Tổng thống Nga Vladimir Putin có chuyến thăm Trung Quốc cấp Nhà nước trong hai ngày 16 và 17/05/2024. Nhiều nhà quan sát cho rằng, nhân cuộc họp thượng đỉnh này, hai nguyên thủ Nga – Trung có thể sẽ thảo luận các phương án nhằm « hóa giải » gọng kềm các lệnh trừng phạt từ Mỹ và các đồng minh của Washington.
Đăng ngày: 14/05/2024
Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tổng thống Nga Vladimir Putin sau khi ông tái đắc cử vào tháng 3/2024, và là cuộc gặp trực diện thứ tư với đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình từ khi xẩy ra xung đột Nga – Ukraina tháng 2/2022. Một trong những mục tiêu chính của chuyến đi Bắc Kinh lần này của ông Putin là tìm cách giảm thiểu nguy cơ bị đứt đoạn huyết mạch kinh tế mà Trung Quốc đã mang lại cho Nga trước các đe dọa mới từ Mỹ.
Mối bận tâm này được thể hiện rõ qua cuộc cải tổ nội các hôm Chủ Nhật 12/5 : Các quan chức chủ chốt phụ trách quan hệ Trung – Nga vẫn giữ nguyên vị trí và tân bộ trưởng Quốc Phòng là ông Andrei Belousov, một nhà kinh tế có mối quan hệ sâu sắc với giới lãnh đạo Trung Quốc.
Hiện tại, Bắc Kinh là thị trường nhập khẩu dầu khí lớn nhất của Nga, là nguồn cung cấp các linh kiện lưỡng dụng quan trọng nhất, giúp Kremlin tăng cường hỏa lực vượt qua Ukraina và phương Tây, gây khó khăn cho phòng thủ Ukraina. Đây cũng chính là điều Washington đang nỗ lực thực hiện nhằm cắt đứt dòng chảy kinh tế – thương mại này.
Tờ Financial Times (14/05/2024) nhắc lại, tháng 12/2023, Nhà Trắng đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với bất kỳ ngân hàng nào thực hiện các giao dịch thanh toán cho cỗ máy chiến tranh của Nga. Lời đe dọa này đã được bộ trưởng Tài Chính Janet Yellen và ngoại trưởng Anthony Blinken một lần nữa đề cập đến nhân chuyến thăm Bắc Kinh đầu năm nay.
Giao dịch Trung – Nga bị gián đoạn
Trước mắt, những lời dọa này dường như đã có tác dụng. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga giảm 15,7% trong tháng Ba và giảm 13,5% trong tháng Tư so với cùng kỳ năm 2023. Còn theo South China Morning Post, các lệnh trừng phạt của phương Tây đã làm gián đoạn đến 80% hoạt động thanh toán giữa Nga và Trung Quốc tính đến tháng Ba này.
Trong bối cảnh đó, Matxcơva mong muốn Bắc Kinh làm nhiều hơn để hỗ trợ cho Nga, nhưng Trung Quốc tỏ ra do dự vì không muốn làm tổn hại đến mối quan hệ với phương Tây, theo như giải thích từ Alexander Gabuev, giám đốc Trung tâm Carnegie Russia Eurasia với AFP.
Tuy nhiên, theo các phân tích của Financial Times và các chuyên gia tài chính Trung Quốc được South China Morning Post trích dẫn, Nga và Trung Quốc có thể khai thác các nền tảng riêng của từng nước như CIPS (Trung Quốc) và SPFS – một hệ thống nhắn tin tài chính của Nga, cũng như là mạng lưới hệ thống ngân hàng địa phương, nhỏ hơn, để đẩy mạnh hoạt động giao thương.
Việc thành lập các cơ chế tài chính mới cũng có thể giúp « phá vỡ các lệnh trừng phạt của phương Tây », theo như một báo cáo của Viện Nghiên cứu Tài chính Chongyang, thuộc đại học Nhân Dân, công bố ngày 11/5, được South China Morning Post trích dẫn. Tuy hệ thống CIPS của Trung Quốc chưa thể cạnh tranh với hệ thống Swift của phương Tây về số lượng, nhưng báo cáo của Viện Tài chính Trung Quốc cho thấy tỷ lệ giao dịch trong mạng lưới CIPS của Trung Quốc đã tăng 50% vào năm 2022, và tăng thêm 25% trong ba quý đầu năm 2023, do chiến tranh Ukraina.
Tiền gởi bằng nhân dân tệ ở Nga
Cần nói rõ thêm là tính đến cuối năm 2023, đồng nhân dân tệ chiếm đến hơn 1/3 giao dịch thương mại của Nga với các đối tác nước ngoài. Tiền gởi bằng nhân dân tệ ở Nga tăng vọt từ gần như bằng 0 (trước khi có chiến tranh) đã lên đến mức tương đương với 68,7 tỷ đô la trong năm 2023, và hoạt động cho vay bằng nhân dân tệ đã tăng gấp bốn lần, tương đương với hơn 46 tỷ đô la, phần lớn là nhờ vào việc chuyển đổi nợ từ đô la và euro sang nhân dân tệ.
Đương nhiên, giới ngân hàng Trung Quốc lo lắng trước nguy cơ hứng chịu những đòn trừng phạt nặng nề từ Mỹ nếu bị phát hiện, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp khó khăn. Nhưng với việc sử dụng nền kinh tế Nga như là một nơi thử nghiệm, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể tinh chỉnh cơ sở hạ tầng tài chính để các nước khác có thể sử dụng, tìm cách hóa giải vũ khí đồng bạc xanh của Washington.
Đây cũng chính một sự hậu thuẫn mà Nga tìm kiếm và có thể hoàn toàn trông cậy vào Trung Quốc trong lần gặp này, khi cả hai nước đều có chung một tầm nhìn : Phản đối thế bá quyền của Mỹ trên thế giới !