Hôm thứ Ba 21/5, chuyến bay SQ321 của Singapore Airlines từ London đến Singapore đã gặp bị nhiễu động mạnh, khiến một hành khách người Anh tên Geoff Kitchen thiệt mạng.
Tuy nhiễu động ở mức độ này hiếm khi xảy ra, các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng biến đổi khí hậu có thể làm gia tăng tần suất của hiện tượng này.
Máy bay Singapore Airlines gặp loại nhiễu động nào?
Để hiểu được liệu biến đổi khí hậu có liên quan tới sự cố của chuyến bay SQ321, chúng ta cần hiểu được loại nhiễu động mà máy bay này đã gặp phải.
Nhiễu động có thể hiểu là sự chuyển động không đều của không khí, do đó tạo ra các luồng gió. Khi gặp phải những luồng gió này, máy bay có thể bị rung lắc theo chiều ngang/dọc, hoặc mất độ cao đột ngột.
Có nhiều lý do khiến máy bay gặp nhiễu động, bao gồm các luồng không khí thổi qua núi, hoặc mây và thời tiết xấu.
Hiện vẫn chưa xác định được loại nhiễu động mà SQ321 gặp phải.
Nhưng nếu dựa theo dự báo thời tiết, khả năng cao SQ321 đã gặp nhiễu động “vùng trời quang” hoặc nhiễu động bão.
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới nhiễu động ‘vùng trời quang’?
Nhiễu động “vùng trời quang” xảy ra khi có sự thay đổi hướng gió bên trong hoặc xung quanh “dòng tia” – một “dòng sông” không khí thường xuất hiện ở độ cao 30.000 – 60.000 feet (khoảng 9.000 – 18.000 mét).
Năm ngoái, các nhà khoa học thuộc Đại học Reading (Anh) phát hiện ra rằng tần suất xuất hiện loại nhiễu động này ở khu vực Bắc Đại Tây Dương đã tăng 55% trong khoảng thời gian từ năm 1979 đến năm 2020.
Theo họ, luồng không khí ấm (do ảnh hưởng của khí thải nhà kính) đang làm thay đổi tốc độ gió trong “dòng tia”.
Loại nhiễu động này nổi tiếng là gây khó khăn cho việc điều hướng của phi công.
Dù các tổ chức khí tượng có cung cấp cảnh báo về vị trí xuất hiện loại nhiễu động này, nó không thể được phát hiện bằng mắt hay trên hệ thống radar trong quá trình bay.
Giáo sư Paul Williams, một nhà khoa học khí tượng có tham gia vào nghiên cứu trên tại Đại học Reading, nói với BBC vào năm ngoái:
“Chúng ta nên đầu tư cải tiến các hệ thống dự báo và phát hiện nhiễu động để ngăn chặn các luồng khí mạnh hơn gây ảnh hưởng tới các chuyến bay trong thời gian tới.”
Vì sao bão gây ra nhiễu động không khí?
Các cơn bão mà có sấm, chớp và mưa giông đều được hình thành bởi mây vũ tích.
Loại mây này có thể cao tới tận tầng khí quyển, tức cao hơn hẳn mức bay thông thường.
Do đó, việc tránh loại mây này bằng cách bay bên trên chúng thường không khả thi.
Mây vũ tích được hình thành khi không khí ấm bốc lên với tốc độ nhanh, từ bề mặt Trái đất lên thẳng tầng khí quyển.
Tại đó, luồng không khí này nguội đi và ngưng tụ thành mây.
Trong các đám mây vũ tích, các luồng đối lưu không khí có thể di chuyển rất nhanh và tạo ra nhiễu động.
Mây vũ tích gây ra sấm có các luồng không khí rất mạnh – nguồn năng lượng có thể tương đương với 10 quả bom nguyên tử được thả ở Hiroshima.
Theo dự báo thời tiết, đã có bão ở gần khu vực máy bay Singapore Airlines di chuyển hôm 21/5.
Theo lãnh đạo của hãng, chuyến bay SQ321 đã gặp sự cố ở phía trên lưu vực sông Irrawaddy của Myanmar, ở độ cao 37.000 feet (khoảng 11.278 mét)
Biến đổi khí hậu gia tăng cường độ của bão?
Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), một tổ chức khoa học khí hậu của Liên Hợp Quốc, đã có bằng chứng rõ ràng cho thấy cường độ của các cơn bão nhiệt đới ngày tăng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Có hai nguyên nhân cho việc này.
Biến đổi khí hậu làm các đại dương nóng hơn, khiến nước bốc hơi nhiều hơn, bổ sung nhiệt độ và độ ẩm vào không khí.
Không khí ấm hơn có thể chứa nhiều độ ẩm hơn, dẫn đến gió mạnh hơn và lượng mưa lớn hơn trong các cơn bão – những tác nhân gây ra nhiều hơn hiện tượng nhiễu động không khí nghiêm trọng.
Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có bằng chứng cụ thể cho thấy tần suất của các cơn bão nhiệt đới đang tăng.
Tiếp theo là gì?
Trong vài tháng tới, các nhà điều tra sẽ kiểm tra dữ liệu hệ thống của SQ321 để hiểu chính xác điều gì đã xảy ra.
Những dữ liệu này “có thể được sử dụng trong nghiên cứu khoa học, giúp tìm hiểu nguyên nhân gây ra nhiễu động và cải thiện hệ thống dự báo,” Giáo sư Williams nói.