Đăng ngày: 16/05/2024
Đằng sau những phát biểu mang nặng tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, thủ tướng Hungary Viktor Orban từ vài năm qua đã mở rộng cửa đón hàng ngàn « lao động khách mời » chủ yếu đến từ châu Á. Mục tiêu là nhằm thúc đẩy tham vọng của Hungary đi đầu trong lĩnh vực sản xuất bình điện và xe ô tô điện tại châu Âu.
Từ năm 2019, Hungary đón tiếp nhiều dự án mở nhà xưởng từ các hãng sản xuất ô tô điện lớn trên thế giới như BMW của Đức hay CATL, BYD của Trung Quốc. Thủ tướng Viktor Orban muốn Hungary trở thành quốc gia đi đầu tại châu Âu trong lĩnh vực sản xuất bình điện và xe ô tô điện. Vì tham vọng công nghiệp này mà Budapest sẵn sàng chấp nhận nhiều nhượng bộ, hoặc trên bình diện ngoại giao, để giành lấy sự ưu ái từ Bắc Kinh, hoặc về thuế, để khuyến khích các công ty đa quốc gia đến lập cơ sở sản xuất.
Vì lý do này mà thủ tướng Viktor Orban, tuy có lập trường bài di dân, hồi tháng 3/2024 thông báo Hungary sẵn sàng tiếp đón 500 ngàn lao động nước ngoài trong hai năm tới từ Trung Quốc, Triều Tiên, Ấn Độ, Philippines, Việt Nam, hay Mông Cổ, Indonesia…, phần đông là đến từ Đông Nam Á. Nhưng ở trong nước, thủ tướng Viktor Orban vẫn tuyên bố rằng tình trạng nhập cư là không tồn tại.
Tuy nhiên, theo thông tín viên Hoàng Nguyễn từ Budapest, tên gọi “lao động khách” được truyền thông và công luận Hungary để tâm vài năm gần đây luôn là đề tài nóng trên báo chí và xã hội Hungary, thông qua việc chính quyền nước này mất cả năm nay để đưa ra những văn bản luật điều tiết sự hiện diện của lực lượng nhân công này. Gần đây nhất, đáng chú ý là thông tin tại một nhà máy sản xuất bình điện của chủ Hàn Quốc, hơn 600 “thợ khách” đột ngột bị sa thải, với lý do đơn giản là vì nhu cầu về xe điện trên toàn cầu đang giảm, không cần đến ngần ấy bình điện!
Câu chuyện nói trên cho thấy hiện trạng bấp bênh của “lao động khách” – trong số đó có rất nhiều bà con Việt Nam – những người hầu như không có bất cứ tổ chức công đoàn nào bảo vệ lợi ích, chưa nói tới kiến thức về mọi mặt – trong đó có ngôn ngữ Hungary – nhiều khi là con số 0! Chính sách “nhập khẩu” lao động đến từ quốc gia thứ ba của nội các Orbán Viktor trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế nước này, muốn biến Hungary thành trung tâm công nghiệp Châu Âu, là một chính sách có không ít rủi ro.
Để hiểu rõ vấn đề này, RFI Tiếng Việt mời quý vị theo dõi phần giải thích từ thông tín viên Hoàng Nguyễn tại Budapest.
RFI Tiếng Việt : Tháng 3/2023, thủ tướng Orban tuyên bố có thể tiếp nhận đến 500 ngàn lao động nước ngoài trong vòng hai năm tới, chủ yếu đến từ các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, vào năm 2016, cũng chính ông Orban từng nói rằng “nền kinh tế Hung không cần dựa đến bất kỳ một di dân nào“. Phải chăng sự quay ngoắt này của chính quyền Hung phản ảnh tình trạng thiếu nhân công tại Hungary?
