Cho phép Ukraina dùng vũ khí phương Tây để tấn công Nga : Các đồng minh đã bớt e ngại

Trước chiến dịch tấn công ồ ạt của quân Nga tại Ukraina, chỉ trong vòng một tháng đã chiếm được hơn 600 km2 đất, đặc biệt là tại vùng Kharkiv, một số đồng minh phương Tây đã bắt đầu thay đổi quan điểm về vấn đề sử dụng những vũ khí viện trợ cho Kiev.

Đăng ngày: 22/05/2024

L'adaptation de missiles Storm Shadow - Scalp - sur les avions ukrainiens Su-24 est désormais largement documentée sur les réseaux.
Ảnh minh họa : Tên lửa Storm Shadow – Scalp do Anh và Pháp cung cấp cho Kiev được điều chỉnh để lắp đặt trên chiến đấu cơ Su-24 của Ukraina. © Capture d’écran/ RFI

Thanh Phương

Từ đầu cuộc chiến đến nay, các nước đồng minh của Ukraina vẫn yêu cầu Kiev không được tấn công vào lãnh thổ Nga để hạn chế nguy cơ leo thang với một cường quốc hạt nhân. Nói cách khác là Ukraina chỉ được quyền dùng vũ khí viện trợ của phương Tây tự vệ chứ không được tấn công Nga. 

Nhưng vào đầu tháng 5, Anh Quốc, nước cung cấp cho Ukraina nhiều vũ khí, đặc biệt là tên lửa hành trình Storm Shadow, đã cho phép Kiev sử dụng vũ khí của Anh để tấn công vào lãnh thổ Nga. Khi đến thăm Kiev ngày 03/05, ngoại trưởng David Cameron đã tuyên bố công khai : “Các cuộc tấn công của Ukraina vào những mục tiêu ở Nga là hoàn toàn chính đáng”.

Sau đó, đến lượt Hoa Kỳ cũng cho thấy đang thay đổi lập trường, tuy chưa rõ ràng như Anh Quốc. Đến thăm Kiev ngày 15/05, ngoại trưởng Antony Blinken đã gợi ý rằng lực lượng Ukraina có thể tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí do Washington cung cấp. Lãnh đạo ngoại giao Mỹ tuyên bố : “Chúng tôi không khuyến khích hay tạo điều kiện cho các cuộc tấn công bên ngoài Ukraina, nhưng chính Ukraina quyết định về cách thức tiến hành cuộc chiến này”. Tuy nhiên, ngay hôm sau, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lại khẳng định rằng quan điểm của Mỹ về vấn đề này vẫn chưa thay đổi : “Chúng tôi không khuyến khích cũng như không cho phép các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga”. 

Về các đồng minh khác của Ukraina, trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình LCI của Pháp ngày 20/05, ông Gabrielius Landsbergis, ngoại trưởng của Litva, một trong ba nước vùng Baltic, cũng đã cho rằng Ukraina phải được quyền sử dụng vũ khí của phương Tây để tấn công nước Nga. Ông Landsbergis nhấn mạnh : “Từ đầu, chúng ta đã sai lầm khi hạn chế khuôn khổ hành động của Ukraina, vì sợ bị xem là leo thang. Chúng ta phải cho phép Ukraina sử dụng các vũ khí mà chúng ta cung cấp để họ có thể đạt được những mục tiêu chiến lược. Họ phải được quyền đánh vào lãnh thổ Nga, đánh vào các tuyến cung ứng, vào các đơn vị quân đội đang chuẩn bị tấn công Ukraina.”

Trong khi đó, về mặt chính thức, Pháp hiện chưa thay đổi lập trường trên vấn đề này. Thế nhưng, hôm 17/05, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ Viện Pháp, ông Jean-Louis Bourlanges, đã ra một thông cáo kêu gọi Paris nên ra một quyết định tương tự như của Anh và Mỹ. Đối với ông Bourlanges, “sự thay đổi về chủ thuyết này là hoàn toàn chính đáng, bởi vì nó chấm dứt tình trạng bất đối xứng không thể chấp nhận được giữa kẻ bị xâm lược và kẻ xâm lược.” 

Kể từ khi nổ ra chiến tranh, toàn bộ lãnh thổ Ukraina trên thực tế đã bị Nga tấn công bằng các loại vũ khí tầm xa, cũng như bằng các loại vũ khí do các đồng minh của Matxcơva cung cấp, đặc biệt là tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên và drone của Iran. Lực lượng của Kiev cũng đang tấn công sâu vào trong lãnh thổ của Nga, nhưng cho đến nay chỉ sử dụng vũ khí sản xuất trong nước, đặc biệt là các drone, mà gần đây đã được dùng để oanh kích vào các cơ sở năng lượng của Nga. 

Trong thông cáo nói trên, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ Viện Pháp đặt vấn đề : “Nhân danh điều gì mà chúng ta từ chối cho Ukraina quyền đáp trả các cuộc tấn công mà họ là nạn nhân?”. Và ông Bourlanges trả lời : “Quyền tự vệ phải loại trừ quyền bảo vệ lãnh thổ của kẻ xâm lược”. Tuy nhiên, vị dân biểu Hạ Viện Pháp nhấn mạnh “các nước bạn của Ukraina nhất quyết sẽ không là bên tham chiến”. Vấn đề không phải là can thiệp vào chiến trường, mà là “dỡ bỏ một điều cấm kỵ phi lý”

Từ nhiều tuần qua, điện Kremlin đã cảnh cáo các nước phương Tây về việc sử dụng vũ khí được giao cho Ukraina để tấn công vào lãnh thổ nước Nga. Hôm 18/05, bộ Quốc Phòng Nga cáo buộc rằng bom dẫn đường Hammer của Pháp đã được Kiev sử dụng để oanh tạc vùng Belgorod của Nga, giáp với tỉnh Kharkiv của Ukraina, nơi quân Nga đang mở một chiến dịch tấn công mới. Paris đã bác bỏ cáo buộc đó.

Bài Liên Quan

Leave a Comment