Nga và Ukraina đã để vuột mất cơ hội đạt thỏa thuận hòa bình như thế nào ?

Không lâu sau khi Nga khởi động cuộc chiến xâm lược Ukraina, các nhà đàm phán của hai bên đã soạn thảo một dự án thỏa thuận hòa bình. Tài liệu dài 17 trang mà báo Đức « Die Welt » độc quyền tham khảo được, và được báo Pháp Le Figaro thuật lại, cho thấy, Kiev và Matxcơva vào thời điểm đó gần như đã đồng ý một lệnh ngưng bắn. Nhưng tài liệu này cuối cùng đã bị chôn vùi. Theo Ukraina, thất bại đàm phán có một phần trách nhiệm của cựu thủ tướng Anh Boris Johnson.

Đăng ngày: 17/05/2024

Ảnh minh họa : Một phụ nữ đi qua những ngôi nhà bị hư hại ở Mariupol, ngày 08/04/2022. Ukraina cho biết đang điều tra về việc Nga thả chất độc hóa học xuống thành phố Mariupol bị vây hãm.
Ảnh minh họa : Một phụ nữ đi qua những ngôi nhà bị hư hại ở Mariupol, ngày 08/04/2022. Ukraina cho biết đang điều tra về việc Nga thả chất độc hóa học xuống thành phố Mariupol bị vây hãm. AP – Alexei Alexandrov

Minh Anh

Ngay sau khi chiến tranh bùng nổ, các nhà đàm phán Nga và Ukraina ngay lập tức đã bắt đầu đàm phán với nhau để chấm dứt chiến tranh. Vào lúc thế giới và người dân Ukraina bị sốc về cuộc xâm lược của Nga, thì chính quyền Matxcơva hy vọng sẽ có được sự đầu hàng của Kiev trên bàn đàm phán.

Tuy nhiên, sau loạt thành công của quân Ukraina trên chiến trường, Nga thậm chí đã chấp nhận xem xét lại vài quan điểm của mình. Đôi bên bắt đầu vòng đàm phán trực tiếp đầu tiên tại Istanbul, dưới sự chủ trì của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vào cuối tháng 3/2022.

Những hình ảnh về cuộc gặp này bên bờ biển Bosphore đã từng làm dấy lên niềm hy vọng về việc giải quyết nhanh chóng cuộc xung đột, khi mà cả hai bên đã ngay lập tức lao vào soạn thảo một dự thảo thỏa thuận.

Thế trung lập vĩnh viễn !

Trong văn bản này, đôi bên gần như đã đạt được sự nhất trí về những nét chính cho hòa bình. Trong dự thảo này, Ukraina cam kết một « thế trung lập vĩnh viễn », nghĩa là : Không tham gia vào một liên minh quân sự nào (kể cả NATO) ; Không « tiếp nhận, sản xuất hay sở hữu » vũ khí hạt nhân ; Không cho phép sự hiện diện vũ khí và quân đội nước ngoài trên lãnh thổ ; Không trao quyền sử dụng cơ sở hạ tầng quân sự, bao gồm sân bay và cảng biển cho một nước khác, và nhất là Không tổ chức tập trận với sự tham dự của các nước khác cũng như là Không tham dự vào bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào.

Trong dự thảo thỏa thuận, Kiev dự trù thừa nhận quyền kiểm soát của Nga đối với bán đảo Crimée và cảng Sebastopol và cũng như là một phần lãnh thổ tại Donetsk và Luhanks mà Matxcơva đã kiểm soát trước khi nổ ra chiến tranh.

Quyền tự vệ

Đổi lại, Nga cam kết không tấn công Ukraina và an ninh của đất nước sẽ do năm thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc là Anh, Hoa Kỳ, Nga, Pháp và Trung Quốc, cùng bảo đảm, dựa theo mô hình điều khoản 5 của NATO. Theo đó, trong trường hợp Ukraina bị tấn công, các nước bảo lãnh sẽ cùng nhau trợ giúp Kiev thực hiện quyền tự vệ, như quy định trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc trong thời hạn tối đa là ba ngày.

Sự hỗ trợ này có thể được thực hiện dưới hình thức « hành động chung » của tất cả các cường quốc bảo lãnh hay một vài nước trong số này. Theo điều 15, thỏa thuận này lẽ ra phải được mỗi nước ký kết phê chuẩn nhằm bảo đảm tính chất ràng buộc theo luật pháp quốc tế.

Không chỉ dừng ở đó, việc bảo đảm an ninh được đặt trên bàn đàm phán hồi mùa xuân 2022 trong giai đoạn thứ hai, dường như đòi hỏi sự đồng thuận của Mỹ, Trung Quốc, Anh và Pháp. Hơn nữa, vào lúc đó, Nga và Ukraina mong muốn lần lượt bao gồm thêm cả Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ. Mục tiêu hàng đầu của các nhà đàm phán tại Istanbul là đạt được một thỏa thuận giữa Kiev và Matxcơva nhằm sử dụng văn bản này như là một cơ sở cho các cuộc đàm phán đa phương.