TTV Hoàng Nguyễn: Trước hết, cần nói rõ là khái niệm “lao động khách” được dùng thường xuyên trên báo chí, xã hội và các phát biểu của giới chính khách Hungary trong vòng hơn một năm nay, là ứng với nhân lực đến từ các quốc gia thứ ba ngoài Liên Âu, mà chủ yếu là Châu Á, trong đó có số lượng không nhỏ là từ Việt Nam. Việc tiếp nhận ồ ạt “lao động khách” như vậy là điều mới với Hungary từ gần 40 năm qua.
Trái với nhiều quốc gia cựu Cộng sản khác trong vùng Trung Âu, dưới thời Cộng sản, Hungary chỉ nhận một lượng rất hạn chế lao động phổ thông từ các nước ngoài Châu Âu, trong đó có các nước “thân thiện” như Việt Nam, Cuba… “Tập quán” đó của nước này không thay đổi sau thời thay đổi thể chế 1989-1990, đặc biệt là trong nửa đầu của “triều đại Orbán Viktor” kéo dài 14 năm nay, khi nội các của ông coi di dân là “tội đồ“.
Còn nhớ, từ những năm 2015, khi bùng nổ vấn đề di dân và tỵ nạn ở Châu Âu, những khẩu hiệu như di dân sẽ cướp công ăn việc làm của người Hung, làm thay đổi phong tục tập quán, thành phần dân số của nước này – thậm chí đánh đồng di dân với tội phạm – tràn ngập nước Hung. Không chấp nhận di dân từ đó tới giờ là khẩu hiệu và phương châm tranh cử nhất quán của nội các Hungrary.
Tuy nhiên, mọi sự thay đổi bất ngờ từ đôi ba năm gần đây, khi Hungary tuyên bố tái cấu trúc nền kinh tế, mở cửa cho các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài vào đầu tư. “Lao động khách” được tuyển từng bước, đến mức dồn dập, kể từ mùa xuân năm ngoái, khi thủ tướng Orbán Viktor tuyên bố các dự án đầu tư mới được khởi động trong tương lai gần cần khoảng 500.000 lao động mới.
Theo các chuyên gia lao động tại Hungary, nước này không hẳn là thiếu nhân công. Có điều, hiện tại, chỉ có sẵn một số lượng hạn chế lao động mới ở Hungary, tay nghề và tính cơ động không mấy phù hợp với yêu cầu nhân công bùng nổ từ các đại dự án ở Hungary. Lực lượng lao động Serbia và Ukraina đang dần cạn kiệt, do đó cần đến việc tuyển dụng “lao động khách” từ Đông Nam Á.
Chính phủ Hungary lý giải rằng nếu một công ty, tập đoàn đa quốc gia không thể tìm được nhân công có trình độ với số lượng phù hợp tại Hungary, thì họ sẽ chuyển đến nơi khác. Mặt khác, nội các nước này cho rằng dù có “nhập khẩu” một lượng lớn “thợ khách” đi nữa, thì tỷ lệ lao động đến từ các nước thứ ba ở Hungary vẫn thấp so với nhiều nước Tây Âu, như Đức.
Ở đây chưa nói tới việc, bằng công cụ pháp luật, chính phủ Hungary muốn nắm trong tay và giám sát các quy trình của thị trường lao động “ngoại” thông qua những công ty “sân sau” kiểu “nhóm lợi ích” của họ. Dầu sao đi nữa, việc chính phủ Hungary đột ngột thay đổi quan điểm về lao động di dân cũng khiến ngay các “cổ động viên” của họ cũng ngạc nhiên và cảm thấy rất khó hiểu.
Những di dân lao động này được tuyển dụng như thế nào? Và điều kiện sống và làm việc của họ ra sao?
