Ông Tô Lâm sẽ làm Chủ tịch nước kiêm Bộ trưởng công an: tiền lệ và hệ quả?

RFA
2024.05.20

Ông Tô Lâm sẽ làm Chủ tịch nước kiêm Bộ trưởng công an: tiền lệ và hệ quả?

Bộ trưởng Công an Tô Lâm (bên phải) tại Đại hội 12 ở Hà Nội ngày 28/1/2016 (ảnh minh hoạ)

AFP

Hôm 19/5/2024, ông Bùi Văn Cường, Tổng thư ký Quốc hội Việt Nam, cung cấp một thông tin khiến trong giới quan sát chính trị Việt Nam xôn xao. Đó là Trung ương ĐCSVN “thống nhất rất cao” giới thiệu Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giữ chức Chủ tịch nước; việc bỏ phiếu cho vị trí mới của ông Tô Lâm sẽ diễn ra ngày 22/5/2024; đồng thời, “Trung ương chưa giới thiệu nhân sự Bộ trưởng Công an, nên Quốc hội chưa phê chuẩn hay miễn nhiệm chức danh này tại kỳ họp thứ 7.” Như vậy, trong thời gian tới, ông Tô Lâm sẽ vừa là Chủ tịch nước vừa là Bộ trưởng Công an. Sự kiện này có ý nghĩa gì đối với tương lai chính trị của Việt Nam trong những tháng tới và lâu dài? Chúng ta có thể giải thích sự kiện này theo những cách nào?

Lặp lại tiền lệ Nguyễn Phú Trọng 

Hầu hết các nhà quan sát đều nói với RFA rằng việc ông Tô Lâm kiêm nhiệm hai vị trí như vậy không phải là không có tiền lệ. Giáo sư Carl Thayer (Đại học Canberra, Úc), cho rằng trường hợp ông Tô Lâm kiêm nhiệm hai chức vụ đã từng có tiền lệ là ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kiêm chủ tịch nước sau khi Trần Đại Quang qua đời. Ông Trọng giữ chức vụ kiêm nhiệm trong hai năm rưỡi (tháng 10 năm 2018-tháng 4 năm 2021). Theo GS. Carl Thayer, ông Lâm cũng sẽ giữ cả hai chức vụ trong hai năm. Nói cách khác, trường hợp của ông Tô Lâm nên được xem là “sui generic” tức là “có một không hai.” GS. TS. Nguyễn Văn Chữ (Đại học Houston at Downtown) cũng chia sẻ một góc nhìn tương tự ông Carl Thayer:

“Đây không phải là lần đầu tiên một người kiêm nhiệm hai vị trí. Trước đây Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kiêm nhiệm chủ tịch nước. Ngoài ra, ông Trọng đúng ra không được ngồi nhiệm kỳ ba nhưng ông ấy đã không về hưu. Nếu ông Trọng đã làm vậy thì ông Tô Lâm cũng có thể làm được.” 

Theo GS. Nguyễn Văn Chữ, những chuyện này nếu ở quốc gia khác thì sẽ bị thách thức ngay, nhưng ở Việt Nam thì một khi Bộ Chính trị đã quyết định, thì như bà Nguyễn Thị Kim Ngân từng nói, Bộ Chính trị đã quyết định thì Quốc hội sẽ làm. 

GS Carl Thayer nhận xét rằng quá trình chuyển đổi lãnh đạo hiện nay diễn ra trong bối cảnh là hệ thống lựa chọn ủy viên Bộ Chính trị của Việt Nam còn rất cứng nhắc: có rất ít sự lựa chọn vì cứ 5 năm mới chọn một lần khi tổ chức đại hội đảng toàn quốc. Trong trường hợp hiện tại, tình trạng xơ cứng trở nên trầm trọng hơn khi sáu ủy viên trong số 18 ủy viên ban đầu được bầu tại Đại hội toàn quốc lần thứ 13 vào năm 2021 đã bị loại bỏ. 

Hệ quả gì với kinh tế chính trị Việt Nam?

Trả lời câu hỏi của RFA về những thay đổi trên thượng tầng chính trị Việt Nam có thể gây ra ảnh hưởng gì với kinh tế và chính trị của Việt Nam trong tương lai, GS Carl Thayer cho rằng có hai cách nhìn nhận hệ quả của việc ông Tô Lâm kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ Công an.

Thứ nhất, diễn biến này là một quyết định đúng đắn của Bộ Chính trị, theo GS. Carl Thayer, vì không có phương án khả thi nào khác. Đầu năm nay, sau khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng từ chức, Tô Lâm được cho là đã từ chối bổ sung vị trí trống đó và muốn giữ chức bộ trưởng công an. Lần này Bộ Chính trị sẽ rất khó buộc Tô Lâm từ chức bộ trưởng để được bầu làm chủ tịch nước.

Thứ hai, theo GS Carl Thayer, quyết định để Tô Lâm giữ cùng lúc hai chức vụ là một sự thỏa hiệp nhằm duy trì sự ổn định trong Bộ Chính trị. Ông Tô Lâm hoặc là sẽ nghỉ hưu sau Đại hội toàn quốc lần thứ XIV hoặc là ông sẽ dùng chức vụ chủ tịch nước làm bước đệm cho chức vụ tổng bí thư.

