Ông Lại Thanh Đức nhậm chức Tổng thống Đài Loan hôm nay 20/5, chuẩn bị đối mặt với một Trung Quốc giận dữ và hoài nghi.
Lâu nay, Trung Quốc vẫn luôn coi ông Lại Thanh Đức là “kẻ theo chủ nghĩa ly khai” và “kẻ gây rối”.
Bắc Kinh đã nhiều lần lên tiếng cảnh cáo Đài Loan về việc bỏ phiếu cho ông Lại Thanh Đức.
Thông điệp của Bắc Kinh gửi tới cử tri ở Đài Loan là bỏ phiếu cho Lại Thanh Đức là bỏ phiếu cho chiến tranh.
Đây cũng là thông điệp từ đảng đối lập chính – Quốc Dân Đảng (KMT).
Ngay trong nội bộ, ông Lại Thanh Đức phải đối mặt với một nghị viện rối ren và sẵn sàng thách thức những quyết định của ông, theo Reuters.
Bên cạnh các cựu quan chức từ Mỹ được Tổng thống Joe Biden cử sang tham dự lễ nhậm chức, các đại diện từ Nhật Bản, Úc và Hàn Quốc…cũng có mặt.
Ngoài ra còn có các đại diện từ Paraguay, Eswatini, Palau và St Lucia – những quốc gia duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan.
Tuyên thệ nhậm chức
Ông Lại Thanh Đức bắt đầu bài phát biểu bằng lời tuyên bố tiếp nhận chức vụ và trách nhiệm lãnh đạo Đài Loan với một “trái tim kiên định”.
“Khi còn trẻ, tôi đã theo nghề y và cứu sống nhiều người. Khi tham gia vào chính trị, tôi đã quyết tâm thay đổi Đài Loan.
“Bây giờ, đứng ở đây, tôi quyết tâm sẽ xây dựng Đài Loan lớn mạnh hơn,” ông nói.
Ông tiếp tục bài diễn văn với lời cảm ơn cựu Tổng thống Thái Anh Văn và đội ngũ của bà về tám năm phụng sự Đài Loan.
“Chính mọi người đã giúp xây dựng một nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Đài Loan,” ông nói và đồng thời kêu gọi người dân hoan hô bà Thái Anh Văn.
“Tôi cũng muốn cảm ơn những người đồng bào của tôi… đã không bị lung lạc bởi các thế lực bên ngoài, kiên quyết bảo vệ nền dân chủ,… đưa Đài Loan sang một trang lịch sử mới.”
Dân chủ, hòa bình và sự thịnh vượng chính là những cầu nối của Đài Loan với thế giới, ông Lại phát biểu.
“Là một mắt xích quan trọng trong chuỗi các nền dân chủ toàn cầu, kỷ nguyên huy hoàng của một Đài Loan dân chủ đã đến.”
Ông nói về việc Đài Loan chú trọng tới quyền con người và đã “cho thế giới thấy các giá trị dân chủ và tự do của Đài Loan”, đồng thời nhắc tới việc Đài Loan “là quốc gia châu Á đầu tiên” hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới.
“Đài Loan sẽ tiếp tục tiến về phía trước, tận dụng sức mạnh dân chủ để phát triển quốc gia và tăng cường hợp tác quốc tế,” ông Lại Thanh Đức phát biểu.
Nói về các hành động quân sự và “chiến thuật vùng xám” của Trung Quốc, ông Lại cho rằng đây là một thách thức lớn tới hòa bình và ổn định toàn cầu.
Ông kêu gọi Bắc Kinh “đối thoại thay vì đối đầu” và tuyên bố: “Đài Loan không thể nhượng bộ trong vấn đề dân chủ và tự do.”
Áp lực từ Trung Quốc
Gần như cùng lúc với buổi tuyên thệ nhậm chức của ông Lại Thanh Đức, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với một số doanh nghiệp Mỹ mà Trung Quốc cho là “liên quan đến việc bán vũ khí cho Đài Loan”.
Sau khi ông Lại Thanh Đức đắc cử hồi tháng 1/2024, Đài Bắc liên tục chịu áp lực từ Bắc Kinh, chẳng hạn những hoạt động của không quân và hải quân Trung Quốc xung quanh hòn đảo dân chủ này.
Tuần trước, Trung Quốc thông báo sẽ có các lệnh trừng phạt nhằm vào các nhà bình luận chính trị Đài Loan và sẽ có hành động pháp lý để trừng phạt “những kẻ theo chủ nghĩa ly khai”, theo Nikkei Asia.
Trong vòng 24 giờ (từ 6 giờ sáng ngày 19/5 tới 6 giờ sáng ngày 20/5), Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết đã phát hiện và theo dõi bảy tàu hải quân và sáu máy bay quân sự của Trung Quốc xung quanh hòn đảo này.
Trước lễ nhậm chức của ông Lại, Trung Quốc đã tăng cường hoạt động hàng hải cùng nhiều biện pháp khác. Theo các nhà phân tích, đây là một chiến dịch gây áp lực đối với Đài Loan.