TTV Hoàng Nguyễn: “Thợ khách” chỉ có thể tới Hungary thông qua những hãng cho thuê nhân công đủ tiêu chuẩn, cũng như những cơ sở sử dụng lao động ưu đãi, tức là những cơ sở tuyển dụng lao động có thỏa thuận hợp tác chiến lược hợp lệ với Chính phủ, thực hiện đầu tư ưu tiên xét từ góc độ nền kinh tế quốc dân, hay chủ lao động có thỏa thuận đối tác trong khuôn khổ Chương trình Đối tác Xuất khẩu Ưu tiên.
Bên cạnh đó, danh sách các quốc gia có “lao động khách” sang Hungary được xác định trong một nghị định riêng của chính phủ, kèm theo những điều kiện mới nghe thì có vẻ ngặt nghèo như hạn ngạch hàng năm, những ngành nghề gì được tiếp nhận lao động “ngoại“, v.v… Chính phủ tối đa hóa số lượng nhân công có thể đưa vào Hungary dựa trên số lượng công việc còn trống từ năm trước.
Hiện tại, Hungary được xem là thiếu hụt chừng 30-40 ngàn lao động hàng năm cho các dự án nước ngoài và con số này được coi là rất đáng kể, cả về số lượng và chất lượng. Hàng trăm ngàn “lao động khách” từ các quốc gia thứ ba đã được đưa sang Hungary để bù đắp, với chất lượng, tay nghề và mức lương khác nhau, phục vụ trong nhiều ngành nghề được xem là thiếu nhân công bản địa.
Trước mắt, Việt Nam, Philippines, Indonesia, Kazakhstan, Ấn Độ, Kyrgyzstan và Mông Cổ đang là những quốc gia có nhiều “thợ khách” tại Hungary. Nhưng nếu lao động Việt đa phần làm những công việc phổ thông, không đòi hỏi tay nghề và do đó mức thu nhập nhiều khi khá thấp, thì lao động Philippines được xem là có trình độ chuyên môn cao, thạo sinh ngữ và có mức lương vượt trội.
Đa số làm việc tại các khu công nghiệp hoặc các doanh nghiệp ở các tỉnh thành, vùng quê xa xôi, sống cách biệt với cư dân bản địa và ít có sự tiếp xúc với xã hội Hungary. Ngoại trừ lao động Việt thường hay đi lại, xoay sở ở nhiều nơi, trong đó có thủ đô Budapest, lao động đến từ Đông Nam Á sống và thực hành tín ngưỡng những khi rảnh rỗi một cách khép kín, ít ảnh hưởng đến bên ngoài.
Điều kiện sống và làm việc của các “thợ khách” cũng rất khác biệt tùy từng nơi. Nhìn chung, “lao động khách” được xem là lực lượng nhân công sẵn sàng làm thêm giờ, thêm ca… trong điều kiện khắc nghiệt, mà dân Hungary ít chịu làm. Lao động Việt từng than phiền nhiều nơi họ làm điều kiện sinh hoạt rất tệ hại, thiếu thốn đủ đường, khó hình dung đó là khung cảnh ở Châu Âu.
Bên cạnh đó, có lẽ là đặc thù đối với lao động Việt: đa phần đều bỏ một khoản tiền rất lớn, thông qua nhiều “cò lao động“, môi giới… để sang được đến Hungary. Với tay nghề, học thức và khả năng hội nhập ít ỏi, họ phải đối mặt với cảnh không có công ăn việc làm, thu nhập không hề như được hứa hẹn, thậm chí có thể coi là nạn nhân của những nhóm trung gian lừa đảo, thiếu lương tâm.
Làm cách nào Hungary có thể quản lý dòng di dân lao động này? Đâu là những khuôn khổ pháp lý để Budapest có thể kiểm soát số di dân lao động có chọn lọc đó, trong khi đối với nhiều di dân,Hungary cũng được xem như là một cửa ngõ để đi vào Liên Âu?
