Bốn gương mặt được bổ sung vào Bộ Chính trị gồm những ai?

Từ trái qua hàng trên: ông Lê Minh Hưng, bà Bùi Thị Minh Hoài, Hàng dưới: ông Nguyễn Trọng Nghĩa, ông Đỗ Văn Chiến
Chụp lại hình ảnh,Từ trái qua hàng trên: ông Lê Minh Hưng, bà Bùi Thị Minh Hoài; Hàng dưới: ông Nguyễn Trọng Nghĩa, ông Đỗ Văn Chiến

Trong ngày làm việc đầu tiên (16/5), Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 đã bầu bổ sung 4 ủy viên Bộ Chính trị.

Theo thông cáo do Văn phòng Trung ương phát ra chiều cùng ngày, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu bổ sung 4 ủy viên Bộ Chính trị khóa 13, gồm:

  • Ông Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng;
  • Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương;
  • Bà Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương;
  • Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Với việc bầu bổ sung này, hiện nay Bộ Chính trị có 16 ủy viên:

  • Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
  • Thủ tướng Phạm Minh Chính
  • Đại tướng, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường
  • Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú
  • Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc
  • Phó Chủ tịch Thường trực điều hành hoạt động của Quốc hội Trần Thanh Mẫn
  • Đại tướng, Bộ trưởng Công an Tô Lâm
  • Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang
  • Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình
  • Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng
  • Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên
  • Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng
  • Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chánh văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng
  • Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài
  • Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa
  • Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến

Vào đầu khóa 13 (đầu năm 2021), Bộ Chính trị có 18 ủy viên. Trong thời gian hơn hai năm qua, có tới 6 ủy viên đã bị loại khỏi hàng ngũ quyền lực này vì các nguyên nhân liên quan tới kỷ luật, bao gồm: Phạm Bình Minh, Nguyễn Xuân Phúc, Trần Tuấn Anh, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ và Trương Thị Mai. Trước khi bầu bổ sung vào hôm nay (16/5), Bộ Chính trị có 12 người.

Ông Lê Minh Hưng là ai?

Ông Lê Minh Hưng sinh năm 1970, quê ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; trình độ chuyên môn thạc sĩ chính sách công.

Ông là Bí thư Trung ương Đảng khóa 13; Ủy viên Trung ương Đảng khóa 12 và 13; Đại biểu Quốc hội khóa 15.

Ông Hưng từng giữ nhiều vị trí: Phó trưởng phòng rồi Trưởng phòng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); Phó Vụ trưởng rồi Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ trưởng Vụ Tổ chức-Cán bộ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Tháng 10/2011, ông làm Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Năm 2014 ông giữ chức Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng trong 2 năm rồi giữ chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từ 4/2016 – 10/2020.

Từ tháng 10/2020, ông Lê Minh Hưng được Bộ Chính trị điều động, phân công giữ chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng cho đến nay.

Khi vụ án Vạn Thịnh Phát và SCB được đưa ra xét xử sơ thẩm, đã có những câu hỏi đặt ra về trách nhiệm quản lý nhà nước của Thống đốc Lê Minh Hưng.

“Tôi nghĩ ông Lê Minh Hưng nên có trách nhiệm vì đã không ngăn chặn được vấn đề, dù không phải là người mở màn cho sai phạm nhưng tôi chắc rằng ông ấy phải nhận thấy vấn đề và lẽ ra phải ngăn chặn nó,” một nhà quan sát chính trị nói với BBC trước khi tòa tuyên án vụ Vạn Thịnh Phát.

Ông Lê Minh Hưng là con của cố Thượng tướng Lê Minh Hương – Bộ trưởng Bộ Công an giai đoạn 1996-2002.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa là ai?

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa sinh ngày 1962; quê quán ở xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang; trình độ chuyên môn cử nhân khoa học xã hội và nhân văn.

Ông là Bí thư Trung ương Đảng khóa 13; Ủy viên Trung ương Đảng khóa 12 và 13; Đại biểu Quốc hội khóa 14, 15; quân hàm Thượng tướng.

Ông từng giữ các chức vụ: Phó phòng, Trưởng Phòng Tuyên huấn Cục Chính trị, Quân khu 7; Phó Chính ủy, rồi Chính ủy Sư đoàn 5, Quân khu 7; Phó Chủ nhiệm Chính trị, Quân khu 7; Chính ủy Quân đoàn 4.

Từ tháng 9/2012 – 1/2021, ông làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ông giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương từ tháng 2/2021 cho đến nay.

Bà Bùi Thị Minh Hoài là ai?

Bà Bùi Thị Minh Hoài sinh năm 1965, quê xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam; trình độ chuyên môn thạc sĩ, cử nhân luật.

Bà Bùi Thị Minh Hoài là Ủy viên Trung ương Đảng khóa 10 (dự khuyết), 11, 12 và 13; Đại biểu Quốc hội khóa 15.

Bà Bùi Thị Minh Hoài có thời gian dài gắn bó với ngành thanh tra, kiểm tra và từng giữ các chức vụ: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy Hà Nam; Bí thư Thành ủy Phủ Lý; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân Việt Nam…

Tháng 3/2011, bà giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, rồi Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Từ 4/2021, bà làm Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho đến nay.

Ông Đỗ Văn Chiến là ai?

Ông Đỗ Văn Chiến sinh năm 1962, quê ở huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang; trình độ cử nhân nông nghiệp.

Ông là Ủy viên Trung ương dự khuyết khóa 10; Ủy viên Trung ương Đảng khóa 11, 12 và 13; Đại biểu Quốc hội khóa 13, 14 và 15.

Ông Chiến lần lượt kinh qua nhiều chức vụ quan trọng ở Tuyên Quang: Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương; Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Yên Sơn.

Tháng 9/2001, ông làm Phó Chủ tịch rồi Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Tuyên Quang và trở thành Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang sau đó.

Tháng 8/2011, ông được luân chuyển, giữ vị trí Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái nhiệm kỳ 2010-2015.

Tháng 2/2015, ông làm Thứ trưởng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và giữ chức Bộ trưởng – Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc từ tháng 4/2016.

Ông giữ chức Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa 9, nhiệm kỳ 2019-2024 từ tháng 4/2021 cho đến nay.

Bộ Chính trị có vai trò gì?

Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (gọi tắt là Bộ Chính trị) được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam bầu ra. Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam 2011, Bộ Chính trị có các vai trò và nghĩa vụ như sau:

– Lãnh đạo và kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương;

– Quyết định những vấn đề về chủ trương, chính sách, tổ chức, cán bộ;

– Quyết định triệu tập và chuẩn bị nội dung các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương;

– Báo cáo công việc đã làm trước hội nghị Ban Chấp hành Trung ương hoặc theo yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương.

Ngoài ra, khi có những vấn đề cấp bách, đột xuất thuộc trách nhiệm giải quyết của Ban Chấp hành Trung ương nhưng chưa thể họp thì tập thể Bộ Chính trị sẽ bàn bạc quyết định và báo cáo lại với Ban Chấp hành Trung ương trong kỳ họp gần nhất.

Bộ Chính trị còn có vai trò trong lĩnh vực nhân sự nhà nước khi là cơ quan có quyền quyết định hay giới thiệu nhân sự cho các chức vụ quan trọng trong bộ máy Đảng, Nhà nước và các đoàn thể ngoại trừ các chức danh do Ban Chấp hành Trung ương hay Ban Bí thư quyết định theo phân cấp.

Bộ Chính trị được coi là tập hợp những nhân vật quyền lực nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bài Liên Quan

Leave a Comment