cơ khủng hoảng, thì nhà nước lại ra các chính sách “cứu doanh nghiệp.” Trong khi đó, dân nghèo cần những chính sách an sinh để đỡ bớt gánh nặng tài chính, thì lại không được quan tâm. Nhà nước này bỏ mặc người nghèo phải chật vật xoay xở, trong điều kiện thiếu bệnh viện, thiếu trường học, thiếu cả việc làm…

Ông Lê Như Tiến, nguyên phó chủ nhiệm Ủy Ban Văn Hóa, Giáo Dục, Thanh Niên, Thiếu Niên Và Nhi Đồng của Quốc Hội (Hình: Tiền Phong)

Từ sự nuông chiều của nhà nước đối với các doanh nghiệp lớn nói chung, và giới bất động sản nói riêng, đã hình thành nên các nhóm lợi ích kinh tế – chính trị đan xen. Các doanh nghiệp có mối quan hệ với giới chính trị thì ỷ lại, dựa hơi quyền lực; đồng thời, tạo ra một môi trường kinh doanh không lành mạnh. Kẻ có thế lực hậu thuẫn sẽ bóp chết những doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Chính những doanh nghiệp thân hữu dựa hơi chính trị, đã trở thành doanh nghiệp “Thánh Gióng.” Từ đó, xã hội Việt Nam đã tạo ra ảo giác rằng, nền kinh tế Việt Nam rất phát triển, doanh nghiệp Việt Nam rất lớn mạnh, bất chấp những cảnh báo của các chuyên gia.

Trên thực tế, cách trưởng thành của những doanh nghiệp “Thánh Gióng” hoàn toàn không bền vững, không có nền tảng vững chắc. Hãy xem cách mà VinFast tiến ra “biển lớn” và ngay lập tức trở nên lạc lõng, thì đủ biết, chất lượng của các doanh nghiệp Việt Nam.

Cũng vì có quá nhiều doanh nghiệp dựa hơi chính trị, nên khi thượng tầng đấu đá giành quyền lực, thì doanh nghiệp đổ như ngả rạ. Cho nên, chính trị càng loạn thì kinh tế càng nát.

Tại các nước dân chủ, không có doanh nghiệp sân sau, việc thay đổi lãnh đạo không ảnh hưởng gì đến xã hội và nền kinh tế. Ví dụ, nước Ý trong thập niên 1990, hay nước Anh trong những năm gần đây, Chính phủ thay đổi xoành xoạch với các thủ tướng từ chức giữa nhiệm kỳ, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến người dân và doanh nghiệp. Bởi nền kinh tế và xã hội của họ vận hành theo luật pháp.

Từ đầu năm 2024 đến nay, Tô Lâm đã nổi lên như nhân tố “nổi loạn,” đánh gục hết thế lực này đến thế lực khác trong đảng. Mà để làm được như vậy, Tô Lâm cho đánh từ doanh nghiệp sân sau, rồi lần ra kẻ đỡ đầu. Cho đến nay, hai trong bốn nhân vật thuộc “tứ trụ” bị ông Tô Lâm đánh theo cách như thế, và ông đã thành công. Khi chưa đoạt được ngôi vị tối cao, Tô Lâm vẫn còn tiếp tục lôi những doanh nghiệp thân hữu ra đánh, và đánh cho đến khi nào không còn ai dám phản kháng mới thôi.

Đây có thể là cách dễ nhất để loại bỏ đối thủ chính trị. Thực tế, chưa có kẻ đỡ đầu doanh nghiệp nào chạy thoát. Cách làm của Tô Lâm trở thành một tiền lệ, cho phép những người có khả năng kế nhiệm trong đảng, sử dụng để loại bỏ đối thủ.

Có thể nói, Tô Lâm đang đặt ra tiền lệ xấu trong đảng, và khi thượng tầng chính trị đánh nhau thì sẽ phá nát nền kinh tế.

Bài Liên Quan

Leave a Comment