Cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen yêu cầu điều tra những người mạt sát ông bằng tiếng Việt trên TikTok

Ông Hun Sen và các bình luận
Chụp lại hình ảnh,Cựu Thủ tướng Hun Sen, Chủ tịch Thượng viện Campuchia, muốn điều tra để xác định ai đã xúc phạm ông trên TikTok bằng tiếng Việt

Cựu Thủ tướng Hun Sen, Chủ tịch Thượng viện Campuchia, đã yêu cầu chính quyền Campuchia phối hợp với Việt Nam điều tra những người dùng TikTok đã bình luận chửi bới ông.

Trên trang Facebook chính thức, ông Hun Sen viết vào vào tối 19/5: “Tôi rất ngạc nhiên khi đọc những bình luận trên TikTok dưới video mà tôi đã đăng. Tôi không biết người Việt Nam bắt đầu chửi bới tôi vào lúc nào, nhưng chỉ trong 4 video được đăng, hàng chục người đã chửi bới tôi.”

Ông còn kể: “Hồi năm 2016-2017, hơn 2.000 người đã xúc phạm tôi trên Facebook, bao gồm một cựu bí thư huyện. Sau khi tôi nói chuyện với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì tình hình lắng dịu. Hồi đó thì nội dung của bài viết là về Biển Đông.”

Ông Hun Sen nói những người chỉ trích ông trên TikTok lần này có lẽ có liên quan đến phát ngôn của ông về dự án kênh đào Phù Nam Techo.

“Tôi không rõ những người Việt Nam này là ai. Người Việt Nam ở Việt Nam hay người Việt Nam ở nước ngoài? Một số người chống chính phủ Việt Nam? Nững người Việt sống ở Campuchia? Hay người Khmer Krom có một vài tài khoản mạng xã hội và có thể viết tiếng Việt và đọc tiếng Khmer?”

Ông Hun Sen muốn điều tra để xác định ai đã xúc phạm ông trên TikTok.

“Tôi không cáo buộc các lãnh đạo Việt Nam về việc đã sử dụng những người này để xúc phạm tôi, vì vậy tôi yêu cầu phối hợp để ngăn chặn các phần tử ly khai.”

Dưới các bài viết và video của ông Hun Sen trên mạng xã hội, có nhiều người bình luận bằng tiếng Việt rằng cha con ông Hun Sen là “đồ vô ơn”, “con rối của Trung Quốc”, sử dụng các từ như “ngu dốt”, “tham lam”, hoặc nói kiểu “biết thế này Việt Nam đã không cứu”, ý nhắc lại vai trò của quân đội Việt Nam trong việc đánh Khmer Đỏ.

Hiện tài khoản TikTok chính thức của ông Hun Sen có hơn 900.000 lượt theo dõi và hơn 20 triệu lượt yêu thích.

Ông Hun Sen thông báo trên Facebook vào ngày 3/9/2023:

“Tôi quyết định sử dụng lại Facebook, kết hợp với Twitter, YouTube, TikTok, Telegram và Instagram sau khi Facebook bác những đề nghị của nhóm xấu xa và trả sự công bằng cho tôi.”

Trước đó, hồi tháng 7/2023, ông Hun Sen đã xóa Facebook và đe dọa sẽ chặn nền tảng này tại Campuchia sau khi tài khoản của ông bị ban giám sát của Meta đề nghị đình chỉ trong 6 tháng.

Khi đó, ông Hun Sen đã kêu gọi người Campuchia chuyển sang các nền tảng truyền thông xã hội khác mà ông đã chuyển sang, bao gồm Telegram và TikTok.

Ông Hun Sen là một chính trị gia hoạt động tích cực trên các nền tảng mạng xã hội, đây cũng là điểm khác biệt, nếu so với các chính trị gia Việt Nam.

Ông Sok Chenda Sophea gặp ông Nguyễn Huy Tăng
Chụp lại hình ảnh,Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Sok Chenda Sophea đã có cuộc gặp với Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng vào ngày 20/5

Hôm qua (20/5), Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Campuchia Sok Chenda Sophea đã có cuộc gặp với Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng liên quan đến vấn đề này, theo thông tin đăng trên trang web chính thức của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền.

Ông Sok Chenda Sophea nói rằng chính phủ Hoàng gia Campuchia bị sốc trước các lời bình luận trên TikTok xúc phạm lãnh đạo cấp cao của Campuchia liên quan đến dự án Phù Nam Techo.

Theo tường thuật của CPP, ông Nguyễn Huy tăng đồng ý rằng việc đăng những nội dung thóa mạ là hành động tiêu cực và cần có sự hợp tác giữa giới chức hai nước trong việc điều tra xem ai đứng đằng sau vụ việc.

Siêu dự án Phù Nam Techo đang thổi bùng căng thẳng ngoại giao giữa Việt Nam và Campuchia.