TTV Hoàng Nguyễn: Đây là câu hỏi mà có lẽ hiện tại chưa ai trả lời được. Xuất phát từ ví dụ “lao động khách” Việt Nam, có thể thấy trên vô số mạng cộng đồng những quảng cáo “đưa người” công khai đi các nước Châu Âu, thậm chí cả Mỹ, Canada… Trong thực tế, không hiếm trường hợp lao động Việt đã “bốc hơi” ngay từ sân bay, khi họ móc nối với “đường dây” để chạy ngay sang nước thứ ba khá giả hơn.
Số còn lại, rất đông, chỉ coi Hungary như bước đệm để nếu thuận lợi thì đi tiếp. Giấy tờ cư trú của họ vẫn có thể được “nuôi” bằng cách tiếp tục đóng thuế trên giấy tờ và gia hạn tại Hungary, nhưng việc họ rời Hungary tới một quốc gia thứ ba làm chui vốn dĩ đã là vi phạm pháp luật, có thể kéo theo việc bị trục xuất và nhiều hệ lụy khác. Sự rà soát, như vậy, là bài toán nan giải.
Tất nhiên, về mặt pháp lý, Hungary cố gắng đưa vào luật những yếu tố siết chặt để trấn an người dân và công luận nói chung và vẫn tỏ thái độ “bài nhập cư” đã kéo dài từ nhiều năm nay của họ. Thủ tướng Orbán Viktor Orbán từng tuyên bố: “Lao động khách” chỉ có thể ở lại Hungary trong một thời gian ấn định và nếu cần, mối quan hệ pháp lý có thể bị chấm dứt – vì lý do an ninh.
Luật Ngoại kiều sửa đổi hàm chứa những hạn chế như không cho phép “lao động khách” đoàn tụ gia đình hoặc định cư ở Hungary, đồng thời, thời hạn giấy phép cư trú cho họ tối đa là 3 năm. Họ không thể chuyển đổi mục đích cư trú tại Hungary, và cơ sở tuyển dụng lao động có nghĩa vụ phải làm tất cả để “tống tiễn” họ rời lãnh thổ Liên Âu khi hết hạn lưu trú.
Tuy nhiên, chưa thấy được là điều này sẽ được thực hiện trong thực tế ra sao. Một Châu Âu không biên giới là “khoảng trời” quá lý tưởng cho những con người bất chấp những rủi ro về mặt pháp lý để kiếm tìm nơi làm việc khả dĩ cho mình, cho dù là làm chui, làm lậu đi nữa. Nhất là khi họ đã phải bỏ ra những khoản tiền khổng lồ để qua được Châu Âu, như trong trường hợp dân Việt.
Đó là còn chưa nói đến việc do chính sách lao động tại các nước Trung Âu khác nhau, nên mặc dù tốn kém, lao động qua Hungary thậm chí có thể hợp thức hóa được khả năng làm việc ở nước khác như Ba Lan, Slovakia…, nơi mà họ không thể đặt chân đến một cách dễ dàng như Hungary. Điều này trong tương lai có thể là thử thách đối với sự quản lý lao động và di dân ở nhiều nước.
Riêng đối với Việt Nam, con số 16 ngàn “lao động khách” do chính quyền Hungary đưa ra có thể đặt ra câu hỏi là trong thực tế, bao nhiêu phần trăm số lượng này còn ở lại Hungary và phần còn lại tản mát những đâu? Dầu sao đi nữa, những chuyến đi công khai, không giấu giếm kèm đưa tiễn của lao động Việt tới một nước thứ ba cũng cho thấy việc kiểm soát di dân lao động đang bị bỏ ngỏ!
Người dân Hungary đã phản ứng như thế nào đối với chính sách này của ông Orban? Năm 2015, ông Orban có tuyên bố sẽ không bao giờ để người nước ngoài đến cướp việc làm của người dân Hungary. Nhưng đầu năm 2024, nhiều người sửng sốt khi hay tin một nhà xưởng Hàn Quốc quyết định sa thải khoảng 40 lao động Hung để thay thế bằng “lao động khách” đến từ Việt Nam?