Điều này rõ ràng được thực hiện theo yêu cầu của Ukraina nhằm chứng tỏ rằng Nga sẽ chấp nhận một cơ chế bảo vệ dựa trên mô hình của NATO. Trên thực tế, cho đến thời điểm đó, Ukraina đã thành công trong việc khẳng định các ý tưởng của mình trước Matxcơva. Cách diễn đạt của dự thảo thỏa thuận gần giống hoàn toàn với thông cáo Istanbul. Một tài liệu chỉ dài hai trang mà Die Welt đã được tham khảo một bản sao.

Trong văn bản này, Ukraina đã đưa ra các yêu cầu của mình trước cuộc họp của các nhà đàm phán được tổ chức tại Istanbul ngày 29/03/2022 dưới sự hòa giải của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Kết thúc các cuộc thương lượng, hai phái đoàn đã soạn thảo một dự thảo thỏa thuận cho ngày 15/04 trong quá trình đàm phán được tiến hành qua mạng.

Những điểm bất đồng chưa giải quyết

Dù vậy, giữa Nga và Ukraina vẫn còn có nhiều điểm bất đồng chưa giải quyết được. Thứ nhất là vấn đề phi quân sự Ukraina. Trong cuộc đàm phán này, Nga báo hiệu sẵn sàng rút quân khỏi Ukraina, với điều kiện Kiev phải giảm quân số từ một triệu xuống còn 85 ngàn quân thấp hơn rất nhiều so với con số 250 ngàn do Ukraina đề xuất.

Matxcơva đề nghị Kiev giảm mạnh số xe tăng xuống còn 342 chiếc (800 theo phía Ukraina), xe bọc thép là 1029 (2400 theo Kiev), đại pháo là 519 (1900), bệ phóng rốc-kết tầm bắn đến 280 km còn 96 nhưng ở tầm 40 km (thay vì là 600 chiếc)… cùng nhiều loại vũ khí khác. Đặc biệt, không quân Ukraina là hầu như bị suy yếu hẳn. Nga yêu cầu chỉ duy trì 102 chiến đấu cơ và 35 trực thăng so với mức yêu cầu từ Ukraina là 160 và 144.

Thứ hai, Nga yêu cầu rằng tiếng Nga phải trở thành ngôn ngữ chính thức thứ hai tại Ukraina, các biện pháp trừng phạt lẫn nhau phải được dỡ bỏ và Kiev rút đơn kiện tại tòa án quốc tế cũng như là ra luật cấm « chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa quốc xã và chủ nghĩa dân tộc hung hăng ».

Nhưng có lẽ điểm bất đồng lớn là việc phân định biên giới. Như đã trình bày ở trên, Kiev đồng ý gạt một số nơi do Matxcowva kiểm soát tại Luhansk và Donetsk ra khỏi sự bảo hộ của các nước bảo lãnh, phía Nga đòi hỏi việc phân định biên giới phải do đích thân Putin và Zelensky thực hiện và căn cứ trên một bản đồ.

Một đòi hỏi đã bị phái đoàn đàm phán Ukraina bác bỏ. Kiev đề nghị chính họ chỉ định nơi vạch biên giới theo cách diễn giải của Ukraina.

Một vấn đề khác, trong trường hợp bị tấn công, các nước bảo lãnh phải cùng kích hoạt cơ chế hỗ trợ, điều đó sẽ trao cho Nga một quyền phủ quyết cho phép nước này chặn cơ chế bảo hộ. Ngược lại, phía Nga cũng bác bỏ đề nghị của Ukraina cho thiết lập vùng cấm bay từ các nước bảo lãnh trong trường hợp bị tấn công.

Lỗi ở Boris Johnson ?

Trên nguyên tắc, Putin và Zelensky lẽ ra phải xử lý những điểm bất đồng còn lại này trong một cuộc hội đàm riêng. Nhưng sau cuộc họp cấp cao đầy hứa hẹn ở Istanbul, Matxcơva đã đặt ra những đòi hỏi khác mà Kiev không thể chấp nhận.

Cuối cùng, một chi tiết đáng chú ý : Trong một cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình hồi tháng 11/2023, nhà đàm phán Ukraina David Arakhamia nhắc lại lý do vì sao Putin và Zelensky đã không bao giờ tham gia thượng đỉnh hòa bình đầy mong đợi. Theo ông, thủ tướng Anh lúc bấy giờ là ông Boris Johnson, có lẽ đã đến Kiev hôm 09/4 và có tuyên bố rằng Luân Đôn sẽ không ký « bất cứ điều gì » với ông Putin và Ukraina phải tiếp tục cuộc chiến này.

Đương nhiên, cựu thủ tướng Anh đã bác bỏ khẳng định này. Người ta có thể đoán rằng đề xuất này bảo đảm an ninh cho Ukraina trong khuôn khổ thỏa thuận với Nga đã thất bại ngay từ lúc đó !

Hơn hai năm sau, nhà đàm phán người Ukraina chua cay nhận định thỏa thuận năm đó dường như có lợi hơn bao giờ hết : « Đây là thỏa thuận tốt nhất mà lẽ ra chúng tôi đã có thể có ! ». Và ít nhất, người ta đã có thể chấm dứt chiến tranh, cứu sống được hàng trăm ngàn sinh mạng từ cả hai phía và nhất là Ukraina có lẽ sẽ không rơi vào tình trạng khó khăn và bi đát như hiện nay !

Bài Liên Quan

Leave a Comment