Vào Chủ nhật 19/5, Tuần duyên Đài Loan cho biết đã bố trí lực lượng “tuần tra liên tục cả ngày lẫn đêm” xung quanh ba quần đảo ngoài khơi chính của Đài Loan: Kim Môn, Mã Tổ và Bành Hồ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tránh xung đột với Đài Loan để tập trung vào ổn định quan hệ với Mỹ và giải quyết suy thoái kinh tế trong nước.
Ông Châu Ba, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm An ninh và Chiến lược Quốc tế tại Đại học Thanh Hoa và là đại tá (về hưu) của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, đã có bài viết trên Foreign Affairs vào ngày 13/5 về vấn đề này.
Theo ông Châu Ba, “một cuộc chiến với Đài Loan sẽ không xảy ra nếu Bắc Kinh vẫn tin rằng việc sáp nhập một cách hòa bình với Đài Loan là khả thi”.
Lập pháp viện rối ren
Bên cạnh áp lực từ Trung Quốc, ông Lại Thanh Đức còn phải đối mặt với nhiều thách thức từ nội bộ Đài Loan.
BBC đã có cuộc phỏng vấn với ông Benjamin Ho, giáo sư cộng tác tại Chương trình Trung Quốc tại Trường Quốc tế S Rajaratnam ở Singapore.
“Dù chính sách đối ngoại là một vấn đề quan trọng, Đài Loan cũng có hàng loạt vấn đề cơ bản trong đời sống [công dân],” Giáo sư Ho đánh giá.
Theo ông Ho, mối quan hệ căng thẳng với đảng đối lập và chi phí sinh hoạt cao là những vấn đề lớn cần được quan tâm.
“Dù các vấn đề với Bắc Kinh có thể nào thì ông ấy vẫncần phải chăm sóc cử tri trong nước, bởi họ chính là những người đã đưa ông ấy tới quyền lực.”
Hiện tại, đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) của ông Lại Thanh Đức không còn nắm đa số trong Lập pháp viện.
Trong cuộc họp vào sáng thứ Sáu 17/5 để bỏ phiếu cải tổ cơ quan lập pháp, các nghị sĩ Đài Loan đã lao vào đánh nhau.
Tình hình nhanh chóng được ổn định nhưng đã có thêm những cuộc ẩu đả vào cuộc họp buổi chiều cùng ngày.
Theo các nhà quan sát, những bất đồng này sẽ là trở ngại lớn cho việc thông qua các đạo luật về các vấn đề như chi phí sinh hoạt cao, giá nhà ở, tình trạng thất nghiệp và thậm chí cả quan hệ hai bờ eo biển với Trung Quốc.
‘Thái Anh Văn 2.0’
Ông Lại Anh Đức được cho là sẽ tiếp tục lèo lái hòn đảo dân chủ theo phương hướng mà bà Thái Anh Văn đã đặt nền móng.
Hồi tháng Một, một đoạn video phục vụ chiến dịch tranh cử của ông Lại đã được đăng tải.
Video bắt đầu với cảnh bà Thái Anh Văn đang lái một chiếc ô tô, trong xe còn có ông Lại Thanh Đức và bà Tiêu Mỹ Cầm, lúc đó là phó tổng thống đắc cử.
Trong xe, ông Lại và bà Thái trò chuyện về những năm tháng lãnh đạo Đài Loan. Đến một bãi biển, bà Thái xuống xe, giao lại tay lái cho ông Lại.
Ông Lại trở thành người lái xe và người đồng hành của ông là bà Tiêu Mỹ Cầm.
Thông điệp từ đoạn video tương đối rõ ràng: Ông Lại Thanh Đức tiếp quản trọng trách dẫn dắt Đài Loan trên con đường mà bà Thái Anh Văn đã đi.
Theo Phó giáo sư Lev Nachman tại Đại học Chính trị ở Đài Loan, “ông Lại đã dành hơn hai năm qua để cố gắng thuyết phục thế giới rằng ông ấy chính là Thái Anh Văn 2.0″.
“Bất kỳ ai từ DPP cũng sẽ bị Trung Quốc coi là ‘rào cản’.
“Họ không trả lời bất kỳ cuộc gọi nào của bà Thái Anh Văn trong suốt tám năm qua. Điều này có lẽ cũng sẽ không thay đổi dưới thời ông Lại Thanh Đức,” ông Nachman nói.
Ông Lại đã tuyên bố sẽ duy trì hiện trạng giữa Đài Loan và Trung Quốc – không tuyên bố Đài Loan độc lập và cũng không gia nhập Trung Quốc.
Ngược lại, ông Lại được cho là sẽ tiếp tục củng cố quan hệ với Mỹ, theo một bài viết ngày 19/5 trên AP News.
Dù không chính thức công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập, Mỹ vẫn cung cấp các phương tiện phòng thủ cho Đài Loan do những ràng buộc từ chính luật pháp của mình.
Đáng lưu ý, Phó giáo sư Lev Nachman cho rằng nếu ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới, mối quan hệ giữa Đài Bắc và Washington sẽ có những biến động.