Năm kịch bản tương lai với nước Nga: Từ ”mô hình Pháp”… đến ”hỗn loạn”

Đã hơn hai năm kể từ đầu cuộc chiến xâm lăng Ukraina của Nga, xung đột vũ trang ở cửa ngõ châu Âu chưa có dấu hiệu chấm dứt. Bất chấp các phản đối mạnh mẽ của một bộ phận cộng đồng quốc tế, nước Nga Putin không từ bỏ tham vọng. Trung Quốc, cường quốc kinh tế số hai thế giới, một mặt khẳng định mong muốn thúc đẩy hòa bình, mặt khác lại dành cho Nga nhiều hậu thuẫn to lớn, đặc biệt về quân sự, theo cáo buộc của phương Tây.

Đăng ngày: 16/05/2024

Bản đồ nước Nga thay đổi theo thời gian từ năm 1300 đến 1945.
Bản đồ nước Nga thay đổi theo thời gian từ năm 1300 đến 1945. © Wikipedia

Trọng Thành

Chiến tranh tại Ukraina không sớm chấm dứt. Bản thân tổng thống Nga gần đây cũng nhấn mạnh chiến dịch quân sự chống Ukraina là cuộc chiến ‘‘lâu dài’’. Giữa tháng 5/2024, ngay sau khi tái đắc cử, ông Putin chọn Bắc Kinh làm điểm đến đầu tiên để tìm thêm hậu thuẫn từ quốc gia láng giềng có chung quan điểm chống lại trật tự thế giới định hình từ sau Thế chiến Hai, bị lên án là ‘‘theo mô hình phương Tây’’.

Nước Nga trong cuộc đối đầu với phương Tây sẽ biến chuyển ra sao ? Tương lai chiến tranh Ukraina sẽ ra sao ? Sử gia Mỹ Stephen Kotkin, chuyên gia hàng đầu về lịch sử chế độ toàn trị Liên Xô và thời kỳ hậu Liên Xô tại Nga và các nước khối Liên Xô và Đông Âu cũ, trong một bài viết đăng tải trên tạp chí Foreign Affairs tháng 5-6/2024, đã vạch ra 5 kịch bản tương lai với nước Nga trong trung hạn. Theo tác giả, cho dù không thể loại trừ ‘‘những điều không thể dự đoán’’, việc hình dung trước các ‘‘kịch bản’’ chuyển biến chính của nước Nga, trong giai đoạn đầy thách thức và hết sức khó lường hiện nay, có thể giúp các nước phương Tây xác định chiến lược ứng xử phù hợp hơn với Nga.  

Kịch bản tươi sáng nhất: Đi theo ”mô hình Pháp”

Sử gia Stephen Kotkin nói đến các kịch bản lần lượt được xếp theo thứ tự, từ sáng sủa nhất đến đen tối, khó lường nhất như sau:

Theo kịch bản được coi là ‘‘thành công nhất’’, nước Nga có thể tiếp thu bài học của nước Pháp hậu cách mạng và hậu đế quốc. Pháp được tác giả coi là quốc gia ‘‘có nhiều điểm chung nhất’’ với Nga về mặt này, với truyền thống quân chủ và nhà nước trung ương tập quyền. Đi theo con đường của Pháp, Nga có thể tự chuyển hóa thành một ‘‘chế độ dân chủ, pháp quyền’’.

Hiển nhiên điều khó khăn với nước Nga là cách mạng Nga đã từng diễn ra ‘‘bạo lực và tàn khốc’’ hơn rất nhiều so với cách mạng Pháp và đế chế Nga tồn tại lâu dài hơn nhiều. Nước Pháp đã phải trải qua một tiến trình lâu dài, ngoắt nghéo, mới có được ‘‘các định chế chuyên nghiệp, không thiên vị của một chế độ dân chủ và cộng hòa, với một nền tư pháp, một bộ máy công quyền, một không gian công tự do và mở’’. Pháp là ‘‘mô hình hiện thực nhất’’ cho một nước Nga ‘‘thịnh vượng và hòa bình’’.

Kịch bản tồi tệ nhất: Sụp đổ trong ”hỗn loạn”

Kịch bản được coi là tồi tệ nhất đối với nước Nga và cũng là với thế giới, sử gia Mỹ đặt tên là ‘‘kịch bản hỗn loạn’’. Cho đến nay, chế độ Putin dường như đã duy trì được sự ổn định tương đối trong nội bộ nước Nga bất chấp ‘‘cuộc chiến tranh quy mô lớn’’ chống Ukraina. Sự sụp đổ của nền kinh tế Nga dưới áp lực trừng phạt của phương Tây đã không xảy ra như một số dự đoán. Tuy nhiên, không có gì bảo đảm là nước Nga sẽ không rơi vào ‘‘sự sụp đổ hoàn toàn’’, như đã từng xảy ra với hai đế chế Nga, đế chế của các Sa hoàng với các cuộc cách mạng năm 1917, và sự tan rã của Liên Xô đầu thập niên 1990. Lịch sử đã cho thấy các quốc gia giống như Nga, với các định chế bị mọt ruỗng và mất uy tín trong xã hội, thường rất ít có khả năng chống chọi lại được những biến động lớn, như binh biến, tai nạn hay phá hoại nhắm vào các cơ sở hạt nhân, hay cái chết của một lãnh đạo.