Hơn hai mươi năm trước, tháng 8/2002, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XI đã có bước đi chưa từng có là bác bỏ việc thủ tướng chính phủ đề cử Lê Minh Hương làm bộ trưởng công an. Chúng ta sẽ có nhiều định hướng để quan sát chính trị Việt Nam nếu xem cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội diễn ra như thế nào đối với việc đề cử ông Tô Lâm làm chủ tịch nước. Trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm năm ngoái, ông đã nhận được 43 phiếu tín nhiệm thấp, xếp ông vào vị trí thứ 36 trong số 44 quan chức cấp cao được bầu, nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam ở Đại học Canberra nhận định.

Theo GS. Nguyễn Văn Chữ, những xáo trộn trên thượng tầng chính trị Việt Nam tất yếu sẽ dẫn đến ảnh hưởng kinh tế. Bởi lẽ lợi thế lớn nhất của Việt Nam lâu nay trong việc cạnh tranh với các nước đang phát triển khác trong khu vực để thu hút đầu tư nước ngoài là nước này có chính trị ổn định.Vì vậy, chính trị xáo trộn thì đầu tư nước ngoài có thể bị ảnh hưởng.  

Bộ Chính trị có bị “công an hóa”?

Hiện Bộ chính trị có năm ủy viên xuất thân công an là Tô Lâm, Phạm Minh Chính, Nguyễn Văn Nên, Phan Đình Trạc, Nguyễn Hòa Bình. Như vậy, những người xuất thân từ công an chiếm 5/16 người. Sau khi bầu bổ sung hôm 17/5/2024, cơ quan lãnh đạo cao nhất của ĐCSVN này hiện có ba tướng quân đội là Phan Văn Giang, Lương Cường và Nguyễn Trọng Nghĩa. 

GS Carl Thayer cho biết là Đại hội toàn quốc lần thứ 13 đã xác định chỉ tiêu được phân bổ cho các khối đặc biệt trong Ban Chấp hành Trung ương. Bộ Công an được phân bổ 3% số ủy viên trong Ban Chấp hành Trung ương và một ghế trong Bộ Chính trị. Quân đội được phân bổ 13% số ghế trong Ban Chấp hành Trung ương và hai ghế trong Bộ Chính trị.

Về đại diện khối, theo GS. Carl Thayer, một số nhà phân tích nước ngoài đã phân nhóm một cách sai lầm rằng tất cả các quan chức trong Ban Chấp hành Trung ương từng làm việc trong Bộ Công an, như thể họ là một nhóm thống nhất, đang tìm cách phát huy quyền lực của công an trong bộ máy đảng. Theo ông, cần phân biệt rõ giữa người tại ngũ trong Bộ Công an (ba người trong Ban Chấp hành Trung ương) và những người có sự nghiệp phục vụ trong Bộ Công an trước khi chuyển sang chức vụ khác. 

Theo GS Carl Thayer thì những người xuất thân công an này hành động độc lập với người lãnh đạo cũ của họ. Ông đưa ra hai ví dụ, thứ nhất là cựu thủ tướng “phóng khoáng” Nguyễn Tấn Dũng từng làm việc trong Bộ Công an trước khi chuyển sang bộ máy quan liêu nhà nước. Thứ hai là Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc cho Bộ Công an từ năm 1985 đến năm 2011. Sự nghiệp của ông Chính chuyển sang Đảng Cộng sản Việt Nam khi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh và Ủy viên Trung ương năm 2011.

Tóm lại, theo GS Carl Thayer, “quyền lực của Bộ Công an chưa chuyển sang Bộ Chính trị.” Ngoài ra, bất kỳ quyết định quan trọng nào của Bộ Chính trị đều phải được Ban Chấp hành Trung ương chấp thuận. Trong khi đó, tại BCH Trung ương, 37% số ghế do đại diện tỉnh/thành phố nắm giữ, GS Carl Thayer lưu ý. 

Liệu sự kiện ông Tô Lâm làm chủ tịch nước kiêm nhiệm bộ trưởng công an có thể tạo tiền lệ cho các bộ trưởng công an tiếp theo không? Liệu các thế hệ bộ trưởng công an tiếp theo có thể tiếp tục làm được những gì ông Tô Lâm đã làm? Trả lời câu hỏi này của RFA, GS. Carl Thayer cho rằng trường hợp của Tô Lâm sẽ tạo tiền lệ cho tương lai, chỉ khi ông nghỉ hưu khi hết nhiệm kỳ, tức là vào tháng 5 năm 2026. Nói cách khác, tiền lệ là chỉ được giữ hai chức vụ cùng lúc khi có chỗ trống đột xuất. Các Bộ trưởng Bộ Công an tương lai không thể kỳ vọng sẽ đảm nhiệm hai chức vụ cùng một lúc trong hoàn cảnh bình thường.

Bài Liên Quan

Leave a Comment