- Tác giả,Luis Barrucho & Kai Lawrence
- Vai trò,BBC World Service
- 20 tháng 5 2024
Cuộc đời của Park Hyo-sil và Kang Kyung-yoon, hai nữ nhà báo ở Hàn Quốc, đã có bước ngoặt chấn động khi họ giúp phanh phui vụ bê bối tình dục liên quan đến những ngôi sao K-pop nổi tiếng. Họ đã không hề biết rằng việc theo đuổi sự thật đi kèm với những hy sinh cá nhân lớn lao.
Vào một ngày tháng 9/2016, Park, một phóng viên ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc), rời nơi làm làm việc để tận hưởng kỳ nghỉ cuối tuần. Khi bà Park chuẩn bị đi gặp bạn mình, biên tập viên đã gọi điện cho bà và thông báo thông tin từ một nguồn cảnh sát đáng tin cậy.
“Ông ta nói với tôi rằng có một vụ án lớn đang được điều tra liên quan đến những thước phim sex quay lén và một tên tuổi giải trí hàng đầu: Jung Joon-young.”
Jung là một ca sĩ kiêm nhạc sĩ tiếng tăm trong ban nhạc Drug Restaurant và là một ngôi sao truyền hình được hàng triệu người yêu mến. Tuy nhiên, nguồn tin cho biết bạn gái của Jung tố cáo rằng anh ta đã bí mật quay phim cô khi họ đang quan hệ tình dục, một tội danh được gọi là “molka” ở Hàn Quốc.
Park hủy hẹn ăn tối và quay lại văn phòng để gặp biên tập viên.
“Chúng tôi không muốn bỏ lỡ tin độc quyền này. Tôi xuất bản câu chuyện vào lúc 22 giờ 50 đêm thứ Sáu,” Park nhớ lại.
“Tôi đã không ngờ nó lại gây chấn động đến thế.”
Chỉ trong vài phút, câu chuyện đã được lan truyền khắp Hàn Quốc. “Các phương tiện truyền thông trở nên điên cuồng,” Park nói.
Đội ngũ quản lý của Jung ngay lập tức vào cuộc và tuyên bố cuộc điều tra của cảnh sát là “sự cố không quan trọng bị báo chí thổi phồng”.
Người hâm mộ Jung nhanh chóng tố người bạn gái đã bịa chuyện. Họ sau đó quay sang tấn công Park.
“Truyền thông là lũ xấu xa. Tôi đã phải hứng chịu phần nặng nề nhất,” bà Park kể lại.
Nữ nhà báo đã bị tấn công dồn dập bằng những lời lăng mạ trên mạng và các email độc hại. Mọi người đăng hình gương mặt và cơ thể của bà lên mạng rồi xúc phạm. Một tin nhắn viết: “Trông bản mặt thấy gớm. Tao chỉ muốn đạp một phát.”
Bà kể rằng người ta đã gọi điện đến tổng biên tập và đe dọa: “Nếu ông không sa thải bà ta, chúng tôi sẽ đốt tòa nhà của ông đấy.”
“Họ gửi tôi những lời dọa giết. Chồng tôi vô cùng lo lắng và khuyên tôi đừng tới cơ quan, không nên ra khỏi nhà vì ngoài kia có vẻ rất nguy hiểm,” Park kể tiếp.
Sáu tháng sau, việc bắt nạt, quấy rối ngày càng leo thang.
“Tôi bắt đầu nhận được các cuộc điện thoại từ sáng sớm… và chúng cứ tiếp tục trong khoảng 3 đến 4 giờ. Khi tôi không trả lời điện thoại, họ gửi những hình ảnh tục tĩu,” bà Park chia sẻ.
Bà Park ngập trong hàng ngàn tin nhắn mỗi ngày.
“Khi đó tôi đang mang thai và cảm thấy sốc nặng. Tinh thần tôi suy sụp đến độ bước ra khỏi nhà thôi cũng khó khăn,” bà kể. “Sau đấy tôi sẩy thai hai lần và hiện thì tôi không có con.”
Mặc dù không phải là lý do duy nhất nhưng bà Park tin rằng căng thẳng góp phần khiến mình bị sẩy thai.
“Tôi chắc chắn nó có ảnh hưởng,” bà tâm sự.
Giữa lúc bà Park đang vật lộn với các hệ lụy của bài báo, Kang Kyung-yoon, phóng viên giải trí của SBS, một trong những đài truyền hình lớn nhất Hàn Quốc, đã tự mình điều tra một số ngôi sao K-pop.
Bà sắp sửa hoàn thành những gì mà Park đã bắt đầu.
Khi cảnh sát tra hỏi Jung lần đầu tiên vào năm 2016 về tội molka, anh ta đã được yêu cầu giao nộp điện thoại di động để phân tích. Jung quyết định không tuân thủ và thay vào đó giao nó cho một công ty pháp y tư nhân – một quyết định mà anh ta chưa bao giờ giải thích.
Jung đã không biết rằng vào thời điểm đó, một bản sao chép các dữ liệu trong điện thoại anh ta đã được tạo ra. Ba năm sau, một người cung cấp thông tin giấu tên có quyền truy cập các dữ liệu đó đã quyết định tiết lộ chúng. Nội dung dữ liệu đã đến tay bà Kang.
“Tôi vẫn còn đau lòng khi nghĩ về nó,” bà Kang kể lại giây phút bà nhìn thấy những gì có trong bộ dữ liệu.
