Pháp cáo buộc Azerbaijan kích động bạo loạn ở Nouvelle-Calédonie

Sau nhiều đêm bạo loạn ở Nouvelle-Calédonie, bộ trưởng Nội Vụ Pháp hôm nay, 16/05/2024, cáo buộc phe ly khai gây ra bạo loạn là có quan hệ với Azerbaijan. Paris cũng đã triển khai thêm 1000 cảnh sát và hiến binh tái lập trật tự ở vùng hải ngoại này.

Đăng ngày: 16/05/2024

Tại một khu vực đụng độ ở Nouméa, Nouvelle - Calédonie ngày 14/05/2024.
Tại một khu vực đụng độ ở Nouméa, Nouvelle – Calédonie ngày 14/05/2024. AFP – MATHURIN DEREL

Chi Phương

Trong các cuộc biểu tình của phe ly khai tại Nouméa nhằm phản đối dự án cải cách Hiến pháp, theo AFP, nhiều người đã mang cờ Azerbaijan, mặc áo phông in các biểu tượng của nước này. Từ tháng Ba, truyền thông của Azerbaijan cũng đã loan truyền hình ảnh những người biểu tình cầm ảnh của tổng thống Azerbaijan ở Nouméa. Hôm nay, bộ trưởng Nội Vụ Pháp Gérald Darmanin khẳng định trên đài France 2 rằng sự can thiệp của Azerbaijan ở hòn đảo này không phải là « chuyện tưởng tượng », mà là một « thực tế ».

Các tranh cãi về ảnh hưởng của Azerbaijan đã được nêu ra từ tháng Tư, khi Nghị Viện vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp ký một bản ghi nhớ với Quốc Hội Azerbaijan. Ngay sau phát biểu của bộ trưởng Nội Vụ Pháp, chính quyền Baku đã lập tức bác bỏ, khẳng định cáo buộc này là vô căn cứ.

Vụ bạo động khiến ít nhất 5 người thiệt mạng, trong đó có một người là thành viên của lực lượng an ninh,  hàng trăm người bị thương. Nhiều cơ sở hạ tầng bị hư hại, ước tính thiệt hại có thể lên đến 200 triệu euro.

Để lập lại trật tự sau nhiều ngày bạo động, Paris hôm nay đã tăng cường thêm 1000 cảnh sát và hiến binh đến hòn đảo từng là thuộc địa của Pháp và trở thành lãnh thổ của Cộng Hòa Pháp vào năm 1946. Mạng xã hội Tiktok, mà nhiều kẻ bạo loạn sử dụng, cũng bị cấm. Để tự vệ, người dân địa phương đã tự dựng các rào chắn đường. Thông tín viên Charlotte Mannevy cho biết tình hình tại chỗ:

Các tấm ván, tấm tôn hay cành cây, thậm chí là những chiếc xe đẩy ở siêu thị được chất tại mỗi góc phố tại các khu dân cư ở Nouméa. Hiện giờ, những ai di chuyển ở ngoài đường có thể dễ dàng gặp phải các rào chặn đường được dựng lên bởi các cư dân, và phải xuất trình giấy tờ cho họ. Cô Sophie cho rằng điều này rất cần thiết bởi vì « nếu bị tấn công thì chúng tôi sẽ đáp trả bằng tất cả các phương tiện mà chúng tôi có. Tôi không có vũ khí nhưng tôi sẽ nhặt đá, nhặt sỏi hay bất cứ cái gì có được trong tay để tự vệ. Điều này rất rõ ràng ».

Một đoàn xe bọc thép đi qua và các rào chắn đường được mở ra dưới những tràng vỗ tay của những cư dân, canh gác tại rào chắn đó. Một người cho biết : « Chúng tôi hoan nghênh lực lượng an ninh đến hỗ trợ chúng tôi, cuối cùng thì họ cũng đến, để giúp chúng tôi làm cho lựa chọn của đa số được tôn trọng ».

Không khí tại đây đôi khi vui vẻ, nhưng đôi khi cũng rất căng thẳng, tùy theo khoảng cách với các rào chắn dựng lên bởi những kẻ bạo động. Hoạt động của họ đã vượt quá khuôn khổ của phong trào phản kháng nhằm phản đối việc cải cách cơ quan bầu cử.

Vấn đề là hầu hết những người có mặt đều mang súng và tự coi mình là những « hàng xóm cảnh giác ». Tại một rào chắn, những cư dân thảo luận về vị trí tốt nhất để bắn. Các loại vũ khí bán tự động, hay súng săn được sử dụng. Các cư dân này chấp nhận rủi ro, mặc dù an ninh đã được tăng cường. Ông Jean-Yves, từng trải qua cuộc nội chiến vào những năm 1980, thở dài, và nói : « Không có ai bảo vệ chúng tôi cả. Vào năm 1984, lúc đó còn có lực lượng an ninh, giờ cũng có, nhưng… (không bảo đảm được) ».

Đại diện của Nhà nước khẳng định rằng 3 người Kanak bỏ mạng vừa qua, không phải là do các thành viên từ ủy ban bảo vệ của các khu phố. Tuy nhiên, các cư dân này được yêu cầu tôn trọng lệnh cấm mang vũ khí để tránh các thảm kịch tương tự tái diễn.

Bài Liên Quan

Leave a Comment