Gieo rắc hỗn loạn ra bên ngoài, mà chiến tranh tại Ukraina là một ví dụ, và đàn áp các tiếng nói đối lập, với hy vọng giảm bớt nguy cơ hỗn loạn bên trong, sẽ đến lúc nước Nga sẽ phải gánh hậu quả. Tuy nhiên, sự tan vỡ của nước Nga lần này, nếu diễn ra, sẽ không giống như Liên Xô, mà nguy hiểm hơn rất nhiều, bởi bên trong nước Nga không có các đơn vị lãnh thổ tương đối ổn định, như 15 nước Cộng hòa của Liên Xô trước đây. Chưa kể đến nguy cơ Trung Quốc nhân cơ hội này chiếm lại nhiều vùng lãnh thổ bị mất trước đây vào tay Nga, nhiều khả năng các băng đảng mafia bùng lên khắp nơi. Nguy cơ vũ khí hạt nhân và vũ khí hóa học bị thất thoát là điều đáng sợ nhất, ác mộng vốn đã tránh được vào thời điểm Liên Xô sụp đổ.

Kịch bản tích cực nhiều hơn: Chủ nghĩa dân tộc Nga từ bỏ tham vọng bành trướng

Trong số ba kịch bản còn lại, kịch bản ít tồi tệ nhất đối với nước Nga, theo sử gia Mỹ, là nước Nga ‘‘dân tộc chủ nghĩa’’ đối đầu với phương Tây tiếp tục tồn tại, nhưng từ bỏ tham vọng bành trướng. Sự ra đi của lãnh đạo tối cao Putin, do chết bệnh hay từ chức, có thể là tác nhân trực tiếp dẫn đến kịch bản này. Tuy nhiên, vấn đề chủ yếu khiến nước Nga buộc phải chọn đi theo con đường này chủ yếu là vì ‘‘Nga thừa nhận không còn có đủ phương tiện để đối đầu vĩnh viễn với phương Tây’’, cái giá phải trả cho cuộc xâm lăng Ukraina và cuộc đối đầu triệt để với phương Tây là quá lớn, Nga ‘‘có nguy cơ mất hẳn các quan hệ với châu Âu có ý nghĩa sống còn để đổi lấy mối quan hệ phụ thuộc đầy ô nhục vào Trung Quốc.’’

Duy trì tham vọng đế quốc, Nga sẽ thành ”chư hầu” của Bắc Kinh hoặc một ”Bắc Triều Tiên”

Kịch bản tồi tệ hơn với nước Nga là trở thành ‘‘chư hầu của Trung Quốc’’. Để tiếp tục tham vọng phục hồi đế chế, Nga ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc. Về kinh tế, Nga vẫn còn một số lợi thế, chẳng hạn như Trung Quốc vẫn phải mua các động cơ máy bay quân sự của Nga, nhưng về hàng loạt phương diện khác, Matxcơva phải phụ thuộc vào Bắc Kinh. Nền công nghiệp xe hơi của Nga suy tàn do hàng Trung Quốc tràn ngập. Thỏa thuận xây dựng đường ống khí đốt mới từ Siberi qua Mông Cổ, nhiều chục năm ký kết, vẫn chưa hoàn tất. Trung Quốc về cơ bản muốn tránh phụ thuộc Nga về năng lượng, trong bối cảnh các loại hình năng lượng tái tạo mới, như điện gió, điện mặt trời, đang được Trung Quốc phát triển vũ bão, và Trung Quốc cũng đang vượt xa Nga về điện hạt nhân. Sử gia Mỹ cũng ghi nhận khoảng cách rất lớn về văn hóa và chính trị giữa Trung Quốc và Nga. Đa số người Nga thiên về văn hóa châu Âu, người nói tiếng Trung rất ít. Trong đảng Cộng Sản Trung Quốc, rất nhiều thành phần trụ cột vẫn còn ‘‘chưa tha thứ cho việc Matxcơva phá hoại chủ nghĩa Cộng sản tại lục địa Á – Âu và ở Đông Âu’’. 