Bà đã nghĩ mình sẽ thấy các thước phim của Jung và bạn gái như báo chí đưa tin năm 2016, nhưng chúng không có trong dữ liệu. Thay vào đó, bà phát hiện ra một cuộc trò chuyện nhóm chứa một loạt video và hình ảnh khiêu dâm ghi lại cảnh những người phụ nữ đang bất tỉnh. Nhóm này có sự tham gia của Jung và các ngôi sao nam K-pop khác.
Trong số đó có Choi Jong-hoon, tay guitar chính của ban nhạc rock FT Island, và Seungri, một ngôi sao lớn khi đấy đang là thành viên của nhóm nhạc đình đám BigBang.
Khi đào sâu hơn, bà Kang đọc được những đoạn hội thoại ghê rợn kể lại chi tiết cuộc cưỡng hiếp tập thể một người phụ nữ bất tỉnh do bị ngã và đập đầu trước đó.
“Hôm qua tớ sợ chết khiếp… Cứ tưởng cô ta bị nứt sọ rồi,” một người đàn ông thừa nhận. Jung nhắn tin: “Đúng là đêm vui nhất trong đời tớ”.
Những tình tiết đó khiến bà Kang bị sốc.
“Bọn họ thật kinh tởm, chơi đùa với phụ nữ như thể đồ chơi,” bà Kang nói.
Bà cũng nhìn thấy những dòng tin nhắn cho hay nhóm này được một người liên lạc cấp cao của cảnh sát bảo vệ.
Bà biết mình phải làm sáng tỏ mặt tối của ngành công nghiệp K-pop, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc bản thân phải chịu đựng sự quấy rối.
Bà Kang tiếp tục điều tra và sau khi thu thập đủ chứng cứ, bà đăng tải bài viết vạch trần hành vi của các thành viên nhóm chat bao gồm Jung, Choi và Seungri.
Lần này, có một sự khác biệt. Khi bài viết của bà Kang được xuất bản, cơ quan chức năng đã hành động nhanh chóng và Jung là người đầu tiên bị bắt giữ.
Điều này khích lệ những nạn nhân khác đứng ra tố cáo các ngôi sao.
Cần phải mạnh mẽ để tố cáo. Các nạn nhân đã chứng kiến dư luận quay lưng với bạn gái Jung khi cô lần đầu tố cáo anh ta vào năm 2016. Nhiều người đã vượt qua nỗi sợ bị kỳ thị, bị làm nhục để tố cáo hình sự đối với nam ca sĩ.
Nhưng khi công lý được thực thi, bà Kang phải hứng chịu những cuộc “công kích cá nhân không thể hiểu nổi”.
Nữ nhà báo kể: “Lúc đấy tôi đang mang thai. Họ goi tôi là con khốn. Con bầu khốn nạn. Con khốn cánh tả.”
“Đây là lần đầu tôi mang thai sau 5 năm kết hôn, tôi rất sợ có chuyện gì xảy đến với đứa bé. Tôi cô đơn và kiệt quệ vô cùng.”
Bà Kang cho biết những bình luận “gây sốc nhất” mà bà thậm chí “không thể thốt ra” là nhắm vào đứa con của bà trong một chiến dịch quấy rối kéo dài ba năm. “Tôi không hề hối hận,” nữ nhà báo khẳng định.
Jo Elfving-Hwang, phó giáo sư về xã hội và văn hóa Hàn Quốc tại Đại học Curtin (Perth, Úc), nói rằng Park và Kang đã bị quấy rối “y như nhau”, những sự quấy rối đã khiến các nạn nhân “không thể lên tiếng”.
Bà nói rằng chủ đề bình đẳng giới có thể “gây chia rẽ” tại Hàn Quốc và kỳ thị nữ giới chính là điều mà cả các nhà báo lẫn các nạn nhân đều phải hứng chịu.
“Kỳ thị nữ giới không chỉ thể hiện ở điều đàn ông nói về phụ nữ, mà còn nằm ở việc dùng quyền lực để ngăn chặn những ý tưởng cho rằng mọi giới tính đều bình đẳng,” bà Kang nói.
Bất chấp những sự quấy rầy cá nhân mà hai nữ nhà báo đã phải chịu đựng, bà Park và bà Kang đã cảm thấy một sự thay đổi văn hóa đang bắt đầu diễn ra ở Hàn Quốc.
Nỗ lực của họ khơi gợi những cuộc đối thoại về việc lạm dụng quyền lực trong ngành giải trí và thúc đẩy kêu gọi bảo vệ phụ nữ hơn nữa trước tội phạm molka.
Hiện bà Kang là mẹ của một cô con gái. Bà vẫn ám ảnh với sự quấy rầy không ngừng mà bà phải chịu đựng vì đã phơi bày sự thật, nhưng bà vẫn hy vọng rằng nỗ lực của họ sẽ giúp “cảnh báo về việc tình dục và quyền lực trong ngành công nghiệp K-pop có thể khiến con người đồi bại như thế nào”.
Bà nói: “Việc chúng tôi làm như ném một viên sỏi xuống một cái ao khổng lồ… Mặt nước yên tĩnh trở lại nhưng tôi mong nó vẫn còn đó trong ký ức mọi người để nếu điều tương tự xảy ra một lần nữa, chúng ta có thể hành động sớm hơn.”
- Jung đã lãnh án 5 năm tù về tội hiếp dâm tập thể và thực hiện, phát tán molka
- Choi bị kết án 2 năm rưỡi vì tham gia vụ hiếp dâm tập thể
- Seungri bị kết tội môi giới gái mại dâm cho nhà đầu tư, tham ô, molka và kích động bạo lực. Anh ta bị kết án 18 tháng sau khi kháng cáo
- Người liên lạc cấp cao của cảnh sát được trắng án trước mọi cáo buộc liên quan đến các thành viên nhóm chat
Tất cả họ đều đã ra tù.