Sáng 22/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính phân công Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ điều hành hoạt động của Bộ Công an sau khi Bộ trưởng, Đại tướng Tô Lâm trở thành chủ tịch nước. Quốc hội cũng đã thông qua nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng miễn nhiệm Bộ trưởng Công an với Đại tướng Tô Lâm.
Báo chí Việt Nam đưa tin Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Công an, sẽ điều hành hoạt động của Bộ cho đến khi cấp có thẩm quyền kiện toàn chức danh Bộ trưởng.
Thượng tướng Trần Quốc Tỏ là em trai của ông Trần Đại Quang, người từng làm bộ trưởng Bộ Công an từ năm 2011 đến năm 2016, sau đó làm chủ tịch nước từ năm 2016 cho đến khi qua đời vào tháng 9/2018.
Đúng như BBC đưa tin trước đó, do trong kỳ họp này của Quốc hội không có nội dung xem xét nhân sự để bổ nhiệm bộ trưởng Công an nên khả năng cao Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ phân công cho thứ trưởng phụ trách bộ này.
Thượng tướng Trần Quốc Tỏ là thứ trưởng thường trực và là phó bí thư Đảng ủy Công an Trung ương nên ông có khả năng cao nhất trở thành người đảm đương trọng trách. Nhận định này đã được chứng minh bằng thực tế vào sáng nay (22/5).
Trước đó, ngày 19/5, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường thông báo rằng tại Hội nghị lần thứ 9, Trung ương chưa giới thiệu nhân sự bộ trưởng Công an.
Ông Cường còn tiết lộ thêm, nội dung nhân sự bộ trưởng Công an vẫn chờ cơ quan có thẩm quyền, Bộ Chính trị xem xét, quyết định.
Điều này cho thấy nhân sự chính thức ngồi vào vị trí bộ trưởng Công an vẫn chưa được Bộ Chính trị thống nhất nên việc Thượng tướng Tỏ điều hành bộ Công an là phương án tạm thời.
Miễn nhiệm Bộ trưởng Công an Tô Lâm
Sáng 22/5, ngay sau khi bầu ông Tô Lâm làm chủ tịch nước, Quốc hội đã thông qua nghị quyết phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm chức bộ trưởng Bộ Công an đối với ông Tô Lâm.
Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ bộ trưởng Công an đối với ông Tô Lâm được thông qua với 465/465 đại biểu tán thành.
Nghị quyết sẽ có hiệu lực kể từ ngày 22/5.
Việc thực hiện miễn nhiệm chức vụ bộ trưởng Bộ Công an đối với Đại tướng Tô Lâm được Quốc hội thống nhất bổ sung chương trình kỳ họp thứ 7 vào chiều 21/5.
Trong tờ trình do Tổng thư ký Bùi Văn Cường trình nêu rõ căn cứ ý kiến cấp có thẩm quyền, căn cứ quy định pháp luật, xem xét đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình các đại biểu xem xét thông qua điều chỉnh chương trình kỳ họp, bổ sung nội dung miễn nhiệm chức vụ bộ trưởng Bộ Công an.
Trước đó, vào ngày 19/5, cũng chính ông Cường nói rằng kỳ họp thứ 7 của Quốc hội không có nội dung miễn nhiệm Bộ trưởng Công an Tô Lâm và phê chuẩn người thay thế.
Tuy nhiên, nội dung miễn nhiệm đã được bổ sung vào sau khi kỳ họp đã khai mạc. Còn việc đề cử người để Quốc hội phê chuẩn cho vị trí bộ trưởng Bộ Công an vẫn chưa có.
Trong thời gian ghế bộ trưởng còn trống, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ được phân công phụ trách bộ này.
Tiền lệ Bộ Y tế
Việc phân công thứ trưởng phụ trách điều hành hoạt động của một bộ đã từng có tiền lệ.
Ngày 7/6/2022, trong khuôn khổ kỳ họp thường kỳ thứ 3, Quốc hội đã phê chuẩn cách chức bộ trưởng Y tế và bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Nguyễn Thanh Long.
Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ đã giao Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư đảng ủy, phụ trách điều hành hoạt động của Bộ Y tế “cho đến khi có quyết định nhân sự bộ trưởng bộ Y tế của cơ quan có thẩm quyền.”
Tới ngày 15/7/2022, Bộ Chính trị chỉ định bà Đào Hồng Lan giữ chức Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Y tế. Thủ tướng Phạm Minh Chính sau đó quyết định giao quyền Bộ trưởng Y tế cho bà Lan.
Tháng 10/2/2022, bà Lan chính thức trở thành bộ trưởng Y tế khi được Quốc hội phê chuẩn.
Điều này cho thấy nhân sự chính thức ngồi vào vị trí bộ trưởng Công an vẫn chưa được Bộ Chính trị thống nhất nên việc Thượng tướng Tỏ điều hành bộ Công an chỉ là phương án tạm thời.
Thượng tướng Trần Quốc Tỏ là ai?
Thượng tướng Trần Quốc Tỏ sinh năm 1962, quê ở Ninh Bình, ông là phó giáo sư ngành khoa học an ninh, tiến sĩ tội phạm học và điều tra tội phạm.
Ông Tỏ là đại biểu Quốc hội khóa 14, 15 và là ủy viên Trung ương Đảng hai khóa 12, 13.
Ông Tỏ từng kinh qua các vị trí phó cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường, Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm; phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm; phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an.
Năm 2014, ông được điều động giữ chức phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên và sau đó được bầu làm bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên.
Tháng 5/2020, ông Trần Quốc Tỏ trở thành thứ trưởng Bộ Công an và giữ chức thứ trưởng Công an cho tới nay.
Trong số các thứ trưởng hiện tại, ông Tỏ là thượng tướng duy nhất có trên một nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng, một điều kiện cần để trở thành ủy viên Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, ông Tỏ đã không nằm trong số ủy viên được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị tại Hội nghị Trung ương 9 vừa rồi. Vì vậy, ông khó có khả năng trở thành bộ trưởng Công an chính thức.
Bộ trưởng Công an là ủy viên Bộ Chính trị là một thông lệ, dù đây không phải là quy định bắt buộc.
Các đời bộ trưởng Công an từ sau 1975 tới nay đều có một điểm chung, đó là tất cả đều đã được bầu vào Bộ Chính trị trước, rồi sau đó mới lên làm bộ trưởng Công an.
Thêm nữa, bộ trưởng Công an là chức danh đầy quyền lực, có thẩm quyền điều tra sâu rộng, nếu không có chân trong Bộ Chính trị thì sẽ không thể tham gia các cuộc họp vốn đưa ra những quyết định trọng đại đối với nội bộ của Đảng và của đất nước.
Vì vậy, trước mắt, ông Tỏ chỉ được phân công điều hành hoạt động của Bộ Công an chứ khó có thể trở thành bộ trưởng Công an chính thức, trừ khi sắp tới ông được bổ sung vào Bộ Chính trị.
Ông Trần Quốc Tỏ là em trai ruột của cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Gia đình ông có sáu anh chị em, trong đó bốn anh em trai là Vinh, Quang, Sáng, Tỏ; hai người con gái tên là Nguyệt và Tuyết.
Khi ông Trần Đại Quang qua đời vào năm 2018, báo Tiền Phong viết:
“Năm 1962, khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang mới vào tiểu học, em trai út Trần Quốc Tỏ mới sinh được 3-4 tháng thì cha mất…
“Do nhà quá nghèo, đông anh em, nên từ nhỏ Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã giúp mẹ làm nhiều việc nhà nông. Ông nổi tiếng trong vùng vì học giỏi, chăm chỉ, điềm tĩnh, và trầm tính.”
Năm 2023, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ đã chủ trì cuộc họp bàn tổ chức sản xuất phim về cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang và sản xuất phim tài liệu điện ảnh hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân.
Ai sẽ làm bộ trưởng?
Theo thông báo thì Thượng tướng Trần Quốc Tỏ sẽ điều hành hoạt động của bộ Công an chứ không phải làm quyền bộ trưởng, cho đến khi cấp có thẩm quyền kiện toàn chức danh bộ trưởng.