Ông Hun Sen và ông Hun Manet liên tục đưa ra những tuyên bố đanh thép về quyết tâm thực hiện dự án.

Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc được xác nhận là công ty thực hiện nghiên cứu khả thi dự án kênh đào Phù Nam Techo và cũng là công ty đầu tư vào kênh đào này.

Campuchia luôn bác bỏ việc vay tiền Trung Quốc để xây kênh đào, mà chỉ đề cập sẽ tiến hành theo cơ chế đối tác công-tư (PPP), không theo khuôn khổ khoản nợ từ đối tác phát triển nào.

Thủ tướng Hun Manet đã khẳng định siêu dự án Phù Nam Techo sẽ do các đối tác Trung Quốc xây dựng, theo hợp đồng BOT (xây dựng – vận hành – chuyển giao).

‘Hãy động thổ sớm’ kênh đào Phù Nam Techo

Ông Hun Sen và ông Hun Manet
Chụp lại hình ảnh,Kênh đào Phù Nam Techo đã thổi bùng căng thẳng giữa Việt Nam và Campuchia

Ông Hun Sen gần đây đã lên tiếng phủ nhận siêu dự án này thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.

“Dự án này hoàn toàn không liên quan gì đến Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Dự án 100% do Campuchia khởi xướng,” ông tuyên bố, theo Khmer Times tường thuật vào ngày 20/5.

Ông Hun Sen đã đáp trả trước nhiều bình luận trong giới đối lập tại Campuchia và lời kêu gọi từ phía Việt Nam về việc chia sẻ thêm thông tin về dự án kênh đào Phù Nam Techo.

Ông Hun Sen gần đây cũng hối thúc đẩy nhanh tiến độ khởi công siêu dự án này.

“Tôi đề nghị tân thủ tướng và chính phủ không chờ đợi quá lâu. Nếu có thể động thổ sớm thì hãy thực hiện bởi vì sẽ có thêm nhiều phản ứng. Chúng ta cần suy nghĩ cho nền kinh tế của mình. Chúng ta cần suy nghĩ cho nền độc lập của chúng ta.”

“Tôi tin rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng muốn Campuchia có một tuyến đường thủy độc lập và không muốn tàu chở container của Campuchia vướng thông quan trong tuyến đường thủy của họ,” Khmer Times dẫn lời ông Hun Sen.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ba lần lên tiếng chính thức về dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia, tính từ ngày 11/4 đến nay.

Ủy ban sông Mekong Việt Nam đã từ chối trả lời yêu cầu phỏng vấn của BBC.

Bộ Giao thông Công chánh Campuchia cho đến nay chưa phản hồi trước yêu cầu bình luận của BBC qua email từ ngày 8/3.

Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol nói với Reuters hôm 7/5 rằng kênh đào Phù Nam Techo sẽ cắt giảm tới 70% lượng hàng hóa vận chuyển qua các cảng Việt Nam.

Trong khi đó, vào ngày 24/4, một bài viết trên tạp chí Giao thông thuộc Bộ Giao thông – Vận Tải Việt Nam nêu nhận định từ Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho thấy dự án này không mang lại lợi ích cho Campuchia xét về vận tải đường thủy vì tuyến đường di chuyển sẽ dài hơn.

“Khi dự án hoàn thành, trong trường hợp hàng hóa từ Phnom Penh đi các quốc gia phía Đông như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… qua tuyến kênh Funan Techo ra cảng biển Kampot, sau đó tiếp tục vòng qua mũi Cà Mau của Việt Nam khi ngang qua khu vực Cái Mép-Thị Vải thì chiều dài quãng đường sẽ là 900 km.

Như vậy, khi so sánh với tuyến vận tải truyền thống theo Hiệp định giữa hai Chính phủ Việt Nam và Campuchia qua tuyến sông Tiền đến Cái Mép-Thị Vải hiện nay với quãng đường gần 400 km thì quãng đường mới sẽ dài hơn 500 km. Vì thế, tuyến kênh đào mới chưa thật sự mang lại hiệu quả xét về góc độ vận tải đường thủy.”

Trong khi đó, ông Hun Sen và ông Hun Manet luôn giữ vững lập trường rằng dự án chỉ thuần túy mang mục đích phát triển kinh tế-xã hội cho Campuchia, cải thiện đời sống cho 1,6 triệu cư dân sống dọc theo tuyến kênh, kịch liệt bác bỏ khả năng kênh đào có thể được sử dụng vì mục đích quân sự và nói rằng kênh đào không có tác động xấu đến môi trường.

Sông Mekong

Getty Images

Quy mô kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia

  • Độ dài và chi phí ước tính 180 km và 1,7 tỷ USD
  • Rộng 100 m ở thượng nguồn
  • Rộng 80 m ở hạ nguồn
  • Độ sâu 5,4 m
  • Thời gian xây dựng 4 năm

Nguồn: Thông tấn xã Campuchia (APK)

Bài Liên Quan

Leave a Comment