20 tháng 5 2024
Truyền hình nhà nước Iran thông tin rằng Tổng thống Ebrahim Raisi, Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian và một số người khác đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn trực thăng ở tây bắc Iran.
“Tổng thống Raisi, Ngoại trưởng Amir-Abdollahian và tất cả người trên trực thăng đã thiệt mạng trong vụ tai nạn,” một quan chức cấp cao giấu tên nói với Reuters hôm nay (20/5).
Phó Tổng thống Iran Mohsen Mansouri cũng xác nhận điều này trên trang mạng xã hội của mình.
Một quan chức Iran khác cho biết chiếc trực thăng bị cháy rụi hoàn toàn trong vụ tai nạn.
Hãng thông tấn Cộng hòa Hồi giáo Iran (IRNA) đăng tải những thước phim do thiết bị bay không người lái ghi lại cho thấy các mảnh vỡ từ chiếc trực thăng. Hãng này viết rằng Tổng thống Raisi đã “tử vì đạo khi đang phụng sự tổ quốc”.
Truyền thông Iran đưa tin rằng chiếc trực thăng Bell 212 do Mỹ sản xuất chở Tổng thống và Ngoại trưởng Iran đã gặp nạn hôm Chủ nhật 19/5 khi đang bay qua những ngọn núi trong sương mù dày đặc.
Chiếc trực thăng đang trên đường đến thành phố Tabriz (Iran).
Một số hình ảnh từ hiện trường cho thấy chiếc trực thăng đã đâm vào một đỉnh núi. Nguyên nhân của vụ tai nạn vẫn đang được điều tra.
Trước đó trong cùng ngày, ông Raisi đã đến biên giới Iran-Azerbaijan để khánh thành con đập Qiz-Qalasi, một dự án chung giữa hai nước.
Thời tiết xấu đã cản trở hoạt động cứu hộ. Bên cạnh đó, Iran cũng không được đánh giá cao về an toàn hàng không.
Các lệnh trừng phạt hàng chục năm từ phía Mỹ đã khiến kho máy bay của Iran bị xuống cấp.
Chiếc trực thăng chở tổng thống và ngoại trưởng Iran là loại Bell 212, theo hãng thông tấn nhà nước Iran. Mẫu máy bay này được sản xuất tại Mỹ nhưng từ sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979, Mỹ đã không còn cung cấp loại máy bay này và phụ tùng cho Iran.
Từng có bộ trưởng quốc phòng, bộ trưởng giao thông và một số chỉ huy lực lượng vũ trang của Iran thiệt mạng trong các vụ tai nạn máy bay, trực thăng trước đây.
Con đường chính trị của ông Raisi
Ông Ebrahim Raisi, 63 tuổi, trở thành tổng thống Iran vào năm 2021 và từ đó gia tăng quyền kiểm soát của phe bảo thủ đối với mọi lĩnh vực tại quốc gia này. Trước đó, từ tháng 3/2019 đến tháng 7/2021, ông giữ chức bộ trưởng Tư pháp.
Ông Raisi là một giáo sĩ có đường lối cứng rắn và là người thân cận với Lãnh tụ Tối cao Ayatollah Ali Khamenei.
Vị tổng thống sinh năm 1960 tại Mashhad, thành phố lớn thứ hai của Iran và là nơi có đền thờ Hồi giáo Shia linh thiêng nhất đất nước. Cha của ông, một giáo sĩ, qua đời khi ông mới 5 tuổi.
Sau cuộc Cách mạng Hồi giáo 1979, ông Raisi đi theo ngành tư pháp và làm công tố viên ở một số thành phố. Cũng trong khoảng thời gian đó, ông được Lãnh tụ Tối cao Ayatollah Khamenei đào tạo. Ông Khamenei trở thành tổng thống Iran vào năm 1981.
Năm 1988, các tòa án bí mật có tên “Ủy ban Tử hình” được thành lập, ông Raisi trở thành một trong bốn thẩm phán của ủy ban đó.
Các tòa án này “xét xử lại” hàng ngàn người đang thụ án tù vì hoạt động chính trị, hầu hết trong số đó thuộc nhóm đối lập cánh tả Mujahedin-e Khalq (MEK).
Hiện chưa rõ con số chính xác những người bị các tòa án bí mật này kết án tử hình. Tuy nhiên, các nhóm nhân quyền cho biết khoảng 5.000 đàn ông và phụ nữ đã bị hành quyết và chôn trong những ngôi mộ tập thể không được đánh dấu. Họ cho rằng đây là tội ác chống lại loài người.
Các lãnh đạo Iran thừa nhận những cuộc hành quyết này đã xảy ra, nhưng họ không thảo luận chi tiết và tính hợp pháp của từng trường hợp cụ thể.
Ông Raisi đã nhiều lần phủ nhận vai trò của mình trong “Ủy ban Tử hình”.
Năm 2019, Lãnh tụ Tối cao Ayatollah Khamenei bổ nhiệm ông Raisi vào vị trí bộ trưởng Tư pháp Iran.
Trong thời gian đứng đầu Bộ Tư pháp, ông Raisi đã thực hiện các cải cách nhằm giảm số người bị kết án tử hình vì ma túy tại Iran. Mặc dù vậy, Iran vẫn tiếp tục xếp thứ hai trong số các nước có nhiều án tử nhất, chỉ sau Trung Quốc.
Cơ quan tư pháp cũng tiếp tục làm việc với các cơ quan an ninh để trấn áp người bất đồng chính kiến và truy tố nhiều người Iran có hai quốc tịch hoặc thường trú ở nước ngoài về tội gián điệp.
Vì những hành động vi phạm nhân quyền, chính phủ của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp lệnh trừng phạt lên ông Raisi vào năm 2019. Ông bị cáo buộc liên quan đến việc hành quyết trẻ vị thành niên và đàn áp bạo lực cuộc biểu tình Phong trào Xanh năm 2009.
Năm 2021, khi tranh cử tổng thống, ông Raisi tuyên bố sẽ “thực hiện những thay đổi trong cách điều hành đất nước và chống nghèo đói, tham nhũng, sự sỉ nhục và sự phân biệt đối xử”.
Ông Raisi lên chức tổng thống khi Iran đang đương đầu với nhiều thách thức, bao gồm các vấn đề kinh tế cấp bách, căng thẳng trong khu vực leo thang, các cuộc đàm phán về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc thế giới bị đình trệ.
Trong thời gian giữ chức vụ tổng thống, ông Raisi đã phải đối mặt với hàng loạt vấn đề, chẳng hạn làn sóng biểu tình chống chính phủ lan rộng khắp Iran vào năm 2022 cũng như cuộc chiến hiện nay giữa Israel và lực lượng Hamas do Iran hậu thuẫn.
Cái chết bất ngờ của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã làm đảo lộn những đồn đoán liên quan đến nhân vật nào cuối cùng sẽ kế nhiệm Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, 85 tuổi, người đang có vấn đề sức khỏe.
Việc ông Ebrahim Raisi qua đời được cho là sẽ không làm thay đổi định hướng chính sách của Iran hoặc làm đảo lộn hướng đi của Cộng hòa Hồi giáo Iran.
Tuy nhiên, đây sẽ là một phép thử sắp tới cho một hệ thống chính trị mà những nhân vật theo đường lối cứng rắn bảo thủ đang thống lĩnh tất cả các nhánh quyền lực.