Cấp thẩm quyền ở đây, theo lời của Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường ngày 19/5 thì chính là Bộ Chính trị.
Việc ông Tỏ chỉ được giao điều hành bộ nghĩa là ông không có quyền hạn của bộ trưởng.
Như phân tích ở trên, để làm bộ trưởng một bộ quyền lực như bộ Công an thì cá nhân này phải ngồi trong Bộ Chính trị.
Vì vậy, nếu bầu bộ trưởng Công an chính thức, khả năng cao Đảng sẽ chọn người trong số 16 ủy viên Bộ Chính trị hiện tại.
Ngoài ông Tô Lâm và ông Phạm Minh Chính, còn có một số ủy viên khác có xuất thân từ ngành công an, gồm: ông Phan Đình Trạc, cựu Giám đốc Công an Nghệ An; ông Nguyễn Hòa Bình, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng thuộc Bộ Công an và ông Nguyễn Văn Nên – người từng là cán bộ công an cấp huyện.
Ông Phan Đình Trạc, sinh năm 1958, quê ở Nghệ An, từng làm giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, với cấp hàm đại tá. Ông cũng có chân trong Ban Bí thư và hiện là Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng.
Một số ý kiến cho rằng nếu ông Tô Lâm vào “Tứ Trụ”, khả năng cao ông Trạc sẽ là người thay thế ở vị trí Bộ trưởng Bộ Công an. Nếu ông Trạc vào vị trí bộ trưởng Công an, dự kiến chiến dịch đốt lò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục “nóng”.
Ông Nguyễn Hòa Bình sinh năm 1958, quê ở Quảng Ngãi. Hiện ông giữ chức Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao. Ông tốt nghiệp trường Đại học An ninh Nhân dân và từng kinh qua các chức vụ trong Bộ Công an từ năm 1992 đến năm 2008.
Trong thời gian này, ông Bình làm phó tổng cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát kiêm cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra án tham nhũng. Ông cũng là phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an và mang hàm thiếu tướng.
Ông Nguyễn Văn Nên sinh năm 1957, quê ở Tây Ninh. Trước khi vào Trung ương Đảng vào năm 2011, ông Nên từng là chủ tịch Ủy ban Nhân dân và bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh. Ông từng là trưởng Công an huyện Gò Dầu từ năm 1989 – 1991.
Ông Nên được đánh giá là một cán bộ mẫn cán, gần gũi dân. Trong đại dịch Covid-19, ông từng phát biểu “xin nhân dân lượng thứ” cho những lúng túng của chính quyền thành phố. Câu nói này của ông được nhiều người khen ngợi là chân thành.
Xét tiền lệ và quy định, bộ trưởng Công an không nhất thiết phải là người có xuất thân từ ngành Công an.
Chẳng hạn, Đại tướng Lê Hồng Anh, người làm bộ trưởng Bộ Công an từ năm 2002 đến 2011, là một cán bộ Đảng, chưa từng hoạt động trong ngành công an. Trước khi làm lãnh đạo bộ Công an, ông Lê Hồng Anh là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng. Sau khi làm bộ trưởng Công an, ông đã được phong cấp hàm đại tướng.
Xét lại trường hợp của Đại tướng Lê Hồng Anh thì Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú cũng có thể là ứng cử viên thay ông Tô Lâm.
Ông Trần Cẩm Tú cũng đang giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ông sinh năm 1961 và có lợi thế về tuổi tác khi là một trong ba ủy viên Bộ Chính trị sẽ chưa quá 65 tuổi vào thời điểm Đại hội 14. Ông cũng là người có chân trong Ban Bí thư.
Ông Trần Cẩm Tú quê ở Hà Tĩnh. Ông là ủy viên Trung ương Đảng khóa 11,12 và 13. Tháng 5/2018, ông được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa 12 và được bầu bổ sung vào Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa 12. Xét vai trò thì Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng có chức năng kiểm tra, giám sát, đề nghị kỷ luật cán bộ cấp cao, những hoạt động rất gần với công an.