TTV Hoàng Nguyễn: Hungary được xem là nước có bầu không khí thù ghét và bài xích ngoại quốc rõ rệt ở một tỷ lệ dân chúng đáng kể, đặc biệt là ở những miền quê, nơi cư dân rất tin vào tuyên truyền của nội các cánh hữu vốn nắm trong tay bộ máy truyền thông nhà nước. Sự lo âu đã dấy lên ở nhiều nơi, cho dù theo ông Orbán Viktor thì không có nguy cơ “lao động khách sẽ cướp đất nước khỏi tay chúng ta“.
Mùa hè năm 2023, thành phố nhỏ khá có tiếng về du lịch nghỉ dưỡng Hajdúszoboszló đã cho thấy điều gì có thể diễn ra tại Hungary trong những năm tới khi lượng “khách thợ” tăng vọt. Dân địa phương không hiểu tại sao lại có nhiều lao động nước ngoài đến thành phố này thế, vì trước đây họ từng nghe bộ máy tuyên truyền nói rằng không một người nhập cư nào có thể đặt chân đến Hungary.
Họ “tự kỷ ám thị” rằng “lao động khách” sẽ cướp bóc, hãm hiếp và giết người và do đó làm toáng lên, nhưng kỳ thực cảnh sát không hề nhận được bất kỳ trình báo nào về những việc như vậy. Báo chí Hungary nhận xét rằng tất cả những điều này đều xuất phát từ bộ máy thông tin của chính phủ, đổ đồng và coi di dân là tội phạm, chiếm đoạt công ăn việc làm, phá vỡ truyền thống Cơ-đốc giáo.
Dần dà, truyền thông và một bộ phận của chính giới Hungary đã đề cập tới vấn đề “tội phạm của thợ khách“, một phần xuất phát từ khả năng hội nhập thấp, cũng như sự khác biệt văn hóa, bất đồng ngôn ngữ, và nhiều lý do khác. Đây là một khái niệm thật ra khá mù mờ, xuất phát từ một đảng đối lập nhỏ theo chiều hướng cực đoan là “Phong trào Tổ quốc Chúng ta” (Mi Hazánk Mozgalom).
Theo đảng này, đây là cách gọi hành vi phạm tội do bất kỳ “lao động khách” nào lưu trú tại Hungary gây ra, và xét từ góc độ này thì di dân hợp pháp hay bất hợp pháp theo họ cũng như nhau cả, và cần bài trừ cả di dân hợp pháp. Đáng chú ý là mùa hè 2023, đảng này còn đưa ra mức tiền thưởng 1 triệu Ft cho ai tìm ra dấu vết để bắt một công dân Việt Nam bị truy nã vì tội bạo lực tình dục.
Không chỉ là vấn đề an ninh hay hình sự, mà ngay hình ảnh hay những câu chuyện về các “thợ khách” tụ tập nhếch nhác, với những thói quen và tập quán khác lạ, không thạo tiếng Hung và khả năng hội nhập tối thiểu cũng khiến “lao động khách” không có được thiện cảm trong mắt cư dân Hungary. Đó là chưa kể nỗi lo về việc mất công ăn việc làm cũng khiến một bộ phận dân Hung quan ngại.
Việc một doanh nghiệp Hàn Quốc sa thải hàng loạt công nhân Hungary sau khi những người này đã huấn luyện xong “thợ khách” Việt Nam là điều đã làm “dậy sóng” dư luận nước này. Nhưng hoàn cảnh thống khổ của nhiều “lao động khách“, chẳng hạn như đến từ Việt Nam, thì ít cư dân Hung biết tới, và đây chính là tính hai mặt của câu chuyện này, mà hồi kết khó biết trước được là sẽ ra sao…
RFI Tiếng Việt xin cảm ơn thông tín viên Hoàng Nguyễn từ Budapest!
Hoàng Nguyễn|Minh Anh