Kịch bản đáng chú ý khác với nước Nga, được sử gia Mỹ chú ý, là điện Kremlin tiếp tục dấn sâu hơn trong chính sách đàn áp trong nước, chống lại các nền tảng của quan hệ quốc tế, ngày càng phải dựa nhiều hơn vào Trung Quốc về nhiều mặt để kháng cự lại phương Tây, nhưng cùng lúc vẫn duy trì được khả năng có được đường lối riêng, nhờ một số lá chủ bài, đặc biệt về mặt quân sự, tương tự như quan hệ Bắc Triều Tiên – Trung Quốc. Trong trường hợp này, sử gia Mỹ ví nước Nga như đang trở thành một ‘‘chế độ Bắc Triều Tiên khổng lồ’’ cô lập với thế giới.

Sự tái sinh của ”đại cường Âu – Á” : Một ảo vọng

Đối với học giả Stephen Kotkin, hình dung rõ các kịch bản chính mà nước Nga có thể sẽ phải đi theo trước hết nhằm để công luận đề kháng các tuyên truyền gây ảo tưởng của bộ máy truyền thông nhà nước Nga, và phần nào là của Trung Quốc, về triển vọng tái sinh của nước Nga, như một ‘‘đại cường quốc Âu – Á’’. Theo tuyên truyền đó, nước Nga trong một thế giới đa cực mới đang hình thành sẽ thống trị lục địa Á – Âu, và đóng vai trò chủ chốt trên trường quốc tế. Trên thực tế, đại dự án để Nga trở thành một siêu cường ngự trị tại lục địa Á – Âu ‘‘đã thất bại’’ ngay cả vào thời kỳ mà ‘‘đế chế Nga’’ đang ở đỉnh cao sức mạnh, với việc không chỉ Biển Đen và Biển Baltic thuộc chủ quyền Liên Xô, mà siêu cường cộng sản còn có hàng loạt quốc gia chư hầu.

Giờ đây, bất chấp việc chiếm được khoảng 20% lãnh thổ Ukraina, ‘‘thế giới Nga’’ đã thu hẹp. Chưa bao giờ, kể từ Piotr đệ nhất, Nga lại cách xa trung tâm của châu Âu đến như vậy. Và hơn 3 thế kỉ, kể từ khi có mặt bên bờ Thái Bình Dương, chưa bao giờ Nga trở thành một cường quốc châu Á. Ảnh hưởng của Nga với các nước cộng hòa Liên Xô cũ ngày càng suy giảm. Đại đa số người dân các sắc tộc Slave không phải Nga trên thế giới giờ đây hướng hẳn về Liên Âu và NATO. Sử gia Mỹ nhấn mạnh không có gì cho thấy Nga có thể trở lại thành một mô hình hấp dẫn với thế giới.

Vừa cương quyết, vừa mềm dẻo với Nga

Việc hình dung rõ các kịch bản tương lai đối với nước Nga, theo Stephen Kotkin, cũng còn một ý nghĩa quan trọng khác : giúp cho các nước phương Tây xác định được một đường lối ngoại giao ‘‘khôn khéo’’, mềm dẻo với Nga, tùy theo việc Nga hướng theo kịch bản nào. Về nguyên tắc, một mặt Mỹ và các đồng minh phải ”phối hợp gây áp lực vừa đủ với Nga”, về mặt quân sự và các mặt khác, cùng lúc ”để ngỏ cánh cửa thương lượng cho phép Nga lùi dần”. Hiểu được các chuyển biến sâu sắc và khó lường hiện nay của nước Nga giúp cho phương Tây mạnh dạn sử dụng các biện pháp có vẻ hết sức ”nghịch lý” và ”kỳ quặc”, ví dụ như thúc đẩy chính sách ‘‘thân Nga’’, ủng hộ các lực lượng dân tộc chủ nghĩa Nga.

Sử gia Stephen Kotkin nhấn mạnh, chính sách này là rất cần thiết, nếu giới tinh hoa Nga lựa chọn con đường ‘‘dân tộc chủ nghĩa’’ nhưng từ bỏ chủ nghĩa bành trướng. Để hỗ trợ nước Nga thay đổi theo hướng tốt, chỉ nhất mực ủng hộ ‘‘một chính phủ Nga thân phương Tây’’ là hoàn toàn sai lầm. Ngược lại, một ‘‘chủ nghĩa dân tộc Nga’’, không triệt để chống phương Tây, sẽ là điều cần hoan nghênh, ủng hộ.

Về ngắn hạn, các đồng minh phương Tây cần giúp Ukraina có được hòa bình ”với những điều kiện thuận lợi”. Và cho dù trước mắt phải chấp nhận duy trì nguyên trạng, nhưng không được công nhận chủ quyền hợp pháp của Nga tại các vùng đất chiếm đóng. Với việc đình chiến như vậy, Putin có thể đạt được mục tiêu trước mắt, nhưng tình hình có thể xoay chuyển sau này, với sự nổi dậy của người Ukraina tại các vùng chiếm đóng.

Bài Liên Quan

Leave a Comment